Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Ôm 'Sứ giả thời tiền sử" trên cổng trời Bidoup


ÔM “SỨ GIẢ THỜI TIỀN SỬ” TRÊN CỔNG TRỜI BIDOUP


Áp má vào lớp vỏ cây cổ sinh nghìn năm bám đầy rêu phong mát lạnh, vòng tay ôm thân đại thụ khổng lồ, tôi thấy mình hạnh phúc hơn chuyên gia lâm sinh A.Tastagsceh (Viện hàn lâm Liên Xô), người từng kêu lên: Ước gì tôi được sang Việt Nam, sờ tay lên cây Pinus Krempfii rồi chết cũng mãn nguyện.



Tác giả tận hưởng hạnh phúc được ôm một Sứ giả thời tiền sử

Loài thông cổ với đặc trưng có hai lá dẹt hình lưỡi kiếm, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam được các nhà khoa học gọi là “Sứ giả thời tiền sử”, do đã xuất hiện trên cao nguyên Langbiang từ hàng triệu năm về trước, cùng thời với loài khủng long. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, nhà thực vật học người Đức M. Kremplii mới phát hiện ra sự sống sót của loài “hóa thạch sống” này. Điều gây sửng sốt, là qua hàng nghìn năm tồn tại, thông hai lá dẹt hầu như không có sự biến đổi đáng kể nào về gen.



Cây thông 2 lá dẹt nào cũng nổi bật trên nền rừng vì kích cỡ đồ sộ
Gốc thông gân guốc nghìn năm

Ở Việt Nam, thông hai lá dẹt chỉ có vài quần thể trên các vùng núi cao phía Nam Trường Sơn thuộc các tỉnh Lâm Đồng (vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, huyện Lạc Dương), Khánh Hòa (khu vực Khánh Vĩnh, khu bảo tồn nhiên nhiên Hòn Bà) và Chư Yang Sin (Đắk Lắk). Do thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, mỗi năm đường kính chỉ tăng trưởng khoảng 1mm, nên những cây đường kính cỡ 2,5m trở lên đều có tuổi đời cả nghìn năm.



Dạng lá lạ mắt hình lưỡi kiếm của loài Thông 2 lá dẹt

Gần đây, VQG Bidoup Núi Bà đã nuôi cấy mô, rồi trồng thử nghiệm thành công giống thông cổ sinh này ở khu vực rừng Bidoup giữa 2 tỉnh Lâm Đồng-Khánh Hòa, tỉ lệ cây sống đạt khá cao. Đây là tin vui đối với nhiều nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu bảo tồn, nhân giống các “sứ giả thời tiền sử” hiếm quý khác như thủy tùng, sồi ba cạnh, thông năm lá… 



Tán cây không rậm nhưng vươn cao

Trong bối cảnh lực lượng giữ rừng nhiều tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên đang phải chịu đựng mức thu nhập thấp tới vô lý (số đông chỉ được nhận 3-7 triệu đồng/tháng), vì sống giữa nguồn tài nguyên rừng dồi dào, cảnh quan rừng tươi đẹp mà chưa đáp ứng đủ điều kiện khai thác, thì tỉnh Lâm Đồng đã triển khai cho doanh nghiệp thuê môi trường rừng để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái. 



Hệ sinh thái phong phú đa dạng của đại ngàn
Những thân cây bám đầy loài tầm gửi mu rùa đẹp mắt

Tiến sĩ Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xác nhận: Do đã bảo vệ tốt 140 ha rừng quanh điểm du lịch “Làng Cù Lần” suốt 9 năm qua, nên Công ty TNHH GBQ được tỉnh nhất trí cho Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng thực hiện dự án “Du lịch sinh thái Đại Ngàn kết hợp quản lý bảo vệ rừng” tại xã Lát, huyện Lạc Dương và xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, với tổng diện tích hơn 216 hecta. 



Lá thông rụng dưới gốc cây có gắn logo của Làng Cù Lần đơn vị tổ chức du lịch kết hợp bảo vệ rừng
Nhặt phong lan rơi đầy gốc thông 2 lá dẹt cổ sinh

Tuyến  tham quan đặc biệt nhất của dự án chính là đưa du khách từ Làng Cù Lần “phi” 8km trên những chiếc xe Jeep, Uaz mui trần lộng gió tới Cổng Trời, rồi đi bộ vào rừng vài km nữa theo hướng dễ tiếp cận nhất, để được tận thấy những cây thông lá dẹt nghìn tuổi, “sứ giả thời tiền sử”, như chúng tôi vừa được trải nghiệm.



Đoàn phóng viên say mê chiêm ngưỡng một cụ Thông nghìn tuổi

Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh- Tác giả nhiều ca khúc yêu rừng nổi tiếng, “linh hồn” và chủ nhân của Công ty GBQ cho biết: Đơn vị đang tiếp tục sửa sang 8 tuyến đường mòn sẵn có; Lắp thêm cầu gỗ, đặt bảng chỉ dẫn, làm lều trú chân, mua thêm khoảng 50 chiếc Uaz bổ sung cho đoàn xe hiện có 40 chiếc, vì năm 2019 chưa có tua này mà Làng Cù Lần đã đón tới 580 nghìn du khách, với giá vé vào làng 100 nghìn đồng/người.
“Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2020, chúng tôi sẽ mở cửa điểm dừng chân ở “Lãnh địa Khỉ Ho Cò Gáy” để đón khách có nhu cầu săn ảnh các loài chim quý, thưởng thức cà phê “Lộc trời” tuyệt ngon của đồng bào K’Ho buôn Đưng K’Nớ. Dự kiến tới lễ 2/9 tua du lịch Đại Ngàn đón khách tham quan rừng thông 2 lá dẹt cổ sinh sẽ chính thức đi vào hoạt động”. 



Bạn trẻ thích chụp ảnh tự sướng

“Ngoài việc tổ chức truyền bá, giáo dục, góp phần lan tỏa tình yêu rừng và ý thức bảo vệ môi trường cho công chúng, doanh nghiệp còn nộp 2% doanh thu từ hoạt động du lịch trên môi trường rừng cho Vườn Quốc gia, góp phần tăng thu nhập và bổ sung thêm nguồn quỹ bảo vệ rừng cho địa phương”- Ông Tuấn Anh chia sẻ. 
Điểm dừng chân thưởng thức cà phê Lộc TrờI và săn ảnh các loài chim quý



Đi bộ xuyên rừng hít thở không khí trong lành
Xe Jeep mui trần lộng gió

Hoàng Thiên Nga 

Không có nhận xét nào: