Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Quay đầu là bờ

Người Việt tử tế
Quay đầu là bờ
Copy từ http://laodong.com.vn/nguoi-viet/quay-dau-la-bo-319748.bld# ,đăng ngày 24/04/15, mục Người Việt tử tế.
Trong 92 “Tấm gương thầm lặng mà cao cả” được UBND TPHCM tuyên dương vừa qua, có lẽ chủ cơ sở điêu khắc gỗ Tịnh Tín (huyện Hóc Môn, TPHCM) Lê Thừa Dương Hùng là người có tiểu sử đặc biệt hơn cả.
Hùng sầu (phải) hướng dẫn học trò của mình
Hùng từng là một đại ca giang hồ khét tiếng, 3 lần vào tù ra tội với biệt danh Hùng “sầu” chuyên bảo kê, đòi nợ thuê. Dưới trướng Hùng “sầu” luôn có hơn 140 đàn em lăm lăm “tay dao tay búa”.
Cuộc đời Hùng “sầu” thay đổi khi vào tù lần thứ 3, anh được dạy học chữ. Mãn hạn tù, trở lại TPHCM, Hùng “sầu” tự cai nghiện ma túy, quyết làm lại cuộc cuộc đời. Trong những ngày đi khắp nơi tìm kiếm một công việc, anh ghé qua chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn) và được sư thầy mời cơm. Anh kể, anh cảm kích vô cùng vì được bát cơm mà chẳng phải đổ máu, rằng “cuộc đời vẫn còn thương tôi”. Nhiều ngày vãn cảnh chùa, anh ấn tượng mạnh với những khuôn mặt Phật được khắc bằng gỗ nên quyết tâm học nghề điêu khắc.
Thời cơ đến với Hùng khi một Cty điêu khắc tuyển người. Vượt qua hơn 6 thí sinh, anh được nhận vào làm với mức lương 27.000 đồng/ngày. Làm được một thời gian, trong Cty có một người tên Tâm vì ghen ghét nên có ý định thuê giang hồ “xử” anh để dằn mặt. Tuy nhiên, bốn tay giang hồ mà Tâm thuê lại là đàn em của Hùng “sầu” trước đây. “Từ việc 'xử' tôi, bốn đứa nó quay ra đòi 'xử' Tâm, nhưng tôi ngăn lại. Vì lẽ đó mà rắc rối giữa tôi và Tâm được hóa giải. Về phần bốn đứa em, sau này mở xưởng, tôi cũng đưa chúng về học nghề, giờ đã hoàn lương hết cả” – anh kể.
Gần 4 năm làm việc ở Cty, Hùng để dành được hơn 40 triệu đồng nên xin nghỉ việc ra mở xưởng riêng. Việc đầu tiên của anh là về quê nhà Quảng Trị, đưa 6 đứa trẻ có hoàn cảnh giống anh vào xưởng học việc. Trên tấm bảng hiệu xưởng điêu khắc gỗ Tịnh Tín, anh đề rõ: “Nhận trẻ mồ côi, tù tội mới về không có việc làm”. Đến nay, xưởng của anh đã nhận dạy nghề cho gần 200 người, trong đó có nhiều người đã ra nghề, mở xưởng, cuộc sống ổn định.
Dẫn tôi đi tham quan xưởng, giới thiệu từng người thợ, anh bảo: “Nhìn anh em xăm mình, tóc xanh, tóc vàng vậy thôi chứ hiền khô”. Anh vừa nói dứt lời, một người đàn ông gầy gầy, trạc 30 tuổi đến chào “sư phụ” Hùng ra về. Anh dặn: “Giai đoạn đầu sẽ khó khăn nên cần cố gắng nhiều, anh em khác làm được thì mình cũng sẽ làm được”. Nghe tiếng “dạ” hiền khô của người đàn ông ấy, hiếm ai nghĩ, mới hôm trước đó thôi, người đàn ông ấy vừa mới ra tù.
Nói chuyện về các em, anh trầm ngâm: “10 người tới xưởng thì cũng có 1 người bỏ đi, 10 người bỏ đi thì cũng có 1, 2 người quay lại. Quay đầu là bờ, chỉ mong cuộc đời đừng ruồng bỏ thì họ vẫn còn cơ hội làm người lương thiện”.
(LĐO) Lê Tuyết

Không có nhận xét nào: