Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Quấy rối tình dục

Quấy rối tình dục

https://thoimoi.vn/... đăng ngày 29-02-20  10:51.



Nơi tôi làm việc, lâu lâu lại có một nhân viên tự dưng biến mất. Như năm vừa rồi, T. - đồng nghiệp nam khoảng 30 tuổi - một ngày bỗng không tới văn phòng.
Mọi người xôn xao hỏi nhau, "T. đâu rồi", "sao lại nghỉ đột ngột thế", "mới tuần trước còn thấy đi làm". Hai tuần sau, chúng tôi mới biết T. bị một số đồng nghiệp nữ tố cáo về việc liên tục rủ rê họ đi ăn, đi chơi, nhắn tin bỡn cợt, dùng lời lẽ khiêu khích, khơi gợi chuyện tình dục. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi T. cố ý đụng chạm vào cơ thể một em khi đi cùng thang máy. T. bị tố cáo. Công ty đã điều tra và sa thải theo đúng nội quy lao động của tổ chức.
"Thiệt luôn hả chị?", K. tròn xoe mắt khi nghe tôi kể lại chuyện trên lúc chúng tôi ngồi cạnh nhau tại một phòng khám tâm lý. K. bị rối loạn giấc ngủ. Em  hay mơ thấy ác mộng, la hét. "Người ta nói em bê đê, đồng nghiệp luôn coi thường, hạn chế giao tiếp", K. kể. Em bị cô lập, bị kỳ thị bằng những từ như "thằng bóng", "đàn bà thân xác đàn ông", em không hòa nhập được nơi làm việc nên phải nghỉ. Giờ K. ở nhà làm thêm nghề may, "cực quá trời chị ơi".
"Rồi có báo với công ty không?" tôi hỏi. K. cười lớn, "có mấy lần em báo nhưng ông chủ không nói gì, dần em hiểu mình không làm gì được đâu, mình chịu thôi". Thấy tôi nhăn mặt, K. lại cười phá lên. Em kể có người chị cũng hay bị ông này ông kia bỡn cợt, nhìn ngó, đẩy đưa, có khi còn tự ý chạm vào người. Hay như bạn em làm công nhân băng chuyền, cán bộ quản lý xuống cố tình đụng chạm, rủ đi nhà nghỉ. Nếu kêu lên hoặc phản ứng gay gắt thì mất việc, mà việc làm thời buổi khó kiếm nên phải chịu đựng cho qua. Chẳng những lao động nữ mà ngay cả nam giới như thằng M., bạn em cũng bị ông sếp sờ mó, rủ đi chơi xa các kiểu.
Chưa có thống kê đầy đủ và cập nhật về tình trạng quấy rối nơi làm việc tại Việt Nam. Nhưng theo khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động quốc tế công bố năm 2018, có đến 17% người được hỏi cho rằng chính họ hoặc một số người họ biết từng "nhận được đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc". Quấy rối tình dục trong lĩnh vực truyền thông là một vấn nạn phổ biến toàn cầu. Một cuộc khảo sát năm 2013 và 2014 cho thấy, 48% nhà báo nữ đã từng trải qua một hình thức bị quấy rối tình dục trong công việc, 83% thừa nhận rằng họ không tố cáo những hành vi này. Theo nghiên cứu "Phụ nữ và báo chí ở Việt Nam" do Viện Đào tạo báo chí Thuỵ Điển thực hiện năm 2018, tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27% phóng viên nữ được khảo sát cho biết đã từng bị quấy rối tình dục.
Một khảo sát do ActionAid tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường trong phát triển thực hiện với những nhóm đối tượng khác nhau cho thấy: có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; có 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần; có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. Bên cạnh đó, 40% người tham gia khảo sát đã từng chứng kiến các hành vi quấy rối các em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần.
Bộ Luật Lao động quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc là "một hành vi bị nghiêm cấm". Song, tuy đã được ban hành từ năm 2012, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về cách thức xử lý, xử phạt người vi phạm ngoài việc "người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động". Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào năm 2015. Tuy nhiên, theo bộ quy tắc trên, các hình thức quấy rối tình dục chỉ giới hạn trong việc: một người cố tình dùng lời nói, hành vi mang tính chất thể chất và hành vi phi lời nói để tác động lên một người nào đó. Nó không nhắc đến nhiều biểu hiện khác nếu người này cố tình thực hiện các hành động không được mong muốn với người kia: dùng ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt, huýt sáo, các cử chỉ của ngón tay thể hiện sự thiếu tôn trọng hay chú ý quá mức về giới tính, cơ thể, thái độ miệt thị hoặc phân biệt đối xử với giới tính, vẻ bề ngoài hoặc định hướng tính dục của người khác với nhiều biểu hiện từ tinh vi đến lộ liễu. Và tất cả đều không có các thiết chế xử phạt, thực thi.
Ngoài ra, một nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác quy định phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng cho hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự người khác". Nhưng, chỉ với một quy định đơn sơ như vậy, liệu có giải quyết hết được sự đa diện của vấn đề? Đó là lý do, lâu lâu công chúng lại bức xúc khi những kẻ sàm sỡ, đụng chạm, ép hôn phụ nữ trong thang máy... thậm chí nhiều hình thức quấy rối tình dục và xâm hại bị bỏ qua hoặc xử như không xử. Thực trạng này để lại tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho nạn nhân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu lành mạnh với văn hóa trong doanh nghiệp, tổ chức.
Một nghiên cứu của tổ chức CARE cho biết, quấy rối tình dục khiến ngành công nghiệp may mặc của Campuchia mất gần 89 triệu USD mỗi năm, tương đương 0,5 % giá trị GDP; 13,5% nữ công nhân nước này cho biết họ giảm năng suất nặng nề khi bị quấy rối tình dục. Ở Việt Nam, những vụ nghỉ việc do bị quấy rối tình dục mà tôi biết, đa phần là nạn nhân tự nghỉ do không được bảo vệ chứ không phải kẻ gây rối. Quấy rối làm tăng tỷ lệ thôi việc, ảnh hưởng đến việc tuyển mới, đào tạo, tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm tính gắn kết và sự lành mạnh trong môi trường lao động, giảm hiệu quả của tổ chức.
Ngày nay, chính sách chống quấy rối tình dục ngày càng được nhiều quốc gia, tập đoàn, tổ chức công khai và cập nhật, thực hiện như mọi chính sách khác để đảm bảo duy trì môi trường làm việc tích cực, văn minh. Ở đó, mọi cá nhân ở cấp bậc nào cũng được tôn trọng, bảo vệ phẩm giá dù khác nhau về giới tính, hình thức, định hướng tính dục, tình trạng hôn nhân, tình trạng quan hệ gia đình, sắc tộc, tôn giáo hay văn hóa... Đặc biệt, những tổ chức văn minh luôn khuyến khích nhân viên báo cáo công khai và cả ẩn danh qua thư điện tử hay điện thoại về những quan ngại của họ mà không lo sợ bị ghi tên hay trả thù. Đó là cách của những nhà quản trị tiên tiến.
Ngô Tú Ngân

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

WHO và Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19


WHO và Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19

http://baodientu.chinhphu.vn/... đăng lúc 16:11,ngày 28/02/2020.
(Chinhphu.vn) - Sáng 28/2/20, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) về công tác phòng chống dịch.
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chống dịch là công việc mang tính toàn cầu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại, ngày 28 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Việt Nam đã có cuộc họp để tham khảo ý kiến góp ý của WHO và US CDC, qua đó ra quyết định triển khai khai báo y tế đối với những người đến từ vùng có dịch, cao hơn khuyến nghị của WHO. Việt Nam xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là công việc mang tính toàn cầu, làm tốt ở Việt Nam là đóng góp với thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là dịch bệnh mới, nhiều diễn biến khó lường nên Việt Nam vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đã dự tính một số biện pháp mới nên muốn nghe, tham khảo ý kiến của WHO, US CDC trước khi quyết định.
Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã thông tin với đại diện WHO, US CDC về tình hình dịch bệnh trong nước, đồng thời chia sẻ các giải pháp kiểm soát ngăn chặn triệt để nguồn dịch từ bên ngoài vào. Theo đó, Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong phòng chống dịch bệnh (khác với trước đây việc phòng chống dịch bệnh do ngành y tế là chủ lực). Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều quyết liệt vào cuộc phòng, chống theo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương.
Việt Nam cũng thực hiện phát hiện, cách ly, điều trị theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Về khoanh vùng dập dịch, Việt Nam xác định quy mô dịch bệnh ở mức độ nào thì tổ chức cách ly, khoanh vùng ở mức độ đó. Ví dụ, như ở xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, quy mô dịch ở cấp xã thì khoanh vùng toàn xã chứ không khoanh vùng rộng hơn,… Qua đó, tổ chức cách ly theo các vành đai chặt chẽ (cách ly tập trung, cách ly tại nhà…) từ vòng trong ra vòng ngoài để tránh lây nhiễm.
Về chuyên môn, Việt Nam tập trung giám sát phát hiện sớm ca bệnh để điều trị tại chỗ; thực hiện giám sát, xét nghiệm sàng lọc; tổ chức cách ly y tế theo các lớp; điều trị trên toàn tuyến, tránh tình trạng tập trung về Trung ương.
Hiện Việt Nam đã chữa thành công các ca nhiễm COVID-19 cả ở y tế tuyến huyện. Không tập trung quá đông người ở một địa điểm. Phác đồ điều trị của Việt Nam liên tục được cập nhật, bổ sung trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tế điều trị và cập nhật kinh nghiệm của thế giới. Việt Nam cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển các sinh phẩm để phục vụ cho việc chẩn đoán…
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện WHO và CDC đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Những năm qua, WHO và US CDC luôn tích cực phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh với trên 120 chuyên gia, nhà khoa học của hai tổ chức này đang làm việc các phòng thí nghiệm, tư vấn cho các cơ sở y tế, dự phòng...
Cập nhật nhanh diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh thông tin các ca bệnh đang tăng nhanh ngoài Trung Quốc trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã hiểu rõ hơn về COVID-19 so với 2 tháng trước đó, cả về đặc điểm dịch tễ học, hệ số lây truyền, đường lây truyền, các giải pháp ngăn ngừa, điều trị, các giải pháp ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây nhiễm đối với nhân viên y tế,…
Đại diện WHO cho rằng việc kiểm soát COVID-19 lây lan trên toàn cầu là vô cùng khó khăn, đồng thời bày tỏ, cộng đồng quốc tế cũng mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.
Ông Kidong Park chia sẻ thêm, WHO đã khuyến cáo các nước cần làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó tình trạng COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng. Đại diện WHO ghi nhận Việt Nam đã chuẩn bị tốt công tác này, các kịch bản ứng phó với mọi tình huống đã đặt sẵn ở trên bàn, nhưng vẫn cần tiếp tục phải rà soát lại bởi khả năng này đang tới gần. WHO đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp mạnh của Chính phủ Việt Nam trong 2 tháng qua. Việt Nam đã chia sẻ thông tin một cách minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị, để phối hợp cùng với các nước trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên quy mô toàn cầu.
Ông Mathew Moore, đại diện US CDC phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong khi đó, đại diện US CDC, ông Mathew Moore nhìn nhận: Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết, hiệu quả. Với sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới có 16 ca nhiễm COVID-19 và đều đã được chữa khỏi. Kết quả này cho thấy “những nỗ lực tuyệt vời của các bạn trong ứng phó với dịch bệnh”, góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới. US CDC tự hào đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu.
Đại diện US CDC bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 với cộng đồng quốc tế; chia sẻ thông tin về bản đồ gene của virus gây bệnh ở Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi thêm một số kinh nghiệm của Việt Nam trong việc huy động, tổ chức các lực lượng phòng chống dịch bệnh; phân tuyến cách ly, tổ chức điều trị… Phó Thủ tướng khẳng định, tinh thần của Việt Nam là luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất để tình huống xấu không xảy ra. Phó Thủ tướng, cảm ơn và bày tỏ mong muốn WHO, US CDC tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh COVID-19./.
Trần Mạnh - Đình Nam

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Tổ chức đảng tại TPHCM bị kỷ luật tăng mạnh

Báo điện tử Dân Trí Đăng ngày 27/02/2020 - 21:30.

Tổ chức đảng tại TPHCM bị kỷ luật tăng mạnh

Dân trí Năm 2019, các cấp ủy tại TPHCM đã thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng, tăng 14 tổ chức so với năm 2018. Ngoài ra, 409 đảng viên bị thi hành kỷ luật, trong đó 1 trường hợp bị cách hết chức vụ trong Đảng.

Chiều 27/2/20, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên năm 2019 và sơ kết 2 năm thực hiện Quy định số 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Báo cáo hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cho biết, Thành ủy đã yêu cầu 100% kết luận thanh tra của Thanh tra TP phải được chuyển cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đồng thời bổ sung 2 quy trình xem xét, xử lý về đảng, chính quyền sau các kết luận thanh tra.







Tổ chức đảng tại TPHCM bị kỷ luật tăng mạnh - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cho biết, năm 2019 có 17 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật, tăng 14 tổ chức so với năm 2018

Theo ông Hiếu, trong năm 2019, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 1.971 tổ chức đảng và 2.568 đảng viên, giám sát chuyên đề 1.704 tổ chức đảng và 2.411 đảng viên. 
Ngoài ra, các cấp ủy cũng kiểm tra, giám sát công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Qua đó, cấp ủy các cấp đã yêu cầu 700 tổ chức đảng, 923 đảng viên chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thông tin, năm 2019, các cấp ủy đã thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng, tăng 14 tổ chức so với năm 2018, trong đó khiển trách 13 tổ chức và cảnh cáo 4 tổ chức. 
Về xử lý kỷ luật đảng viên, Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với 1 đảng viên. Các cấp ủy cơ sở và chi bộ đã thi hành kỷ luật 408 đảng viên (trong đó cảnh cáo 97 người, cách chức 13 người).
Các đảng viên vi phạm chủ yếu về vi phạm các quy định về công tác quy hoạch, điều động, bố trí cán bộ; quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; một số đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và vi phạm pháp luật của Nhà nước.
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng thông tin về kết quả 2 năm thực hiện Quy định 1374 của Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo ông Hiếu, tổ công tác 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp nhận 361 thông tin phản ánh, đã giải quyết 345 vụ việc (chiếm hơn 95%), 16 vụ việc đang thẩm tra, xác minh. Các phản ánh tập trung nhiều nhất là thực hiện chức trách, công vụ, chiếm hơn 75%.
Qua đó, Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách 4 tổ chức Đảng; xử lý kỷ luật 41 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên bị cách chức. Bên cạnh đó, xử lý về mặt chính quyền 29 trường hợp (trong đó có 2 trường hợp bị cách chức, 3 trường hợp buộc thôi việc).
Cùng với đó, Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở và Đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy TPHCM tiếp nhận 3.009 thông tin, đã xử lý 2.854 thông tin. 
Kết quả xử lý về mặt Đảng, hai tổ chức Đảng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 203 đảng viên bị kỷ luật (khai trừ 8 trường hợp).
Về chính quyền, thi hành kỷ luật 275 trường hợp, trong đó, 111 trường hợp bị khiển trách, 61 trường hợp bị cảnh cáo, 17 trường hợp bị cách chức, 18 trường hợp buộc thôi việc, sa thải...; chuyển cơ quan pháp luật xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự 3 trường hợp.
Quốc Anh

"Trao thư khen của Tỉnh ủy cho bà Nguyễn Thị Huởn

Trao thư khen của Tỉnh ủy cho bà Nguyễn Thị Huởn

http://baodongkhoi.vn/... đăng ngày 27/02/2020 - 19:33.
BDK - Ngày 27-2-2020, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cùng đại diện các ban, ngành ở địa phương đã đến gia đình bà Nguyễn Thị Huởn, ngụ xã Phú Hưng, TP. Bến Tre để trao thư khen và quà của Tỉnh ủy về hành động đẹp sẻ chia nguồn nước ngọt giúp nhiều người dân xung quanh.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam trao thư khen và quà của Tỉnh ủy cho bà Nguyễn Thị Hưởn. Ảnh: Hữu Hiệp
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam trao thư khen và quà của Tỉnh ủy cho bà Nguyễn Thị Hưởn. Ảnh: Hữu Hiệp
Gần một tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Huởn đã cung ứng hàng trăm mét khối nước ngọt miễn phí cho người dân xung quanh sử dụng trong điều kiện tình hình hạn, mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt; giá đổi nước ngọt được chở từ địa phương khác về tỉnh trung bình từ 100 - 200 ngàn đồng/m3.
Phát biểu tại buổi trao thư khen, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam bày tỏ sự cảm phục trước tấm lòng tốt của bà Huởn. Đồng thời, ân cần thăm hỏi, mong bà luôn khỏe mạnh để có nhiều đóng góp cho xã hội cũng như tiếp tục sẻ chia nguồn nước ngọt giúp người dân xung quanh vượt qua khó khăn khi hạn hán, mặn xâm nhập diễn ra gay gắt.
Thu Huyền

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Dân trí Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các sở ngành không tiếp công dân đầy đủ.
>>Bộ Giáo dục & Đào tạo có Thứ trưởng mới
>>Không ít Giám đốc Sở 5 năm liền không một lần tiếp dân!
>>Giám đốc Sở không tiếp dân ngày nào trong suốt 5 năm rưỡi (!)

Chiều 27/2/20, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ đã ký thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai (giai đoạn từ 1/1/2010-31/12/2017).
Cơ quan thanh tra đã phát hiện địa điểm tiếp công dân của một số đơn vị chưa được thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân (Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn); không niêm yết các quy định chủ yếu của pháp luật về khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, quy trình giải quyết, như tại Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ.





Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - 1
Nhấn để phóng to ảnh
(Ảnh minh họa).

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ chủ trì thực hiện tiếp công dân 12/96 kỳ (12%); Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình là 61/182 kỳ (33,5%), Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng 74/138 kỳ (53,6%), Chủ tịch UBND huyện Bình Gia 16/59 kỳ (27%), Chủ tịch UBND huyện Tràng Định 41/146 kỳ (28%), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có 1/56 kỳ (0,17%).
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện việc Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc sở ở Lạng Sơn không thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân mà giao cho cán bộ tiếp công dân thực hiện. Điển hình như Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng giao cán bộ tiếp 38/138 kỳ (27,5%); Chủ tịch UBND huyện Bình Gia giao cán bộ tiếp 8/59 kỳ (13,5%); Chủ tịch UBND huyện Tràng Định giao cán bộ tiếp 4/146 kỳ (0,27%); Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao cho thanh tra viên tiếp 22/56 kỳ (39,2%). Cơ quan thanh tra nhấn mạnh việc này vi phạm Luật Tiếp công dân và Luật Khiếu nại.
Việc ghi chép sổ sách tiếp công dân tại huyện Hữu Lũng, Bình Gia, Tràng Định, Lộc Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Y tế Lạng Sơn cũng chưa đầy đủ nội dung theo quy định. Tổ xác minh ghi chép việc đối thoại với công dân trong quá trình kiểm tra, xác minh vào sổ tiếp công dân thường xuyên như tại Sở Công Thương, Sở Nội vụ là vi phạm quy định của Thanh tra Chính phủ.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, một số sở ngành, địa phương ở Lạng Sơn (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục thuế; UBND huyện Hữu Lũng; UBND huyện Tràng Định; UBND huyện Bình Gia) chưa ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng của đơn vị.
Việc thực hiện kê khai tài sản thu nhập của một số đơn vị còn sai sót: Chưa có biên bản bắt đầu niêm yết công khai tại Sở Xây dựng; một số bản kê khai không đúng mẫu tại Sở Công Thương, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư; một số bản kê khai không có chữ ký của người nhận bản kê khai tại Sở Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường.
“Một số bản kê khai ghi không đầy đủ thông tin chung về con cái, chưa mô tả đầy đủ thông tin về tài sản, về đất đai tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Cục thuế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, huyện Tràng Định, thành phố Lạng Sơn, Văn phòng UBND tỉnh”-kết luận thanh tra nêu.
Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ giai đoạn 2010-2017; đặc biệt Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ.
Tỉnh Lạng Sơn phải chỉ đạo các sở ngành, huyện, thành phố chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra, phòng chống tham nhũng.  
Thanh tra Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức thực hiện nghiêm túc, tập trung xử lý và khắc phục những vi phạm.
Thế Kha

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Xe hết xăng khi đang lên dốc, một người rơi xuống hố sâu mất tích

Xe hết xăng khi đang lên dốc, một người rơi xuống hố sâu mất tích




Khu vực hố sâu khiến 1 người mất tích. Ảnh: MK.

Khu vực hố sâu khiến 1 người mất tích. Ảnh: MK.

Cây mai 55 năm tuổi, tán rộng 10 mét phủ màu vàng rực

Cây mai 55 năm tuổi, tán rộng 10 mét phủ màu vàng rực

(VOH) - Theo nhiều người nhận xét, khó kiếm được cây mai nào to và đẹp bằng cây mai này ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Cây mai cao gần 4m, tán xòe rộng khoảng 10m. Cây có rất nhiều nhánh, tỏa ra và vươn cao bao phủ một diện tích đất rộng lớn.
Khi mai nở, nhìn từ xa chỉ thấy một màu vàng bao phủ, người xem cảm giác như khắp nơi trên cây mai đều có hoa nở.
Cây mai 55 năm tuổi, tán rộng 10 mét phủ màu vàng rực
Cây mai 55 năm tuổi, tán rộng 10 mét phủ màu vàng rực
Ông Trần Công Thạnh (54 tuổi, chủ sở hữu cây mai) đã viết thông tin về cây mai lên tấm bảng để dưới gốc mai cho mọi người xem: “Khởi nguồn từ ông bạn (bác Xí - đã mất) trồng từ năm 1964, cho ba (Trần Công Định) vào năm 1984 chăm sóc. Sau đó chuyển cho con (Trần Công Thạnh) năm 1985 trồng ra đất và chăm sóc cho tới nay”.
Chủ cây mai luôn tạo điều kiện cho mọi người đến xem. Dưới gốc mai hoa rơi rụng phủ vàng bên dưới. Rất đông người kéo đến xem, chụp hình cây mai của ông Thạnh khi dịp xuân về.
.Đến 2025, Việt Nam vào Top 3 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á - (VOH) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
BT (tổng hợp)

Giữa khủng hoảng, anh cử nhân lên núi làm 'ngược đời' thu tiền tỷ

Giữa khủng hoảng, anh cử nhân lên núi làm 'ngược đời' thu tiền tỷ

Khủng hoảng thừa cung, giá tiêu chạm đáy khiến nhiều người nông dân ở Tây Nguyên nợ nần thì anh Nguyễn Tấn Công lại đều đặn thu tiền tỷ mỗi năm nhờ cách làm mà mọi người cho là 'ngược đời' của mình.

Lao đao vì “vàng đen”
Kể về hành trình gầy dựng cơ nghiệp từ cây hồ tiêu đúng vào lúc thời khủng hoảng, anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) chia sẻ, cây tiêu có mặt ở vùng đất Lệ Chí (tên cũ của Nam Yang) từ năm 1960.
Hồi đó, ngoại anh kể, không hiểu do đất mới bazan màu mỡ hay hợp khí hậu mà người dân chỉ bón bằng tro bếp cây tiêu vẫn lên xanh tốt. Hạt tiêu đỏ có hương vị cay nồng đặc biệt xen chút ngọt thơm, vị ngọt của trái cây, được hái lựa thủ công từng hạt chín đỏ. Thế nên, người dân Lệ Chí bấy giờ coi tiêu như vị thuốc quý.
Nhà nào cũng hái những hạt tiêu chín đỏ rồi ngâm với rượu gạo để dành khi “trái gió trở trời” làm vị thuốc chữa đau bụng, trị cảm ho, xoa bóp mỗi khi mệt mỏi hoặc phơi khô giữ màu đỏ tự nhiên dùng làm quà biếu cho người thân ở phương xa.
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trải qua rất nhiều công việc khác nhau với cả những thành công và thất bại, khi trở lại Nam Yang trồng tiêu, anh Công vấp phải sự phản đối của nhiều người. Nhưng từ câu chuyện của ngoại kể về cây hồ tiêu, có điều gì đó thôi thúc anh phải trở về quê hương.
Giữa khủng hoảng, anh cử nhân lên núi làm 'ngược đời' thu tiền tỷ
Ở thời hoàng kim, hạt tiêu từng được ví như 'vàng đen" của người nông dân Tây Nguyên
“Chúng tôi là những người con đất Lệ Chí đi làm ăn xa, mỗi lần về thăm nhà vẫn thấy mọi người bám trụ với cây tiêu, vẫn có những vườn xanh tốt. Sau gần 30 năm, tại sao mình không góp sức làm cho đặc sản đất Lệ Chí vươn xa hơn? Vì thế, năm 2013, tôi quyết định quay về trồng tiêu trên chính vùng đất trống của gia đình”, anh Công nhớ lại.
Nhưng khác với cách làm thông thường là ồ ạt mở rộng diện tích khi tiêu đang ở thời kỳ hoàng kim, anh Công bắt đầu sự nghiệp nông dân của mình với việc đăng ký thương hiệu riêng và được cấp giấy bảo hộ năm 2014.
“An tâm vì đã có thương hiệu riêng, ấy mà tôi lại rơi vào cuộc khủng hoảng ngay sau khi khởi nghiệp”. Anh nhớ lại, năm 2016, khi tiêu còn đứng ở vị trí ngôi vương, giá tiêu lên đến hơn 200.000 đồng/kg, bà con bắt đầu đổ xô trồng. Họ bỏ phương pháp canh tác tự nhiên, chuyển qua canh tác bằng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Dịch hại tràn lan, hậu quả nhiều vườn tiêu bị xóa sổ, nhiều hộ nông dân bị phá sản, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về. Rồi sau đó, bão giá ập đến, cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc. Như nhiều nông dân khác, khi ấy anh cũng không khỏi lao đao.
Chuyển hướng làm hữu cơ, thu ngay tiền tỷ
Trong cơ bĩ cực, anh nghĩ, nếu không chuyển hướng, không đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì danh tiếng tiêu Lệ Chí mình gây dựng sẽ không còn. Vậy là ý tưởng thành lập hợp tác xã trồng tiêu hữu cơ được hình thành.
“Năm 2017, trong cơn khủng hoảng thừa cung, giá tiêu giảm trên toàn cầu, chúng tôi cùng tập hợp những người con đất Lệ Chí yêu nông nghiệp sạch thành lập Hợp tác xã để tìm hướng đi mới, học hỏi những mô hình canh tác hữu cơ giúp hướng dẫn bà con” - anh Công chia sẻ.
Khi mới thành lập, HTX chỉ có 15 thành viên với tổng số vốn điều lệ 55 triệu đồng, diện tích canh tác 50ha tiêu và 40ha cà phê. Đến nay, HTX có 80 thành viên, diện tích hồ tiêu là 100ha, trong đó có 16ha đã nhận được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ.
“Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu rớt xuống dưới giá thành, chỉ quanh mức 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của HTX vẫn bán được 100.000 đồng/kg, giúp các thành viên có thu nhập ổn định”, anh khoe.
Giữa khủng hoảng, anh cử nhân lên núi làm 'ngược đời' thu tiền tỷ
Nhờ chuyển sang trồng tiêu hữu cơ, anh Công thoát được khủng hoảng, đều đặn thu tiền tỷ
Đáng chú ý, ngay cả khi thị trường tiêu đang trầm lắng do cung vượt cầu thì HTX không có chuyện tồn kho hồ tiêu do nhu cầu sử dụng tiêu hữu cơ rất cao. Giá tiêu hữu cơ cao gấp rưỡi, gấp đôi so với tiêu thường, nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Không những thế, HTX còn có nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Năm 2018, HTX xây dựng lại thương hiệu tiêu hữu cơ với các sản phẩm chế biến sâu chất lượng nhất trong ngành hồ tiêu: Tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh. Nhờ trồng tiêu hữu cơ, các thành viên HTX đều có cuộc sống khá giả.
“Tính riêng niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5ha tiêu, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng”. Anh tiết lộ và cho biết, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX của anh đã liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thu. Theo đó, tiêu hữu cơ không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu.
Song, trong quá trình làm, các thành viên của HTX không tham vọng xuất bán nhiều với số lượng nhiều mà chỉ làm hàng lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản,...
Theo anh Công, làm tiêu hữu cơ không khó nhưng đòi hỏi tính kỷ luật cao của người trồng, phải tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ. Quan trọng nhất là lúc thu hoạch, phải cẩn thận hái lựa thủ công những hạt chín đỏ, sau đó bóc vỏ, rửa sạch chỉ còn lõi bên trong rồi đem phơi khô.
“Các chuyên gia trong ngành hồ tiêu quốc tế nhận xét hạt tiêu sọ làm từ tiêu đỏ là sản phẩm chất lượng cao nhất, đặc biệt nhất trong ngành hồ tiêu thế giới. Song, sản lượng loại tiêu này vẫn còn khá khiêm tốn”. Anh Công khẳng định, anh và các thành viên HTX chọn làm thương hiệu tiêu hữu cơ để thực hiện ước mơ khôi phục lại những sản phẩm truyền thống ở quê hương mình, đồng thời mong muốn hạt tiêu Việt xuất đi các nước ngày càng nhiều hơn.
Cần nâng cao chất lượng hồ tiêu
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Hồ tiêu hiện được trồng chủ yếu tại Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Trị và Phú Quốc, tạo sinh kế cho gần 200.000 nông hộ tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam.
Tuy nhiên, ngành hồ tiêu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng và giá cả. Về chất lượng, quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng được. Về giá, giá hồ tiêu thế giới liên tục sụt giảm từ 10 USD/kg năm 2015 xuống còn 2 USD/kg năm 2019 do diện tích trồng tiêu ồ ạt tăng trong giai đoạn 2008-2014.
Trên thực tế nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vẫn rất lớn. Tiêu không chỉ sử dụng trong thực phẩm mà cả trong ngành mỹ phẩm làm đẹp. Do đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu. Thay vì trồng theo phương thức truyền thống, phải chuyển đổi sang trồng VietGap, hữu cơ để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Khánh Nguyên