Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Sài Gòn dậy sớm - Kỳ 3: Những người lặng thầm giao báo trước bình minh

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 16/12/2023 09:28

Sài Gòn dậy sớm - Kỳ 3: Những người lặng thầm giao báo trước bình minh

AN VI

Thời buổi chỉ quẹt ngón tay một giây là đã có thể đọc báo trên điện thoại, nhưng vẫn chưa hề vắng những người lặng thầm giao báo trước bình minh. Và thú uống cà phê, lật giở trang báo sáng đã trở thành nếp văn hóa trăm năm của nhiều thị dân Sài Gòn.

Một góc tập kết báo ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ lúc 2h sáng - Ảnh: AN VI

Một góc tập kết báo ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ lúc 2h sáng - Ảnh: AN VI

Nhộn nhịp chợ báo sáng

Cứ đúng giờ, dòng xe ra vào các tòa soạn báo lại trở nên nhộn nhịp. Xe lớn vào để chuyển báo từ nhà in về, xe nhỏ ra để bắt đầu hành trình giao tờ báo đến tay bạn đọc.

Có mặt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ lúc 2h sáng, nhiều khu vực đã xuống đèn nhưng vẫn còn riêng một góc sáng bừng dành để đón xe từ nhà in về. Ngay khi những chồng báo đầu tiên được dỡ xuống thì cũng là lúc tiếng xe gắn máy của những người giao báo lần lượt kéo đến. Không chỉ ở Sài Gòn mà còn có xe chạy từ Đồng Nai sang để lấy báo.

Báo được chất thành chồng, phân loại theo tên người lấy và khu vực. Nơi nhiều thì khoảng vài ngàn tờ, ít cũng được vài trăm. Dù báo giấy đã qua thời hoàng kim rực rỡ, nhưng chừng đó vẫn đủ tạo ra "phiên chợ báo" bền bỉ suốt bao năm.

Mỗi người mỗi việc, tất cả chạy đua với thời gian. Người của tòa soạn kiểm kê, quan sát. Người đại lý chờ đến lượt lấy phần báo của mình. Vì khi in, các tờ báo sẽ được xếp riêng lẻ, nên có những góc riêng để một số người tranh thủ lồng báo ngay tại chỗ cho kịp giờ.

Người đứng kẻ ngồi, làm việc luôn tay, cộng với tiếng nói cười rổn rảng của những người chuẩn bị đi giao báo làm một góc tòa soạn trở nên nhộn nhịp giữa trời đêm tĩnh mịch.

Không chỉ một tờ Tuổi Trẻ giống ở đây, mà nhiều khu vực như Lý Chính Thắng (quận 3) hay ngay trước tòa soạn Sài Gòn Giải Phóng (quận 5), người giao báo còn tập kết các đầu báo khác nhau để cùng chia đến đại lý.

Nhiều người kể rằng lấy báo từ tòa soạn còn có thời gian nói chuyện, chứ tới những điểm tập kết, người ra kẻ vào nhanh như gió, không ai để ý ai, chỉ tranh thủ gom báo cho kịp giờ giao.

Một điều dễ thấy ở những người giao báo sớm là lúc nào trên xe họ cũng lủng lẳng ly cà phê đá hoặc bịch sữa nóng. Họ nhâm nhi cà phê để tỉnh táo chuẩn bị đi giao.

Thăng trầm cùng tờ báo in

"Hôm nay nhà in có trục trặc, báo về hơi trễ phải đi hai đợt nhé anh em", giọng anh phụ trách phát hành của tòa soạn vang lên. Những người giao báo đã tề tựu, ngóng đợi xe nhà in mang báo đến để kịp giờ giao.

Nhấp ngụm cà phê, anh Ngô Thanh Vũ, nhân viên giao báo Tuổi Trẻ dài hạn, cười kể tính đến nay anh đã giao báo được gần 26 năm - cũng gần nửa đời người gắn bó với nhật trình thân quen buổi sáng.

Khi được hỏi vì sao lại chọn cái nghề rong ruổi giấc 2h, anh Vũ nói mình trót yêu con chữ, yêu tờ báo Tuổi Trẻ từ nhỏ nên làm không chỉ vì tiền mà còn vì tình. "Gia đình tôi cũng hay đọc báo, dân Sài Gòn nhìn tờ báo riết là quen mắt rồi. Bản thân tôi cũng thích đọc, nên có lẽ đến với nghề là một cái duyên chứ chẳng ai xui khiến", anh Vũ tâm tình.

26 năm theo nghề, anh nổi trôi với thời thế của báo chí đương đại. Nói về thời hoàng kim của báo in, anh Vũ cho biết trước đây chỉ mình anh mỗi ngày giao gần cả ngàn tờ, sống khỏe, thậm chí là sống dư với đồng lương giao báo. Chưa kể còn trợ cấp, tiền thưởng từ tòa soạn và nhiều nguồn thu nhập khác từ tờ báo.

Nhỏ hơn anh Vũ 6 năm tuổi nghề, anh Nguyễn Duy Hồng Vỹ tâm sự đã lo cho hai đứa con đi học ngon lành trong giai đoạn giao báo thời hoàng kim. Anh cho biết với thu nhập lúc trước lo cho con cái và gia đình thoải mái. Những người như anh Vỹ chứng kiến rất rõ sự phát triển rực rỡ một thời của báo in, với những tờ báo đưa đến bạn đọc ngày một nhiều hơn...

Bất kể mưa nắng, lễ lộc, cứ đến khoảng 2h sáng mỗi ngày là những người giao báo như anh Vũ và anh Vỹ lại lọ mọ dậy như theo nếp quen. Trung bình đầu ngày mới, hai anh đi đến 60 - 70km là bình thường.

Những người giao báo có kinh nghiệm thường nhìn trời để trừ hao thời gian. Nếu sắp mưa sẽ đi sớm hơn, còn trời đẹp có thể thong thả một chút. Nhưng sai sót là điều khó tránh khỏi, nhất là khi mưa gió ban đêm, đậy báo không kín là tới chỗ sẽ ướt hết.

Nói nghề giao báo là nghề "không được bệnh, không được ngủ quên" cũng đúng, bởi không thể tìm người thay được. Từng ngóc ngách, căn nhà như nằm trong lòng bàn tay những người giao báo lành nghề, nếu dân mới vào nghề chắc chắn không thể nào biết được.

Và quan trọng nhất vẫn là thời gian, nên những ngày gặp trục trặc, có báo trễ thì y như rằng sẽ có một cuộc đua được khởi động.

Anh Vỹ cẩn thận mà nhanh nhẹn nhét báo vào từng nhà người đặt - Ảnh: AN VI

Anh Vỹ cẩn thận mà nhanh nhẹn nhét báo vào từng nhà người đặt - Ảnh: AN VI

Nhét đúng và ném cho trúng

Theo chân anh Vỹ đi giao báo, tôi trải nghiệm bí quyết "nhét đúng" và "ném trúng".

Nhét ở đây là phải nhét tờ báo vô đúng nhà. Nhiều nơi có dãy nhà giống hệt nhau, thậm chí số nhà bị khuất, người giao phải quen mới nhận biết được. Mỗi lần anh Vỹ thắng xe lại là đúng y chỗ khe cửa để nhét báo vào, động tác dứt khoát, chuẩn xác để tránh làm ồn nhà xung quanh và tiết kiệm thời gian cho chính mình.

Ngạc nhiên nhất là "chiêu" ném báo của anh Vỹ. Có những nhà đặt báo ở tầng 2 hoặc cổng quá cao không có chỗ nhét thì người đàn ông này sẽ ném qua. Anh Vỹ ném thuần thục đến mức chỉ cần chạy xe ngang và giơ một tay ra trổ tài trong nháy mắt.

Phút thảnh thơi hiếm hoi, anh tâm sự nhà nào mà mình đi nhét báo thấy còn tờ hôm qua chưa lấy là hiểu không có nhà. Nhưng cũng có trường hợp tờ báo sẽ... mãi mãi không ai nhận. "Nhiều khi làm nghề này gặp cảnh xót xa lắm.

Có nhà tôi giao thấy hai hôm không lấy báo tưởng là đi đâu hết rồi, nhưng hôm sau quay lại thì thấy đã dựng rạp tang. Vậy là hiểu tờ báo đã mất đi một bạn đọc trung thành", anh Vỹ xúc động kể.

Cách nhận biết những người làm công việc giao báo rất đơn giản. Chỉ cần kêu họ xòe hai bàn tay sau buổi sáng làm việc sẽ thấy một màu đen của mực in. Đó cũng là lý do chẳng bao giờ thấy các anh đưa tay lên mặt gãi hay mặc áo trắng đi giao.

Anh Vỹ, anh Vũ cũng như nhiều người giao báo khác cảm thấy nhẹ người khi đi tới được điểm giao cuối cùng. Tầm 6h kém là ai về nhà nấy, người đưa con đi học, người ăn vội gì đó để tiếp tục hành trình mưu sinh của ngày mới.

Hình ảnh thương quý

"Vợ chồng tôi vẫn đọc báo mỗi ngày và rất thương quý những người lặng thầm giao báo đến cho mình. Cứ tầm 5h sáng, nghe tiếng phạch ở sân trước là biết chú giao báo đã ghé nhà. Bất kể nửa đêm về sáng đẹp trời hay mưa gió, tờ Tuổi Trẻ thân quen cũng được giao đầy đủ đến tay mình.

Hy hữu năm có một hai buổi sáng, tôi mở cửa ra không thấy tờ báo mà thắc thỏm trong lòng, cứ lo nghĩ chú giao báo bị bệnh hay đi đường gặp chuyện gì đó mới đành không thể giao báo được cho mình", chị Diễm Huệ (ở đường 32B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM) tâm sự.

Là người đã đọc Tuổi Trẻ hơn 30 năm, chị kể mình có vô số kỷ niệm thân thương với tờ báo và người giao báo. "Hồi dịch COVID-19 căng thẳng, nhà nhà phải cửa kín then cài, nhưng ngày ngày chúng tôi vẫn thấy chú giao báo mang đến tờ Tuổi Trẻ được bọc kỹ trong bao ni lông mà thật xúc động. Đó chính là hình ảnh của sức sống và niềm tin sẽ vượt qua đại dịch bi thảm...", chị Huệ trải lòng.

***********

Bình minh ngày mới của cô là lúc... 23h đêm trước để có những bó rau tươi ngon cho buổi chợ sớm mai.

>> Kỳ tới: Bình minh ngày mới của cô hàng rau lúc...23 giờ khuya

Sài Gòn dậy sớm - Kỳ 2: 3 giờ sáng và xe ve chai ông DũngSài Gòn dậy sớm - Kỳ 2: 3 giờ sáng và xe ve chai ông Dũng 'còi'

3 giờ sáng, sau giấc ngủ ngắn gần một cây xăng trên đường Trần Quang Diệu (quận 3, TP.HCM), ông Quốc Dũng (54 tuổi) lụi cụi đẩy chiếc xe ba bánh đi gom ve chai.

Không có nhận xét nào: