Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Phải đi

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Từ Huy:
Phải đi
Copy từ http://sgtt.vn/Van-hoa/157877/Phai-di.html ; đăng ngày 07/01/12, mục Văn hóa.
 
 
– Thầy lại gọi anh sang.
– Thầy ở bên kia ư?
-Phải.
– Anh định thế nào?
– Anh định bàn với em. Anh phải đi. Anh không thể tiếp tục như thế này.
– Anh xem, mọi người vẫn tiếp tục đấy thôi.
– Mỗi tháng đến kỳ nhận lương, anh lại thấy nguyên vẹn nỗi nhục nhã ấy, nỗi nhục nhã bám chặt từng tế bào da, ăn sâu vào từng thớ thịt anh.
– Anh nhạy cảm quá rồi.
– Anh giảng dạy ở trường đại học đã hai mươi năm, tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, và lương anh chưa bằng lương khởi điểm của một người công nhân lần đầu được tuyển dụng vào một công ty tư nhân hay công ty nước ngoài. Giá trị của anh không bằng một người công nhân. Mỗi lần cầm đồng lương anh lại tự hỏi: giá trị của mình chỉ như thế này thôi sao? Sao mình có thể tự khinh bỉ bản thân mình đến mức chấp nhận bị trả giá rẻ mạt như vậy. Anh nhớ câu chuyện của Mathieu, anh ấy và anh có cùng một thầy hướng dẫn. Anh ấy hối tiếc vì đã đề nghị mức lương khởi điểm là 40.000 euro một năm và sau đó đề nghị tăng lương với lập luận rằng giá trị của anh ấy phải cao hơn như vậy. Không phải là mức lương mà đó là giá trị của con người anh ấy, giá trị mà lao động của anh ấy sẽ mang lại. Anh thì sao? Anh cầm mấy tờ bạc và tự hỏi mình có còn là con người không, mình đã làm gì để đáng bị đối xử như thế này? Sao anh lại chấp nhận bị khinh bỉ như vậy chứ? Anh đã làm việc cật lực để rồi tự khinh bỉ mình như thế này sao? Anh phải đi em ạ. Đáng sợ hơn là rồi sẽ đến lúc anh không còn cảm giác nhục nhã nữa. Lúc đó thì anh sẽ chẳng khác gì một con vật. Người ta muốn đối xử với anh như thế nào cũng được, người ta muốn hạ giá trị của anh đến mức nào cũng được, người ta muốn sỉ nhục anh như thế nào cũng được. Anh sẽ im lặng như một con cừu.
– Em xin anh, xin anh.
– Anh không nuôi nổi bản thân, nói gì đến việc nuôi vợ con hay nuôi cái ước mơ khoa học của mình.
– Em xin lỗi, em đã làm gì hay nói gì khiến anh phải chạnh lòng chăng?
– Không, em quá tốt với anh, điều đó lại càng khiến anh thêm cảm thấy mình lố bịch, anh càng thấy nhục nhã. Lẽ ra anh không nên lấy vợ. Anh không được quyền lấy vợ.
– Anh đừng làm em buồn. Tình yêu của chúng mình không có ý nghĩa gì sao?
– Không phải thế. Nếu muốn làm khoa học và muốn giữ phẩm giá thì không nên lập gia đình. Vì anh không thể đảm nhận được trách nhiệm của người đàn ông. Lẽ ra anh phải sống như Hưng.
– Chúng ta phải hy vọng. Thời kỳ này sẽ qua.
– Em hy vọng gì mà lạ lùng vậy chứ? Em nhìn chúng ta xem. Không ai biết anh là ai. Bốn người chúng ta sống trong hai mươi mét vuông. Mà ta may mắn vì anh còn tích luỹ được một ít nhờ học bổng du học để mua được cái chòi chim này. Em nhìn Hưng xem, cậu ấy không dám nghĩ đến chuyện mua nhà, không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Và có bao nhiêu người như Hưng? Chúng ta thuộc về bóng tối. Ở đó câm lặng chịu đựng nỗi nhục nhã đeo bám ta suốt đời.
– Thôi mà anh.
Minh họa
 
– Anh không bao giờ thoát khỏi nó. Anh nhận tiền làm đề tài nghiên cứu khoa học như thế nào, em biết không. Để có được số tiền mười lăm triệu cho hai năm nghiên cứu của anh, anh đã phải làm nhiều chứng từ giả. Vì trong văn bản quy định, mỗi năm người chủ trì đề tài như anh chỉ được trả một triệu hai trăm ngàn mà thôi. Anh, cũng như tất cả mọi người, buộc phải làm chứng từ giả. Một nhà khoa học buộc phải gian lận để nhận một số tiền công còm cõi cho lao động nặng nhọc của mình. Em nói xem, một kẻ gian lận như anh làm sao có đủ tư cách của người làm khoa học? Hô hô, gian lận là con đường đến với khoa học đấy em ạ. Em chưa thấy anh đủ nhục nhã sao? Anh đã bôi tro trát trấu lên cái gọi là tinh thần khoa học. Anh đã làm nhục nó. Anh đã làm nhục hai từ khoa học. Anh đã bán rẻ nó vì mấy đồng bạc. Em khinh bỉ anh đi.
– Bình tĩnh đi anh! Đừng tự trách mình, anh không có lỗi.
– Sau khi anh lấy bằng tiến sĩ trở về, thêm vào việc giảng dạy, anh còn được phân công phụ trách việc giấy tờ hành chính, chẳng liên quan gì đến chuyên môn của anh. Anh chỉ đáng làm những công việc như vậy thôi sao? Phải, anh chỉ đáng cho những công việc như vậy. Đó là chỗ của anh. Em thấy đấy, cái bàn giấy ấy gặm mòn hết các năng lực của anh. Nếu thời gian của anh được tập trung cho việc nghiên cứu thì hẳn anh đã có thể đóng góp được rất nhiều cho mọi người, đóng góp được rất nhiều cho cộng đồng này. Bao nhiêu chất xám của anh đã lãng phí giữa đống giấy tờ ấy. Anh bị buộc phải lãng phí chất xám của mình. Bao nhiêu chất xám của bao nhiêu người khác đang bị lãng phí vì những công việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn của họ. Em đã biết là tới lúc anh không còn chấp nhận cái bàn giấy, và người ta đã quy kết anh đủ điều. Và một lần nữa anh lại im lặng đón nhận những quy kết ấy trong nhục nhã. Em thấy không, suốt đời anh sẽ ở trong bóng tối mà âm thầm đưa đám lòng tự trọng.
– Thôi nào anh…
– Anh phải đi.
– Anh không thể ở lại ư?
– Anh không thể.
– Em không có ý nghĩa gì với anh sao? Tình yêu của chúng ta không có ý nghĩa gì với anh sao?
– Em và các con đi cùng anh chứ.
– Còn bố mẹ em…
– Chúng ta sẽ cố thu xếp cho các cụ.
– Còn em, em sẽ sống như thế nào? Em biết làm gì? Em không biết ngoại ngữ.
– Em có thể học được.
– Nhưng anh ở lại đây sẽ đơn giản hơn là em sang đó.
– Anh không thể. Anh không biết cách luồn cúi, nịnh bợ. Anh không biết cầm phong bì của học sinh. Anh sẽ không tiếp tục làm các hoá đơn, chứng từ giả. Tóm lại anh không có cách nào để sống với đồng lương hiện tại. Mà anh cũng không thể làm bẩn con người mình.
– Anh có thể dạy thêm để kiếm tiền mà.
– Anh đã mất hai mươi năm để học hành. Anh muốn được làm công việc mình yêu thích, anh muốn được phát triển các khả năng của mình. Anh muốn được sống với con người thật của mình. Trời ơi, anh nói cứ như là công văn thế này. Anh không thể đi dạy luyện thi. Anh không muốn biến học sinh thành những con vẹt, không muốn tước đoạt khả năng suy nghĩ tự do của họ. Đó là bước đầu tiên đặt nền móng để cho họ có thể bị biến thành những công cụ sau này. Anh không làm được. Và rồi bản thân anh cũng lặp lại như một con vẹt ngày này qua ngày khác những điều đã được dùng làm chuẩn mực. Sau một thời gian, đầu óc anh cũng chỉ còn duy nhất cái khả năng thu vào và phát ra của cái máy mà thôi. Còn nói gì đến sáng tạo, đến tư duy, đến phát kiến.
– Em xin lỗi! Em không hình dung được cuộc sống bên đó như thế nào, em sợ.
– Rồi sẽ ổn thôi. Mọi người đều ổn, em đừng lo.
– Em muốn nói với anh chính điều đó, anh hãy ở lại, rồi sẽ ổn thôi. Tất cả mọi người đều ổn. Thôi anh ra chơi với con, em làm bếp đây, chúng ta cần có thời gian.
– Anh xin lỗi, anh không thể chơi với con lúc này, anh chưa bình tĩnh lại được, anh thấy xấu hổ vì chúng phải có một người cha như anh. Cha anh đã chịu đựng nhưng chưa bao giờ thoả hiệp, chưa bao giờ ăn một đồng tiền bẩn nào. Còn anh…
– Em xin anh đừng nói nữa…
Nguyễn Thị Từ Huy - Minh hoạ của Lê Thiết Cương.
Từ Huy là một tiến sĩ khoa học về văn học, sang Paris làm luận án về cha đẻ của “tiểu thuyết mới” Alain Robbe-Grillet, luận án này đã in thành sách A.R. Grillet: Sự thật và diễn giải (2009).
Từ Huy
 
Từ Huy là một người sáng tác văn chương, đã xuất bản tập thơ Chữ cái (2007) và tập truyện ngắn Con chữ (2007).
Từ Huy là một nhà nghiên cứu giáo dục, đã bắt đầu có những bài viết phân tích sâu thực trạng và căn nguyên trì trệ của nền đại học Việt Nam.
Cả ba tư cách ấy của chị có thể thấy hiện diện trong truyện ngắn Phải đi. Một truyện ngắn làm bằng cuộc đối thoại của hai vợ chồng. Đối thoại nhưng thực ra là độc thoại của một nhà khoa học không được theo và không theo được cái nghiệp của mình. Độc thoại nhưng thực chất là một luận giải về tình hình sử dụng trí thức hiện nay. Anh phải đi! Có ai giữ anh ở lại được?
Phạm Xuân Nguyên

Không có nhận xét nào: