Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Từ chuyện cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, nghĩ về đạo đức doanh nhân

Từ chuyện cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, nghĩ về đạo đức doanh nhân
Copy từ https://thanhnien.vn/toi-viet/tu-chuyen-cu-ba-hoang-thi-minh-ho-nghi-ve-dao-duc-doanh-nhan-898338.html, tác giả: Thanh Niên Online, mục Tôi viết, đã đăng ngày 09/11/2017 lúc 02:53.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - Nhà tư sản dân tộc yêu nước đã ra đi hôm 5.11.17. Tôi xem cụ như một tượng đài tiêu biểu về doanh nhân Việt có tấm lòng yêu nước và là tấm gương sáng trong đạo đức kinh doanh.
Tôi nói cụm từ "Tượng đài tiêu biểu về doanh nhân Việt" là liên tưởng đến câu chuyện của tập đoàn Khaisilk và hàng loạt chuyện doanh nhân vừa rồi bị phát giác gian lận.
Gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ luôn trọng chữ Tín trong kinh doanh. Cũng nhờ biết trọng chữ Tín mà họ trở nên giàu có nhanh và nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Triết lý kinh doanh của người phụ nữ ấy chính là đạo làm người và làm nhiều điều thiện giúp người. Cụ Minh Hồ luôn nhắc nhở mình rằng trong làm ăn thì phải tính cho được lỗ, lãi. Khi đã có lãi một đồng thì nên tích lũy 7 hào và 3 hào còn lại nên làm việc phúc đức, cứu người. Phải chăng vì thế mà cụ có uy tín cao trong giới doanh nhân ngày đó và người tiêu dùng thì cũng tin vào thương hiệu của nhà cụ.
“Nhiều thương gia nước ngoài sang Hà Nội làm ăn đã nghe tiếng vải Phúc Lợi và về nước họ chia sẻ với bạn làm ăn. Từ đó, uy tín của gia đình tôi lan rộng ra các nước trong khu vực", ông Trịnh Cần Chính, con trai cụ kể.
Vợ chồng cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã từng hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng và nhiều tài sản khác. Với tư duy của một nhà buôn, hai cụ cũng thừa hiểu bỏ tài sản ra giúp Cách mạng cũng đâu để mong gì lấy lại mà chỉ mong "Dân tộc bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi...", cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ giải thích.
Thế rồi sau năm 1954, gia đình cụ từ vùng kháng chiến về thành Hà Nội. Tài sản của gia đình cũng chẳng còn gì vì đã hiến dần cho Cách mạng, ngoài một số bất động sản là nhà cửa mà ông bà mua từ trước. Họ trở về hiệu tơ lụa sợi Phúc Lợi của gia đình ở 48 Hàng Ngang và cho gia nhân đào lại cái giếng nước trong sân. Nơi này gia đình đang chôn giấu hơn 1,4 tấn bạc trước ngày rời đi kháng chiến vào năm 1946. Thật lạ lùng, khối tài sản khủng đó tuyệt nhiên không hề suy xuyển một lượng. Vẫn là những người gia nhân này, họ từng chôn cả tấn bạc giúp cụ. Rồi họ cùng đi theo cụ suốt 9 năm đi kháng chiến, no đói họ cùng có nhau... Qua đó, chúng ta cũng có thể hiểu được sự trung thành đến thế nào của những gia nhân đối với gia đình cụ. Thế mới thấy những gia đình tư sản giàu có như cụ, đạo đức con người luôn được xem trọng.
Thương trường là chiến trường! Điều đó càng ngày càng không sai bởi sự cạnh tranh trên lĩnh vực kinh tế mỗi ngày mỗi khắc nghiệt. Điều đáng buồn là hiện có những doanh nhân kinh doanh mà không xem trọng đạo đức như ông Hoàng Khải, chủ nhân của thương hiệu Khaisilk. Trong khi ông này lại luôn rao giảng đạo đức trên các phương tiện truyền thông.
Vụ Khaisilk chưa kịp lắng xuống thì lại xảy ra vụ buôn bán hàng mỹ phẩm ngoại với quy mô lớn không rõ nguồn gốc của "quý cô" Nguyễn Thu Trang, là một trong 2 nhà lãnh đạo trẻ sáng lập và điều hành tập đoàn kinh doanh online lớn nhất Việt Nam.
Rồi trước đó là vụ làm giấy tờ giả để nhập thuốc chữa ung thư giả vào Việt Nam của công ty dược VN Pharma... Qua đó đã cho thấy không ít doanh nhân Việt Nam kinh doanh hàng giả trên mọi lĩnh vực, không từ cả những sản phẩm làm hại sinh mạng con người. Thật là đáng lo cho một xã hội đang có quá nhiều sự gian dối len lỏi vào đời sống đạo đức kinh doanh. Họ xem ra vừa coi thường luật pháp vừa bán rẻ danh dự của mình.
Nhớ về một thế hệ doanh nhân Việt có nghĩa cử cao đẹp và có đạo đức trong kinh doanh, nhân sự ra đi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ là để các thế hệ doanh nhân hôm nay nên nhìn nhận lại "triết lý kinh doanh" của mình và cần học tập tấm gương của các vị tiền bối. Kinh doanh mà thiếu đạo đức thì rất dễ dẫn đến tiền mất tật mang, người đời oán hận.
Quốc Phong (Thanh Niên Online, mục Tôi viết)

Không có nhận xét nào: