28 năm mang án oan giết chồng, giết cha |
Copy từ https://www.tienphong.vn/phap-luat/28-nam-mang-an-oan-giet-chong-giet-cha-1201229.tpo , tác giả: Xuân Ân , đã đăng ngày 25/10/17 lúc 06:28. |
TP - Vừa chôn cất chồng xong, người phụ nữ tìm cách kêu oan cho 2 con trai bà bị bắt vì nghi ngờ họ giết bố nhưng chính bà cũng bị bắt sau đó. Vụ án được trả hồ sơ, những người bị giam được thả nhưng họ vẫn mang tiếng “giết chồng, giết cha” suốt 28 năm qua. |
|
|
28 năm oan trái |
Ngày 24/10/17, trong một căn nhà mái tranh đã cũ ở thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên), bà Đặng Thị Nga (SN 1938) dậy từ 5h sáng. Bà cùng con cháu quét dọn lại nhà cửa, kê bàn ghế chuẩn bị đón họ hàng, làng xóm đến chia vui cùng gia đình mình - niềm vui được minh oan. |
Bà Nga cho hay, chỉ vài tuần nữa bà bước sang tuổi 80 và đã rất yếu. Tuy vậy, bà vẫn nhớ như in cái ngày tai ương đổ xuống gia đình bà cách đây 28 năm. Bà lão kể, ngày 18/9/1989, khi bà ra giếng múc nước, phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng tử vong phía dưới. Chôn cất chồng được 4 ngày, bà đi làm về liền được con gái chạy ra nói công an đã bắt giữ 2 anh lớn là Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) vì cho rằng họ giết bố mình. Bà tìm cách minh oan cho các con nhưng chính bà sau đó cũng bị bắt giữ. |
“Tôi vào tù nghĩ chắc cả nhà chết hết, tôi vào đây thì 3 đứa nhỏ ở nhà chỉ có nước chết đói… Họ đánh tôi 2 hôm liền, bắt tôi phải nhận tội giết chồng. Sáng ngày thứ 3, tôi nghĩ nếu để họ đánh chết thì không ai minh oan cho mình và con nên nhận tội. Khoảng hơn 10h sáng, tôi được gặp các con, thằng lớn bảo mẹ nhận tội đi rồi về nuôi các em để bọn con đi tù… tôi đành nhận” - bà lão nói rồi lấy tay chấm nước mắt. |
Tiếp lời mẹ, anh Trịnh Huy Dương kể, vừa vào trại giam, anh và anh trai đã bị dùng nhục hình. Anh chứng kiến những điều tra viên bàn bạc với nhau “nên cho” các anh dùng hung khí gì, viên gạch hay búa đinh. “Sau đó, họ thống nhất là anh Hiến dùng búa đinh còn tôi dùng gậy để giết bố… Vì họ thống nhất nên những bản khai của 3 mẹ con tôi mới giống nhau y hệt như vậy” – anh Dương nói. |
|
Gia đình bà Nga nhận hoa từ chính quyền địa phương tại buổi xin lỗi của cơ quan tố tụng sáng 24/10/17. |
Hận đời oan trái |
Đó là dòng chữ anh Trịnh Công Hiến xăm trên ngực lúc trong tù. Về chuyện này, anh Dương nhớ lại: “Trong tù, anh ấy xăm chữ hận đời oan trái và bảo bao giờ được minh oan mới xóa đi. Được tự do, chúng tôi rất vui nhưng về nhà một vài ngày thì rất bế tắc vì bị mang tiếng giết bố. Anh trai tôi định dạm ngõ với người yêu mà bên nhà chị nói thằng ấy giết bố nên không cho cưới, sau chị ấy đi lấy chồng. Anh tôi dùng dao mèo cứa cổ tự tử may tôi nhìn thấy cản lại, con dao cứa vào tay tôi khiến 3 ngón không cử động được. Anh ấy mất năm 2004 vì bệnh tật, không kịp chứng kiến mình được minh oan”. |
Người đàn ông giơ những ngón tay run run ra, nước mắt không ngừng chảy trên khuôn mặt khắc khổ. Phần mình, anh Dương cho biết do không chịu được dư luận ở nhà nên phải bỏ xuống miền xuôi và xuống đó vẫn phải tránh những nơi có họ hàng của mình. |
Năm 2009, anh Dương lập gia đình, rất may vợ anh hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của chồng. “Trong vali của tôi lúc nào cũng có giấy tờ về vụ án nên cô ấy biết… Từ lúc đi khỏi nhà, lúc nào tôi cũng mang theo giấy tờ ấy và nhất là giấy thay đổi biện pháp ngăn chặn. Đi đâu tôi cũng phải mang tờ giấy này vì nghĩ những người gây oan sai cho mình giờ làm to hơn rồi, thế nào cũng xử lý mình” - người đàn ông đột ngột nói to. |
|
Chị Đặng Thị Ngọc - người thay bố mẹ nuôi các em. |
Đêm sợ ma, ngày sợ người |
Ngồi cạnh mẹ, chị Trịnh Thị Ngọc - con gái bà Nga tiếp lời: “Họ ác lắm, lúc mẹ tôi, các anh tôi bị bắt họ liên tục gọi tôi lúc đó 16 tuổi và em Dũng lúc đó 13 tuổi lên, chỉ có em Vương 10 tuổi là thoát. Họ đưa cho bản khai của mẹ tôi, anh tôi viết gì thì chúng tôi viết theo như vậy… Em Dũng không chịu viết, bị họ đánh đập, nôn ra máu nên mới mắc bệnh trầm cảm, không làm ăn gì được giờ chỉ nằm trong giường kia”. |
Lau đi nước mắt, chị nói: “Cứ mỗi lần nhìn thấy xe Uoat đỗ trước cửa là chị em tôi lại ôm lấy nhau khóc mà họ vẫn tách ra lôi đi. Mãi sau, bác Phạm Hồng Công ở Viện KSNDTC về thụ lý hồ sơ mới bảo chúng tôi là trẻ dưới 18, công an muốn gọi phải có người giám hộ đi cùng... Bác ấy tốt lắm, ngồi nghe chúng tôi kể chuyện rất từ tốn không như ở đây, ngồi khai vài câu là họ đánh ngay được”. |
Bà Nga vỗ về con gái và cho biết, lúc bà bị bắt và suốt quá trình kêu oan, chính Ngọc đã thay bố mẹ nuôi các em. Ban đêm, 3 chị em cùng xay gạo nấu bánh để sớm mai người đi bán bánh, đứa bán kem sống qua ngày. |
Chị Ngọc kể tiếp: “Ngày ấy cơ cực lắm, mãi mới dành dụm được chút tiền để lên thăm mẹ, thăm anh. Mẹ và anh tôi bị giam ở Mường Tùng cách đây 200 km, có khi phải đi mất 2 ngày trời vì mưa gió, xe cộ. Ở nhà, 3 chị em tôi nhỏ, sợ ma nên phải nhờ người đục tường xuống bếp, không dám đi qua cái giếng lúc đêm tối. Ban ngày, hết công an khám nhà lại đến ông hàng xóm trong kia ra nhà tôi hút bàn đèn nên càng sợ”. |
Gia đình cho biết, chỉ có anh Trịnh Việt Vương (SN 1979) - con út bà Nga được học hành, hiện làm công chức Nhà nước. Cũng trong thời gian là sinh viên, anh Vương đã cất công tìm kiếm và gặp được anh Dương lúc đó vì chán nản mà bỏ nhà đi gần 10 năm trời không tn tức. |
Kêu oan 20 năm, xin lỗi 20 phút |
Được hỏi có bao giờ muốn bỏ cuộc trong hành trình kêu oan, bà Nga cho hay mình không bao giờ từ bỏ ý định, cứ đi làm có tiền là tôi lại vác đơn đi kêu oan. Bà nhớ lại: “Xử sơ thẩm xong, họ bảo tôi bị án treo nên không được ra khỏi huyện, tôi phải dắt thằng Vương lúc đó 10 tuổi lén đi, lúc đi nó chỉ có quần đùi để mặc. Tôi về quê ở Thái Nguyên nhờ anh trai viết đơn thì các chị dâu bảo anh tôi phải cho nó đi xem bói xem đúng cái Nga giết chồng hay không”. |
Theo bà Nga, trong suốt những năm 90, mỗi tháng một lần bà lại xuống Hà Nội hoặc lên thị xã Lai Châu để kêu oan. “Tôi phải đi, có ăn xin dọc đường tôi cũng đi nhưng may mắn không đến mức vậy. Chỉ có lần vào viện kiểm sát trung ương, tôi gặp một chị cùng làng làm ở đấy, chị nhất định cho tôi 10 đồng vì tôi chưa được ăn gì. Số tiền ấy, tôi mua muối vừng về cho các con... Sau năm 2000, vì thằng Vương học đại học và tôi đưa được đơn cho một lãnh đạo cấp cao nên có nghỉ kêu oan gần 2 năm nhưng rồi xem tivi thấy người ta được giải oan nên lại thèm, lại vác đơn đi kêu các cửa”- bà lão nói. |
Bên ngoài, trời đã sáng tỏ, nhiều người vui vẻ gọi gia đình bà Nga cùng ra ủy ban thị trấn để dự buổi xin lỗi. Trước khi kết thúc câu chuyện, bà Nga nói với phóng viên: “Nguyện vọng của tôi là phải tìm được kẻ giết chồng tôi. Mẹ con tôi bị oan mà phải bị đánh, bị ngồi tù mà họ cứ nhởn nhơ ở ngoài là không được”. |
Tại UBND thị trấn Tuần Giáo, do hội trường nhỏ nên một chiếc tivi được đặt tại cổng để mọi người cùng xem trực tiếp buổi xin lỗi sáng 24/10. Ông Phạm Văn Nam - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên lên tóm tắt lại sự việc và thay mặt các cơ quan tố tụng xin lỗi bà Nga, anh Dương cùng người đại diện hợp pháp cho anh Hiến. Ông Nam cũng khẳng định nếu gia đình bà Nga có yêu cầu, tòa tỉnh sẽ phối hợp để bồi thường theo quy định. Tiếp đó, đại diện chính quyền địa phương và anh Dương lên phát biểu... |
Buổi xin lỗi kéo dài chưa đầy 20 phút. |
Cứ mỗi lần nhìn thấy xe Uoat đỗ trước cửa là chị em tôi lại ôm lấy nhau khóc mà họ vẫn tách ra lôi đi. Mãi sau, bác Phạm Hồng Công ở Viện KSNDTC về thụ lý hồ sơ mới bảo chúng tôi là trẻ dưới 18, công an muốn gọi phải có người giám hộ đi cùng... Bác ấy tốt lắm, ngồi nghe chúng tôi kể chuyện rất từ tốn không như ở đây, ngồi khai vài câu là họ đánh ngay được”. |
Chị Ngọc, con gái bà Nga kể lại |
Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu (cũ) xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo về hành vi che giấu tội phạm; các con trai bà lần lượt nhận án 18 và 12 năm tù về tội giết người. Bản án bị tòa phúc thẩm tuyên hủy nên năm 1991, VKSND tỉnh Lai Châu trả hồ sơ vụ án để điều tra lại. Năm 1992, Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam. Tháng 10/2017, các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can mới được ban hành.
|
|
Xuân Ân |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét