Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Muốn hòa bình, không can thiệp vào nội trị, không xâm lược nhau

Tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Muốn hòa bình, không can thiệp vào nội trị, không xâm lược nhau
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160605/tuong-nguyen-chi-vinh-muon-co-hoa-binh-khong-can-thiep-vao-noi-tri-cua-nhau/1113181.html ,đăng ngày 05-06-16, mục .
Sáng 05-06-16, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề “Các thách thức của việc giải quyết xung đột” tại Đối thoại Shangri-La, Singapore.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Đối thoại Shangri-la - Ảnh: REUTERS
Trong bài phát biểu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh với tất cả cử tọa quốc tế rằng tất cả các quốc gia cần phải “Hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng.
Dù hợp tác hay đấu tranh, trước hết đều phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi đó là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột; Kiên trì, bình tĩnh xử lý bằng các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
TTO xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột
Thưa Ngài John Chipman, Thưa toàn thể quý vị,
Trước hết, tôi xin gửi tới toàn thể quý vị lời chào của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, do bận công việc đột xuất nên không thể tham dự Đối thoại. Cám ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay và có bài phát biểu tại phiên toàn thể này.
Thưa quý vị,
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có vai trò ngày càng quan trọng, trở thành động lực phát triển của kinh tế thế giới. Đông Nam Á với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, đã trở thành một nhân tố tích cực, mở rộng hội nhập, gia tăng liên kết, ràng buộc lợi ích và là trung tâm của các cấu trúc an ninh khu vực đã và đang định hình; Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển hiện vẫn là xu hướng chủ đạo.
Tuy nhiên, tình hình an ninh khu vực vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, không thể xem thường như khủng bố, nguy cơ hạt nhân, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, an ninh biển và các thách thức an ninh phi truyền thống... có xu hướng gia tăng.
Những tranh chấp bất đồng trong khu vực đang gây nhiều quan ngại, dù chưa đến mức bùng phát xung đột, nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm tàng cần được dự báo, ngăn chặn và hóa giải kịp thời.
Tình hình đó là do những khác biệt về lợi ích, những tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế; Đó là sự không nhất quán trong lời nói và việc làm; sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp.
Hơn nữa đó còn là cách hành xử áp đặt; sự theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Những biểu hiện tiêu cực và khó lường này, những bất đồng, tranh chấp như đang diễn ra - nếu không được giải quyết một cách hiệu quả, đầy trách nhiệm, vì hòa bình và ổn định - sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nếu xung đột xảy ra - dù ở quy mô nào, cường độ cao hay thấp; cục bộ hay toàn bộ; trong một quốc gia hay giữa các quốc gia; dân tộc hay tôn giáo; chính trị hay kinh tế, môi trường hay văn hóa… đỉnh điểm là xung đột quân sự, thì hậu quả sẽ rất to lớn và khó lường, không chỉ đối với các bên trực tiếp liên quan mà cả đối với khu vực và toàn thế giới.
Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ đều không muốn xung đột xảy ra, nhưng vì sao các thách thức đối với an ninh khu vực vẫn đang tồn tại và có chiều hướng phát triển? Vì sao chủ đề “ngăn ngừa xung đột”, “hóa giải xung đột” vẫn đang làm cho tất cả các quốc gia quan tâm, trăn trở? Đó là vì vẫn còn sự khác biệt trong nhận thức chung về lợi ích, sự thiếu lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, sự không tuân thủ luật pháp quốc tế…
Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác, các công cụ ngoại giao và pháp lý chưa đủ mạnh và chưa thực sự được tôn trọng, phát huy đầy đủ hiệu quả để giải quyết tranh chấp, bất đồng, xung đột.
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần có cách nhìn thực tế và biện chứng hơn trong hợp tác phát triển và giải quyết tranh chấp, bất đồng, hóa giải xung đột. Trong một thế giới hiện đại, không chỉ có hợp tác phát triển mà còn tồn tại những tranh chấp, bất đồng; Không chỉ có thời cơ thuận lợi mà còn có cả những thách thức, thậm chí nguy cơ.
Vì vậy phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh để giải quyết bất đồng và cùng phát triển, vì lợi ích chiến lược chung của mỗi quốc gia và của toàn khu vực. Đây là quy luật tất yếu của thế giới hiện đại, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài.
Trong một thế giới đa cực, đa dạng, muốn có hòa bình và thịnh vượng không thể không có đấu tranh. Nhưng, muốn đạt được mục đích trong đấu tranh thì không thể không hợp tác.
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh với quý vị hôm nay, đó là tất cả các quốc gia cần phải “Hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; Đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng.
Nhưng dù hợp tác hay đấu tranh, trước hết đều phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi đó là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột; Kiên trì, bình tĩnh xử lý bằng các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Mọi quốc gia đều dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc mình để hợp tác, phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng, coi đó là tiêu chí cơ bản, là ưu tiên hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình cũng như trong quan hệ quốc tế.
Nhưng lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế. Tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới.
Tăng cường hợp tác trong các tổ chức đa phương như các cơ chế hợp tác LHQ, những cấu trúc an ninh khu vực như ARF, EAS, ADMM, ADMM+…là giải pháp hết sức quan trọng để giải quyết tranh chấp, bất đồng, đẩy lùi nguy cơ xung đột.
Trong đó cần coi trọng sự đoàn kết, vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, cũng như các quốc gia liên quan - đặc biệt là các nước lớn vì hòa bình và công lý.
Đối thoại Shangri-La ngày hôm này là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần “hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh tình hình phức tạp như vậy, Việt Nam kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng. Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc, không đi với nước này để chống nước khác.
Đồng thời, công khai, minh bạch, tôn trọng tiếng nói và lợi ích của cộng đồng trong những vấn đề an ninh chung của khu vực và quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, hiện nay Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền còn tồn tại những tranh chấp và khác biệt với Trung Quốc. Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó mà kéo theo nó là những hành động đơn phương áp đặt, làm thay đổi hiện trạng và đang có nguy cơ quân sự hóa nhằm tạo ra sức mạnh răn đe; làm ảnh hưởng xấu đến an ninh an toàn trên không, trên biển và dưới đáy biển, hủy hoại môi trường, cản trở các hoạt động lao động hòa bình trên biển…, kéo theo sự can dự của các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, đối đầu chiến lược với những hậu quả hết sức nghiêm trọng và khó lường.
Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; trong đó, có Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố của các bên về Ứng xử trên Biển Đông của ASEAN và Trung Quốc (DOC) và thực tâm bàn bạc sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).
Trong khi đó vẫn phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan nhằm xây dựng và củng cố lòng tin, tìm ra những điểm chung trong lợi ích chiến lược, đồng thời thẳng thắn đấu tranh trên tinh thần xây dựng.
Chỉ có vậy, mới cùng tìm ra những giải pháp mà các bên liên quan có thể chấp nhận, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và cũng sẽ được cộng đồng quốc tế đón nhận như một đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.
Việt Nam chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giải phóng đất nước, giành được độc lập tự do, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Vì nhân dân Việt Nam có tinh thần yêu nước cao độ, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng hi sinh tất cả vì độc lập tự do của Tổ quốc, bên cạnh đó, chính nghĩa của Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và nhân dân toàn thế giới.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng cho đến nay - ngay trong giờ phút này đây mỗi gia đình, mỗi con người, từng tấc đất Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề và lâu dài do chiến tranh để lại.
Vì vậy, mục tiêu cao cả mà chúng tôi luôn hướng tới là hòa bình - hòa bình trong độc lập, tự do; toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; hạnh phúc, ấm no của nhân dân; nỗ lực đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.
Tôi xin kết thúc bài phát biểu tại Đối thoại ngày hôm nay bằng những câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới: "Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình để xây dựng đời sống của mình.."
"Muốn có hòa bình, thì phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào nội trị của nhau, không xâm lược nhau, tôn trọng lãnh thổ toàn vẹn, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc của nhau..."
"Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”.
Xin cảm ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe!
Quỳnh Trung ghi

Không có nhận xét nào: