Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Giá lợn hơi giảm kỷ lục, người chăn nuôi điêu đứng

Giá lợn hơi giảm kỷ lục, người chăn nuôi điêu đứng
(Copy từ http://baotintuc.vn/thi-truong/gia-lon-hoi-giam-ky-luc-nguoi-chan-nuoi-dieu-dung-20170222171040401.htm , tác giả: Bùi Giang (TTXVN) ; đã đăng ngày 22/02/17 lúc 17:18.)
Tình trạng giá lợn hơi giảm sâu kỷ lục kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi lỗ nặng, chịu cảnh điêu đứng. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất, liên kết chăn nuôi theo chuỗi từ các khâu đầu vào cho đến khâu phân phối, tiêu thụ tiếp tục được đặt ra cấp thiết.
Nhiều trang trại nhỏ lẻ chọn phương án giảm đàn chờ giá lên cao cho đỡ lỗ vốn. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Cùng chung tình trạng với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, giá lợn tại tỉnh Long An bắt đầu giảm vào khoảng giữa năm 2016, đến thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá đã giảm sâu chạm đáy ở mức từ 25.000 – 28.000 đồng/kg lợn hơi. Đến nay, dù giá có tăng lên khoảng 32.000 đồng/kg nhưng với mức giá này thì người chăn nuôi vẫn đang chịu lỗ, gặp nhiều khó khăn.
Trước Tết, gia đình ông Nguyễn Văn Minh, huyện Cần Đước, Long An đã xuất bán 20 con lợn và chịu lỗ hơn 20 triệu đồng. Hiện nay, vẫn còn 40 con lợn đã đạt trọng lượng tối đa từ 1 đến 1,3 tạ để xuất chuồng nhưng hàng ngày vẫn phải cho ăn cầm chừng để chờ giá lên nhằm giảm lỗ.
Tuy nhiên, lợn không giống như các loại hàng hóa khác, nếu giữ lại quá lâu thì người chăn nuôi sẽ phải chịu thiệt hại kép vì lợn sẽ lên mỡ, chất lượng thịt giảm xuống, giá giảm, đồng thời còn phải tiêu tốn thêm chi phí thức ăn. Ông Minh cho biết: “Để nuôi một con lợn đến thời kỳ xuất bán sẽ tốn chi phí khoảng 3,8 triệu đồng, nhưng giờ chỉ bán được khoảng 3 triệu đồng thì lỗ nặng. Lứa lợn này chỉ cầm chừng thêm vài ngày rồi cũng phải bán để trả nợ tiền thức ăn chứ không nuôi thêm được nữa. Sau lứa này chắc tôi phải ngưng lại không nuôi nữa chứ lỗ quá rồi”.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Long An, trong tháng 1/2017, lượng lợn trong tỉnh xuất bán khoảng 40.000 con tương ứng với 4.000 tấn, trong tháng 2 và tháng 3 trung bình mỗi tháng có khoảng 35.000 con lợn đến thời điểm xuất bán. Tuy nhiên, trên thị trường giá lợn vẫn ở mức thấp nên người chăn nuôi tiếp tục chịu lỗ nặng, ước tính thiệt hại cho người dân đến nay khoảng 30 tỉ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi sau khi bán lỗ đàn lợn để trả nợ tiền thức ăn thì vẫn chưa chịu tái đàn.
Nguyên nhân chính là do cung đã vượt cầu, người chăn nuôi kì vọng giá lợn hơi cao như dịp Tết 2016 nên đã ồ ạt chăn nuôi, gặp lúc thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị chững lại, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa đã ổn định nên giá bị đẩy xuống thấp.

Trước tình hình giá lợn xuống thấp kỷ lục như hiện nay, nhiều địa phương mong muốn đưa lợn vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, tạo đầu ra ổn định. Tuy nhiên, điều này đang gặp phải rất nhiều khó khăn do lợn của các hộ chăn nuôi không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, từ đầu năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã chủ động liên hệ với các cơ sở giết mổ lớn nhằm tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi. Tỉnh đã có ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), một trong những đơn vị dẫn đầu về cung ứng thịt lợn ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ký kết được hợp đồng cung ứng nào cho đơn vị này. Nguyên nhân chủ yếu vì các hộ chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại và số lượng.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã vận động, khuyến khích nông dân liên kết lại, liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhưng đến nay hiệu quả chưa là bao. Việc liên kết mới chỉ ở số ít, còn phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, rời rạc.
Theo thống kê, trên 80% hộ chăn nuôi lợn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô nhỏ lẻ dưới 50 con, chưa quen với các quy trình kiểm soát chất lượng, vệ sinh thực phẩm, từ con giống đến thức ăn chăn nuôi. Vì thế lợn xuất chuồng không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp không thể ký kết hợp đồng với từng hộ chăn nuôi cá thể.
Ông Võ Văn Nghiêm, chủ hộ chăn nuôi lợn ở huyện Cần Đước, Long An cho biết: “Hộ nông dân nuôi có 10 con mà kêu mỗi lần tập kết 300 con, lợn đâu mà tập kết. Rồi phải phân loại loại 1, loại 2, sau khi giết mổ phải đánh giá lại nên hộ nông dân cũng gặp bỡ ngỡ trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm”.
Để đảm bảo cho người chăn nuôi có đầu ra ổn định, tránh thiệt hại như thời gian vừa qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất, liên kết chăn nuôi theo chuỗi từ khâu đầu vào cho đến các khâu phân phối, tiêu thụ được xem là giải pháp căn cơ được đặt ra cấp thiết.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, trên nền tảng mà Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) đã đầu tư cho tỉnh, trong năm 2017 này, ngành nông nghiệp sẽ cố gắng liên kết các hộ nông dân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Từ đó mới tiến hành liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ lớn để ký kết các hợp đồng cung ứng, đảm bảo đầu ra cho người nông dân, tránh tình trạng như hiện nay là làm rồi nhưng không biết sản phẩm mình đi đâu về đâu.
Đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo, dự đoàn thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Trên cơ sở đó, các địa phương mới có những chỉ đạo sản xuất phù hợp.
Bùi Giang(TTXVN)

Không có nhận xét nào: