Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Chuyên gia giải đáp về luyện tập, chấn thương thể thao và bệnh lý xương khớp

 

Chuyên gia giải đáp về luyện tập, chấn thương thể thao và bệnh lý xương khớp

BS. Nguyễn Tiến Lộc

BS. Nguyễn Tiến Lộc

Viện Chấn thương Chỉnh hình, BV Quân y 175

dvnien copy từ https://suckhoedoisong.vn/... , trang web này đăng ngày 23-05-2022 17:46 | Phòng mạch online

SKĐS - BS. Nguyễn Tiến Lộc - Bác sĩ điều trị tại Khoa Y học thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 sẽ giải đáp cho bạn đọc những thắc mắc xung quanh vấn đề chấn thương thể thao và bệnh lý xương khớp.

Thể thao luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của con người. Tuy nhiên, trong quá trình chơi hoặc tập luyện thể dục thể thao, nhiều người không may bị chấn thương.

Hầu hết các bộ phận trên cơ thể đều có thể bị chấn thương khi vận động, nhưng khi nhắc đến chấn thương trong thể dục thể thao chúng ta thường đề cập đến những vấn đề gặp phải của hệ thống cơ xương khớp, mô cùng với hệ thống dây chằng liên quan...

Báo Sức khỏe & Đời sống giới thiệu BS. Nguyễn Tiến Lộc - Bác sĩ điều trị tại Khoa Y học thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 sẽ giải đáp các câu hỏi của quý độc giả.

Chuyên gia giải đáp về luyện tập, chấn thương thể thao và bệnh lý xương khớp - Ảnh 1.

BS. Nguyễn Tiến Lộc - Bác sĩ điều trị tại Khoa Y học thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175.

9 loại thực phẩm giúp giảm đau đầu gối khi chạy bộ9 loại thực phẩm giúp giảm đau đầu gối khi chạy bộ

SKDS - Chạy bộ là một hình thức vận động được nhiều người lựa chọn để tăng cường sức khỏe; phù hợp với mọi lứa tuổi, dễ thực hiện… Tuy nhiên đau đầu gối là một tình trạng phổ biến xảy ra khi chạy bộ. Vậy cần ăn gì có thể giúp phòng tránh và giảm đau?

Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến

Tự động cập nhật trong 3 giây...

Vũ Trung Trungvugb2@gmail.com • 13:38 23/5/2022
Tôi năm nay 50 tuổi bị thoát vị đĩa đệm L4, L5, S1 và phồng đĩa đệm. Hiện tôi đã uống 10 liệu trình thuốc đông y của nhà thuốc đông y gần nhà và đã đỡ đau được 1 năm. Tuy nhiên, hiện tôi lại bị đau lại ở vùng từ thắt lưng xuống mặt sau chân phải. Vậy mong bác sĩ tư vấn giúp cách điều trị.

BS. Nguyễn Tiến Lộc

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý khi nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài tại vị trí bao xơ bị rách. Nhân nhầy này sau khi thoát ra chèn ép lên dây thần kinh và lỗ tủy sống gây ra các triệu chứng đau nhức và hạn chế vận động trên người bệnh.

Thống kê cho thấy, khoảng 30% dân số Việt Nam đang gặp phải tình trạng đau lưng, đặc biệt là đau lưng do tổn thương đĩa đệm sau tai nạn lao động, tai nạn giao thông, hoặc đơn thuần là thoái hóa tự nhiên… Đáng lưu ý, thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, phổ biến nhất là từ 30-60 tuổi.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh bao gồm trọng lượng cơ thể (khi cân nặng cơ thể càng lớn, gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống sẽ càng cao, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng) và tác động bởi nghề nghiệp (người lao động chân tay, thường xuyên khuân vác nặng, sai tư thế sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh).

Tùy vào vị trí thoát vị ở cột sống cổ hoặc thắt lưng mà người bệnh có các biểu hiện khác nhau, trong đó đau lưng và tê bì tay chân là hai triệu chứng điển hình nhất. Khi các rễ thần kinh nối liền với các cơ quan khác bị tổn thương do đĩa đệm chèn ép, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, lâu ngày gây khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.

Trường hợp khối đĩa đệm bị trượt và chèn lên dây thần kinh cánh tay, người bệnh không thể nhấc nổi cánh tay, khó gập duỗi, có thể tê bì hoặc mất cảm giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày. Khi đĩa đệm chèn ép tủy cổ có thể gây tê liệt và tàn phế. Hoặc khi các dây thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép sẽ dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần, mất khả năng đi lại.

Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật thay đĩa đệm khi các triệu chứng nặng nề quá mức làm ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống người bệnh hoặc khi các biện pháp điều trị nội khoa không làm cải thiện tình trạng bệnh lý. Vì vậy, người bệnh cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và tư vấn, điều trị thích hợp.

0978261xxx tieuhoagh3@gmail.com • 17:44 21/5/2022
Tôi đau nhiều ở phần lưng trên, đi khám các bác sĩ tại trạm y tế nghi ngờ đau thần kinh liên sườn liên bả vai. Vậy xin hỏi bác sĩ tư vấn cho tôi về căn bệnh này và nếu trường hợp như vậy điều trị có khỏi không? Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

BS. Nguyễn Tiến Lộc

Mến chào Quý độc giả!

Đau thần kinh liên sườn xuất hiện do một tổn thương nào đó (chèn ép, viêm nhiễm) gây ra cho thần kinh liên sườn. Vì là tổn thương thần kinh nên bệnh có xu hướng đau lan theo đường dẫn của thần kinh.

Nguyên nhân gây bệnh tương đối đa dạng: do thói quen (ngồi sai tư thế, quá tầm,…), do thoái hóa cột sống, do chấn thương, do vi khuẩn,…

Người ta ghi nhận thấy nguyên nhân phổ biến của đau dây thần kinh liên sườn là sự tái hoạt của nhiễm herpes hoặc bệnh zona (giời leo). Sự tái hoạt động của virus này không phải là một bệnh nhiễm trùng đang hoạt động nhưng gây phát ban và gây đau. Vùng ảnh hưởng thường xung quanh ngực và bụng. Bệnh giời leo có thể gây đau dây thần kinh liên sườn do dẫn đến tình trạng viêm các rễ thần kinh cột sống.

Đau dây thần kinh liên sườn  có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng này có thể cực kỳ khó chịu. Đau mạn tính do đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể dẫn đến giảm vận động và chất lượng giấc ngủ kém khiến người bệnh khó thở.

Ngoài ra, đau dây thần kinh liên sườn có một số triệu chứng chung với các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng khác bao gồm: Gãy xương sườn; Xẹp đốt sống; Tổn thương tim hoặc phổi; Viêm màng phổi; Khối u, ung thư ác tính... Vì lý do này, điều quan trọng đối với bất kỳ ai bị đau dây thần kinh liên sườn kéo dài hoặc cấp tính là phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo Quý độc giả nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để có thể phát hiện chính xác nguyên nhân. Bệnh sẽ hết hoàn toàn nếu được điều trị đúng và triệt căn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nguyên nhân do thói quen sinh hoạt, việc thay đổi tư thế sinh hoạt là hết sức cần thiết để tránh tái phát.

Hoàng Minh Dương duongminh03@gmail.com • 15:7 17/5/2022
Bố em bị viêm cột sống, dính khớp không cúi được, vậy bác sĩ cho em hỏi bố em cần tập luyện thế nào. Bố em có thế uống thuốc hoặc có cách chữa trị như thế nào là tốt nhất ạ. Xin cảm ơn bác sĩ ?

BS. Nguyễn Tiến Lộc

Bệnh viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cột sống tiến triển. Đây là bệnh lý thường gặp nhất trong nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính bao gồm: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, tổn thương khớp ở các bệnh lý viêm ruột (bệnh Crohn, viêm đại tràng mạn).

Những triệu chứng ban đầu của viêm cột sống dính khớp thường là: đau mỏi cột sống và vận động cột sống không được linh hoạt. Do đó người bệnh sẽ thấy khó ngồi xổm, cảm giác đau khi muốn thay đổi tư thế ngồi. Những triệu chứng này thường bắt đầu ở độ tuổi cuối giai đoạn vị thành niên hoặc đầu giai đoạn trưởng thành. 

Bệnh sẽ tiến triển âm thầm theo thời gian cùng với đó bạn sẽ thấy cảm giác đau tăng dần lên, rồi các khe khớp cột sống dần dần bị thu hẹp lại, do đó sự vận động cột sống trở nên khó khăn hơn. 

Cảm giác đau ở mỗi người bệnh rất khác nhau, một số người các cơn đau đến rồi đi trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng có bệnh nhân các cơn đau mỏi kéo dài liên tục.

Bởi vậy, trường hợp như quý độc giả đã hỏi, tập luyện thể dục là phương pháp không dùng thuốc thuận tiện nhất để điều này có nghĩa là người bệnh có thể tập luyện tại nhà.

Chúng tôi liệt kê một số bài tập dưới đây:

- Đi bộ (5 – 10 phút, tăng dần đến tối đa 30 phút)

- Bơi lội (2 lần/tuần)

- Yoga

- Duỗi cổ, vai, lưng (nên tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần vài phút với tư thế ngồi thoải mái)

- Đạp xe (2 – 3 lần/tuần)

- Hít thở sâu (hít thở sâu 3 – 4 lần ở không gian thoáng mát)

Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thời gian và sức khỏe bố của bạn có thể lựa chọn một hoặc vài bài tập kể trên để luyện tập hằng ngày. 

Lưu ý: Việc khởi động trước khi tập là hết sức quan trọng và cần thiết. Nếu cần thiết có thể đến thăm khám để các bác sĩ tư vấn cho phù hợp.

Trần Hùng tranhung12@gmail.com • 14:59 17/5/2022
Em xem SEA Games 31 rất thích thể thao nhất là đá bóng. Nhưng ba má em lo ngại em không đủ thể lực và dễ bị chấn thương nên không cho tham gia câu lạc bộ. Vây xin bác sĩ cho biết làm thế nào để hạn chế tối đa chấn thương khi luyện tập thể thao?

BS. Nguyễn Tiến Lộc

Nhiều câu lạc bộ (CLB) đã bắt đầu tuyển "hạt giống" ở độ tuổi này (dưới 13 – 14 tuổi). Trước khi tuyển, các CLB sẽ có các bài kiểm tra thể chất nhằm chọn ra các cá nhân đáp ứng được các tiêu chí đào tạo của đội. 

Khi đã là một thành viên của đội bóng, CLB sẽ có các chương trình tập luyện, chế độ dinh dưỡng và phục hồi sau luyện tập phù hợp với từng lứa tuổi của VĐV. Trong các bài tập nhằm phòng tránh chấn thương, có các bài nhằm tăng khả năng giữ thăng bằng cơ thể, kéo giãn cơ và tập để tăng sức mạnh cơ bắp. 

Hiện tại, nếu chỉ chơi các môn thể thao không chuyên nghiệp, em có thể tập các bài tăng sức mạnh cơ ở vùng thân như plank, hoặc đứng trên gối, trên bóng Bosu.

Linh Nguyễn nguyenlinh@gmail.com • 14:58 17/5/2022
Em 12 tuổi, thích đá bóng và các môn thể thao. Nếu em luyện tập nhiều như vận động viên thì có quá sớm so với tuổi không ạ. Nếu như tự luyện tập có hại cho khớp không ạ?

BS. Nguyễn Tiến Lộc

Mến chào Quý độc giả!

Trả lời câu hỏi của em, nếu em thật sự đam mê bóng đá và muốn phát triển sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp, em nên đăng ký vào các CLB. Nguyên nhân là vì ngoài việc tập luyện, để được như các vận động viên (VĐV), họ còn có chương trình phục hồi thể chất sau tập luyện như ngâm mình vào bồn nước lạnh, dinh dưỡng… 

Bên cạnh đó, một VĐV luôn được huấn luyện các kĩ năng để phòng tránh chấn thương, nhằm bảo vệ sức khỏe và sự nghiệp của họ. Khi em tự luyện tập theo cách của các VĐV, các yếu tố liệt kê trên gần như thiếu sót hoàn toàn. 

Điều này sẽ khiến kết quả luyện tập của em không được như mong đợi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về khớp trong thời gian dài.

Trân trọng!

Lên trên
BS. Nguyễn Tiến Lộc

Không có nhận xét nào: