3 điều cán bộ công chức, viên chức tuyệt đối không được làm dịp Tết
Dưới đây là 3 điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm dịp Tết.
Trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, một số điều công chức, viên chức không được phép làm trong dịp Tết bao gồm:
Biếu quà và nhận quà tặng dịp Tết
Hiện nay, theo Chỉ thị 19/CT-TW năm 2022, công chức, viên chức không được:
Tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp.
Nghiêm cấm việc biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố.
Đây là một trong những hành vi không được làm có thể coi là đầu tiên được đặt ra đối với các cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, theo căn cứ tại Điều 24 Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng như sau:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công mục đích để làm quà tặng để từ thiện, đối ngoại hay thực hiện các chế độ, chính sách.
Khi tặng quà, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng phải đúng và đủ. Các cơ quan, đơn vị đảm bảo hạch toán kế toán cũng như thực hiện công khai trong chính đơn vị, cơ quan của mình.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức hay người có quyền hạn, chức vụ liên quan được nhận quà tặng kể cả trực tiếp hay gián tiếp từ những cá nhân, đơn vị, cơ quan có liên quan đến các công việc đang giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý.
Không dự lễ chùa, lễ hội dịp Tết khi không được phân công
Theo Chỉ thị 19/CT-TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tổ chức Tết, các quy định chi tiết được xác định như sau: Cấm tổ chức các sự kiện thăm, chúc Tết cho cấp lãnh đạo cấp trên và dưới. Không được tổ chức đoàn thăm từ Trung ương để chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; Nghiêm cấm mọi hình thức biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp; Chỉ được tham gia các sự kiện lễ chùa, lễ hội khi được phân công chính thức; Hoạt động mê tín dị đoan: Cấm tham gia bất kỳ hoạt động mê tín, dị đoan nào; Cấm sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định. Do đó, cán bộ công chức chỉ được tham gia lễ chùa và lễ hội trong dịp Tết khi có phân công chính thức.
Nghiêm cấm đánh bài trái phép dưới mọi hình thức
Tham gia hoạt động chơi bài và đánh bạc trái phép là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người tham gia đánh bạc trái phép, sử dụng các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, với việc đặt cược và thắng thua bằng tiền, hiện vật, có thể đối diện với một trong những biện pháp xử lý sau đây:
Phạt tiền: Số tiền phạt có thể lên đến 20 triệu đồng, theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Phạt tù: Người tham gia đánh bạc trái phép có thể bị phạt tù với thời hạn lên đến 07 năm, theo quy định tại Điều 321 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Khai trừ Đảng: Trong trường hợp đảng viên tham gia đánh bạc trái phép và gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý về hành vi đánh bạc nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, họ có thể bị khai trừ khỏi Đảng theo quy định tại khoản 3 của Điều 49 trong Quy định 69-QĐ/TW.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét