Nữ quyền và chuyện cái móng chân
|
Copy từ http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nu-quyen-va-chuyen-cai-mong-chan-3152399.html, đăng ngày 07/03/15, mục Góc nhìn. |
Một lần, đang ngồi xem tivi với chồng sau bữa tối, tôi nhìn thấy móng chân anh quá dài bèn đề nghị cắt giúp. Nghĩ chuyện đơn giản, tôi đã cầm sẵn dụng cụ cắt móng rồi mới hỏi, ai dè, anh giãy nảy lên bảo: “Em đừng làm thế! Anh không thoải mái đâu!”. |
Tôi ngạc nhiên, bảo vợ chăm sóc chồng một chút thì có làm sao. Nhưng chồng tôi cười, bảo: “Em làm thế, anh có cảm giác như mình đang vi phạm nữ quyền. Chuyện đó nghiêm trọng lắm!”. |
Nữ quyền thì liên quan gì đến cái móng chân? Tôi hỏi. Chồng tôi bật cười, bảo tôi hỏi hay lắm, nhưng nếu tôi cũng lớn lên ở Mỹ - một xã hội đầy không khí nữ quyền bắt đầu từ cuối thập niên 1960 - như anh, tôi sẽ hiểu điều anh đang cảm thấy, dù có thể ngay lúc này, nữ quyền và cái móng chân là một liên tưởng rất vớ vẩn với tôi. |
Phong trào nữ quyền bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 với những cuộc đình công của lao động nữ ở New York (Mỹ), diễn ra mạnh mẽ đầu thế kỷ XX, đánh dấu bằng việc Đại hội phụ nữ thế giới lần thứ hai tại Đan Mạch công bố lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử, làn sóng nữ quyền tiếp tục dâng cao cuối thập niên 1960 và tạo ra nhiều đổi thay đáng kể trong vấn đề bình đẳng giới trên toàn cầu. Tôi vẫn thường xuyên nghe mọi người nói chuyện nữ quyền ở khắp mọi diễn đàn, trên mọi lĩnh vực. Nhưng khi câu chuyện len lỏi vào cả những trao đổi đời thường riêng tư của tôi và chồng, tôi bắt đầu đặt câu hỏi: liệu chúng ta có đang đi quá đà? |
Tôi từng tai nghe mắt thấy một số phụ nữ trở nên quá nhạy cảm chỉ vì thái quá trong chủ nghĩa nữ quyền. Một cô bạn người Mỹ gốc Việt, vốn có tiếng là cực đoan trong vấn đề bình đẳng giới, trong một lần về Việt Nam đã tức giận đến phát khóc chỉ vì nghe người phục vụ ở quán café bỗ bã gọi là “em”. Mọi người phải ra sức khuyên giải rằng, ở Việt Nam, đàn ông gọi phụ nữ trẻ là “em” là chuyện bình thường, không có ý coi thường hay hạ thấp phụ nữ như cô vẫn tưởng. |
Một lần khác, đằng sau cánh gà của buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp, một cô gái Mỹ có học vị tiến sĩ về lịch sử nữ quyền đã khiến mọi người xung quanh ái ngại khi to tiếng với anh thợ chụp ảnh chân dung cho các tân tiến sĩ, chỉ vì anh này đề nghị mọi người điền vào một tờ phiếu đăng ký lấy ảnh, trong đó có mục giới tính. Cô bực tức cho rằng anh thợ ảnh không có quyền phân biệt giới tính cũng như không có quyền đề nghị được biết giới tính của khách hàng. Dù cô là tiến sĩ, dù cô là một người học về nữ quyền, hầu như mọi người trong đám đông hôm ấy dường như thông cảm hơn với anh thợ ảnh, lúc bấy giờ đang cười méo xẹo xin lỗi cô và giải thích nguồn cơn của những cái phiếu. |
Tôi tin những người văn minh tiến bộ đều ủng hộ nữ quyền cũng như tin vào tình yêu phụ nữ của nhân loại. Nhưng có vẻ như nữ quyền không phải là một pháo đài bất khả xâm phạm, có khả năng đứng trên mọi lý lẽ khác của đời sống. Tôi không chuyên chú lắm vào vấn đề nữ quyền, nhưng trộm nghĩ, mục tiêu của những người tiên phong khởi xướng phong trào nữ quyền không chỉ là đề đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ mà còn là phá bỏ mọi giới hạn để phụ nữ được phát huy mọi khả năng, để phụ nữ được là phụ nữ một cách tròn nghĩa nhất. |
Hình như hiện nay có nhiều người theo đuổi chủ nghĩa nữ quyền quá tích cực đến độ quên đi mục tiêu cơ bản ấy, để đến chỗ nhầm lẫn nữ quyền với việc nam tính hoá phụ nữ cho có vẻ bình đẳng với đàn ông. Lối quan niệm lệch lạc ấy dễ biến nữ quyền thành con dao phản chủ, thay vì bảo vệ phụ nữ thì lại làm phụ nữ mất đi nữ tính muôn đời. |
Tôi là phụ nữ và tôi đương nhiên ủng hộ nữ quyền. Nhưng xin phép được mở ngoặc thế này, tôi chỉ ủng hộ nếu nó không ảnh hưởng đến niềm vui bé mọn rất đàn bà là được tự tay chăm sóc chồng và thi thoảng được cắt móng chân cho chàng mà không bị bóng ma nữ quyền ám ảnh. |
Nguyễn Thị Thanh Lưu |
Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015
Nữ quyền và chuyện cái móng chân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét