Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Tiệm bánh mì nổi tiếng thế giới ở Hội An

Tiệm bánh mì nổi tiếng thế giới ở Hội An
Copy từ "https://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/tiem-banh-mi-noi-tieng-the-gioi-o-hoi-an-3378832.html", đã đăng ngày 31/3/2016, 09:16.
Được giới thiệu rất nhiều trên Foursquare hay TripAdvisor, bánh mì Phượng dường như không còn xa lạ với bất kỳ du khách nào từng đặt chân đến Hội An.
Ngoài cao lầu, mì quảng, bánh tráng đập, cơm gà..., bánh mì cũng được coi như một đặc sản ở Hội An. Với những chiếc bánh luôn nóng, thịt và pate thơm ngon, nước sốt pha chế theo công thức riêng và cách sắp xếp, phối hợp rau củ riêng, bánh mì Phượng là địa chỉ bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm thành phố này.
Tiệm bánh mì Phượng lúc nào cũng đông khách từ sáng sớm đến tối mịt, đông nhất vẫn là những vị khách ngoại quốc. Ảnh: hoian24h
Nằm trên đường Phan Chu Trinh, tiệm bánh không bao giờ vắng bóng người. Vào đêm muộn, bạn có khi phải xếp hàng đứng đợi để mua ổ bánh mì vì có rất nhiều người cũng tìm đến thưởng thức. Một điều thú vị, khách chủ yếu của quán là người nước ngoài. Họ say sưa và thích thú với những chiếc bánh mì có hương vị khác lạ khó mà tìm được ở nơi nào khác trên Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến là thực đơn đa dạng của tiệm bánh mì ngon nổi tiếng này. Với hàng chục loại nhân khác nhau như: phô mai, thịt xông khói, chả thịt, xúc xích,... thực khách sẽ không khó để chọn cho mình một loại ưa thích. Điều đặc biệt khiến ổ bánh mì nơi đây níu chân du khách là các loại nước sốt được pha chế theo công thức chỉ có riêng ở tiệm Phượng.
Các loại rau ăn kèm trong ổ bánh mì cũng không kém phần đa dạng so với các loại nhân. Có rất nhiều thứ được cho vào ổ bánh mì như: dưa leo, dưa muối, rau quế, ngò, hành,... Chính sự cầu kỳ và phong phú này đã khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn và không hề thấy ngán.
Miếng thịt quyện hòa cùng nước sốt có vị mặn vừa phải, độ tươi giòn từ các loại rau đã tạo nên cái ngon đặc sắc cho ổ bánh mì mang tên Phượng. Có lẽ bởi vậy, nơi đây luôn nhận được những lời khen ngợi của du khách khắp nơi và xuất hiện nhiều trên các trang báo du lịch nước ngoài.
Ổ bánh mì được hoàn thành chỉ trong vòng vài phút, luôn bắt mắt với màu xanh của rau, màu hồng, đỏ, ngà của các loại thịt, chả, thêm chút nước sốt. Ảnh: piterdeedee
Bên cạnh đó, đứng xếp hàng trước tiệm, bạn sẽ được dịp quan sát đôi tay thoăn thoắt của chị Phượng và những người nhân viên trong khi miệng liên hồi hỏi thực khách dùng gì. Trong không gian êm đềm của phố cổ, cái không khí sôi động, giọng nói ngọt ngào cũng góp phần tạo nên sự thu hút đối với du khách.
Cắn miếng bánh, bạn sẽ khó quên khi cảm nhận được độ giòn rụm của vỏ bánh mì vẫn còn ấm, các loại nhân đậm đà và vị nước sốt được chế biến riêng. Giá của một ổ bánh mì ở đây dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng tùy thuộc vào loại bánh bạn yêu cầu.
VnExpress

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Quả bom thời hậu chiến - Kì 3: "Cơn địa chấn" bàng hoàng xã hội

Quả bom thời hậu chiến - Kì 3: "Cơn địa chấn" bàng hoàng xã hội
Copy từ http://trannhuong.net/tin-tuc-4713/qua-bom-thoi-hau-chien--ki-3-con-dia-chan-bang-hoang-xa-hoi.vhtm , tác giả: Bùi Hoàng Tâm , đã đăng ngày 23/06/2010 - 07:24.
Hàng trăm trăm bức thư, điện thoại gọi về toà soạn và tác giả để cám ơn. Nhiều nhà văn, nhà thơ động viên, khích lệ. Phu nhân của một vị lãnh đạo cao cấp độc bài báo rồi nói với chồng rằng ông là lãnh đạo đất nước sao lại để xảy ra tình trạng này? Thường trực ban bí thư gửi công văn yêu cầu xác minh sự việc để xử lý. “Viên đạn” được bắn từ phía đồng nghiệp mở màn cho những trận giông gió sau này.
Chỉ mấy ngày sau khi bút ký “Thủ tục dể được làm người còn sống” được in kín trang nhất báo Văn nghệ số 1280 ra ngày 14/5/1988, một “cơn địa chấn” đã nổ ra. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về bài báo. Mỗi tuần có hàng trăm cuộc điện thoại, thư của bạn đọc cả nước gửi chung cho toà soạn và gửi riêng cho tác giả.
Như tất cả những người cầm bút, khi thấy bài viết của mình được độc giả đồng tình và đón nhận, Minh Chuyên thực sự sung sướng và xúc động. Nhất là với những lá thư của những người lính, vốn là đồng đội của anh. Người ta bực dọc, tức giận, thậm chí không ít người tỏ ra phẫn nộ trước sự quan liêu, tắc trách của một số cán bộ làm công tác chính sách.
Ở huyện Vũ Thư, quê hương của Trần Quyết Định, có hẳn một ban bạn đọc đoàn kết với Trần Quyết Định, sẵn sàng đi bất cứ đâu để đòi quyền lợi cho anh. Những bạn bè văn chương cũng hết sức thán phục và không ngừng động viên khích lệ anh. Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu từ Hà Nội gửi thư về cho anh, viết: “Qua những trang viết của anh, người đọc biết được những sự thật lớn lao và khủng khiếp của cuộc chiến tranh dội xuống xứ sở của chúng ta, làm biến dạng, hủy hoại đau đớn bao sinh mệnh những con ngư¬ời. Nhân vật anh thương binh Trần Quyết Định cực kỳ “bi đát:”.
Nếu không có bài bút ký của Minh Chuyên, chắc Trần Quyết Định vẫn là một hồn ma xác thịt. Anh sẽ tự thờ cúng linh hồn anh cho đến phút lìa đời”. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn thốt lên: Tôi đã từng gai người khi đọc “Thủ tục để làm người còn sống”…
Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang đánh giá “Thủ tục làm người còn sống” của Minh Chuyên là một bút ký xuất sắc bênh vực công lý, gây tiếng vang rộng khắp trong dư¬ luận bạn đọc và đời sống xã hội. Nhà thơ Nguyễn Hoa, người bạn văn chương mà sau này trong nhiều lần đi hầu kiện ở Hà Nội, anh thường hay phải đến nhà tá túc đã viết một bài thơ dài tặng anh, trong đó có những đoạn:
Bạn yêu sự công bằng, bạn tin sự công bằng
cùng người lạc ngũ đi tìm đơn vị…
Chiếc ba lô kẻ cắp nẫng đầu năm
bỗng cùng nhau thành kẻ ăn xin
kẻ nhảy tàu, bốc mướn…
Để đi đến bao nhiêu nơi bạn
một lá đơn năm dấu đỏ son
Cực làm sao khi ấy phải viết lên
“Thủ tục để làm người còn sống”
Trời cao đất rộng
Sao lòng người không mênh mông?
*** *** *** ***
Viết để mong đỡ người lạc mà thôi
Để người lạc trở về như người có
Không muốn thương binh giả, người giả
Mười năm đi xin làm thủ tục đời mình
Để được sống mình là người thực…
Viết để mong người lạc được giãi bày
để công bằng, công bằng được trả
để mẹ khỏi héo hon, mở mặt mở mày…
*** *** *** ***
Từ Toà soạn báo Văn nghệ, nhà thơ Bế Kiến Quốc gửi thư về thông báo bài bút ký có dư luận rất tốt, nhiều bạn đọc gửi thư về khen ngợi. Tại quê hương Trần Quyết Định, dư luận nhân dân càng phấn khởi vì dù chưa có kết quả nhưng sự thật đã được giãi bày trên báo chí. Họ hy vọng chắc chắn trong một ngày gần nhất, mọi oan ức sẽ được giải quyết thấu đáo. Bí thư Đảng uỷ xã đã thay mặt đảng uỷ, UBND cám ơn tác giả. Sau này khi đã lên công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam, Minh Chuyên còn được biết phu nhân của một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng khi đó đọc bài báo đã tỏ ra rất bất bình, nói với chồng rằng ông là người lãnh đạo đất nước, sao lại để xảy ra những oan khuất như thế này. Ngày đó, những bạn viết ở Thái Bình chúng tôi rất phấn khởi và tự hào về anh. Minh Chuyên cũng rất phấn khởi. Anh không ngờ bài báo của mình lại được dư luận quan tâm đến thế.
Theo Minh Chuyên kể lại, việc anh gửi bút ký này cho báo Văn nghệ là chuyện khá tình cờ. Khoảng đầu năm 1988, một số nhà văn, nhà thơ, cộng tác viên báo Văn nghệ có về Thái Bình tổ chức hội thảo về vai trò của tờ báo với các vấn đề về nông nghiệp và nông thôn. Đoàn gồm các nhà văn, nhà thơ Bế Kiến Quốc, Phùng Gia Lộc (tác giả “Cái đêm hôm ấy đêm gì” khi đó đang rất nổi tiếng), Hoàng Hữu Các (tác giả bút ký Tiếng đất cũng đang gây xôn xao dư luận)… do nhà văn Nguyên Ngọc dẫn đầu. Tại hội thảo, Tổng biên tập Nguyên Ngọc kêu gọi các tác giả hãy viết bài cho báo Văn nghệ nên Minh Chuyên đã đưa bút ký này cho Bế Kiến Quốc.
- Tôi đưa bản thảo cho Bế Kiến Quốc và thấy ông ấy đọc ngay – Minh Chuyên kể – Nhìn thấy khuôn mặt ông ấy luôn luôn chuyển động, khi nhíu mày, khi cau trán, lúc co lại, lúc giãn ra có vẻ rất phấn khởi, tôi mừng lắm. Đến khi giải lao, Bế Kiến Quốc ra bắt tay tôi nói: Kinh hoàng quá. Nhưng ông có “sáng tác” không đấy? Tôi cam đoan với ông ấy là đúng đến từng chi tiết, thậm chí còn chưa nói hết sự thật, Bế Kiến Quốc thốt lên: Vô lý thật. Chả lẽ ở đời lại có sự vô lý đến thế. Rồi ông Quốc hạ giọng: Ông để cho chúng tôi, đừng đưa cho ai nhé. Tôi bảo phải đưa báo Thái Bình vì đây là bài tôi viết theo kế hoạch và nhiệm vụ ban biên tập giao. Nhà thơ Bế Kiến Quốc suy nghĩ một lát rồi gật đầu giao hẹn: Thôi được, nếu chỉ in ở Thái Bình thôi thì được.
Tôi hỏi lại: Thế bao giờ báo Văn nghệ in? Ông Quốc bảo: Mình không có quyền quyết định cuối cùng nhưng mình tin anh Nguyên Ngọc sẽ đồng ý cho đi. Thành thật là cho đến bây giờ, mình vẫn biết ơn Bế Kiến Quốc rất nhiều và cũng rất khâm phục anh Nguyên Ngọc. Theo mình, có lẽ anh là tổng biên tập dũng cảm, bản lĩnh và “sáng giá” nhất từ trước đến nay của báo Văn nghệ. Nếu không có một biên tập viên như Bế Kiến Quốc, một Tổng biên tập như Nguyên Ngọc thì bài báo không thể ra đời và số phận của Trần Quyết Định không biết rồi sẽ ra sao?
Khi bút ký được đăng ở báo Thái Bình, cũng thấy sự xôn xao. Thế nhưng có lẽ do báo tỉnh, nên nó cũng chỉ xao động lên được một thời gian ngắn rồi chìm vào tĩnh lặng. Chỉ đến khi báo Văn nghệ in lại, nó mới lại chấn động dư luận như vậy. Thế mới thấy những người viết văn, làm báo ở địa phương thiệt thòi như thế nào. Hay cũng ít người biết, dở cung ít người hay. Mà với người cầm bút, không gì buồn bằng những bài viết của mình rơi tõm vào quên lãng.
Nên khi thấy tác phẩm của mình được bạn đọc cả nước và cả nước ngoài quan tâm, Minh Chuyên mừng lắm. Nhất là khi đó, anh mới chỉ là nhà báo “cấp tỉnh” nên niềm vui càng lớn hơn rất nhiều. Cái niềm vinh quang ấy, Minh Chuyên được hưởng không lâu. Một buổi sáng vừa đến cơ quan, mấy đồng nghiệp đã kéo anh ra thì thầm:
- Ông sắp “đi” rồi?
- Đi đâu? Minh Chuyên hỏi.
- Đi “tây” chứ còn đi đâu nữa. Ông cứ chờ ít phút nữa là biết ngay thôi.
Và quả nhiên chỉ mấy phút sau, Tổng biên tập báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh gọi Minh Chuyên lên phòng để báo cáo lại toàn bộ sự việc cũng như yêu cầu cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan.
Ông Hinh nói: - Văn phòng tỉnh uỷ vừa thông báo, đồng chí Đỗ Mười, thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng chỉ thị phải làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân có liên quan. Như vậy là ý kiến chỉ đạo rất rõ ràng, nếu chúng ta sai, chúng ta phải chịu trách nhiệm còn nếu các cơ quan chính sách sai, họ phải chịu. Bây giờ ông về chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ. Sự việc chắc không đơn giản đâu. Rồi có lẽ sợ Minh Chuyên hoảng, ông Hinh động viên: Cứ yên tâm củng cố tài liệu, Ban biên tập luôn đứng bên cạnh cậu.
Khi đó, Minh Chuyên đã lờ mờ cảm thấy sự rắc rối, cam go nhưng không ngờ sự việc lại căng thẳng, quyết liệt như sau này anh phải trải qua. Lúc ấy, anh chỉ nghĩ đơn giản những việc mình nêu ra là 100% sự thật, với động cơ trong sáng là đấu tranh chống lại tệ quan liêu theo tinh thần bài báo Những việc cần làm ngay của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và với mục đích rất rõ ràng là dành lại quyền lợi chính đáng cho một người lính. Tuy khi đó đã ở tuổi “tứ thập bất hoặc” nhưng hình như anh còn quá ngây thơ để hiểu rằng chân lý không phải là cái tự có mà nó nhiều khi phải trả bằng máu và nước mắt.
Đòn đau nhất khiến Minh Chuyên hoang mang, thất vọng nhất là một bài báo của một bạn viết đồng thời cũng là một đồng đội của anh. Bài báo đã qui chụp anh không tiếc lời với những tội tày đình là bịa đặt. Rồi tác giả răn dạy: Thủ tục để làm người còn sống là một bài ký và là một tác phẩm văn học, người viết có thể hư cấu nhưng hư cấu ở ký không giống như hư cấu ở tiểu thuyết hay truyện ngắn… Tác giả bài ký, thành tâm nhưng đã hiểu lầm là người viết ký được quyền hư cấu như thế nào… Nghĩa là anh không có động cơ xấu. Do đó, nên thể tất cho tác giả bài ký ở chỗ này. Dù sao, “Thủ tục để làm người còn sống” cũng để lại cho những người viết văn trẻ và những người làm báo một bài học về phương diện nghề nghiệp. Điều rất vui là sau này khi gặp lại, chính nhà phê bình đó nói rằng sự việc lúc ấy nó thế nên phải thế. Đây cũng là tạp chí in rất nhiều bài của Minh Chuyên. Cuộc đời nhiều khi kể cũng vui!
Bùi Hoàng Tâm
Kỳ IV: Giông gió đổ lên đầu tác giả. (Sẽ đăng trên blog này ngày 01-04-2019). Xem tại đây.

Kỳ II: Cuộc ăn mày oan nghiệt

Thủ tục để làm người còn sống - "Quả bom" thời hậu chiến:
Kỳ II: Cuộc ăn mày oan nghiệt
Copy từ https://dantri.com.vn/phong-su-ky-su/ky-ii-cuoc-an-may-oan-nghiet-1150841120.htm , tác giả: Bùi Hoàng Tâm , đã đăng ngày 20/06/2006 - 14:50.
DÂN TRÍ: Để viết tác phẩm này, Minh Chuyên đã theo đuổi nhiều năm trời trong đó, gần 2 năm trời tác giả tự nguyện cùng với nhân vật đi hàng chục chuyến, đến hàng chục cơ quan vượt hàng ngàn km gặp hàng trăm nhân chứng. Chỉ riêng tiền photo tài liệu đã hàng trăm ngàn đồng (tiền năm 1988).
Có lẽ ở ta, hiếm có tác phẩm nào lại được thực hiện kỳ công như vậy và cũng hiếm có nhà báo, nhà văn nào nhập cuộc đầy dấn thân như vậy. “Nhiều lúc nản lắm nhưng vì tình đồng đội mà cố” (Minh Chuyên). Hành trình đó, đã được Minh Chuyên kể lại trong tác phẩm.
Hồ sơ của Định lại theo Minh Chuyên lên Hà Nội đến Cục Tổ chức động viên. Lên từ thứ ba, chiều thứ năm mới đúng ngày trực. Tiếp tôi hôm ấy là một đại uý chừng năm mươi tuổi, người thấp nhỏ. Sau mới biết anh tên là Bảo. Đại uý Bảo xem lướt hồ sơ rồi nói:
- Lính quân đoàn X- à? Trường hợp này chúng tôi giới thiệu đồng chí về đơn vị giải quyết nhé?
- Báo cáo anh, đơn vị ở mãi Campuchia.
- Không, đã chuyển ra ngoài Y rồi - Đại uý Bảo nói.
- Thưa anh, mấy năm trước gia đình đã đưa em Định đi tìm đơn vị ở trong Nam, mãi không thấy. Giờ lại tìm ngoài Bắc, biết ở đâu mà tìm?
Thấy anh Bảo im lặng, tôi nói tiếp:
- Các anh dưới tỉnh nói chỉ cần trên này ghi mấy chữ chuyển Bộ chỉ huy quân sự tỉnh là ở dưới đó các anh ấy làm. Thực tế, nhiều trường hợp tỉnh đã giải quyết rồi mà.
Tôi dẫn chứng và nài mãi, cuối cùng, bất đắc dĩ đại uý Bảo mới hạ bút ghi sau tờ giấy giới thiệu “Chuyển Bộ Chỉ huy Quân sự Thái Bình. Trường hợp đồng chí Trần Quyết Định theo nguyên tắc thì E24 phải giải quyết. Nhưng theo nguyện vọng và tình hình cụ thể của đồng chí Định, tỉnh xem xét nếu giải quyết được thì giải quyết. Cục không làm cụ thể được”.
Trở về Thái Bình, hai, ba lần đến Ban Tổ chức động viên tỉnh đội, chúng tôi đều được trả lời “Cục ghi toàn những ý lấp lửng, không dứt khoát, chúng tôi giải quyết làm sao được?”.
Tôi lại lên Hà Nội, gặp đại uý Bảo. Anh Bảo nói:
- Thôi được, chúng tôi sẽ linh động làm một quyết định bổ sung quân số cho quân khu. Một quyết định đề nghị địa phương giải quyết chính sách cho anh Định. Tuần sau đồng chí lên nhé.
Tôi về kể lại, nhà Định mừng lắm. Nhưng khốn thay, tuần sau lên gặp, anh Bảo lại lắc đầu:
- Trường hợp của Định, chúng tôi có hướng giải quyết như lần trước nói với anh. Nhưng khi xin ý kiến, các đồng chí lãnh đạo Cục yêu cầu phải chuyển tới đồng chí Tham mưu trưởng sư 10 giải quyết. Sư 10 bây giờ đóng quân khu vực Y, đồng chí đến ga... Rẽ phải. Hỏi thăm vào... rồi đến...
Nói xong, anh Bảo trả lại tập hồ sơ kèm theo tờ công thư ký ngày 9/10/1987 gửi Tham mưu trưởng sư 10. Anh Bảo dặn thêm “Phải cố gắng tìm gặp đồng chí Tham mưu trưởng mới giải quyết được”. Nhưng xem công thư, thấy Cục chỉ đề nghị sư 10 xác minh và cho hướng giải quyết chứ không phải đề nghị giải quyết.
Lần này về, đọc tờ công thư, nhiều người nản lòng. Suốt mấy năm trời tập hồ sơ đã đi qua nhiều cửa, từ xã lên huyện, lên tỉnh lên trung ương, tới cả Cục Tổ chức động viên của Bộ Tổng tham mưu mà cửa nào cũng chỉ được ghi vào góc đơn mấy chữ quen thuộc cho hướng giải quyết, đề nghị nghiên cứu, xác minh, giúp đỡ, xem xét...
00O00 *** 00O00
Một số người an ủi:
- Thôi, leo cây sắp đến buồng, cứ cố gắng đi một vài chuyến nữa, may ra thì...
Nhưng hoàn cảnh nhà Định không có điều kiện đi ngay được. Phải gần một tháng sau, Định mới cơm đùm, cơm gói lên đường. Bảy ngày sau, anh phờ phạc quay về. Ở khu vực đại uý Bảo hướng dẫn, có nhiều đơn vị đóng quân, Định không tìm được sư 10. Hết tiền ăn, anh phải bỏ về.
00O00 *** 00O00
Lại gần hai tháng nữa chuẩn bị, vay mượn tiền nong. Lần này cả tôi và Định cùng ra đi. Thấy chúng tôi rậm rịch chuẩn bị lên đường, anh Đoàn Duyến thương binh hạng 3, bạn tôi rỉ tai:
- Dấn vào cho xong! Việc gì phải đi mãi cho mệt!
Tôi bảo:
- Trường hợp của anh Định bị thương là sự thật, lại đầy đủ giấy tờ...
Anh Duyến mỉm cười:
- Giấy tờ, thật giả, bây giờ người ta có quan tâm lắm đâu. Cứ có khoản kia là xong tất. Còn không á, có khi thật lại hoá giả. Mấy tay ở La Sào, đánh đấm gì đâu vẫn có sổ thương binh nghiêm. Khối tay thương binh loại hai chạy lên hạng 1. Thằng T. con ông Đ, khoẻ như trâu về hưởng chế độ mất sức. Đấy, chúng nó mạnh vì gạo, bạo vì tiền!
- Nhưng hoàn cảnh nhà Định, gạo còn chả đủ ăn, lấy đâu mà mạnh, mà bạo - Tôi nói.
00O00 *** 00O00
- Còn hơn tàu xe vào Nam ra Bắc, tốn quá ấy chứ! Không có, phải cố mà lo. Cứ đi mãi, liệu bao giờ mới giải quyết được?
Tôi và Định vẫn quyết định đi theo hướng đã chọn, kiên nại và chịu khó, dù có phải vất vả. Vì chúng tôi vẫn tin, ở đời không phải mọi chuyện đều bi quan, tiêu cực như anh Đoàn Duyến nghĩ...
Đầu xuân năm 1988, khi đợt rét cuối mùa dai dẳng còn bứt vào da thịt, tôi và Định lại lên đường đến khu vực Y tìm sư 10. Thật không may, sư đoàn vừa chuyển vào làm kinh tế ở Tây Nguyên. Chán chường, mệt mỏi, thất vọng, hai chúng tôi cuốc bộ ra ga nhảy tàu về xuôi. Rủi ro không chỉ có thế, trong nhà chờ vừa đông, vừa tối lại nhốn nháo, loáng cái, kẻ cắp đã nẫng mất chiếc ba-lô của Định. Chăn màn, quần áo, cơm nắm, tép khô, cả tiền nong mất sạch. May mà hồ sơ, giấy tờ, chứng minh thư, Định đút túi áo trong nên vẫn còn. Thế là chúng tôi lâm vào cảnh thật khó xử: Đi thì dở, ở lấy gì mà ăn, về tiền đâu mua vé!
00O00 *** 00O00
Mười giờ đêm, sau hồi còi dài lanh lảnh, đoàn tàu hối hả, xả hơi, từ từ, dừng lại trước sân ga. Chúng tôi nhanh chân leo lên toa số 7. Ngồi vừa ấm chỗ, một nhân viên nhà ga, người cao to, tay đeo băng đỏ, hông lắc lư xà cột đen xộc đến kiểm tra vé. Định giơ hồ sơ, giấy tờ ra trình bày, xin đi nhờ. Anh nhân viên gạt đi. Tôi trình bày lại hoàn cảnh mất cắp, anh nhân viên nắm cổ tay tôi, tay kia túm áo Định, sừng sộ kéo chúng tôi ra cửa toa. Trước hàng trăm con mắt đổ về phía mình, tôi hổ thẹn nhảy xuống ngay. Còn Định cứ bám chặt vào chấn song toa tàu. Anh thanh niên đẩy một cái. Định ngã ngửa đập đầu xuống rìa đường. Tôi lao tới đỡ anh dậy. Định nhăn mặt nén đau, lại nằm xuống.
Đêm ấy, chúng tôi đành nhịn đói ngồi ôm nhau cho đỡ rét, đợi sáng. Hôm sau, không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải nhẫn nhục hành khất để lấy tiền mua vé. Trong phòng đợi tàu, tôi lân la đến bên một ông chừng năm chục tuổi, đeo kính, mặc com lê, thắt ca-la-vát đỏ, ngồi cạnh một chiếc va ly màu da đồng. Đoán ông là cán bộ dễ thông cảm, nhưng ngập ngừng mãi, tôi mới dám nói:
00O00 *** 00O00
- Thưa bác, hai anh em cháu đi tìm đơn vị đề giải quyết chính sách. Chẳng may bị kẻ cắp lấy hết, không còn đồng nào mua vé. Xin bác thông cảm giúp chúng cháu một tý!
Ông ta nhìn tôi lạnh lùng, rồi lắc đầu:
- Không có tiền!
Đến bên một người trung niên, mặc áo măngtôsan màu sữa, đầu đội mũ phớt, đứng dựa vào bức tường nhà ga. Định run run trình bày rồi hỏi xin. Anh ta hất hàm:
- Làm mà ăn! Trông người như thế, xin không nhục à?
Một cái gì nhói trong lồng ngực, tôi vờ quay mặt đi. Định không dám nói gì thêm, lẳng lặng lùi ra. Lúc này tôi mới thấu hiểu nỗi cực nhục của những người đi ăn mày mà hàng ngày vẫn gặp. Nhưng chẳng còn cách nào khác. Đói thì cố nhịn, nhưng tiền mua vé lấy đâu ra? Lại đành phải...
Chúng tôi lững thững tới chỗ hai anh bộ đội ngồi ngoài sân ga. Lúc đầu, họ nghĩ bọn tôi là kẻ cắp vờ để chôm chỉa. Sau tin, một anh móc túi áo đưa cho Định tờ hai chục ngàn đồng. Chúng tôi cảm ơn, ra mấy chỗ người xách túi đứng sát đường ray. Người thì lắc đầu, người thì mở ví lấy cho mươi đồng. Ít nhiều cũng là quý, chúng tôi không dám nài thêm. Một bà buôn sắn bảo:
- Tí nữa tàu dừng, chuyển hộ mấy bì này lên, tôi cho tiền!
Ăn cơm nắm từ trưa hôm trước, khiêng mấy bao sắn nặng, tôi và Định bủn rủn chân tay. Định run như người sắp lên cơn sốt, mặt anh tái mét, nhợt nhạt, mắt lờ đờ, mồ hôi trán vã ra. Tôi hoảng quá, sợ anh bị choáng. Bà buôn sắn trả công một trăm rưởi. Định phải mấy lần ngửa tay nữa, chúng tôi mới gom đủ tiền mua hai cái vé tàu xuôi...
Gần nửa tháng sau, bận công tác, tôi không có dịp về thăm nhà. Bỗng một hôm nhận được tin Định đang phải cấp cứu ở bệnh viện. Lòng tôi đau nhói. Tôi nghĩ, có lẽ Định đã liều mình nên mới phải đi cấp cứu. Tôi sực nhớ hôm ở trên tàu quay về, Định gục vào vai tôi, vừa sụt sùi khóc, vừa nói: “Em chả thiết sống nữa. Hẳn như phải nằm dưới mộ ở nghĩa trang Thạch Tây, gia đình em lại được vẻ vang, anh em mình cũng chẳng đến nỗi chịu khổ nhục như thế này...”.
00O00 *** 00O00
Đến bệnh viện, tôi mới hay không phải như mình đoán. Định bị choáng và ngất, có lẽ tại anh nghĩ ngợi và dằn vặt quá nhiều?
Ngồi đối diện với tôi bên giường bệnh, ông Vọng đặt bàn tay đen sạm dăn deo lên trán Định, ngẩng lên nói với tôi:
- Hôm nào em nó khỏi, hai anh em lại cố đi chuyến nữa, may ra tìm được ông sư trưởng...
Tôi gật đầu để ông yên tâm mà lòng cứ miên man nghĩ về những điều rủi may của Định. Từ ngày sống sót về quê, Định có ham muốn gì lớn ngoài cái nguyện vọng rất chính đáng là có những giấy tờ cần thiết để làm một người sống bình thường?
Vậy mà, đã mười năm rồi, mười năm lận đận long đong, anh vẫn chưa lo nổi cái thủ tục bình thường để được làm một người còn sống.
Bùi Hoàng Tâm
Kỳ III: “Cơn địa chấn” bàng hoàng xã hội. (Sẽ đăng trên blog này, sau kỳ II 120 phút - Xem tại đây.)

Kỳ I: Số phận bi hài của một người lính

Thủ tục để làm người còn sống - "Quả bom" thời hậu chiến:
Kỳ I: Số phận bi hài của một người lính
Copy từ https://dantri.com.vn/phong-su-ky-su/ky-i-so-phan-bi-hai-cua-mot-nguoi-linh-1150219463.htm , tác giả: Bùi Hoàng Tâm , đã đăng ngày 13/06/2006 - 10:27.
Dân Trí: Gần 6 tháng trời với 15 cuộc họp lớn nhỏ từ địa phương dến T.Ư, có những cuộc họp lên dến 17 thành phần tham dự. Hàng trăm biên bản đã được lập, hàng chục bản tường trình được viết và cũng ngần đó bản thông báo được các cơ quan chức năng gửi đi. Tác giả đã từng có ý định rạch bụng mình để minh chứng sự thật.
Nhân vật trong tác phẩm đã hơn một lần hoảng loạn tính đến việc quyên sinh khiến tác giả phải quỳ xuống xin nhân vật đừng làm điều nông nổi. Biên tập viên gửi thư cho tác giả rằng nếu có mệnh hệ gì cũng không ân hận “vì chúng ta đã đứng ra bảo vệ danh dự cho một con người, nhất là khi đó lại là một người lính”. Tổng Biên tập nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Phu nhân của một vị lãnh đạo cao cấp sau khi xem bài báo đã nói với chồng rằng ông là người lãnh đạo cao cấp của đất nước, sao để xảy ra vụ việc này. Và hơn cả, là hàng ngàn bài viết, thư, điện thoại gửi về Tòa soạn, cho tác giả biểu lộ sự đồng tình. Đó là số phận của bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” của nhà văn Minh Chuyên in trên báo Văn nghệ số 19 - tháng 5/1988.
Sau đổi mới (1986), nhiều tác phẩm “nảy lửa” xuất hiện trên báo chí như: Lời khai của bị can – Trần Huy Quang, Người đàn bà quỳ – Nguyễn Văn Ba, Tiếng hú những con tàu – Nguyễn Thị Vân Anh, Con đường có máu chảy – Trần Quang Quý, Tiếng đất của Hoàng Hữu Các... Trong số đó “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc và “Thủ tục để làm người còn sống” của Minh Chuyên là 2 trong số những tác phẩm xuất sắc nhất, tạo một “cơn địa chấn bàng hoàng” trong đời sống xã hội. Điều ngạc nhiên là cả hai bút ký này đều mang cái âm hưởng của văn học hiện thực Việt Nam mà hai bậc thầy là Ngô Tất Tố và Nam Cao. Nếu trong “Cái đêm hôm ấy đêm gì” phảng phất cái không khí âm âm, u u của “Tắt đèn” với tiếng trống thúc thuế, thu sưu thì trong “Thủ tục để làm người còn sống” của Minh Chuyên lại phảng phất, lại ám ảnh cái không khí của buổi Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến. Có khác chăng ở chỗ Chí Phèo là gã du thủ, du thực, “con ác thú” của làng Vũ Đại, gã nông dân bị lưu manh hoá đến nhà cụ Bá để đòi “làm người lương thiện” thì anh lính nông dân bị lạc đơn vị, bị báo tử oan Trần Quyết Định đội đơn 10 năm đến rất nhiều cơ quan công quyền để đòi một điều đơn giản hơn nhiều là thủ tục để được làm... người còn sống, một nông dân xã viên hợp tác xã bình thường. Cái bút ký “như một quả bom” này đã gây cho Minh Chuyên nhiều khốn đốn nhưng nó đã đặt nền tảng cho một nhà văn viết bút ký giàu tiềm năng, dốc lòng cho một lý tưởng dùng ngòi bút để bảo vệ những thân phận thấp hèn, đấu tranh cho công bằng và khắc họa những số phận bi thương của người lính sau chiến tranh.
Đây không phải là một vụ án bởi chưa có ai là bị can, cũng chẳng có phiên tòa được mở. Thế nhưng cả nhân vật và tác giả đã từng bị các cơ quan chính sách khép vào những tội hết sức tày đình, khiến cả hai đã không dưới một lần có ý định quyên sinh. Câu chuyện được ghi lại theo lời kể của Nhà văn Minh Chuyên như minh chứng cho một chặng đường đổi mới của báo chí Việt Nam.
Vào một ngày cuối năm 1987, anh thương binh Đoàn Duyến gặp Minh Chuyên, bảo:
- Mày là thằng lính, toàn đi viết văn, viết báo ở đâu đâu. Thằng Định người xã mình oan khuất đã 10 năm nay sao không viết mà kêu cho nó. Mày “trơn lông, mượt da” quên hết những thằng đồng đội rồi sao?
Minh Chuyên về quê, đến nhà Trần Quyết Định tìm hiểu sự việc. Nội dung câu chuyện tóm lược như sau:
Trần Quyết Định sinh năm 1958 tại làng Nguyệt Lãng, Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1977 nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường biên giới Campuchia. Ngày 29/12/1978, gia đình nhận được giấy báo tử “đã anh dũng hi sinh tại biên giới Tây Nam” do Chính uỷ Lê Minh Châu ký. Thế nhưng hơn 9 tháng sau, vào ngày 31/12/1979, Trần Quyết Định khoác ba lô lù lù trở về. Nguyên nhân sự nhầm lẫn này là do trong một trận đánh tại cao điểm 62 ở Tân Biên (Tây Ninh), Định bị thương nặng, được điều chuyển qua nhiều Quân Y viện chữa trị và khi khỏi bệnh, ra viện thì đơn vị đã sang chiến đấu bên chiến trường nước bạn. Thực ra, chuyện nhầm lẫn như vậy không phải là chuyện lạ trong chiến tranh. Thế nhưng một người lính thất lạc đơn vị, từ cõi chết trở về bằng xương bằng thịt đã vấp phải sự quan liêu của cả một hệ thống cơ quan chính sách nên mười năm trời đằng đẵng hết vào Nam, ra Bắc, hết lên tỉnh, xuống huyện, lên đến tận Thủ đô chỉ để làm một việc đơn giản hãy cho tôi “thủ tục để làm người còn sống” mà không được.
Đã 10 năm nay, Trần Quyết Định sống trong sự nghi kị về những “khuất tất” của bản lý lịch. Có người còn nói thẳng, hay là anh đào ngũ. Những điều ong, tiếng ve đã khiến Định day dứt, đau khổ. Anh đã nhiều lần vào tận miền Nam để tìm nhưng đơn vị liên tục thay đổi địa điểm đóng quân. Ngày đó, việc đi lại rất khó khăn. Đã có lần Định tìm đến nghĩa trang 1Đ, xã Thạch Biên (Tân Biên). Anh rùng mình khi thấy ngôi mộ số 2, hàng 5 tấm bia ghi rõ: Trần Quyết Định... Hi sinh ngày... Quê quán Nguyệt Lãng, Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình. Một cảm giác lành lạnh sống lưng. Định quỳ xuống khấn: “Người bạn vô danh dưới mộ ơi! Nấm mồ này lẽ ra người ta đã chôn cất tôi. Nhưng ở đời còn có sự rủi may, nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn rủi ro đã làm bao nhiêu người phải vất vả, oan ức, khổ đau. Bố mẹ gia đình bạn biết ở đâu mà tìm, dù chỉ là tìm đúng nắm xương của con mình đem về an táng nơi quê cha đất tổ...
Còn tôi, may mà cũng chẳng may. Hẳn như phải nằm yên dưới nơi lạnh lẽo bạn nằm, chắc bố mẹ, anh em và cả tôi nữa chẳng phải long đong, lặn lội hết nơi này đến nơi khác... Hỡi người bạn vô danh, bạn sống khôn, chết thiêng hãy phù hộ cho tôi tránh được mọi rủi ro, phiền toái trong việc làm thủ tục để được nhận là một người còn sống”. Xúc động trước số phận của người đồng đội, Minh Chuyên đề xuất với Toà soạn báo Thái Bình (nơi anh công tác) cho anh theo đuổi vụ việc này với hai lý do. Một là trực tiếp đi làm thủ tục để giải toả tâm lý, đòi lại quyền lợi chính đáng cho Trần Quyết Định. Hai là được tận mắt chứng kiến để lấy tư liệu cho bài viết. Rất may cho Minh Chuyên, Tổng Biên tập báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh đã sốt sắng ủng hộ.
Lần đầu tiên đến nhà Trần Quyết Định, Minh Chuyên không khỏi giật mình. Nhà Định gieo neo quá. Hai bố mẹ già, ba đứa con dại, một người vợ ốm yếu và một người chồng bệnh tật. Người lính trở về vốn đã khó khăn huống hồ Định lại là người lính ốm đau, tật bệnh trở về không chế độ, không cả ruộng vườn. Đó là chưa kể tiền nong tích cóp được bao nhiêu đổ cả vào thuốc men và những chuyến vào Nam, ra Bắc để làm thủ tục. Ông Vọng (bố Định) giọng thều thào nói với Minh Chuyên:
- Anh cố gắng giúp em nó với. Khổ nó quá! Sống sót về được mà như người đào ngũ. Anh làm cán bộ nhà báo ở tỉnh, may ra nói họ nghe. Hồi này tôi yếu lắm rồi, đi xa không được nữa. Trăm sự nhờ anh.
“Tôi cầm tập hồ sơ của Trần Quyết Định gồm 18 thứ giấy tờ với 24 chữ ký và 24 dấu đỏ - Minh Chuyên kể - Riêng hai tờ đơn xin làm thủ tục phục viên và giám định thương tật có tới năm, sáu cơ quan chính sách, chính quyền giới thiệu lòng vòng, nơi này kiến nghị nơi kia xem xét, nơi kia lại đề nghị nơi này xem xét, giải quyết. Nghĩa là hết kính chuyển lại... kính chuyển. Chủ tịch xã Minh Khai ghi: “Đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết...”. Trưởng phòng TB&XH huyện đề: “Chuyển Sở TB&XH nghiên cứu, giúp đỡ...”. Sở TB&XH kiến nghị: “Chuyển Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đề nghị các đồng chí tạo điều kiện thuận lợi để anh Định được làm thủ tục của một quân nhân trở về”. Huyện đội Vũ Thư ghi cạnh đơn: “Đề nghị các cơ quan thẩm quyền giúp đỡ”.
Tôi mang toàn bộ giấy tờ đã có, đi lại từ đầu như Định đã đi và ở đâu, tôi cũng gặp một thái độ vô trách nhiệm đến vô cảm của các cơ quan chính sách trước thiệt thòi, mất mát của người lính Trần Quyết Định. Người tôi gặp đầu tiên là đại uý Tính, cán bộ Ban Tổ chức động viên. Anh Tính hẹn tháng sau lên giải quyết. Tháng sau, thay bằng câu hỏi han là các lời cật vấn: Quyết định phục viên đâu? Tại sao đơn vị không giải quyết? Báo tử rồi sao lại báo thương?... Và cuối cùng là một lời hẹn tuần sau. Thay lời cật vấn, lần này là cuộc “khám xét” các vết thương.
Trong bài bút ký, Minh Chuyên viết: “Định vén quần lên, một chiếc sẹo màu xám, hình mắt trâu, lồi lên ở lõm trước đùi trái. Anh nghiêng đầu, đưa hai tay rẽ tóc, trên đỉnh đầu hiện ra một vết sẹo như múi quýt, màu hồng nhạt, hơi lõm, nhẵn thín. Sờ nắn, xem xét xong, đại uý Tính giở giấy tờ ra đối chiếu. Thấy đầu anh gật gật, chúng tôi mừng quá. Rồi đại uý Tính bảo:
- Trường hợp của đồng chí, phải có quyết định phục viên thì mới giải quyết được. Nhưng chờ lâu đấy”.
- Vâng ạ.
Ra về, Định bảo tôi “Dù phải chờ cũng tốt rồi. Sớm muộn năm nay cũng được quyết định phục viên. Còn thương tật, giám định được hay không, em không băn khoăn nhiều. Có được quyết định phục viên nghĩa là đã được xác nhận là người còn sống, đã hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường. Một nhiệm vụ mà thực sự em đã đổ máu, cống hiến”.
Đầu quý hai năm 1987, tôi và Định lại lên tỉnh đội theo lời hẹn tháng trước, lần này hy vọng sẽ được giải quyết. Nhưng sau khi đặt tập hồ sơ lên bàn, đại uý Tính nói ngay:
- Trường hợp của Định không giải quyết ở tỉnh được. Tôi xin ý kiến cấp trên, các đồng chí đề nghị giới thiệu lên Cục Tổ chức động viên của Bộ Tổng tham mưu.
Thất vọng, Định run run nói:
- Tháng trước anh bảo sang đầu quý sẽ giải quyết. Hoàn cảnh gia đình và sức khoẻ của em không có điều kiện đi xa được nữa. Xin các anh chiếu cố giúp em ở dưới này.
- Nhưng tôi chỉ là người thực hiện. Các đồng chí lãnh đạo ban chúng tôi đã quyết định chuyển đi rồi.
Đại uý Tính rút tờ giấy giới thiệu của Ban Tổ chức động viên gửi Bộ Tổng tham mưu đưa cho anh Định và tôi. Thì ra các anh đã viết và ký giấy sẵn rồi. Giấy ghi “Đồng chí Định bị thương tháng 6/1978, điều trị tại Viện Quân y. Khi ra viện, đơn vị di chuyển không tìm thấy, đã có giấy bảo tử về địa phương. Đề nghị Cục cho hướng giải quyết”. Dòng cuối cùng ghi chú thêm “Liên hệ số nhà 3 - Ông Ích Khiêm- Hà Nội”.
Thấy nét mặt chúng tôi thoáng buồn, anh Tính động viên:
- Chỉ cần trên ấy họ ghi mấy chữ: Chuyển Bộ Chỉ huy Quân sự  tỉnh Thái Bình, hoặc uỷ quyền giải quyết là chúng tôi làm ngay.
Bùi Hoàng Tâm
Kỳ II: Cuộc ăn mày oan nghiệt.(Sẽ đăng trên blog này, sau bài này 110 phút). Xem tại đây.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc tập trận, bắn đạn ở Hoàng Sa

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc tập trận, bắn đạn ở Hoàng Sa

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa từ 22 đến 24/3/19 và kế hoạch xây các đảo thành thành phố, căn cứ hậu cần chiến lược.

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về một số hoạt động của Trung Quốc tiến hành gần đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. 
Bà Hằng khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế".
"Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập, bắn đạn ở quần đảo Hoàng Sa từ ngày 22 đến 24/3 cũng như có kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa trở thành thành phố và căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược quan trọng của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam" - bà Hằng nói.
Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc tập trận, bắn đạn ở Hoàng Sa
Người phát ngôn tại cuộc họp báo chiều nay (28-03)
Theo người phát ngôn các hoạt động nói trên của Trung Quốc đã đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết những vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vi phạm tinh thần tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc DOC, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông COC và việc duy trì môi trường hòa bình ổn định và hợp tác ở biển Đông.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hành động tương tự. Tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đào Hoàng Sa, Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có các hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực".
Việt Nam đã gặp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về những sự việc này.
Phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng đuổi tàu cá Việt Nam

Phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng đuổi tàu cá Việt Nam

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, trao công hàm và phản ....
Thành Nam

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Nắng nóng bao trùm Nam Bộ, nhiệt độ lên đến 38 độ C

Nắng nóng bao trùm Nam Bộ, nhiệt độ lên đến 38 độ C

Copy từ "https://nld.com.vn/thoi-su/nang-nong-bao-trum-nam-bo-nhiet-do-len-den-38-do-c-20190328114234204.htm", tác giả: S.Đông, đã đăng ngày 28/03/2019 12:46.

(NLĐO)-Đây là ngày thứ 3 Nam Bộ hứng chịu đợt nắng nóng khi nhiệt độ lên đến 38 độ C đi kèm tia UV cao.

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ vừa phát đi bản tin cảnh báo nắng nóng trên khu vực Nam Bộ khi nhiệt độ hôm nay được dự báo có thể lên đến 380C.
Nắng nóng bao trùm Nam Bộ, nhiệt độ lên đến 38 độ C - Ảnh 1.
Người dân nên mang đồ bảo hộ để tránh tác hại của tia UV
Trong ngày hôm qua(27-03-19), nắng nóng tiếp tục duy trì trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố ở miền Đông Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất từ 34,8-36,60C, riêng Biên Hòa (Đồng Nai) lên đến 37,50C. Tại TP HCM, nhiệt độ cao nhất 35-360C, riêng khu vực nội thành trên 360C. Nắng nóng đi kèm với độ ẩm thấp nhất 35-45% khiến người dân cảm thấy khó chịu.
Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết ngày hôm nay (28-03-19), áp cao lạnh lục địa tiếp tục dịch chuyển ra phía Đông và suy yếu, áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông và Đông Nam. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục vắt qua Trung Bộ hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, từ hôm nay áp thấp nóng phía Tây bị nén về phía Nam do tác động của một bộ phận không khí lạnh từ phía bắc di chuyển xuống. Áp cao cận nhiệt trên cao cũng dần suy yếu rút ra.
Nắng nóng bao trùm Nam Bộ, nhiệt độ lên đến 38 độ C - Ảnh 2.
Dự báo nhiệt độ ngày 28-3-19 ở một số tỉnh, thành phố (Ảnh: Đài KTTV khu vực Nam Bộ)
Vì vậy nắng nóng có xu hướng gia tăng và mở rộng trên khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Tây. Nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ. Kể từ ngày 30-3, nắng nóng thu hẹp trên khu vực.
Nắng nóng thường đi kèm với tia cực tím (UV) cao, dự báo trưa nay vẫn duy trì ở mức 9 (cao nhất là 11+ theo thang của Tổ chức Y tế Thế giới-WHO). Để hạn chế tác hại của tia UV đến da và mặt, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường vào khung giờ 11-15 giờ hàng ngày. Nếu buộc phải ra đường thì nên đeo đồ bảo hộ, găng tay, áo dày và thoáng, nón rộng vành, kính mát để đảm bảo sức khỏe.
Tin-ảnh: S. Đông

Bắt giữ vụ vận chuyển ma túy số lượng cực lớn tại TP Hồ Chí Minh

Bắt giữ vụ vận chuyển ma túy số lượng cực lớn tại TP Hồ Chí Minh

Copy từ "http://www.nhandan.org.vn/phapluat/thoi-su/item/39656602-bat-giu-vu-van-chuyen-ma-tuy-so-luong-cuc-lon-tai-tp-ho-chi-minh.html", tác giả: Quang Quý, đã đăng ngày 28/03/2019, 09:56:41.
NDĐT - Sáng 28-3-19, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tối 27-3, tại huyện Hóc Môn, đội CSGT An Sương thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh và Tổ tuần tra kiểm soát hỗn hợp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (gọi tắt Tổ công tác 363) đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn do một người đàn ông nước ngoài vận chuyển.
Bắt giữ vụ vận chuyển ma túy số lượng cực lớn tại TP Hồ Chí Minh
Hiện trường vụ việc. (Ảnh: B.T)
Theo thông tin ban đầu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng chức năng đã phát hiện một xe bán tải có nghi vấn nên yêu cầu kiểm tra. Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện số lượng lớn nghi là ma túy được cất giấu trên xe.
Các lực lượng chức năng đã tạm giữ đối tượng vận chuyển, thu giữ tang vật.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
QUANG QUÝ

Chờ 2 năm, Hoàng Ðức mới thăng hoa

Chờ 2 năm, Hoàng Ðức mới thăng hoa

Copy từ "https://nld.com.vn/the-thao/cho-2-nam-hoang-uc-moi-thang-hoa-20190327225534202.htm", tác giả: Anh Dũng , đã đăng ngày 28/03/2019 07:25.

"Tôi chưa bao giờ ngừng tin tưởng Hà Ðức Chinh nhưng tìm một người đá cặp với cậu ta rất khó. Cho đến khi Hoàng Ðức xuất hiện thì tôi tin đó là một cặp ăn ý nhất hiện tại" - HLV Park Hang-seo nói

Từ tâm trạng vô cùng lo lắng cho đội tuyển U23 Việt Nam vì khoảng trống mà thế hệ sinh năm 1995-1996 như Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Đức Huy... để lại, người hâm mộ một lần nữa phải bày tỏ sự thán phục với HLV Park Hang-seo. Nhà cầm quân người Hàn Quốc tiếp tục trình làng thêm một thế hệ tài năng không kém, nhất là dưới bàn tay nhào nặn chiến thuật bậc thầy của ông.
Nếu như Quang Hải là đại diện tiêu biểu của lứa 1997, là lá cờ đầu của U23 Việt Nam trong chiến tích đánh bại U23 Thái Lan 4-0, thì Hoàng Đức chính là cái tên để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất của lứa tài năng trẻ sinh năm 1998. Khi hiệp 2 mới bắt đầu được 8 phút, Quang Hải đi bóng khó tin qua 3 cầu thủ Thái Lan trước khi chuyền vào vòng trong, nơi Hoàng Ðức đã đợi sẵn. Tiền đạo của CLB Viettel nghiêng người, tung cú sút bằng chân trái điệu nghệ đánh bại Nont Muangngam, giúp U23 Việt Nam nhân đôi cách biệt trong thời điểm Thái Lan đang muốn đẩy cao đội hình tìm bàn gỡ hòa.
Bàn thắng của Hoàng Ðức không những khiến đội Thái vỡ trận mà còn chính thức giúp cầu thủ trẻ này thoát khỏi áp lực đá rất hay nhưng chưa một lần lập công ở 2 trận đấu trước đó với Brunei và Indonesia.
Chờ 2 năm, Hoàng Ðức mới thăng hoa - Ảnh 1.
Hoàng Ðức thoát khỏi sự truy cản của hậu vệ U23 Thái Lan Ảnh: Hải Anh
Theo HLV Đặng Phương Nam, người thầy đã gắn bó với Hoàng Ðức từ khi còn là một cậu bé lẫm chẫm vào "lò" đào tạo Viettel, khoảnh khắc của bàn thắng cho thấy đó là sự kết tinh của kỹ thuật cá nhân điêu luyện và cái chân trái thuộc hàng của hiếm của bóng đá Việt Nam. "Khoảnh khắc đó khiến tinh thần đối phương suy sụp và mở ra chiến thắng tuyệt đối cho U23 Việt Nam. Chiếc thẻ đỏ sau đó của Supachai Jaided và 2 bàn thắng của Thành Chung, Thanh Sơn là kết quả tất yếu từ pha lập công ấy" - ông Phương Nam phân tích.
Không phải khi đến bàn thắng trên, người hâm mộ mới trầm trồ về Hoàng Ðức. Họ vẫn nhớ như in chàng thanh niên cao 1,83 m là vua phá lưới của CLB Viettel ở mùa giải 2018, góp công lớn vào thành tích cho đội lên chơi tại V-League năm nay. Họ nhớ pha sút bóng dội cột dọc ở trận mở màn gặp U23 Brunei, pha qua người đầy chất nghệ sĩ ở trận đấu với U23 Indonesia nhưng thiếu một chút sắc bén trong pha dứt điểm cuối cùng để hưởng trọn niềm vui.
Xa hơn, người hâm mộ bóng đá Việt Nam nhớ tới chàng trai này bằng pha bỏ lỡ khó tin ở trận hòa 0-0 giữa Việt Nam và New Zealand tại VCK U20 World Cup 2017. Nếu cú đệm bóng ấy thành bàn, bóng đá Việt Nam trên sân 11 người đã có bàn thắng đầu tiên ở World Cup. Nếu thành công, bàn thắng ấy có lẽ đã sớm tạo nên bước ngoặt cho sự nghiệp của Hoàng Ðức.
Khi giải mã cách hạ U23 Thái Lan, HLV Park Hang-seo đã xem Hoàng Ðức như một phát hiện thú vị nhất ở nhóm những tân binh của U23 Việt Nam. "Thái Lan phòng ngự với sơ đồ 5-3-2 nhưng tấn công chuyển sang 3-4-3, giống Việt Nam. Nhưng trận này, chúng tôi tăng tiền vệ ở giữa sân - nhiều hơn một chút so với Thái Lan. Có lẽ điều này đã giúp chúng tôi chơi tốt hơn họ. Ngoài ra, việc Hoàng Ðức đá với Đức Chinh cũng tạo nên khác biệt. Bây giờ khó kiếm ai phù hợp hơn thế để đá với Đức Chinh. Sự xuất hiện của Hoàng Ðức khiến tôi tin tưởng rằng không ai đá cặp với Chinh phù hợp hơn cậu ta lúc này" - ông nhìn nhận.
4 "lò" cùng lập công
Trận đấu với U23 Thái Lan là lần hiếm hoi người hâm mộ được chứng kiến 4 cầu thủ tới từ 4 "lò" đào tạo trẻ nổi bật nhất hiện nay của bóng đá Việt Nam cùng ghi bàn: Ðức Chinh từ PVF, Thành Chung thuộc Hà Nội FC, Thanh Sơn của HAGL và Hoàng Ðức là "sản phẩm" của Viettel.
Anh Dũng

Quan lộ thần tốc của Phó hiệu trưởng trường năng khiếu Nguyễn Thị Định

Quan lộ thần tốc của Phó hiệu trưởng trường năng khiếu Nguyễn Thị Định

PHƯƠNG LINH

(GDVN) - Ông này được nhấc lên rất nhanh, và là anh em rể với Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Sơn.

Một số giáo viên và lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, ông Lê Quốc Trí – Phó Hiệu trưởng Trường chuyên Năng khiếu Thể dục Thể thao Nguyễn Thị Định, quận 8 được thăng tiến bất thường.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Quốc Trí, sinh năm 1971, là Huấn luyện viên Điền kinh của Trường Nghiệp vụ Thể dục Thể Thao (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) cho đến ngày 28/12/2010.
Sau đó, ông Trí chuyển về công tác tại Câu lạc bộ Điền kinh – Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường trung học phổ thông chuyên năng khiếu Nguyễn Thị Định (ảnh: P.L)
Rồi tiếp nữa, ông Lê Quốc Trí mới chuyển về Trung tâm Thể thao Thống Nhất.
Tất cả những nơi ông Trí công tác đều với vai trò là Huấn luyện viên Điền kinh.
Có một thời gian rất ngắn, ông Lê Quốc Trí công tác ở Trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, quận 5, với vai trò là Huấn luyện viên (không phải giáo viên thể dục).
Giai đoạn này, bà Nguyễn Thị Yến Trinh – vợ ông Lê Hồng Sơn, đương kim Giám đốc Sở, đang là Hiệu trưởng ở đây.

Những ai đã đi Đức với vợ Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh?

Ngày 28/7/2011, xét nhu cầu thuyên chuyển viên chức của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định 982, tiếp nhận, phân công ông Trí về làm giáo viên môn Thể dục tại Trường trung học phổ thông chuyên Năng khiếu Thể dục thể thao Nguyễn Thị Định.
Tới ngày 11/11/2011, có nghĩa là chưa đầy 4 tháng sau, ông Trí đã được ông Lê Hồng Sơn ký quyết định 1519, đề bạt chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Năng khiếu Thể dục thể thao Nguyễn Thị Định.
Tới năm 2016, ông Lê Quốc Trí được tái bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng (nhiệm kỳ thứ 2) tại ngôi trường này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Quốc Trí có bằng tốt nghiệp Đại học (tại chức) loại Trung bình của Trường Đại học Thể Dục Thể Thao II cấp năm 1994, danh hiệu Cử nhân Thể thao.
Ngoài một số chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ thông thường, ông Trí còn có bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa, kỳ thi tháng 6/1989 (ngày nay gọi là bằng tốt nghiệp trung học phổ thông), do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cấp.
Năm 2001, ông Trí còn có một chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, chương trình chuyên viên, học từ ngày 14/3/2001 đến 30/7/2001, được Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cấp vào ngày 9/8/2001.
Phải tới năm 2016, khi đang làm Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2, ông Trí mới lấy được bằng Thạc sĩ Quản lý Giáo dục.
Được biết, vợ ông Lê Quốc Trí là em ruột của bà Nguyễn Thị Yến Trinh (hiện đang là Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong), vợ của ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưa ngày 27/3, xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Quốc Trí xác nhận, mình có mối quan hệ anh em “cột chèo” với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hồng Sơn.
Ông Lê Quốc Trí đã nói rằng “Việc bổ nhiệm là có quy trình, nếu nói tích cực thì là tích cực, tiêu cực thì là tiêu cực,”.
Ngày 26/3, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ với ông Nguyễn Huỳnh Long – Trưởng phòng Tổ Chức Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu sự việc.
Tuy nhiên, ông Long đã khóa số máy cá nhân của mình. Một nhân viên của Sở này xác nhận, hiện ông Huỳnh Long đang đi công tác nước ngoài.
Phương Linh