Từng bước nâng cao đời sống người dân miền núi |
Copy từ http://www.baophuyen.com.vn/82/190555/tung-buoc-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-mien-nui.html, tác giả: Minh Duyên , đã đăng ngày 26-12-17 lúc 13:00. |
Trong năm qua, UBND tỉnh đã triển khai tích cực các chương trình, chính sách hỗ trợ cho vùng miền núi. Nhờ vậy, các xã đặc biệt khó khăn đã được xây dựng nhiều công trình hạ tầng cơ sở; các hộ dân được hỗ trợ phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức… |
|
Hàng năm, từ nguồn vốn của các chính sách dân tộc, vùng miền núi được đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Đường giao thông nông thôn ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh - Ảnh: MINH DUYÊN |
Người dân được thụ hưởng |
Anh Sô Y Thìn ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), chỉ vào con đường nội đồng chạy dọc cánh đồng thôn Tân Hiên, vui vẻ nói: Nhà tôi có 3ha đất trồng mía, sắn ở cánh đồng này. Ngày trước đường lầy lội đi lại vất vả lắm. Mỗi vụ thu hoạch, phải trả gấp đôi công vận chuyển thì cộ bò mới chịu vô chở. Nay khỏe rồi, xe tải có thể vô tận ruộng, vừa bớt công, vừa bớt nhọc sức. Còn chị La Thị Lan ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) cũng hồ hởi: Mình là hộ nghèo, chẳng có tiền đâu mà tậu bò. Vừa rồi được nhận hỗ trợ 10 triệu đồng, vợ chồng mình mua liền con bò lai này về làm vốn. Giờ gia đình mình không lo đói nghèo nữa… |
Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết: Từ đầu năm đến nay, xã được đầu tư 950 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Trong đó, 300 triệu đồng hỗ trợ cho 30 hộ nghèo mua bò (mỗi hộ 10 triệu đồng). Với 920 triệu đồng, xã xây dựng đường nội đồng dài 2km, giúp 200 hộ dân đi ra khu sản xuất rộng 40ha và mở rộng 2 phòng học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Đinh Núp. |
Hai huyện nghèo Sông Hinh và Đồng Xuân, trong năm 2017 cũng được đầu tư hơn 32,4 tỉ đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở. Theo ông KSor Y Tin, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sông Hinh từ 16,2 tỉ đồng vốn Nghị quyết 30a thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã trả nợ 6 danh mục dự án năm 2016 và khởi công mới 7 danh mục dự án. Đó chủ yếu là các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy giao thương, hướng tới giảm nghèo, nâng cao mức sống cho vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. |
Không chỉ được hỗ trợ hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất, người dân vùng miền núi còn được hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tiền trực tiếp… Già Ma Bôch ở buôn Dôn Chách (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) cho biết: Là người uy tín, già được thăm hỏi và tặng quà những lúc ốm đau, dịp lễ tết; được đọc báo tiếp cận thông tin chính trị, xã hội hàng ngày. Những người nghèo trong buôn của già được hỗ trợ kinh phí, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để đi khám sức khỏe và nhận thuốc không mất tiền. Phụ nữ đồng bào được tiếp cận về kiến thức sức khỏe sinh sản, được hướng dẫn cách nuôi con khỏe. Thanh niên đồng bào đến tuổi lao động nếu không đi học tiếp thì được đào tạo các nghề thủ công… Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo hết thảy nên già mừng lắm! |
Tiếp tục quan tâm đầu tư |
Trong năm qua, từ nguồn vốn hơn 73 tỉ đồng của các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, dân số… cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã xây mới 39 công trình, hoàn thành 11 danh mục dự án khởi công mới, trả nợ 7 danh mục dự án năm 2016. Nhờ đó, hàng ngàn hộ được hưởng lợi, trong đó cấp 62.129 thẻ bảo hiểm y tế cho người đồng bào miền núi nghèo, 604 lao động được học nghề, hơn 2.800 học sinh được hỗ trợ gạo, tiền ăn ở… Theo UBND tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt… được đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện vùng này 100% số thôn, buôn được sử dụng điện lưới quốc gia; tỉ lệ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 85%; trường học, trạm y tế được xây mới, nâng cấp đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của người dân… Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng này lên 13%/năm, tỉ lệ giảm nghèo đạt 4-5%/năm. GDP bình quân đầu người khu vực miền núi từ 18-26 triệu đồng/người/năm. |
Sang năm tới, vùng miền núi tiếp tục được đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất để thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững. Ông La Văn Tỷ, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Kế hoạch vốn năm 2018 cho vùng miền núi gần 135 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh vẫn tập trung cho xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất ở vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; ổn định chỗ ở cho đồng bào nghèo |
Theo ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vùng miền núi của tỉnh có hơn 236.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 58.000 người, chiếm 24,9% dân số vùng và 6,6% dân số toàn tỉnh. Hộ nghèo dân tộc thiểu số 6.940 hộ, chiếm 26,9% tổng hộ nghèo toàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về công tác dân tộc, hàng năm tỉnh Phú Yên sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho vùng miền núi, để từng bước nâng cao mức sống của người dân; thực hiện rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi với đồng bằng, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong cả tỉnh. |
|
Minh Duyên |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét