Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Thủy điện không sinh nước sao gây lụt được?

Thủy điện không sinh nước sao gây lụt được?
Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/151086/thuy-dien-khong-sinh-nuoc-sao-gay-lut-duoc-.html, đăng ngày 27/11/13 , mục .
TuanVietnam.net : "Lũ chồng lũ” chỉ xảy ra nếu hồ thủy điện bị vỡ. Nhưng hồ bị vỡ và gây ra thảm họa là các hồ của công trình thủy điện lớn. Còn mấy cái hồ của các nhà máy thủy điện ở miền Trung thuộc loại nhỏ, nếu có vỡ cũng chẳng gây ra thêm ảnh hưởng gì đáng kể!
LTS:
Lũ dữ ở miền Trung mới đây đã làm dậy sóng nghị trường. “Thủ phạm” bị đưa ra “tế thần” là những nhà máy thủy điện. Trong khi cơ quan chức năng khẳng định việc xả lũ là đúng quy trình và không có chuyện lũ chồng lên lũ thì người dân và chính các ĐBQH lại đặt dấu hỏi về tình trạng “loạn” thủy điện và tình trạng xả lũ lên đầu dân. Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) cho rằng, “thiếu cơ sở khoa học để kết tội thủy điện”.
Tôn trọng những ý kiến đa chiều khác nhau, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của TS Phúc.
Không có chuyện lũ chồng lũ
Ông Phúc nói:
Là người học và nghiên cứu về điện nên tôi hiểu tường tận về ngành điện cũng như thủy điện. Làm khoa học thì phải tôn trọng sự thật. Và phải dũng cảm bảo vệ chân lý. Nếu không, nhận định hay quy kết sai như quy kết thủy điện miền Trung gây ra lũ là rất nguy hiểm vì như vậy sẽ không xác định được bản chất của sự việc, từ đó không thể giải quyết vấn đề được!
Vậy thưa ông, hồ thủy điện có khả năng gây tác động đến dòng chảy của dòng sông, tạo nên lũ lớn không?
- Các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An, Thái Nguyên, Thác Bà có khả năng tác động đến dòng chảy của con sông rất lớn, tương tự như hồ thủy lợi, nên được giao nhiệm vụ thủy lợi, tức là tác động để “chống lũ” và “chống hạn” cho hạ lưu.
Còn các hồ thủy điện nhỏ và vừa như các nhà máy thủy điện ở miền Trung thì khả năng đó rất nhỏ, không đáng kể. Chúng hoàn toàn không có khả năng đó nên chẳng ai giao nhiệm vụ “chống lũ” và “chống hạn” cả.
Khả năng tác động đến dòng chảy của dòng sông thể hiện ở “dung tích hữu ích” của hồ. Đó là dung tích của khoảng trống nhằm chứa lũ để cắt lũ vào mùa lũ và dự trử nước để chống hạn vào mùa khô. Dung tích hữu ích của hồ Hòa Bình là 5,7 tỷ m3, Trị An là 2,5 tỷ m3. Còn các nhà máy thủy điện ở miền Trung chỉ từ 10 – 50 triệu m3, tức chỉ bằng khoảng 0,5% “ông lớn” Hòa Bình, Trị An.
Nhận định như vậy hẳn ông cũng sẽ lường trước được “bão dư luận” phải không ạ? Vì phản ảnh của người dân và chính quyền địa phương ở vùng bị lũ là các nhà máy thủy điện đã xả nước khi lũ tràn về khiến nước ngập tràn, gây lũ lớn?
- Tôi xin hỏi lại, các nhà máy thủy điện có sinh ra nước không? Hoàn toàn không!
Như vậy, lũ ở đây là lũ trời, tức là lũ tự nhiên.
TS Nguyễn Bách Phúc
Khi lũ tràn về, nước lũ với lưu lượng rất lớn, gấp cả trăm lần lưu lượng lúc bình thường đổ vào hồ , mức nước sẽ nhanh chóng dâng lên. Với những hồ thủy điện nhỏ ở miền Trung, dung tích hữu ích để chứa lũ rất bé nên sau vài ba giờ là hồ đầy nước.
Nhà máy thủy điện chỉ còn cách “xả lũ” xuống hạ lưu. Đơn giản là không xả thì chứa vào đâu? Chẳng có cách gì đẩy ngược nước lũ trở lại thượng lưu hay đẩy lên trời được! Tất cả nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Trung đều phải như vậy dù lũ nhỏ hay lũ lớn. Đây là việc bất khả kháng.
Cần lưu ý rằng, “xả lũ” ở hồ thủy điện lớn không như hồ thủy điện nhỏ. Phần lớn những trận lũ nhỏ được thủy điện lớn “nuốt” gọn vào dung tích hữu ích của hồ, không phải xả. Chỉ những trận lũ lớn không thể “nuốt” nổi thì mới phải xả…
Thì chính vì xả tràn để tránh bị vỡ hồ nên khiến lũ nặng thêm mà dư luận gọi là hiện tượng “lũ chồng lũ” đúng không thưa ông?
- Không phải như vậy!
Điều này rất đơn giản mà không ai để ý một chút. Dung tích chứa nước của hồ thủy điện có 2 phần là mực nước chết và mức nước hữu dụng. Hồ thủy điện nào cũng vậy, chỉ cho phép chứa nước đến mức cách mặt thành hồ 3 – 5 m. Nếu chứa đầy tràn thì hồ sẽ bị vỡ.
Vào mùa mưa, trước khi lũ về, theo dự báo khí tượng thủy văn, các hồ sẽ xả nước để lũ về sẽ chứa nước, gọi là “cắt lũ” chọ hạ du. Nhưng nếu lũ trời về quá lớn, hồ thủy điện không thể chứa được nữa thì phải để lũ tràn qua, tức xả tràn chứ không thì chứa vào đâu?
Như vậy, lũ lớn gây thiệt hại đâu phải do hồ thủy điện xả gây ra.
Vấn đề là các nhà máy xả luôn cả phần nước chứa sẵn bên trong mà ông gọi là “nước hữu dụng”. Và như vậy chính nguồn nước này gây ra “lũ chồng lũ”?
- Không nhà máy nào làm như vậy!
Đơn giản vì khi nước lũ tràn qua thì muốn xả nước hữu dụng trong hồ cũng không có tác dụng gì. Tôi ví dụ thế này, một hồ chứa dung tích 100.000 m3, khi dòng nước lũ tràn qua với lưu lượng nước 1.000 m3/s chẳng hạn, nếu xả nước trong hồ ra, giả sử là 400 m3/s chẳng hạn, phần này sẽ được bù đắp ngay lập tức bằng dòng nước lũ đang băng qua bên trên. Đó là nguyên tắc vật lý rất dễ hiểu.
Tức là, dòng lũ đang tràn qua mặt hồ chứa. Nếu xả cho hồ chứa vơi bớt được chút nào thì nước của dòng lũ lập tức sẽ trám vào ngay! Vậy nhà máy có muốn xả cũng không xả được lúc lũ tràn qua đang phải xả tràn.
Như vậy khái niệm “lũ chồng lũ” trong trường hợp này hoàn toàn phí lý! Chỉ có “lũ chồng lũ” xảy ra nếu hồ thủy điện bị vỡ.
Nhưng hồ bị vỡ và gây ra thảm họa là các hồ của công trình thủy điện lớn. Còn mấy cái hồ của các nhà máy thủy điện ở miền Trung thuộc loại nhỏ, nếu có vỡ cũng chẳng gây ra thêm ảnh hưởng gì đáng kể!
Trong đợt lũ vừa qua ở miền Trung có hồ thủy điện nào bị vỡ đâu? Nên nói “lũ chồng lũ” là sai với thực tế. Cũng như quy kết các nhà máy thủy điện này gây ra lũ càng sai hơn!
Trên một dòng sông nếu có nhiều nhà máy thủy điện thì cũng chỉ có một dòng lũ của trời thôi.
Chỉ tại... nước trời
Vậy hóa ra chuyện lũ chồng lũ là không có?
- Tôi nhắc lại thế này, lũ là lũ trời, thủy điện chỉ chứa nước để sản xuất điện và tham gia cắt lũ vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa hạn. Đó là nguyên tắc.
Nguyên tắc này đúng với các nhà máy thủy điện lớn như thủy điện Sông Đà, thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An v.v…được giao nhiệm vụ. Còn các nhà máy thủy điện miền Trung thuộc loại nhỏ như nắm tay thì chẳng có khả năng thực hiện nhiệm vụ đó nên chẳng ai giao làm gì.
Trong nghề thủy điện có khái niệm “thủy điện xả nước”, tức là xả nước trời. Nghĩa là thủy điện cho nước trong hồ chứa chảy ra khi cần thiết, tùy trường hợp. Nhưng tất cả các trường hợp này đều không góp phần gây ra tác động làm cho lũ lớn hơn, dữ dội hơn. Ngược lại, chỉ có lợi khi vùng hạ du bị hạn hán, hồ thủy điện phải xả nước chống hạn. Điều này cũng chỉ đúng với các thủy điện lớn mà thôi!
Tôi rất ngạc nhiên khi có ai đó khẳng định thủy điện phải có kế hoạch xả lũ! Sao mà có kế hoạch như thế được? Lũ là của trời, lũ tràn tới hồ thủy điện đầy thì phải xả chứ chứa vào đâu cho hết? Vì vậy kế hoạch xả lũ nếu có cũng phải là kế hoạch của trời!
Tôi xin khẳng định, nếu không có hệ thống thủy điện nhỏ ở miền Trung thì trận lũ vừa qua vẫn xảy ra và thiệt hại cũng như vậy thôi
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc:
- Sinh năm 1944 tại Hà Tĩnh
- Tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành hệ thống điện năm 1965
- Giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM
- Bảo vệ học vị tiến sĩ ở Liên Xô cũ
- Học tập và công tác tại Liên Xô 12 năm (1989 – 2001)
- Từ 2004 đến nay, làm Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học và sau đó là Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học – Công nghệ và Quản lý HASCON…
Duy Chiến thực hiện

Không có nhận xét nào: