Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Như ánh sao đêm

Như ánh sao đêm
Copy từ http://www.baolaocai.vn/nhip-song-tre/nhu-anh-sao-dem-z35n20170814144756667.htm , tác giả: Hoàng Thu, đã đăng LÚC 2:30 CH 14/08/2017.
LCĐT - Khi ánh mặt trời khuất hẳn sau dãy núi, bản làng vùng cao chìm vào bóng tối, đó cũng là lúc tiếng đọc bài, tiếng hát của những học viên ở các lớp học xóa mù chữ vang lên.
Ðêm xuống, thung lũng Tả Giàng Phìn (Sa Pa) chìm trong lớp sương mỏng. Con đường bê tông nhỏ chạy dài đưa chúng tôi đến điểm trường Sín Chải. Đã nhiều tháng nay, đêm nào trường cũng sáng ánh điện, rộn vang tiếng hát và tiếng đọc bài của những học sinh đặc biệt. Học sinh của lớp học này có độ tuổi từ 15 đến 60, họ đều là những nông dân quanh năm gắn bó với việc làm nương, cấy lúa hay những cô gái sớm kết hôn mà quên việc học chữ. Lớp học cũng có những người vì hoàn cảnh khó khăn dù đã từng đi học nhưng phải bỏ dở. Họ đến đây tập đọc, tập viết như những đứa trẻ đang học lớp vỡ lòng.
Hơn 19 giờ, cô giáo trẻ Hoàng Thị Lan sang lớp học quét dọn, lau bảng và bật điện sáng. Cô Lan chia sẻ: “Bình thường lớp học từ 19 giờ 30 phút nhưng Sín Chải đang vào mùa thu hoạch ngô, ban ngày học viên đều bận đi làm nên đến muộn. Tại điểm trường có 20 học viên đăng ký học, chỉ một mình tôi lên lớp. Hằng ngày, tôi vẫn phải đi một vòng quanh thôn để nhắc người dân tối đi học đúng giờ. Tuy nhiên, công việc nhà nông vất vả, khó tránh khỏi việc học viên đến lớp muộn, giáo viên cũng phải linh động thời gian”. Gần 20 giờ, trên các ngả đường bắt đầu có những ánh đuốc và ánh đèn pin tiến về phía điểm trường cùng tiếng nói cười rộn rã. Lớp học khá đông đủ, trên bục giảng, cô giáo Lan nắn nót viết lên bảng bài tập Tiếng Việt. Phía dưới, những học viên với bàn tay chai sạn, lâu nay chỉ quen cầm cày, cầm cuốc, giờ tập trung cầm bút nắn nót từng nét chữ. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh, rõ cả tiếng ngòi bút trên trang giấy đã xua đi cái tĩnh lặng vốn có của bản vùng cao giữa núi rừng.
Lớp học tại điểm trường Sín Chải khá đông học viên.
Ngồi ngay đầu bàn là một phụ nữ gầy nhỏ, tay tập viết nhưng sau lưng cõng cậu con trai đang say ngủ. Đó là chị Hạng Thị Á, năm nay mới tròn 30 tuổi nhưng đã có 4 con. Chị Á nghe và nói tiếng phổ thông chưa tốt, hỏi gì cũng chỉ cười bẽn lẽn. Một học viên khác ngồi bên cạnh trở thành người phiên dịch cho tôi. Chị Á lấy chồng khi còn nhỏ tuổi, không có điều kiện đi học, giờ nhà trường mở lớp, chị đăng ký học để biết tiếng phổ thông, có thể viết tên mình, tên xã và làm phép tính. Dù đi học muộn nhưng chỉ cần cố gắng sẽ học được nhiều điều hay, nên chị quyết tâm không bỏ học.
Rời lớp học tại điểm trường Sín Chải, chúng tôi đến điểm trường Suối Thầu 2. Từ xa đã nghe tiếng vỗ tay đều theo nhịp bài hát: “Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát. Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng…”. Điểm trường Suối Thầu 2 có 15 học viên đăng ký học xóa mù chữ, khi các học viên vẫn say sưa hát, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với cô giáo phụ trách lớp Đỗ Thùy Linh. Cô chia sẻ: “Thời gian gần đây, học viên đến lớp đông, không chỉ những người đăng ký học mà còn có cả các em học sinh đang học chính khóa tại trường. Các em tới giúp cô giáo hỗ trợ phụ huynh học xóa mù chữ”. Chị Hạng Thị Pàng khá lúng túng với bài toán vì không tìm ra lời giải. Cậu con trai ngồi ngay cạnh là Sùng A Pang cùng mẹ đến trường đã hỗ trợ cô giáo chỉ cho mẹ cách giải bài toán. Cô giáo Linh chia sẻ thêm: “Để con em biết chữ đến lớp cùng phụ huynh đã giảm khó khăn cho giáo viên rất nhiều. Học viên bớt e ngại vì phải đi học xa, nhiều từ không dám hỏi giáo viên thì sẽ được con em giải đáp. Vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng rút ngắn khoảng cách khi có các em làm phiên dịch”.
Cùng chúng tôi đến thăm các lớp xóa mù chữ, cô giáo Lê Thị Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Giàng Phìn cho biết: Trong nhiều năm qua, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân và sự chỉ đạo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa, Trường đã phối hợp rất tốt với Trung tâm học tập cộng đồng của xã, mở 3 lớp học xóa mù chữ cho 50 học viên. Tham gia lớp học, các học viên được hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập. Kết thúc khóa học, học viên được nhận giấy chứng nhận đã tham gia lớp học xóa mù chữ.
Xóa mù chữ là một trong những chương trình mục tiêu quan trọng được tỉnh quan tâm. Đây là giải pháp để nâng cao dân trí và giúp người dân tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Thực hiện Đề án “Xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020”, hiện toàn tỉnh có 97/164 xã, thị trấn đang mở lớp xóa mù chữ với trên 2.500 học viên tham gia. So với chỉ tiêu tỉnh giao, học viên ra lớp đạt trên 123%, góp phần giảm tỷ lệ người mù chữ toàn tỉnh xuống còn 9%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 94%. Các lớp xóa mù chữ hiện đang mở theo nhiều hình thức, trong đó có những mô hình hiệu quả như: Mô hình học sinh dạy hỗ trợ cha mẹ và anh chị em tại gia đình có người mù chữ, hoặc dạy chữ gắn với phát triển kinh tế. Nhiều địa phương, ngoài các thầy, cô giáo giảng dạy còn có sự tham gia của lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn
Giống như các điểm trường của xã Tả Giàng Phìn, nhiều lớp học xóa mù chữ khác trên địa bàn tỉnh vẫn đang được thầy, cô giáo và người dân khắc phục khó khăn để hoàn thành chương trình giảng dạy, học tập. Những lớp học ấy như những ánh sao đêm thắp lên ánh sáng văn hóa cho đồng bào vùng cao.
Hoàng Thu
Mai Chiếu Thủy
Cho tâm hồn lắng đọng tí các bạn ơi - Phương Dung với nhạc phẩm Nửa đêm ngoài phố.

Không có nhận xét nào: