Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

“Cò” việc làm tại các khu công nghiệp

“Cò” việc làm tại các khu công nghiệp
Hoàng Lộc
Copy từ http://laodongdongnai.vn/Cong-doan/Viec-lam/27121D/co-viec-lam-tai-cac-khu-cong-nghiep.aspx, đăng ngày "không rõ", mục Công Đoàn > Việc làm.
Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và cũng có không ít người từ các tỉnh đổ về khu công nghiệp (KCN) để tìm việc. Nhiều người trong số họ tìm được công việc, nhưng cũng có những người bị mất tiền oan cho “cò”.
Khi “cầu” vượt “cung”
Theo Sở LÐ-TBXH, ngay sau đợt nghỉ Tết, trên địa bàn tỉnh có trên 400 doanh nghiệp cần tuyển mới trên 40.000 lao động. Nhiều công ty đã chủ động đăng thông báo tuyển dụng với kích thước lớn đặt ngay cổng công ty hoặc bảng tin thông báo ở các KCN.
Rất đông lao động đến tìm việc tại thông báo tuyển dụng ở KCN Amata
Tại KCN Amata, liên tục nhiều ngày nay, các bảng thông báo tuyển dụng lao động treo kín, nêu rõ thủ tục hồ sơ cùng mức lương có khi lên đến 6 triệu đồng/tháng, chưa kể nhiều ưu đãi khác như nhận lương trong thời gian thử việc, có thêm nhiều khoản phụ cấp: nhà ở, đi lại, nuôi con nhỏ, tăng ca, ưu tiên lao động tốt nghiệp THPT… Các thông báo đều nêu rõ: Người lao động có thể đến công ty nộp hồ sơ, phỏng vấn suốt các ngày trong tuần và có thể vào làm việc ngay sau phỏng vấn.
Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người đến tìm việc, trong đó đa phần là dân lao động từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều lao động tìm việc làm, để vào được các công ty có chế độ tốt cũng không dễ. Nếu có người quen đang làm trong công ty thì nhờ họ nộp hồ sơ may ra còn được, còn nếu không phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ cho đội ngũ “cò”. Chị M.T.H., 19 tuổi, quê Hà Giang đang tìm việc làm tại KCN Amata cho biết, những ngày trước, chị tự đi đến các công ty để nộp hồ sơ. Ðã nộp hết 3 bộ hồ sơ ở cả 3 nơi nhưng mãi chưa thấy công ty nào gọi nên rất chán nản.
“Cò” việc làm ngang nhiên hoạt động
Trong vai người đi tìm việc, vừa dừng xe, chúng tôi được người đàn ông có tên Ðịnh lại bắt chuyện. Anh ta nói có khả năng xin việc vào các công ty: “Cứ chọn công ty rồi sẽ có người dẫn vào phỏng vấn, đảm bảo được nhận làm ngay. Thù lao cho dịch vụ này chỉ 250.000 đồng thôi. Bao nhiêu người tôi đưa vào mà có bị loại ai đâu. Vào đó phỏng vấn để đi làm trước. Hồ sơ thiếu thì gọi người nhà bổ sung sau”.
Đối tượng Định đang “xem xét hồ sơ” của lao động tìm việc
Ðang dở câu chuyện thì Ðịnh vào gọi hai “khách hàng” của mình: “Chờ lát nữa nhé, cứ khoảng 2, 3 người vào một công ty thì có người chở đi vào tận nơi “gửi gắm” đàng hoàng. Có công ty thì phỏng vấn ngay, có công ty thì vài hôm nữa mới gọi phỏng vấn, nhưng ai cũng được nhận ngay”. Khoảng 30 phút sau, chị M.T.H. cũng được một người đàn ông khác trong nhóm của Ðịnh đi xe máy đến chở đi. Ðịnh cho biết thêm, sáng giờ, anh ta đã dẫn được khoảng 40 người. Các công ty mà anh ta có “quan hệ” đều đã nhận hồ sơ và “khách hàng” sẽ đi làm trong nay mai thôi. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày dẫn được khoảng 50 - 70 người, nhóm của Ðịnh kiếm được gần chục triệu đồng.
Tại địa điểm này, không chỉ có nhóm của Ðịnh mà còn có thêm 2, 3 mối khác cũng làm công việc y như Ðịnh. Một người phụ nữ khoảng 30 tuổi cũng nhận “chạy” nộp hồ sơ cho hay, họ đều phải có mối quan hệ làm ăn với bộ nhận nhân sự tại các công ty và chung chi “hoa hồng”. Ngày thường thì hoa hồng cho phía nhân sự (nhà tuyển dụng) là 30%, người dẫn mối 70% trên tổng số phí dịch vụ mà người lao động nộp. Tuy nhiên, vào dịp sau Tết, công ty nào cũng cần người gấp nên người làm công tác nhân sự ở các công ty còn phải chi lại “hoa hồng” cho người dẫn mối khoảng 20 - 50.000 đồng nếu dẫn được một người đến công ty để phỏng vấn, tùy từng công ty mà mức trả khác nhau.
Các trường hợp được nhận vào làm như lời hứa hẹn đã là may mắn. Một số người lao động từ các tỉnh xa tới xin việc do thiếu thông tin và nôn nóng có việc làm nên đã bị lừa. Ðó là trường hợp của anh Thắng quê Ninh Bình, nộp hồ sơ cho môi giới với giá 100.000 đồng và được người này chở vào cổng công ty hẳn hoi. “Cò” nói 2 ngày nữa có người gọi điện thoại đến đi phỏng vấn, nhưng chờ đến ngày thứ 5 vẫn chẳng thấy ai gọi. Khổ hơn là Thắng không nhớ mặt người đàn ông đã giới thiệu việc làm cho mình nên đành chấp nhận mất tiền oan và vẫn phải tự đi kiếm việc.
Nguồn cung lao động thiếu, thất nghiệp giảm mạnh
Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Đông Nam bộ, năm 2015, sau Tết Ất Mùi, trung bình mỗi ngày tại các huyện, thị trên toàn tỉnh chỉ có gần 100 người đăng ký thất nghiệp. Theo đó, số người xin hưởng thất nghiệp từ sau Tết đến nay chưa bằng một nửa so với những năm trước và thấp hơn cả những ngày bình thường (những năm trước, sau Tết Nguyên đán, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp thường tăng đột biến khoảng 250 người/ngày).
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do thị trường lao động hiện đang khởi sắc, cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Thời điểm này, doanh nghiệp trong tỉnh cần tuyển khoảng 40.000 lao động nhưng đa số các công ty không tuyển đủ. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia sàn giao dịch việc làm với nhu cầu tuyển hàng ngàn lao động (chủ yếu là công nhân phổ thông), tập trung ở các ngành như may mặc, cơ khí, giày da… do Trung tâm GTVL Đông Nam bộ tổ chức vào ngày 10-3 tới. Ngoài ra, trong 3 ngày (từ 1-3 đến 3-3) trên website của trung tâm đã có 15 doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng.
Ngoài ra, theo quy định mới, từ năm 2015, người lao động sau khi nghỉ việc có thể về tỉnh, thành phố nơi mình sinh sống để đăng ký thất nghiệp (trước phải đăng ký thất nghiệp tại địa phương nơi lao động làm việc). Điều này cũng làm cho số người xin hưởng thất nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm. Thống kê của Trung tâm GTVL Đông Nam bộ cho thấy, hai tháng đầu năm 2015, có 3.200 người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp (con số này chỉ bằng 1 tháng của năm 2014), 90% số đối tượng trên đã được Trung tâm đã ra quyết định chi tiền trợ cấp với số tiền khoảng 14 tỷ đồng.
Lê Văn

Không có nhận xét nào: