Tại sao ông Trần Văn Hiệp bị khởi tố?
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bị Bộ Công an bắt tạm giam điều tra về hành vi nhận hối lộ trong dự án Sài Gòn Đại Ninh.
Ngày 2-1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, về hành vi nhận hối lộ liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng).
Siêu dự án, siêu sai phạm
Siêu dự án khu đô thị Nam Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010 cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhận hối lộ liên quan đến 'siêu dự án' nào?
Tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 25.243 tỉ đồng với tổng diện tích sử dụng đất lên tới 3.595ha. Theo tiến độ đầu tư, khu đô thị Nam Đà Lạt được triển khai thực hiện từ năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2018.
Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để rừng bị phá, lấn chiếm hơn 368ha (bị phá 257ha, bị lấn chiếm 111ha). Năm 2017, Sở Tài chính Lâm Đồng có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỉ đồng, nhưng đến giữa năm 2020, doanh nghiệp này mới nộp 1,67 tỉ đồng. Dự án chậm tiến độ so với chứng nhận đầu tư nhiều năm...
Chính vì vậy, tại kết luận thanh tra 929/KL/TTCP ngày 12-6-2020, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án khu đô thị Nam Đà Lạt của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Khi UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện các thủ tục để thu hồi dự án thì đến ngày 30-6-2021, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh (đã qua đời vì đột quỵ hồi tháng 3-2023) ký kết luận thanh tra số 1033/KL-TTCP, về việc sửa đổi một số nội dung kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP. Đáng chú ý, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục giãn tiến độ, điều chỉnh và gia hạn cho dự án. Sau khi thoát án thu hồi, tháng 11-2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nói trên từ 25.243 tỉ đồng thành 30.291,6 tỉ đồng (tăng 20%).
Vụ án chưa kết thúc
Việc sửa kết luận thanh tra là nguồn cơn phát sinh tiêu cực. Để sửa kết luận thanh tra, với nội dung ngược hoàn toàn kết luận ban đầu, ngày 1-3-2021 Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác để đánh giá lại những vấn đề liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh.
Tổ công tác được thành lập gồm: ông Lê Quốc Khanh, phó cục trưởng Cục 2, Thanh tra Chính phủ (tổ trưởng); ông Hoàng Văn Xuân, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ (tổ phó); ông Nguyễn Nho Định, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
Từ việc xác minh của tổ công tác nói trên, chỉ 3 tháng sau, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận số 1033/KL-TTCP sửa đổi một số nội dung trong kết luận trước đó như đã nêu trên.
Liên quan đến vụ án nhận hối lộ tại dự án Sài Gòn Đại Ninh, tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 7-11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết sau khi vụ án liên quan dự án Sài Gòn Đại Ninh được khởi tố, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với cơ quan điều tra.
Ông Phong cho biết hiện nay vụ án vẫn đang được cơ quan chức năng xem xét, chưa kết thúc.
Trước đó Bộ Công an đã bắt ông Nguyễn Cao Trí, tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, trong một vụ án khác liên quan đến Vạn Thịnh Phát.
Nhiều cán bộ Lâm Đồng nhận hối lộ
Trước ông Trần Văn Hiệp, cùng tội danh nhận hối lộ liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh, vào tháng 3-2023, Bộ Công an đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
Liên quan đến vụ án, các thành viên tổ công tác Thanh tra Chính phủ cũng đã bị khởi tố, gồm ông Lê Quốc Khanh, phó cục trưởng Cục 2, (tổ trưởng); ông Hoàng Văn Xuân, thanh tra viên Cục 2 (tổ phó); ông Nguyễn Nho Định, thanh tra viên Cục 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét