PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Cảnh báo về "suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống"
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN để điều tra sai phạm liên quan vụ kit test Việt Á đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Diễn biến tố tụng trên cho thấy quan điểm “không có vùng cấm” trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ. Thế nhưng vẫn còn có người đổ lỗi do “cơ chế”. Có người còn xuyên tạc cho rằng do “lợi ích nhóm”, “đấu đá nội bộ”…
Điều đáng chú ý là trong kết luận sai phạm của những cá nhân nêu trên, cụm từ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu. Điều này khẳng định, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc rễ dẫn đến những sai phạm, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước của những cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong tổ chức đảng và hệ thống chính trị của đất nước.
Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đều được đào tạo một cách bài bản, đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng vậy mà vẫn “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Như vậy “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” có thể đến với bất kỳ cán bộ nào nếu không tự giác chấp hành điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về công tác tổ chức cán bộ. “Virus suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” có thể tấn công không trừ một ai, có thể làm biến dạng, biến chất cả những người có học hàm, học vị cao, những người giữ cương vị chủ chốt, trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Sự nguy hại của “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” đã được Đảng ta cảnh báo, nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có không ít cán bộ đảng viên phớt lờ cảnh báo này, vẫn “hoa mắt” trước lợi ích vật chất, bị đồng tiền chi phối, làm giàu bất chính. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục cảnh báo: “Việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa... việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi…”.
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã để lại hậu quả vô cùng tai hại đối với từng gia đình, dòng tộc và đối với toàn Đảng, toàn dân tộc ta. Vì thế, mỗi cán bộ đảng viên hãy coi những vụ án tham nhũng được xét xử, được thụ lý trong thời gian qua là những lời cảnh tỉnh về “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Việc xử lý nghiêm minh những người đã từng giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước mà “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” vừa qua cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng ta như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Công tác phòng chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, bài bản, hiệu quả hơn.
Trước thực trạng một số cán bộ chủ chốt của một số bộ, ngành, địa phương bị xử lý kỷ luật, bắt tạm giam, đã có người bày tỏ thái độ bi quan sợ sai, sợ trách nhiệm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” từ đó nảy sinh tư tưởng “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý”... Đó cũng là một dạng của “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” cần phải được chấn chỉnh.
Lại có những người e ngại, nếu đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ “làm chậm sự phát triển”, “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm” của cán bộ. Đó cũng là một dạng của “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” cần lên án.
Thực tế thời gian qua cho thấy việc xử lý những cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất là một trong những giải pháp quan trọng để làm trong sạch nội bộ Đảng, làm cho Đảng mạnh hơn, ngày càng xứng đáng với niềm tin và mong đợi của nhân dân. Xử lý hình sự một số người nguyên là cán bộ cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước không phải là cuộc “thanh trừng nội bộ”, “đấu đá lẫn nhau” mà đó là công việc thường xuyên để giữ gìn kỷ cương phép nước, là việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Kỷ luật một vài người để cứu nhiều người là việc nên làm cũng như ta chặt một cành bị sâu để cứu cả cây xanh, chặt một cây bị sâu bệnh để cứu cả một rừng cây. Mỗi lần xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên là một lần cảnh báo về “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” cho những cán bộ đảng viên khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét