Xem xét kỷ luật Chủ tịch Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế: Kịp thời, nghiêm minh
HOÀNG LÂM - dvnien copy từ https://laodong.vn/..., trang web này đăng ngày 31/03/2022 20:19
Nhiều lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được nhắc tên trong kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chiều 31.3 như mội lời khẳng định về tính nghiêm minh, kịp thời trong việc xử lý cán bộ vi phạm.
Cần nhắc lại, tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 10.3 đánh giá những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận:
“Các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, điều tra để xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm về đấu giá đất, chứng khoán…”.
Thực hiện kết luận này, ngay trong tháng 3, các vụ việc đã được khẩn trương, làm rõ và đưa ra kết luận thể hiện sự khẩn trương, kịp thời và nghiêm minh.
Quan điểm xử lý cán bộ vị phạm kỷ luật của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhắc lại tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao diễn ra ngày 31.3: “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”; và “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.
Và kết luận của Uỷ ban Kiểm tra thể hiện rõ điều này khi xem xét hàng loạt vụ việc gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Trong đó, nêu trách nhiệm của trách nhiệm Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ và cụ thể là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong vụ Việt Á.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
“Những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời” - đó là lời của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Và điều này được chứng minh một cách rất kịp thời bằng kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ngay trong ngày 31.3.
Xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo UB Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, TP.HCM
dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 31/03/2022 18:43
TTO - Những vi phạm của cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có những kết luận về việc vi phạm của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Các ông: Vũ Bằng - nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng - bí thư Đảng ủy, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long - bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chủ tịch hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà - bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nguyên thành viên phụ trách hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn - bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam - cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
TTO - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra thông cáo chính thức về việc ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - bị khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam đối với hành vi 'thao túng thị trường chứng khoán'.
Uống cà phê giảm cân, một phụ nữ phải nhập viện cấp cứu
MAI THANH - dvnien copy từ https://laodong.vn/suc-khoe/..., trang web này đăng ngày 31/03/2022 17:28
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa điều trị cho một bệnh nhân nữ vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nữ, 37 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3 chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Một cô bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4 kg. Chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói. Cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa. Khi uống đến ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện huyện sau đó chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở rồi hôn mê và co giật. Kết quả chụp cắt lớp còn cho thấy não bị tổn thương. Rất may mắn, sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp kịp thời nên tình trạng đã dần cải thiện. Qua 10 ngày điều trị, đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục. Tuy nhiên, di chứng có để lại hay không khi não bị tổn thương thì cần thêm thời gian kiểm tra mới có thể xác định được.
Điều đáng chú ý, kết quả giám định của Viện Pháp y cho thấy trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng. Theo BS Nguyên, chất sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim cho nên cả Mỹ và Châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010.
Các bác sĩ khuyến cáo: Giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như "thần dược", tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Biện pháp giảm cân an toàn và hiệu quả là chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập hợp lý.
Vụ thu tiền ‘bảo kê” ở Đồng Nai: Loan ‘cá’ bị rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định
dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 31/03/2022 15:29
TTO - Theo kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, thời điểm gây án, bị cáo Loan “cá” bị bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định loại ranh giới.
Ngày 31-3-22, TAND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lý Thị Loan (Loan "cá", 41 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ TP Biên Hòa) cùng đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Ngoài Loan "cá", 2 bị cáo khác cũng bị xét xử về hành vi cưỡng đoạt tài sản là Hoàng Thị Tuyết Nhung (Nhung "khàn", 37 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) và Trần Công Đại (24 tuổi, quê Cần Thơ, ngụ TP Biên Hòa).
Riêng Vũ Minh Tiến (36 tuổi, chồng Nhung) tử vong trong quá trình tạm giam nên HĐXX đình chỉ xét xử đối với bị cáo này.
Đây là lần thứ 2 vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Cuối tháng 11-2021, TAND huyện Vĩnh Cửu đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Loan "cá" cùng đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên sau đó, HĐXX đã trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đồng Nai yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề như: thu thập lưu hồ sơ vụ án và xử lý, giải quyết bản kiến nghị về việc trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Loan của luật sư bào chữa.
Căn cứ vào kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã ban hành cáo trạng mới. Trong đó, bổ sung nội dung giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa (ngày 2-3-2020).
Luật sư Phương Văn Thêm - người bào chữa cho bị cáo Loan "cá" - trình bày tại phiên tòa
Theo kết luận, trước, trong và sau khi gây án, Loan "cá" bị bệnh "rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định loại ranh giới". Hiện nay, bị cáo bị bệnh "rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu trầm", "rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định loại ranh giới".
Về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm gây án. Song hiện nay, bị cáo đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Tại phiên toàn sáng 31-3, luật sư Phương Văn Thêm - người bào chữa cho bị cáo Loan - cho rằng thân chủ có thêm quốc tịch Campuchia nên thẩm quyền xét xử thuộc TAND cấp tỉnh hoặc TP trực thuộc trung ương.
Bên cạnh đó, lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (bị hại) bất nhất, do đó tổng số tiền bị chiếm đoạt không đúng với cáo trạng. "Không làm rõ được điều này thì lấy cơ sở nào để yêu cầu các bị cáo bồi thường" - luật sư Thêm nói.
Với những kiến nghị của luật sư bào chữa, HĐXX đã 2 lần hội ý. Đến chiều cùng ngày, HĐXX cho rằng các bị hại có đơn xét xử vắng mặt, trong khi bị cáo Loan có quốc tịch Việt Nam nên tiếp tục xét xử.
Theo cáo trạng, sau khi ly thân chồng đầu năm 2019, Loan về sinh sống, mở bãi giữ xe đối diện cổng sau Công ty TNHH Changshin VN (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).
Tháng 3-2019, Loan quen biết vợ chồng Phạm Văn Nam (37 tuổi, thường gọi Nam "bộ đội) và Hồ Thị Sa (Châu Xa). Loan đưa 10 triệu đồng cho Châu Xa để được thu tiền của các tiểu thương tại chợ tự phát cổng sau Công ty Changshin.
Sau đó, Loan lần lượt giao cho Đại, Nhung, Tiến sắp xếp chỗ ngồi cho các tiểu thương và thu tiền của họ với danh nghĩa thu tiền rác, nhưng bản chất là ép buộc tiểu thương nộp tiền bảo kê. Nếu tiểu thương không đồng ý, đàn em của Loan "cá" sẽ chửi bới, đe dọa không cho buôn bán, thậm chí đập phá hàng hóa.
Tùy theo mặt hàng và vị trí buôn bán, nhóm của Loan buộc các tiểu thương nộp từ 5.000 - 30.000 đồng/ngày hoặc từ 300.000 - 1,5 triệu đồng/tháng. Phần lớn số tiền cưỡng đoạt được đều đưa lại cho Loan.
Đến tháng 5-2020, Loan cùng đồng bọn bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu bắt. Tổng số tiền Loan và đồng bọn cưỡng đoạt của 40 tiểu thương hơn 128,8 triệu đồng.
TTO - Liên quan vụ Loan "cá" cùng đàn em hầu tòa vì cưỡng đoạt tiền của 40 tiểu thương, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đồng Nai điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan.
GĐ Văn phòng Đăng ký đất đai Hòa Bình bị cách hết các chức vụ trong Đảng
MINH CHUYÊN - dvnien copy từ https://laodong.vn/chinh-tri/..., trang web này đăng ngày 31/03/2022 15:16
Hòa Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình vừa bị cách hết các chức vụ trong Đảng vì đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức
Tại kỳ họp tháng 3.2021, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình vừa xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi bộ Văn phòng Đăng ký đất đai và ông Nguyễn Quang Trung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình.
Sau khi xem xét UBKT Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình nhận thấy Chi bộ Văn phòng Đăng ký đất đai có cán bộ, đảng viên là người đứng đầu vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức gây dư luận xấu trong xã hội, vi phạm tư cách đảng viên và cấp ủy viên, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, cơ quan Nhà nước.
Khuyết điểm vi phạm của Chi bộ Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, yêu cầu Chi bộ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Đối với ông Nguyễn Quang Trung đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức gây dư luận xấu trong xã hội, vi phạm tư cách đảng viên và cấp ủy viên, vi phạm những quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, cơ quan nhà nước.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ các quy định của Đảng, UBKT Đảng uỷ Khối đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình thi hành kỷ luật Cách hết các chức vụ trong Đảngtheo thẩm quyền.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình đã quyết định kỷ luật ông Nguyễn Quang Trung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi Trường, Bí thư Chi bộ Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường bằng hình thức Cách hết các chức vụ trong Đảng.
Tổ chức cho người Trung Quốc lưu trú trái phép, 3 người bị phạt hơn 22 năm tù
SGGPO
Ngày 31-3-22, Tòa án nhân dân (TAND) TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo Lê Thị Diệu My (30 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Trần Thị Thanh Trà (29 tuổi, trú Long Xuyên, tỉnh An Giang) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (25 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Các bị cáo tại phiên tòa
Theo đó, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Lê Thị Diệu My mức án 9 năm tù, Trần Thị Thanh Trà 8 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Hằng 5 năm 6 tháng tù. Phạt bổ sung hai bị cáo My và Trà cùng số tiền 30 triệu đồng.
Theo cáo trạng, cơ sở massage và lưu trú Ly's spa & Apartment (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) do My thuê lại của bà L.T.T.U. (57 tuổi) vào tháng 2-2019 để làm cơ sở lưu trú và massage.
Ngoài ra, My còn thuê của bà N.T.C. (55 tuổi) khách sạn Haya (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) từ ngày 1-5-2020 đến ngày 1-1-2021 với số tiền 60.000.000 đồng/tháng.
Khoảng tháng 10-2019, Trà quen biết với My qua mạng xã hội facebook, My mở quán karaoke Diamond (130 Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nên My rủ Trà về phụ giúp My trong việc kinh doanh và chia cho Trà 10% lợi nhuận karaoke.
Đến tháng 1-2020, Trà chuyển về ở cùng My và làm quản lý tại cơ sở lưu trú Ly's spa. Nguồn thu nhập của Trà từ kinh doanh và môi giới cho khách Trung Quốc đến các quán karaoke trên địa bàn để hưởng từ 10%-20% tiền hoa hồng. Tháng 6-2020, My thuê Hằng làm quản lý cho cơ sở lưu trú Ly's spa với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian từ ngày 23-7-2020 đến ngày 30-7-2020, My cùng Trà đã nhiều lần tổ chức cho 13 đối tượng Trung Quốc không có thị thực nhập cảnh trái phép vào ở tại cơ sở lưu trú và massage Ly's spa & Apartment. Bên cạnh đó, Hằng có hành vi 2 lần giúp sức cho My, Trà trong việc tổ chức cho 10 đối tượng Trung Quốc không có thị thực nhập cảnh lại Việt Nam trái phép.
Tổng số tiền My thu lợi bất chính là 22.400.000 đồng, Trà thu lợi bất chính số tiền 2 triệu đồng.
Đằng sau Hiệp ước hợp tác an ninh Trung Quốc - Quần đảo Solomon
dvnien copy từ https://antg.cand.com.vn/..., trang web này đăng ngày 30/03/2022 09:00
Trung Quốc đang dự thảo một Hiệp ước hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon. Từ nhiều năm nay, nước này đã rất quan tâm đến các đảo quốc nhỏ trong vùng Nam Thái Bình Dương nhằm mở rộng ảnh hưởng tại đây, cạnh tranh quyết liệt với Mỹ, Australia và New Zealand. Ngay lập tức, truyền thông Australia đưa thông tin ám chỉ về một “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại quần đảo Solomon để ngăn chặn việc này (như hiệu ứng Ukraine?).
Theo the Guardian, dự thảo Hiệp ước hợp tác an ninh Trung Quốc - Quần đảo Solomon hiểu một cách ngắn gọn đó là một bản thỏa thuận mang tính chất một chiều, có nghĩa là trong bản thỏa thuận đó, Trung Quốc đưa ra một loạt yêu cầu về những vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Chính phủ Quần đảo Solomon nhìn vào đó để trả lời là “đồng ý” hay “không đồng ý”. Mặc dù dự thảo Hiệp ước an ninh phải được Quốc hội Solomon thông qua trước khi được ký kết nhưng giới chuyên gia an ninh trong khu vực cho rằng đó chỉ là thủ tục và chắc chắn sẽ không có sự phản đối nào đối với các yêu cầu do Trung Quốc đưa ra.
Hai nước lớn trong khu vực là Australia và New Zealand đã bày tỏ quan ngại trước việc Quần đảo Solomon chuẩn bị thông qua dự thảo hiệp ước. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng, việc Trung Quốc ký Hiệp ước hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon và chuyển vũ khí cho lực lượng cảnh sát nước này điều rất đáng quan ngại.
Phát biểu trên truyền thông, bà Ạdern đặt vấn đề “liệu New Zealand có chấp nhận được hay không nếu Trung Quốc đồn trú quân sự ở Quần đảo Solomon?”. Bà Ardern cũng cho biết, New Zealand đã tiếp xúc trực tiếp với Quần đảo Solomon ở cấp lãnh đạo để bày tỏ sự quan ngại về hướng đi của Quần đảo này trong hiệp ước hợp tác an ninh trên.
Thủ tướng Australia Scott Morrison nói trên truyền thông hôm 25-3 rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon làm nổi rõ lên áp lực cạnh tranh giữa các lợi ích trong khu vực và sự cạnh tranh này không phù hợp với lợi ích quốc gia Australia.
Trước phản ứng quan ngại của khu vực, Chính phủ Quần đảo Solomon đã lên tiếng “trấn an” dư luận. Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã khẳng định nước ông mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia chứ không riêng gì Trung Quốc và xem Trung Quốc cũng như Australia là hai đối tác lớn hàng đầu. Việc hợp tác, phát triển cũng như hợp tác an ninh nên mang lại lợi ích cho cả hai bên chứ không nên tạo ra sự lo ngài về an ninh cho một bên thứ ba.
Giới nghiên cứu Australia cho rằng, việc Trung Quốc ký kết Hiệp ước hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon sẽ đặt ra một số việc. Về lâu dài, hiệp ước sẽ cho phép Trung Quốc đưa khí tài quân sự đến Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là một căn cứ hải quân sẽ được xây dựng tại Quần đảo Solomon, nằm cách Australia khoảng 2.000 km. Giới chính khách Công đảng ở Australia nhìn nhận sự việc dưới một góc nhìn khác, cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc cho thấy cạnh tranh ảnh hưởng đang bắt đầu diễn ra gay gắt và Australia đang mất dần ảnh hưởng trong khu vực. Australia là nước ký kết hiệp ước hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon sớm nhất. Một bản hiệp ước tương tự đã được ký giữa hai nước vào năm 2017.
Nhưng, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến vùng này trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Từ năm 2019, dưới sức ép mời gọi từ Trung Quốc, Quần đảo Solomon theo chân láng giềng là đảo quốc Kiribati chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Trung Quốc sẽ bắt đầu hiện diện và ngày càng gia tăng sự hiện diện này tại Nam Thái Bình Dương. Từ Quần đảo Solomon, trước đó là đảo quốc Kiribati, sẽ là bàn đạp để Trung Quốc từng bước mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng, các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đảo quốc nhỏ trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Việc này làm dấy lên làn sóng phản đối trong dân chúng, với nhiều cuộc biểu tình, bạo lực diễn ra trên đường phố. Tháng 11-2021, Australia đã cử 100 cảnh sát đến Quần đảo Solomon để hỗ trợ nước này vãn hồi trật tự nhưng đã vấp phải sự cạnh tranh của lực lượng cảnh sát Trung Quốc, vì Bắc Kinh cũng cử lực lượng đến hỗ trợ Quần đảo Solomon.
Ông Anthony Albanese, Chủ tịch Công đảng Australia bày tỏ quan ngại sâu sắc, cho rằng Australia đang tự đánh mất vị thế, tầm ảnh hưởng của mình ở Nam Thái Bình Dương do đã không hành động kịp thời về vấn đề biến đổi khí hậu - một mối bận tâm sống còn của các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Mặt khác, Australia không những không tăng viện trợ nước ngoài mà còn cắt giảm đến 12,6% trong năm tài khóa 2021-2022.
Trong khi đó, Trung Quốc với mong muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực đã không ngần ngại mở hầu bao chi tiền viện trợ bằng nhiều hình thức hoặc đầu tư xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng phục vụ chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Mới đây nhất, Trung Quốc có động thái hỗ trợ khí tài, huấn luyện kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát Quần đảo Solomon gây tranh cãi.Từ năm 2000, Quần đảo Solomon đã cấm vũ khí sát thương sau một cuộc bạo loạn sắc tộc gây thương vong lớn. Giờ đây, với lô vũ khí do Trung Quốc viện trợ cho lực lượng cảnh sát, có vẻ như Quần đảo Solomon sẽ phá bỏ lệnh cấm của chính mình đề chiều lòng “người bạn” mới?
Cuộc cạnh tranh của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương không chỉ khiến cho các quốc gia trong khu vực lo ngại, mà cả nước Mỹ cũng đang cảm thấy lợi ích, ảnh hưởng của mình trong khu vực ngày càng bị Trung Quốc xâm lấn.Giờ đây, sau khi nhìn nhận sự cạnh tranh ráo riết từ phía Trung Quốc, Washington tuyên bố sẽ mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon để bảo vệ các lợi ích tại đảo quốc này cũng như trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
dvnien copy từ https://suckhoedoisong.vn/..., trang web này đăng ngày 30-01-2022 18:26 |COVID-19
SKĐS - GS.TSKH Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng - người đã có 5 tháng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh Bình Dương trả lời phỏng vấn PV Báo Sức khỏe & Đời sống về điều trị cho bệnh nhân hậu COVID.
- Thưa GS, vì sao cần phải quan tâm đến người bệnh COVID-19 ngay cả khi họ đã khỏi bệnh?
Theo các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng kéo dài hoặc hậu COVID-19 ở các nước Anh, Mỹ và Châu Âu, người nhiễm COVID-19 nếu có các triệu chứng kéo dài trong vòng 4 – 12 tuần thì được gọi là "bệnh nhân COVID kéo dài" và sau 12 tuần thì được gọi là "bệnh nhân hậu COVID". Do vậy người bị nhiễm COVID-19 mà các triệu chứng vẫn còn xuất hiện sau 4 tuần cần phải được thăm khám ở các cơ sở y tế chuyên ngành để được theo dõi và hướng dẫn điều trị thích hợp.
Việt Nam chúng ta đã trải qua 4 làn sóng dịch và tính đến thời điểm này chúng ta có hơn 2 triệu ca mắc và hơn 2 triệu người đã khỏi bệnh. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến điều trị bệnh nhân đã khỏi COVID để họ có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Tôi ủng hộ việc thành lập Khoa điều trị bệnh nhân COVID để điều trị bệnh nhân như các bệnh thông thường khác, bởi chúng ta đã, đang sống chung an toàn với COVID.
Qua đây tôi cũng cần lưu ý, triệu chứng thường gặp của bệnh nhân COVID kéo dài và hậu COVID rất đa dạng và khác nhau ở từng người bệnh, tùy thuộc vào triệu chứng lúc bị nhiễm COVID-19 ở giai đoạn cấp tính (dưới 4 tuần), mức độ nặng của bệnh ban đầu, mức độ tổn thương của các cơ quan trong giai đoạn cấp tính, chế độ điều trị.
Tuy nhiên một số trường hợp người bị nhiễm COVID-19 vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng mới ở giai đoạn COVID-19 kéo dài (từ 4-12 tuần) hoặc hậu COVID (sau 12 tuần). Theo các công bố y học gần đây, có hơn 50 triệu chứng khác nhau ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19.
Các triệu chứng này bao gồm: mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), rối loạn về sự tập trung (27%), rụng tóc (25%), khó thở (24%), mất vị giác (23%), mất mùi (21%), thở nhanh (21%), ho khan (19%), đau khớp (19%), đổ mồ hôi đêm (17%), đau tức ngực (16%), buồn nôn (16%), giảm trí nhớ (16%), ù tai hoặc giảm thính lực (15%).
Bên cạnh đó, khoảng 5% -15% bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 còn có các triệu chứng khác như lo lắng(13%), trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, sốt nhẹ, rối loạn giấc ngủ (11%), ngủ ngáy ngưng thở khi ngủ (8%), tổn thương da (dạng mề đay, sẩn đỏ, phát ban), nhịp tim nhanh (11%), hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn tâm thần kinh, đỏ mắt, xơ hóa phổi (5%).
Một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 có những triệu chứng ít gặp hơn (dưới 5%) như: tiểu đường (4%), chóng mặt, đột quỵ (3%), phù chân, nói khó, thay đổi tính khí, tăng huyết áp (1%), viêm cơ tim (1%), rối loạn nhịp tim, suy thận (1%), rối loạn cận giấc ngủ (0,4%)…
Do các triệu chứng của bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 rất đa dạng với những tổn thương ở nhiều hệ thống cơ quan khác nhau, việc chẩn đoán và điều trị tương đối phức tạp và liên quan đến nhiều chuyên khoa. Do vậy người bệnh cần phải được theo dõi và chăm sóc ở tại các cơ sở y tế chuyên biệt hậu COVID-19 và nơi có các cán bộ y tế đã được đào tạo liên tục về chuyên môn trong lĩnh vực COVID-19.
- Ở những bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 về nhà cần quan tâm những gì, thưa GS?
+ Mệt mỏi là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân sau khi điều trị khỏi COVID-19. Một số bệnh nhân vẫn còn tình trạng mệt mỏi kéo dài trong vòng 6 tháng đến một năm sau khi mắc bệnh. Tình trạng mệt mỏi hậu COVID kéo dài làm người bệnh có cảm giác như bị kiệt sức, thiếu năng lượng, mất động lực trong công việc và trong cuộc sống, giảm khả năng tập trung.
Đặc biệt, tình trạng mệt mỏi hậu COVID vẫn có thể không liên quan đến mức độ nặng của giai đoạn bị COVID-19 cấp tính. Ở một số bệnh nhân mệt mỏi kéo dài có thể là triệu chính của giai đoạn hậu COVID.
Nguyên nhân của tình trạng mệt mỏi kéo dài ở bệnh nhân hậu COVID được cho là hậu quả của phản ứng viêm do COVID-19, do tổn thương viêm hay giảm chuyển hóa cục bộ ở một số vùng trên não bộ đáp ứng với viêm toàn thân ở bệnh nhân COVID-19… Do vậy khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài ở giai đoạn hậu COVID, người bệnh cần được khám, chẩn đoán và có hướng dẫn điều trị thích hợp bởi thầy thuốc.
+ Đau đầu: Triệu chứng đau đầu thường được than phiền ở bệnh nhân hậu COVID. Đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử đau đầu trước đó như là đau đầu migrain (đau nửa đầu), đau đầu vận mạch thì cơn đau trở nên thường xuyên hơn và cường độ nặng hơn. Ở những bệnh nhân đau đầu mới xảy ra sau khi mắc COVID, được xem như là một trong những biểu hiện tổn thương thần kinh do COVID-19. Đặc điểm của đau đầu ở bệnh nhân hậu COVID là có thể kéo dài 3 – 6 tháng, cảm giác nặng hay thắt chặt trong đầu, đau âm ỉ hoặc có lúc buốt nặng khi tập trung, lo lắng, xúc cảm hoặc đôi khi kèm với cảm giác mất tập trung, giảm cảm nhận và khó diễn đạt hay biểu cảm; tình trạng này được gọi là "não mù sương" (brain fog).
Nguyên nhân của tình trạng đau đầu hậu COVID được cho là do tổn thương trực tiếp hệ thần kinh do COVID-19 hoặc do bởi những nguyên nhân gián tiếp do bởi giảm oxy máu, tăng đông máu hoặc do hiện tượng viêm cục bộ tại não hay toàn thân do bão cytokine.
+ Khó thở cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID. Khó thở thường là do có liên quan trực tiếp tổn thương phổi ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính gây giảm khả năng khuyếch tán oxy từ phổi vào máu, do giảm thể tích phổi hậu COVID, do tổn thương đường dẫn khí trong giai đoạn cấp tính chưa hồi phục ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài.
Ở một số bệnh nhân hậu COVID, khó thở còn do bởi tình trạng xơ hóa phổi do tổn thương viêm do bão cytokine ở phổi giai đoạn cấp tính. Ngoài ra cần phải lưu ý đến dấu hiệu khó thở ở bệnh nhân hậu COVID còn là do hậu quả của tình trạng huyết khối thuyên tắc mạch máu phổi ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính và thậm chí là ở cả giai đoạn COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19.
Tình trạng khó thở diễn tiến ngày một nặng hơn ở giai đoạn hậu COVID-19 là dấu hiệu báo động người bệnh cần được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
+ Mất mùi và mất vị thường hay được than phiền bởi bệnh nhân COVID-19 giai đoạn hậu COVID. Mất mùi và mất vị ở bệnh nhân thường gặp ở những bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng này trong giai đoạn cấp tính.
Đa số tình trạng mất mùi – mất vị ở bệnh nhân COVID-19 giai đoạn cấp tính thường hồi phục tự nhiên sau 2 – 4 tuần; tuy nhiên khoảng 10% - 20% trường hợp người bệnh vẫn còn bị mất mùi, mất vị kéo dài sau 3 – 6 tháng hoặc cả năm.
Trong khảo sát trên 550 người mắc COVID-19 tại các khu điều trị tại Bình Dương, cho thấy tỷ lệ bị mất mùi – mất vị giai đoạn cấp tính chiếm tỷ lệ là 25,8%; trong đó có 9,8% bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mất mùi, mất vị ở giai đoạn COVID kéo dài. Do vậy, mất mùi và mất vị giai đoạn hậu COVID là triệu chứng gây lo lắng cho người bệnh, giảm chất lượng cuộc sống nên cần phải được thăm khám chuyên khoa.
Nguyên nhân của tình trạng mất mùi, mất vị ở bệnh được cho là do tổn thương viêm gây ra do COVID-19 ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh khứu giác ở mũi, hành khứu và các dây thần kinh dẫn truyền vị giác, các nụ vị giác ở lưỡi, làm cho người bệnh không cảm nhận được mùi vị thức ăn và mùi hương.
- Giáo sư có lời khuyên gì cho bệnh nhân sau khi điều trị khỏi COVID-19?
Bệnh nhân bị mệt mỏi kéo dài giai đoạn hậu COVID cần phải được tư vấn điều trị chuyên khoa để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh tật và được hướng dẫn trị liệu về nhận thức và hành vi, phối hợp với liệu pháp vận động phù hợp.
Đặc biệt người bệnh cần phải được hướng dẫn để tự duy trì được chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp tránh tình trạng hoạt động quá mức gây kiệt sức và mệt mỏi quá mức. Người bệnh cần phải duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu chất khoáng, vitamin và năng lượng; cùng với một thời gian ngủ bảo đảm theo sinh lý và một giấc ngủ có chất lượng tốt…
Bệnh nhân bị đau đầu ở giai đoạn COVID-19 cần nên được khám và tư vấn chuyên khoa. Việc điều trị đau đầu hậu COVID thường được phối hợp nhiều phương thức khác nhau như là tâm lý liệu pháp nếu đau đầu có yếu tố tâm thần kinh, duy trì một chế độ vận động – nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, thường xuyên thư giãn chống stress (tập yoga, thiền định hay chánh niệm).
Những trường hợp người bệnh hậu COVID bị đau đầu kèm giảm chức năng nhận thức, kém tập trung và có hiện tượng "não mù sương" thì nên dùng thêm các loại củ quả chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có thành phần flavonoid (luteolin) như cần tay, bông cải xanh, ca rốt, tía tô, dầu ôliu, trà hoa cúc.
Ở những bệnh nhân từng mắc COVID có tình trạng khó thở nên được thăm khám chuyên khoa hô hấp để được làm các xét nghiệm về thăm dò chức năng hô hấp và hình ảnh học. Dựa trên những tổn thương ở phổi và tình trạng chức năng hô hấp, thầy thuốc có thể chỉ định điều trị tập phục hồi chức năng hô hấp, tập thở. Phương pháp thở theo trường phái yoga có tên gọi là pranayama được các thầy thuốc Châu Âu cho là có hiệu quả trong làm giảm tình trạng khó thở ở bệnh nhân hậu COVID-19.
Mất mùi và mất vị kéo dài ở giai đoạn hậu COVID cần phải được thăm khám bởi các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Một số bệnh nhân có sự cải thiện mất mùi – mất vị sau khi dùng corticoid hoặc vitamine A xịt mũi (dùng cho bệnh nhân mất mùi) và bổ sung thêm uống vitamin C và omega-3 thường xuyên (dùng cho bệnh nhân bị cả mất mùi và mất vị).
Đặc biệt nếu người bệnh bị mất mùi thì cần phải hướng dẫn cho người bệnh thực hiện trị liệu bằng cách hít các hương liệu để phục hồi khứu giác với hương chanh, hương hoa hồng, hương bạc hà và bạch đàn, ít nhất ba lần mỗi ngày (mỗi lần khoảng 15-20 giây) cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
- Cảm ơn GS!
Ngành y tế Việt Nam đã thành công trong việc khống chế làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Tuy nhiên với hơn 2 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh hiện nay, một tỷ lệ không nhỏ (khoảng 20%) những bệnh nhân hậu COVID cần tiếp tục cần được sự tư vấn hỗ trợ và chăm sóc y tế. Do vậy, việc cập nhật các kiến thức về hậu COVID-19 nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế và nhận thức cho người bệnh là rất cần thiết, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Current Time1:05
/
Duration9:26
Auto
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng