Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Vỡ vạc từ cự thạch Hàng Gòn

Vỡ vạc từ cự thạch Hàng Gòn
Copy từ http://chimviet.free.fr/lichsu/phanxipang/phanxipn_CuThachHangGon.htm .
Di tích Hàng Gòn là mộ cự thạch đầu tiên do ngành khảo cổ học tìm thấy tại Việt Nam. Với những tấm đan và trụ đá to lớn quá độc đáo, mộ cự thạch đó là dạng kiến trúc duy nhất được phát hiện trên toàn quốc tính đến nay.
Ghé thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, viếng thăm mộ cự thạch Hàng Gòn, tôi liên tục ngạc nhiên. Bởi từ di tích này, quá nhiều điều đã, đang và sẽ vỡ vạc.
Vỡ vạc nên kể trước tiên: ngay cả bộ sách công cụ nổi tiếng uyên áo mang tầm quốc gia được hơn 1.200 nhà khoa học hợp soạn mà cũng... trật trệu lắm chỗ buồn cười! Tập 1 Từ điển bách khoa Việt Nam (Hà Nội, 1995) giải thích từ cự thạch: "Thuật ngữ khảo cổ học chỉ những công trình dựng từ những khối đá lớn để nguyên hình dạng tự nhiên hay đã qua gia công. Cự thạch bao gồm đônmen, menhia, crômlêch, quan tài đá, v.v. Cự thạch ban đầu được phát hiện ở vùng Địa Trung Hải, sau phát hiện được ở hầu khắp thế giới (trừ châu Úc), nhưng thường gặp ở vùng duyên hải hơn cả. Cự thạch có niên đại kéo dài từ thời đại đá mới đến đồng thau (khoảng thiên niên kỷ III - I trước Công nguyên). Ý nghĩa của cự thạch không phải bao giờ cũng rõ ràng, thường là nơi chôn người chết hay liên quan đến tang lễ, nhưng có khi lại là đài thiên văn cổ". Thú thật, nghe cắt nghĩa kiểu đó thì toàn thể thiên hạ đều nhún vai, lắc đầu. Vì người ngoài ngành khảo cổ không hiểu đônmen, menhia ômlêch; trong khi bộ sách công cụ này chẳng chua nghĩa. Vì người trong ngành khảo cổ không thể tán đồng những luận điểm mà Từ điển bách khoa Việt Nam đã nêu.
Cự thạch nghĩa là gì? Tiếng Hán ghi 巨石 mà Bính âm phát jushi. Cự: to, lớn, bự. Ví dụ: cự công, cự danh, cự lợi, cự phú. Thạch: đá. Ví dụ: thạch bi, thạch nhũ, thiên thạch, hoá thạch. Tiếng Pháp: mégalithe. Tiếng Anh: megalith. Tiếng Tây Ban Nha: megalitismo. Tiếng Bồ Đào Nha: megálitico. Tiếng Nga: мегалиты . Tiếng Ukraina: мегаліти. Những từ vựng của các ngôn ngữ ở châu Âu cùng xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ với μέγας (megas) nghĩa lớn, λίθος (lithos) nghĩa đá.
Biết vậy, song đừng định nghĩa cự thạch là "đá đại chang" nếu không muốn bị chê vụng kém!
Cự thạch chỉ khối đá lớn được dùng 1 tảng, hoặc lắp ghép nhiều tảng với nhau theo cơ chế tự khoá chứ không sử dụng vữa hoặc chất kết dính nào khác. Cự thạch có các dạng cấu trúc khác nhau. Đây là một số dạng: mộ đá (dolmen / cromlech - một số người gọi trác thạch / 桌石/ bàn đá), cột đá thẳng dài dựng đứng (menhir), cột đá thẳng dựng đứng có tảng đá khác kê phía trên tạo hình chữ T (taula), 2 tảng đá dài dựng đứng để đỡ 1 tảng đá nằm ngang (trilithon), v.v. Đàn đá / thạch cầm / 石琴 / lithophone cũng được nhiều nhà nghiên cứu xem là một dạng cấu trúc cự thạch.
Thuật ngữ cự thạch dùng chỉ công trình bằng đá ở nhiều khu vực trên hoàn vũ thuộc các thời kỳ khác nhau, kể cả hiện đại. Một di chỉ cự thạch nổi tiếng thế giới mang tên Stonehenge ở hạt Wiltshire, miền Nam nước Anh, được dựng từ 2.500 ~ 2.000 năm trước Công nguyên. Năm 1989, UNESCO xếp hạng Stonehenge vào danh mục di sản văn hoá thế giới. Châu Úc, còn gọi châu Đại Dương, cũng có các di tích cự thạch ở Australia và New Zealand. Không chỉ cự thạch trên đất liền, người ta còn phát hiện cự thạch dưới đáy biển: năm 1995, tại Nhật Bản, một thợ lặn tìm thấy di tích cự thạch Yonaguni-jima / 与那国島 / Dữ Na Quốc Đảo có niên đại 8.000 năm ở ngoài khơi Okinawa. Công trình cự thạch thời nay được nhiều người biết là Coral Castle ở Homestead, bang Florida, Hoa Kỳ, do Edward Leedskalnin (1887 - 1951) xây dựng vào thập niên 1920.
Việt Nam có những di tích cự thạch nào? Đã tìm thấy các dolmen tại Xín Mần (Hà Giang), Hòa An (Cao Bằng), Nà Hang (Tuyên Quang), Lục Nam (Bắc Giang), Tiên Du (Bắc Ninh), Sóc Sơn (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Những địa phương vừa kể chẳng phải duyên hải / ven biển. Thế nhưng, tại Việt Nam, di tích cự thạch được phát hiện sớm nhất chính là cổ mộ Hàng Gòn ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Tiến sĩ (TS) Phạm Quang Sơn - cán bộ Trung tâm Khảo cổ học trực thuộc Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM - thêm:
- Tính đến nay, mộ cự thạch Hàng Gòn còn là di tích khảo cổ thuộc loại kiến trúc bằng những tấm đan(1)và trụ đá chỉ duy nhất được phát hiện tại Việt Nam. Chẳng những chất chứa giá trị lớn về lịch sử, di tích này còn nẩy sinh nhiều vấn đề của xã hội hiện thời: tín ngưỡng dân gian, tham quan du lịch, vân vân.
Biểu tượng của nền văn minh sông Đồng Nai
Ảnh: Phanxipăng
Từ quốc lộ 1A, quốc lộ 56 dài 49km chạy từ ngã ba Tân Phong đến ngã ba Hoà Long. Tuyến đường này nối liền thị xã Long Khánh với thị xã Bà Rịa. Đến km05, trên vùng đất đỏ basalte tương đối bằng phẳng, khách thập phương thấy cách lề đường 150m hiện ra di tích cự thạch Hàng Gòn kề cận khuôn viên trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ.
Thuở trước, đây là Société Indochinoise des Plantations d'Hévéas de Xuân Lộc. Viết tắt, nói tắt thành SIPH de Xuân Lộc. Đó là đồn điền cao su của Pháp, rộng 350 mẫu, thuộc xã Xuân Lộc, tổng Bình Lâm Thượng, tỉnh Biên Hoà. Năm 1956, gọi ấp Hàng Gòn, xã Thới Giao, quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Năm 1976, đổi thành ấp Xuân Thành, xã Xuân Tân, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Từ tháng 8-2003, là xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Quốc lộ 56 vốn là đường liên tỉnh số 2. Năm 1927, mở trục lộ này, thấy dưới gốc cổ thụ có tảng đá nhô lên, kỹ sư cầu đường Jean Bouchot người Pháp liền báo cáo trường Viễn Đông Bác Cổ / École française d'Extrême-Orient (EFEO) và được giao nhiệm vụ tiến hành khai quật. Quá bất ngờ khi dưới lòng đất hiện dần ra di tích cự thạch vô cùng đặc sắc. Các hạng mục di tích đều bằng đá. Nằm theo hướng đông tây, hầm mộ hình khối hộp chữ nhật, dài 4,2 mét, ngang 2,7 mét, cao 1,6 mét, được ghép bởi 5 tấm đan bằng đá hoa cương(2). Chung quanh hầm mộ có 10 trụ đá. 8 trụ bằng sa thạch (3), cao 2,5 ~ 3m, mặt cắt ngang hình bầu dục, đầu mỗi trụ đều khoét lõm hình yên ngựa. 2 trụ còn lại bằng đá hoa cương, cao 7,2m, mặt cắt ngang hình chữ nhật, một đầu lõm, một đầu có đoạn phình ra đôi bên.
Kết quả cuộc khai quật ấy được công bố trên tập san của Hội Nghiên cứu Đông Dương / Bulletin de la Société d'Enseignement de l'Indochine (BSEI) vào năm 1927 và 1929. Điều đó thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học: Henri Parmentier, Emile Gaspardone, Louis Malleret, Edward Saurin, Henri Fontaine, v.v.
Mộ cự thạch Hàng Gòn được khởi tạo bao giờ? Từ thời đại đồ đồng như L. Malleret đoán định ư? Ed. Saurin cho rằng di tích hình thành cách ngày nay 3.950 ± 250 năm. Tiếc thay, J. Bouchot đã làm thất tán cả loạt mẫu vật cần thiết, chẳng hạn các vòng đá và nhất là "những bình nhỏ bằng gốm nung đựng lớp đất lẫn tro than màu xám" nên không thể xác minh độ tuổi thông qua bao cách thức khả tín như carbon 14 (14C), kali-argon, uranium!
Vậy ai là chủ nhân di tích? Đã xuất hiện ý kiến khác thường: phải chăng là những người Lemuria khổng lồ, với chiều cao trung bình mỗi cá nhân những 3m? Theo giả thuyết nọ thì di tích Hàng Gòn đã hình thành cách nay khoảng 78.000 ~ 20.000 năm, đó là điều khó chấp nhận khi đối chiếu loạt mẫu vật tại mộ cổ Hàng Gòn đã được giám định niên đại nhờ các phương pháp khoa học.
Riêng vật liệu thi công đã tạo thắc mắc chưa thể giải đáp rốt ráo. Xét chủng loại đá di tích Hàng Gòn, các nhà địa chất học hiện đại xác định rằng không thể có ở địa bàn tỉnh Đồng Nai, còn những địa phương khác gần nhất sẵn đá ấy là Đà Lạt và Phan Rang. Mỗi tấm đan, mỗi trụ đá nặng xấp xỉ chục tấn. Người xưa khai thác, gia công đá (cưa cắt, đẽo đục, gọt khoét, mài nhẵn, đánh bóng, v.v.) thế nào? Trong hoàn cảnh bị hạn chế đến mức tối đa về nhiều mặt (đường xá, trang thiết bị, phương tiện giao thông, v.v.), làm sao họ di dời và vận chuyển những phiến đá to nặng qua mấy trăm cây số?
Ảnh: Phanxipăng
Vợ chồng nhân viên bảo vệ di tích cự thạch Hàng Gòn hiện nay là Lê Thị Cẩm Tú và Phạm Quang Hữu Tâm. Ngày 11-10-2009, Cẩm Tú cho tôi biết:
- Nghe kể rằng từ khi phát hiện mộ cổ nơi đây, dân chúng trong vùng gọi là mả ông Đá và lập miễu thờ. Rằm, mùng 1, Tết nhất, người ta tới cúng bái. Ngày 13 tháng 9 âm lịch hằng năm, lễ giỗ ông Đá được cử hành khá long trọng.
Tại mả ông Đá, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai dựng biển bảng giới thiệu sơ lược cổ mộ Hàng Gòn với đoạn kết: "Mộ cự thạch Hàng Gòn cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn, cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ các vấn đề về chủ nhân, về nguồn gốc vật liệu, về kiến trúc, kỹ thuật chế tác, xây dựng và mối quan hệ giữa chủ nhân mộ cự thạch Hàng Gòn với chủ nhân các di chỉ khảo cổ học trong vùng như Suối Chồn, Đá, Cầu Sắt, Long Giao."
Sau khi phát lộ một năm, năm 1928, dolmen Hàng Gòn liền được EFEO đưa vào danh mục các di tích lịch sử "mộ Đông Dương". Năm 1930, trong bảng di tích ở Nam Kỳ, cự thạch Hàng Gòn đứng thứ 38. Khu vực cổ mộ này đã có những đợt khai quật vào các năm 1968, 1973 và 1975. Ngày 24-12-1982, Bộ Văn hoá Thông tin ban hành quyết định số 47/VH-QĐ xếp hạng mộ cự thạch Hàng Gòn là di tích khảo cổ học cấp quốc gia.
Mộ cự thạch Hàng Gòn đã trở thành một biểu tượng của nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai.
Giải mã bí ẩn
Năm 1991, công tác chỉnh trang giúp mộ cự thạch Hàng Gòn có hàng rào bao bọc, hố khai quật cũ được gia cố, một số cây cảnh được trồng, song đã xảy ra lắm sơ suất đáng buồn: tấm đan nơi hầm mộ bị nứt vỡ, một số trụ đá bị gãy lìa!
Ảnh: Phanxipăng
Đưa tay vuốt vết nứt vỡ nham nhở trên tấm đan hoa cương, Thiên Hương - nữ thương gia ở địa phương - bỗng đọc câu thơ của Hoàng Cầm cực kỳ phù hợp:
Sao xót xa như rụng bàn tay!
Thời gian qua, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học trực thuộc Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM thực hiện các đợt điều tra - đào thám sát vào năm 2006 và khai quật vào năm 2007. Chủ trì cả 2 đợt này là TS. Phạm Quang Sơn cho biết:
Trước kia, nhiều nhà nghiên cứu nghĩ rằng cộng đồng người xây dựng mộ cự thạch Hàng Gòn từng sống trong hoà bình yên ổn dài lâu. Năm 1982, tại Long Giao, cách Hàng Gòn khoảng 5km, giới khảo cổ phát hiện cả kho vũ khí xưa gồm 19 chiếc qua bằng đồng, nên suy nghĩ ấy buộc phải thay đổi. Thì ra cộng đồng nọ đã trải qua xung đột vũ trang nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa cư dân bản địa với thế lực ngoại bang. Năm 2006, đào 58 hố thám sát trong khu di tích Hàng Gòn, phát hiện thêm hiện vật góp phần củng cố ý vừa nêu: 2 chiếc tù và bằng đồng.
Tôi hỏi:
- Qua đó, có thể xác định niên đại và chủ nhân mộ cự thạch Hàng Gòn?
Ảnh: Phanxipăng
TS. Phạm Quang Sơn đáp:
- Sau khi nhận kết quả phân tích bằng phương pháp 14C các mẫu than đã đào ở Hàng Gòn, chúng tôi cho rằng mộ cự thạch này có niên đại ngay trước hoặc đầu Công nguyên. Tức muộn hơn giai đoạn mộ chum thời đại sắt sớm và sớm hơn hoặc trùng với thời kỳ khởi đầu văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam, nghĩa là thế kỷ thứ II. Chủ nhân của di tích là một thủ lĩnh đầy quyền uy của bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc có kinh tế hùng mạnh, thông thạo binh nghiệp.
Ngay các cột đá chung quanh cổ mộ Hàng Gòn cũng làm rộ lên những luồng kiến giải khác nhau về chức năng và quy cách bố trí. Soạn bài Vestiges mégalithiques à Xuân-Lộc (4)đăng tập san của EFEO năm 1928, nhà khảo cổ học Henri Parmentier (1871 - 1949) cho rằng phải có 14 cột đá được dựng làm trụ đỡ hệ thống ròng rọc hoặc dây kéo nâng nắp mộ để đặt thêm than tro hoả táng người quá cố.
Ngày 31-1-2010, TS. Phạm Quang Sơn nói với tôi:
- Tại mộ cự thạch Hàng Gòn, nhờ phát hiện thêm, đến nay đã có 14 cột mang vết lõm hình yên ngựa cả thảy, đúng như Parmentier dự đoán. Tuy nhiên, dùng trí tưởng tượng hoặc máy tính mà sắp xếp các cột đá theo nguyên tắc song song và đối xứng từng cặp, chúng ta thấy thừa 1 cột dài (3m) và thiếu 1 cột ngắn (0,7m). Thêm điều cần chú ý: vết lõm hình yên ngựa trên đầu các cột lớn đều nằm ngang, tuy nhiên một số cột thì vết lõm chạy xéo từ trên xuống dưới. Trên 3 cột ngắn lại có vết lõm vuông góc với vết lõm xéo kia. Phải chăng những cột này dùng đỡ những đà xiên như đòn tay trong cấu trúc mái nhà?
Tôi thắc mắc:
- Theo anh, những cột đá đó không phải trụ đỡ ròng rọc, mà là cột nhà mồ à?
TS. Phạm Quang Sơn trả lời:
- Cột nhà mồ. Để phục dựng nhà mồ Hàng Gòn với quy mô hết sức đặc biệt, ngành khảo cổ rất cần sự hợp tác chặt chẽ của quý vị kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, và các chuyên gia thuộc nhiều ngành khoa học khác.
Nếu thế, hàng loạt vấn đề tiếp tục nẩy sinh, đòi hỏi hậu thế nhọc công giải quyết. Chẳng hạn mái lợp thế nào? Hầm mộ được đóng mở ra sao? Chắc chắn thêm quá nhiều điều sẽ vỡ vạc.
Hiện nay, để phục vụ du lịch, tín ngưỡng, và công tác nghiên cứu, khu vực cổ mộ Hàng Gòn cần được tu bổ khang trang, đáp ứng các yêu cầu khoa học. Trước mắt, nên thành lập nhà bảo tàng gần mả ông Đá nhằm trưng bày hiện vật và các tư liệu liên quan di tích Hàng Gòn, cùng các kiến trúc cự thạch khác trong lẫn ngoài nước Việt.
Đã đăng: Thế Giới Mới 882 (3-5-2010) - Kiến Thức Ngày Nay 747 (10-5-2011)
Chú thích
(1) - Phiên âm danh từ tiếng Pháp: dalle.
(2) - Tiếng Pháp và tiếng Anh: granite. Tiếng Ý: granito.
(3) - Sa thạch còn được gọi cát kết. Tiếng Pháp: grès. Tiếng Anh: sandstone.
(4) - Di tích cự thạch ở Xuân Lộc.

Không có nhận xét nào: