Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Khi thần tượng của con 'sụp đổ'

Khi thần tượng của con 'sụp đổ'

Copy từ https://tuoitre.vn/... trong mục :Nhịp sống trẻ" . Đã đăng ngày 31/03/2019 11:27.

TTO - 'Đắm đuối' đến mức độ 'thần thánh hóa' ai đó có thể khiến con trẻ đang ở tuổi mới lớn của chúng ta có hành xử nông nổi, nhất là khi thần tượng của trẻ bỗng dưng 'sụp đổ'.

Khi thần tượng của con sụp đổ - Ảnh 1.
Các bạn trẻ reo hò khi xem nhóm Big Bang biểu diễn tại sân Phú Thọ, TP.HCM tháng 4-2012 - Ảnh: T.T.D
Trong khi đó, con người không ai là hoàn hảo, và thần tượng cũng vậy.
Hụt hẫng, thất vọng
Khi Seungri, "chàng út" của ban nhạc Big Bang đình đám xứ kim chi, tuyên bố giải nghệ sau những bê bối cá nhân, nhiều fan tuổi teen của anh ta vẫn không tin là sự thật. Đủ trạng thái được chia sẻ trên các trang Facebook cá nhân: "Sao vậy chàng?", "Có ngày này sao?", "Suy nghĩ lại đi, em luôn ủng hộ mà!"...
Còn nhớ 7 năm trước, khi Big Bang đến TP.HCM, hàng ngàn teen đã đội mưa nắng chầu chực ở sân bay, hò hét gọi tên, khóc òa khi gặp thần tượng. Giờ mở trang Facebook của một số bạn ngày ấy chỉ thấy toàn những dòng hụt hẫng xen lẫn nuối tiếc.
Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho biết từng tham vấn cho không ít học trò rơi vào trạng thái hụt hẫng khi thần tượng của mình "sụp đổ". 
Bà Hoa kể: "Có em khóc nức nở, buồn bã, tỏ ra thất vọng, không muốn làm gì. Có em cứ ôm hình thần tượng khóc. Có em không nói chuyện với ai, không cho ai nhắc tới hoặc nói điều không hay về thần tượng. Có em luôn miệng lẩm bẩm "không có chuyện đó đâu!", "sao lại như vậy?"...".
Cũng theo bà Minh Hoa, tuổi mới lớn có xúc cảm mạnh nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, vì thế các em dễ "tan chảy" với thần tượng và cũng dễ sốc khi thần tượng không còn "tươi nguyên" nữa. 
Các em còn ít trải nghiệm cuộc sống, trong lúc lại có tâm lý phóng đại mọi chuyện, dẫn đến "thần thánh hóa", "tuyệt đối hóa" thần tượng và rồi hành xử thái quá, thậm chí nông nổi, khi tôn vinh thần tượng hoặc khi thần tượng của mình "sụp đổ".
Lớn lên cùng thần tượng
Nói về tâm lý thông thường thì bà Minh Hoa cho rằng khi càng yêu thích ai đó, ta càng cảm thấy thất vọng và thậm chí tuyệt vọng nếu một ngày người ấy không như xưa nữa. Cho nên, sẽ là điều bình thường khi con trẻ tỏ ra buồn bã, tiếc nuối, trách cứ hay lên án thần tượng...
"Chỉ khi con trẻ vì buồn thần tượng mà không thiết làm gì, bỏ bê việc học, mất ăn mất ngủ thời gian dài, hay khóc lóc quá nhiều, sẵn sàng gây sự với bất cứ ai thì mới phải lo", bà Hoa phân tích.
Để giúp con vượt qua cú sốc này, theo bà Hoa, việc trước tiên là lắng nghe con "trút bầu tâm sự" để con vơi bớt nỗi lòng. Tiếp theo là thừa nhận cảm xúc hiện tại của con, rằng con từng rất yêu thích người ấy và nay buồn nhiều lắm vì người ấy không còn được như con từng mong đợi. 
Bấy nhiêu thôi cũng đủ an ủi con trẻ phần nào. Ngược lại, nếu cha mẹ bảo rằng "còn bao nhiêu người khác, có đáng gì!", chẳng khác nào khoét sâu sự hụt hẫng của con trẻ về thần tượng.
Khi con vơi bớt cảm xúc tiêu cực cũng là lúc cha mẹ có thể cùng con soi xét lại mọi khía cạnh của thần tượng. Lưu ý chỉ tập trung vào từng khía cạnh chứ không gộp chung đánh giá cả con người. Cứ vậy, "con người không hoàn hảo" với nhiều mặt tốt xấu đan xen của thần tượng dần hiện ra rõ nét, qua đó làm vơi thêm nỗi hụt hẫng trong lòng trẻ. 
"Tiếp theo là lôi kéo con vào các thú vui tích cực. Trường hợp nặng như khóc lóc suốt, trầm cảm thì mới cần đưa trẻ đến gặp chuyên viên tâm lý" - bà Hoa gợi ý.
Đồng quan điểm trong việc nhận ra sự không hoàn hảo của mỗi người, TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng chính điều ấy sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn trước tình huống "sụp đổ" của thần tượng, vì khi đó chỉ là sự lộ ra của những "mặt trái" mà trẻ chưa được biết về họ trước đây mà thôi.
Giúp trẻ có cái nhìn riêng
Cha mẹ hoàn toàn có thể hạn chế con có hành vi nông nổi vì thần tượng sụp đổ bằng quá trình đồng hành trước đó. Chẳng hạn cùng trẻ háo hức tìm hiểu thông tin rồi thảo luận với nhau về những điều đã biết xoay quanh thần tượng.
Nhờ vậy, con sẽ kinh nghiệm hơn trong việc đánh giá ai đó, biết mình "đắm đuối" vì một số khía cạnh nổi trội nào đó của thần tượng thay vì mù quáng "thần thánh hóa" họ.
Điều đó giúp trẻ có cái nhìn riêng, không hùa theo đám đông để có những kiểu thể hiện tình cảm thái quá với thần tượng.

Không có nhận xét nào: