Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Hiến kế trị xả rác, tiểu bậy

Hiến kế trị xả rác, tiểu bậy
(Copy từ http://plo.vn/ban-doc/hien-ke-tri-xa-rac-tieu-bay-680550.html ; tác giả: Nguyễn Thị Kim Liên ; đã đăng ngày 06-02-17 lúc 06:00, mục Bạn đọc.)
Hiến kế trị xả rác, tiểu bậy

(PL)- Để chuyện xử phạt về hành vi xả rác, tiểu bậy theo Nghị định 155/2016 được khả thi, các chuyên gia và người dân cùng hiến kế...  
Nghị định (NĐ) 155/2016 (thay thế NĐ 179/2013) có hiệu lực từ 1-2-2017 tăng mức phạt tiền đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Cụ thể, vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định và vứt, thải rác thải sinh hoạt bừa bãi có thể bị phạt từ 1 triệu đến 7 triệu đồng.

Việc quy định mức phạt tiền cao được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được tình trạng xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo tình trạng xả rác nơi công cộng cần nhiều giải pháp hơn thế.
Bên cạnh việc tuyên truyền người dân không vứt rác tùy tiện kiểu bạ đâu quăng đó thì khâu thực thi pháp luật phải được chú trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy quy định pháp luật đã có nhưng lỏng lẻo trong việc thực thi dẫn đến lờn luật. Vai trò, quyền hạn của các cơ quan đã được quy định nhưng thấy trình tự, thủ tục để xử phạt phức tạp, người bị xử phạt không có khả năng nộp phạt lại tặc lưỡi cho qua; hoặc lấy lý do còn phải chăm lo, tập trung giải quyết những vấn đề khác quan trọng hơn nên không đủ nguồn lực thực hiện kiểm tra, xử phạt đối với hành vi xả rác...
Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan, người có thẩm quyền về trách nhiệm của mình trong việc thi hành pháp luật là yếu tố quan trọng. Thực tế có nhiều trường hợp quy định pháp luật đã rõ, trách nhiệm đã cụ thể nhưng vẫn xem như đó là việc của người khác.
Hiến kế trị xả rác, tiểu bậy - ảnh 1
Đổ rác bừa bãi trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD>
Ngoài ra, khâu hoàn thiện pháp luật là khâu quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên để sao cho các quy định pháp luật sát với thực tiễn. NĐ 179/2013 mới được thi hành hơn ba năm đã được thay thế bằng NĐ 155/2016 nhằm khắc phục những thiếu sót, bất cập. Tuy nhiên, NĐ 155/2016 vẫn bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện. Cụ thể như mức phạt tiền đối với các hành vi liên quan đến vệ sinh nơi công cộng tăng gấp nhiều lần so với trước đây (ví dụ hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định có mức phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, so với trước đây là từ 100.000 đến 200.000 đồng), một mặt tăng tính răn đe nhưng mặt khác lại có khả năng không thi hành được vì đối tượng có hành vi xả rác như trên thường là người nghèo, không có khả năng đóng tiền phạt. Việc nâng mức phạt tiền dẫn đến tăng thêm áp lực giải quyết công việc sự vụ cho các cơ quan cấp trên, đặc biệt là các cấp chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh, làm cho các cơ quan này vốn đã quá tải nay lại càng quá tải thêm.
Trước đây chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt nhưng với mức phạt tiền cao như quy định ở NĐ 155/2016 thì hành vi này thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp huyện. Điều này dẫn đến trình tự, thủ tục xử phạt thêm phức tạp do phải chuyển hồ sơ từ cấp xã lên cấp huyện, có thể xảy ra tình huống các cơ quan ngại xử phạt vì thủ tục nhiêu khê.
Như vậy, ngoài biện pháp phạt tiền, cần tính đến những biện pháp khác như buộc người vi phạm phải thực hiện lao động công ích, thực hiện việc khắc phục hành vi xả rác thải ra môi trường,... nếu không có khả năng đóng tiền phạt.
Hãy lập đường dây nóng
Hiến kế trị xả rác, tiểu bậy - ảnh 2
Những ngày gần Tết, trên mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh người dân thiếu ý thức khi cho con mình đại tiểu tiện tại nơi công cộng. Hành vi này cùng với chuyện vứt rác bừa bãi nơi công cộng luôn là vấn đề nhức nhối của nhiều đô thị.
Cần có một đường dây nóng để đưa nghị định này vào thực tế. Các địa phương tích cực tuyên truyền tới từng khu phố, khuyến khích người dân chụp ảnh, phản ánh các hành vi vi phạm đến đường dây nóng là có thể huy động được người dân vào cuộc thôi. Với những trường hợp không có tiền nộp phạt thì có thể bắt buộc lao động công ích để bù vào. Mong rằng lần này chúng ta sẽ không “đánh trống bỏ dùi”.
Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ (562/16 Lê Quang Định, 
phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM)
Nếu dân đi dọn rác thì sẽ không vứt rác nữa
Hiến kế trị xả rác, tiểu bậy - ảnh 3
Tôi cho rằng rất khó để các phường, xã quản nổi việc kiểm tra, xử phạt việc giữ gìn vệ sinh chung. Người đâu mà làm nổi, phường đó có mấy cái chợ là thua luôn. Chợ ngày nào cũng có rác thải, cũng xả thải nhưng làm sao quản cho nổi, phạt cho nổi. Vì vậy, việc xử phạt chỉ là giải quyết phần ngọn, cái gốc phải là phải có ý thức rồi trở thành nếp nghĩ, nếp sống của người dân.
Tôi qua bên Lào thấy họ làm hay lắm, cứ cuối tuần là họ đổ ra đường nhặt rác. Cái này mình có thể học hỏi họ, phường và tổ dân phố có thể vận động được người dân tham gia. Nếu tuần sau phát sinh rác nữa thì tiếp tục huy động dọn rác nữa. Dân mình hay có tâm lý thấy một đống rác ở đó thì không ai dọn, mà còn mang rác tới đổ thêm. Nhưng nếu mình đã cùng nhau dọn dẹp cho sạch thì không có lý do gì mà ai đó đem rác tới vứt nữa.
Anh ĐÀM HÀ PHÚ, Giám đốc Công ty Không Gian Đẹp
HỒNG MINH ghi

(*) Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM.
Nguyễn Thị Kim Liên*

Không có nhận xét nào: