Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Bản sao

Bản sao
(Copy từ http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/van-nghe/truyen-ngan/item/31736002-ban-sao.html ; tác giả: Nguyễn Quang Thiều, đã đăng ngày 03-01-17 lúc 11:40.)

Vào hồi 8 giờ 30 phút ngày 13 tháng 2 năm 2101, các hãng thông tấn trên toàn thế giới thông báo một nhà khoa học trẻ Việt Nam là Phạm Dân đã nhân bản thành công người.
Phạm Dân không hề có ý định công bố công trình này. Với anh, đó là chuyện riêng tư. Một đồng nghiệp và là người bạn thân nhất của anh đã thông báo cho hãng thông tấn trong nước. Và chỉ sau một giờ đồng hồ, cả thế giới đã biết. Khi các phóng viên lao đến ngôi nhà của anh ở ngoại ô như là có hỏa hoạn, anh mới nhận thấy cuộc sống riêng tư của anh sẽ bị xé ra tan nát vì truyền thông. Hơn nữa, cho dù lúc đó, việc nhân bản các bộ phận người hay một con người đã được phép bởi mục đích nhân văn nhưng dư luận vẫn tranh cãi với nhiều quan điểm khác nhau. Có những nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành nhân bản người nhưng đều thất bại. Chính sự thất bại làm cho họ không nghĩ đến việc tiếp tục các dự án ấy nữa. Đó cũng là một lý do khiến các nhà khoa học và truyền thông tìm mọi cách để săn tìm anh hay nói đúng hơn săn tìm xem cái sản phẩm “người” của anh nó như thế nào. Anh không để ý đến dư luận. Bởi anh đang sống trong một thứ hạnh phúc lạ kỳ khi sản phẩm của anh ra đời và cất tiếng chào anh trong một buổi sáng. Sau khi nói chuyện với mẹ, anh tắt điện thoại và trốn đến một trị trấn miền núi phía bắc. Anh mang theo sản phẩm “người” mà anh đã làm ra. Một cô gái. Anh đặt tên cô là Lê. Anh dự định ở đó cùng Lê một thời gian để dư luận bớt nóng sẽ quay trở lại thành phố.

Trong gần mười năm, anh vùi đầu vào dự án của mình. Một dự án thôi thúc anh bởi cả khổ đau và hạnh phúc. Hầu như không ai có thể kéo anh ra khỏi nhà, nơi có một phòng thí nghiệm cá nhân mà anh đã phải bán đi tất cả nhà cửa, đất đai của cha mẹ để có được. Không ai biết phòng thí nghiệm này ngoài mẹ anh. Anh đã nói với mẹ tất cả. Mẹ anh đã khóc. Sau đó, bà đã luôn ở bên anh. Chỉ có bà hiểu anh và chỉ có bà mới làm tất cả cho anh một cách vô điều kiện. Bà hiểu nỗi đau đớn và khát vọng đầy điên rồ của anh. Bà yêu thương anh và với tình yêu thương ấy bà sẵn sàng làm tất cả vì anh. Nhưng trong bà lúc nào cũng mang một nỗi lo sợ mơ hồ mà bà không cắt nghĩa được.
Anh đã yêu một cô gái tên Lê. Tình yêu của họ như là mối tình đầu tiên và cuối cùng của con người trên thế gian này. Khi hai người bên nhau anh thấy thế gian thực sự là Thiên đường. Vào một buổi chiều, anh đã đợi cô ở quán cà-phê quen thuộc của họ ở trung tâm thành phố. Và cô đã không đến. Mãi mãi không thể đến. Cô bị tai nạn và mất trên đường đưa tới bệnh viện. Suốt hai năm sau đó, chiều nào anh cũng đến quán cà-phê với một ý nghĩ điên rồ rằng cô sẽ đến. Mỗi khi người phục vụ mang cà-phê ra cho anh là anh bắt đầu trò chuyện với Lê. Anh thấy cô đang ngồi trước mặt anh và thường co mình lại ngắm nhìn anh, nghe anh nói như mọi khi. Anh cứ ngồi một mình và lảm nhảm đến khi quán đã hết khách. Bà chủ quán thương hại nên không nỡ đuổi anh đi. Nhưng anh cứ ngồi như vậy cũng gây khó cho quán. Khách đến uống cà-phê nhìn anh ái ngại, chắc họ nghĩ anh là một kẻ tâm thần. Những người phục vụ quán cà-phê cuối cùng cũng tìm ra lý do khiến anh rời khỏi quán. Họ nói với anh rằng Lê đã gọi điện nhắn là cô ấy đang ở nhà anh, chờ anh. Chỉ khi ấy anh mới đứng dậy về nhà.
Nhưng sau hai năm, anh dần dần tỉnh lại và nhận ra sự thật Lê không thể nào sống lại được nữa. Lúc đó, một ý nghĩ lóe lên và bám theo anh từng phút, cả trong giấc ngủ. Anh sẽ nhân bản Lê! Anh sẽ tìm lại được người yêu của mình. Bởi không có Lê thì cuộc sống của anh coi như kết thúc. Từ đó, anh bắt đầu chuẩn bị tất cả để thực hiện dự án của mình. Và cuối cùng, anh đã thành công. Khi Lê xuất hiện trong phòng thí nghiệm bí mật, mẹ anh đã sững sờ. Bà thực sự hoảng sợ. Bà không thể nào nghĩ rằng con trai mình đã làm ra một cô gái giống người yêu đã mất đến từng sợi tóc. Khi còn sống, thi thoảng Lê vẫn đến thăm nhà và ở lại ăn cơm cùng hai mẹ con anh. Bây giờ nhìn cô gái mới được nhân bản, mẹ anh mang cảm giác bà đang sống trong một giấc mộng. Tất cả mọi hành động đi đứng, cười nói, nhặt rau, rửa bát và cách nấu món ăn của cô hoàn toàn là của người yêu anh trước kia. Thấy mẹ vẫn bàng hoàng và sợ hãi, anh nói với bà: “Lê đấy mà mẹ, mẹ đừng sợ, ông trời đã cho cô ấy trở lại với con. Lê sẽ trở thành con dâu của mẹ mà”. Rồi mẹ anh cũng quen dần, bà vui vì nghĩ con trai đã khỏi bệnh điên và đang hạnh phúc. Đối với bà, mọi điều tốt đẹp cho con trai đều là những điều hợp lý, bà sẵn sàng chấp nhận một cách tự nguyện dù thi thoảng bà vẫn tỉnh giấc giữa đêm. Một cảm giác bất an xâm chiếm lòng bà.
Cho đến một ngày sau nhiều năm cô gái tên Lê ra đời trong phòng thí nghiệm Phạm Dân chính thức công khai cô với thiên hạ. Anh đưa cô đến quán cà-phê trước kia anh vẫn đến cùng người yêu. Họ lại ngồi vào đúng cái góc quen thuộc và yêu cầu nghe đúng bản nhạc ấy. Lần đầu cô xuất hiện ở nơi công cộng, giới truyền thông và mọi người đã vây kín họ suốt ngày. Nhưng rồi mọi chuyện cũng quen dần. Mỗi ngày, trên thế giới có biết bao chuyện kỳ lạ và điên rồ ra đời. Đó là những năm tháng mà các thành tựu khoa học đảo lộn cả thế giới. Phạm Dân không quan tâm nhiều đến những sự kiện ấy. Anh đang sống trong hạnh phúc với Lê và đang nỗ lực thực hiện một dự án khác. Đó là dự án phục hồi ký ức cho Lê để Lê nhân bản mang trong tim mình toàn bộ tình yêu của Lê trước kia đã chết.
Về mặt hình thức, đó hoàn toàn là một bản sao không tì vết. Nhưng cô không có bất cứ một ký ức nào của người yêu cũ của anh. Anh đã thất bại liên tiếp trong việc tìm cách cài đặt ký ức vào con người cô như người ta cài đặt chương trình phần mềm vào một chiếc máy computer. Cuối cùng anh phải dùng phương pháp thủ công nhất là trò chuyện với cô ngày ngày. Anh cho cô xem những bức ảnh của anh và người yêu cũ, anh kể cho cô chuyện họ yêu nhau. Anh đưa cô tới những nơi hai người thường tới. Cô ngồi nghe anh kể như nghe ai đó kể những câu chuyện riêng tư của họ. Nhiều lần cô hỏi anh: “Sao cô gái trong ảnh lại giống em đến thế”. Phạm Dân nói: “Vì đó là em. Em đã mất trong một tai nạn và anh đã làm em sống lại. Anh không thể sống thiếu em”. Nghe anh nói vậy, cô chỉ im lặng. Cô như không hiểu gì hoặc cô như đang sống ở một thế giới khác. Cô hiểu anh đã làm ra cô. Cô mang ơn anh điều đó. Có lúc cô đã đùa “Hay em gọi anh là mẹ”. “Vì sao?”. Anh ngạc nhiên. “Vì anh sinh ra em”. “Anh là người yêu của em. Chúng ta đã yêu nhau nhiều năm. Chúng ta đã bàn đến ngày cưới. Em sẽ sinh cho anh những đứa con. Em đã hứa với anh rồi”.
Thời gian đầu, anh chỉ cho mẹ anh tiếp xúc với cô gái. Nhưng mấy năm sau anh đã giới thiệu cô với Túc, một đồng nghiệp và cũng là một nhà khoa học trẻ, người bạn chí cốt của anh từ năm thứ nhất ở đại học. Túc chính là người đã thông báo cho truyền thông tin anh nhân bản thành công cô gái. Vào những ngày cuối tuần, anh thường rủ Túc cà-phê hoặc ăn tối cùng anh và Lê. Thường những buổi như thế, Lê và Túc nói chuyện với nhau rất nhiều. Anh ngồi nhấm nháp cà-phê hoặc ly rượu vang và ngắm nhìn Lê mê đắm. Anh đang được sống lại những ngày xưa cũ với người yêu anh. Tuy với cô gái, anh vẫn đang trong thời gian truyền ký ức của Lê, người yêu cũ vào Lê, cô gái nhân bản của anh. Nhưng anh dần dà nhận ra rằng: sau một thời gian, Lê - nhân bản nhớ tất cả những kỷ niệm của anh với Lê - người yêu cũ nhưng anh lại không tìm thấy sự rung cảm khi cô nhắc đến quá khứ với người con gái cùng hình dạng, cùng tên với cô. Anh buồn, nhưng anh vẫn tin anh sẽ thành công vì công việc đó cần thời gian.
Một buổi chiều, anh thấy cô ăn mặc đẹp nói với anh cô ra phố. Anh hỏi cô đi đâu và có việc gì. Cô nói có hẹn cà-phê với một người bạn. Anh không muốn cô đi cà-phê với bất cứ ai đó mà không có anh đi cùng. Nhưng anh chiều cô. Anh muốn làm tất cả để cô thấy thật thoải mái và hòa đồng vào cái thế giới mà chính anh đã mang cô tới. Hôm đó cô về muộn. Đêm đó, anh thấy cô khó ngủ và ra ngoài hiên ngồi im lặng. Anh rời phòng làm việc, mở cho cô nghe bản nhạc mà khi Lê - người yêu cũ còn sống họ vẫn ngồi ôm nhau trên hiên nhà và chìm vào những giai điệu đó. Anh đến ngồi bên cô. Anh nói với cô về những đêm họ đã ngồi bên nhau nghe gió thổi qua khu vườn và nói về những điều đẹp đẽ. Anh vẫn nghĩ cô gái nhân bản của anh là Lê của anh thuở trước. Đêm hôm ấy, lần đầu tiên anh hôn cô kể từ khi cô ra đời trong phòng thí nghiệm của anh. Anh đã hôn cô đắm mê, tưởng như ngạt thở. Nhưng anh bỗng ngừng lại. Anh nhận ra có một cái gì đó hoàn toàn khác lạ với những nụ hôn của Lê thuở trước. Anh rời vòng tay khỏi cô, buồn bã hỏi: “Sao em lại thế?”. Cô nói: “Em có làm sao đâu?”. “Em không hôn anh như thuở trước?”. “Thuở nào?” Cô hỏi vẻ ngơ ngác. Anh nói: “Thuở chúng ta yêu nhau”. Cô quay lại nhìn anh với cái nhìn như lần đầu và hỏi “Chúng ta đã yêu nhau à?”. Anh thấy tim mình nhói đau.
Càng ngày cô càng ra phố một mình nhiều hơn. Có lần cô tỏ vẻ khó chịu khi anh gặng hỏi cô đi đâu, với ai. Lần ấy, cô nhìn anh và nói rất nhẹ nhưng dứt khoát “Việc riêng của em. Anh đừng hỏi thế nữa”. Anh thực sự choáng váng. Lần ấy, cô trở về nhà lúc rất khuya. Anh đã ngồi ngoài hiên từ lúc cô đi cho tới lúc cô về. Anh ngồi chờ cô với bao yêu thương, lo lắng và hoang mang. Cô chào anh rồi về thẳng phòng ngủ của mình. Lâu sau anh bước vào phòng cô. Anh thấy cô đang ngắm mình trong gương với một ánh mắt khác thường. Anh đến bên cô và ôm cô từ phía sau. Anh thì thầm đau khổ “Anh yêu em vô cùng. Nếu không có em anh sẽ chết mất. Em có biết điều đó không?”. Cô không trả lời anh. Anh thấy cô bất động trong vòng tay anh. Một lúc sau cô nói: “Anh về phòng ngủ đi. Em thấy anh dạo này mệt mỏi”. Anh lê bước trở ra. Đêm đó anh gần như thức trắng. Và cô cũng thao thức suốt đêm.
Anh bắt đầu cáu gắt với cô. Chưa bao giờ anh nặng lời với Lê - người yêu đã mất của anh. Nhưng bây giờ anh cáu gắt với Lê - nhân bản của anh. Mẹ anh càng ngày càng lo lắng. Một buổi tối khi cô gái ra phố, bà đã nói với anh: “Cô ấy chỉ là sản phẩm khoa học của con. Con đừng quá đau khổ như thế”. Đó lần đầu tiên anh to tiếng trước mẹ mình: “Sao mẹ lại nói thế. Đấy không phải là sản phẩm khoa học. Đấy là người yêu con. Đấy là Lê. Mẹ nhìn lại cô ấy đi. Tất cả là của Lê. Tất cả mẹ ạ”.
Một buổi sáng thức dậy, anh không thấy Lê ngồi ngoài hiên nhà như các buổi sáng trước đó. Anh nghĩ cô dậy muộn. Nhưng khi anh chuẩn bị cà-phê cho cô xong vẫn không thấy cô đâu. Anh đẩy cửa phòng ngủ của cô. Anh thấy chăn gối trong phòng cô gấp lại gọn ghẽ nhưng người thì không còn ở đó. Anh đi quanh nhà xem cô có đi dạo đâu đó không nhưng cũng chẳng thấy. Anh quay lại phòng làm việc và bàng hoàng nhận ra những món quà anh tặng cô trong những năm qua để gọn ghẽ trên bàn. Cạnh đó có một tờ giấy. Đó là lá thư của cô gửi cho anh. “Em phải ra đi. Em biết chuyện này sớm muộn sẽ như thế. Em mang ơn anh cả đời đã sinh ra em, yêu thương em và chăm sóc em. Nhưng em đã yêu Túc và em không thể rời xa anh ấy được nữa. Em hiểu tình yêu của anh dành cho em. Em đã cố gắng. Nhưng em không có những gì mà Lê ngày trước của anh có. Ký ức của chị ấy không thuộc về em. Hãy tha thứ cho em. Lê”.
Một năm sau ngày cô gái ra đi, Phạm Dân mới bình tĩnh trở lại. Anh đóng cửa phòng thí nghiệm riêng và không có ý định bước vào đó nữa. Nhưng nhiều năm sau đó anh mới đủ lý trí để thừa nhận sự thất bại của mình. Anh bỏ công việc nghiên cứu khoa học gien và chuyển sang nghiên cứu về ký ức. Đến lúc đó, anh mới ngồi xuống viết bản thông cáo báo chí chính thức về công trình nhân bản người của anh. Đoạn cuối bản thông cáo, anh viết: “Chúng ta có thể dễ dàng nhân bản thân xác một con người, nhưng chúng ta không bao giờ có thể nhân bản tâm hồn con người đó”.
Minh họa: TUYẾT NHUNG
Truyện ngắn của NGUYỄN QUANG THIỀU
Dvnien: Chuyện đúng cho hiện tại và 10,...15 năm nữa; nhưng 30 năm nữa thì ai mà biết được!!

Không có nhận xét nào: