Sạt lở nghiêm trọng trên sông Cửa Đại
(Copy từ http://baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=53099 ; tác giả: Phan Hân; đã đăng ngày 22-02-17 lúc 07:26, mục Kinh tế.)
Sáng 21-02-2017, đoàn khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (tỉnh Bến Tre) do ông Lê Văn Đáo - Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Cửa Đại, huyện Bình Đại đoạn từ xã Phú Vang đến một phần xã Lộc Thuận.
Tham gia cùng đoàn có đại diện Văn phòng HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đoàn kiểm tra liên ngành khoáng sản tỉnh, UBND huyện Bình Đại, lãnh đạo địa phương 2 xã Phú Vang, Lộc Thuận.
Nhiều hộ dân đang có nguy cơ bị trôi nhà ở tại Ấp 3, xã Phú Vang, huyện Bình Đại (ngày 21-02-2017). Ảnh: Phan Hân
Tình hình sạt lở trên sông Cửa Đại trước đây đã có nhưng ít. Từ cuối năm 2014 đến năm 2015, độ sạt lở khá cao. Đặc biệt, trong năm 2016, mức độ ngày một nghiêm trọng. Người dân địa phương rất bức xúc. Ông Phạm Văn Thoàng - Chủ tịch UBND xã Phú Vang cho biết, qua phản ánh của nhân dân về vấn đề sạt lở ngày càng nghiêm trọng ven sông Cửa Đại đoạn Phú Vang, địa phương đã cử cán bộ kiểm tra thống kê chi tiết tình hình sạt lở cũng như những thiệt hại của người dân. Qua kiểm tra thực tế, đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng từ điểm giáp xã Lộc Thuận đến kênh Cả Cao dài hơn 45.800m2, có đoạn sạt lở sâu 15m đã làm trôi nhiều phần đất canh tác và nhà ở của hộ dân. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Tiếp (Ấp 3) có trên 2.500m2 đất trôi, sạt lở mất trắng, giờ chỉ còn sổ đỏ.
Theo ông Nguyễn Đức Tín - Trưởng Ấp 3, xã Phú Vang, nhận định của địa phương nguyên nhân sạt lở do lưu lượng khai thác cát trên sông quá mức. Ông Cao Văn Bé Tư - Phó chủ tịch HĐND huyện Bình Đại cho biết: “Từ tháng 6-2016, tần suất khai thác rất dữ. Người dân đã phản ánh trong cuộc tiếp xúc cử tri. Rất mong cơ quan, ban, ngành tỉnh quan tâm thêm. Phía địa phương tăng cường kiểm tra để hạn chế sạt lở đất của dân”.
Được biết, mỏ cát trên đoạn từ xã Phú Vang đến Lộc Thuận được cấp phép hoạt động từ năm 2010, thời hạn đến hết tháng 3-2017. Theo ông Nguyễn Minh Cường - Phó trưởng Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2012, phía chủ doanh nghiệp khai thác mới bắt đầu thả phao. Đến năm 2014, bắt đầu khai thác. Tình hình khai thác đảm bảo trong quản lý kiểm soát của ngành.
Qua khảo sát, ông Lê Văn Đáo đánh giá việc sạt lở trên sông Cửa Đại là sạt lở tự nhiên do nhiều nguyên nhân tác động. Thực tế, sạt lở xảy ra ngày càng lớn với tốc độ ngày càng nhanh nhưng cục bộ, có nơi sạt lở rất lớn ảnh hưởng nhà cửa, đất đai của người dân. Trên cơ sở khảo sát, đoàn sẽ báo cáo UBND tỉnh để có ý kiến, có thể có cuộc khảo sát đầy đủ hơn để đánh giá nguyên nhân sạt lở một cách chính xác. Từ đó, có những giải pháp hữu hiệu phù hợp với những tác động của sạt lở đến địa bàn.
Ông Lê Văn Đáo cũng cho hay, để có đánh giá chính thống, phải có nghiên cứu đánh giá một cách khoa học mới có giải pháp tốt nhất. Do đó, trước mắt, địa phương vận động người dân thực hiện các giải pháp trồng cây chắn sóng, dùng bạt để che hoặc bằng mọi cách để giảm nguy cơ sạt lở. Ông Đáo nhắc nhở địa phương nên thống kê lại từng trường hợp cụ thể thiệt hại của người dân gửi đến Chi cục Phát triển nông thôn để có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân an tâm sinh sống, lao động. Theo ông Đáo, ban, ngành cần siết chặt và quản lý tốt việc khai thác cát sông trên địa bàn phụ trách. Xã, huyện phải có kế hoạch cụ thể, tăng cường kiểm tra. Quá trình kiểm tra phải đảm bảo đúng luật, mạnh dạn đề xuất cấp trên rút giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm trong việc khai thác cát sông.
Phan Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét