Ngày 9-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chấn chỉnh việc thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Chỉ đạo này được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến phản ánh, lo ngại việc thi công trên đang xâm hại di tích tháp cổ gần 1.000 năm tuổi.

Đưa cả máy múc vào bổ xuống chân tháp

Ghi nhận của PV cho thấy khu vực chính tháp đã bị san gạt, đào bới khắp nơi, xung quanh ngổn ngang gạch, đá, đất, cát… Nền gạch đá cổ dưới chân tháp đã bị bóc lên để thay thế, tường rào bằng gạch đã bị phá bỏ. Một số hạng mục bằng bê tông đang hình thành. Đơn vị thi công đào quanh tháp các cống rãnh để lát nền móng tường rào, hành lang gạch đá dưới chân tháp cũng được làm mới.

Trùng tu gây xâm hại tháp cổ gần 1.000 năm tuổi - ảnh 1
Đơn vị thi công đưa máy đến đào múc ngay dưới chân tháp Bánh Ít. Ảnh: PH

Được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Theo Sở VH&TT tỉnh Bình Định, tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12, trên đỉnh một ngọn đồi cao nằm giữa hai nhánh sông Kôn. Đây là quần thể bốn tháp, gồm tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia, tháp chính, từ xa trông giống chiếc bánh ít nên dân gian gọi là tháp Bánh Ít. Cụm tháp này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hồi năm 1982. 

Ngay sát chân tháp Cổng còn dấu vết bị phương tiện cơ giới, máy xúc đào xới, san gạt. Ở phía sau tháp Bia vừa hình thành một con đường lớn để xe cơ giới di chuyển, vận chuyển vật liệu xây dựng. Theo nhiều người dân địa phương, trong những ngày qua đơn vị thi công đã ồ ạt đưa nhiều phương tiện cơ giới, máy móc vào thi công ngay xung quanh tháp chính. Nhiều người lo ngại việc này gây rung chấn, ảnh hưởng đến tháp cổ. “Họ đưa cả máy đào múc lên, đào bổ ngay dưới chân tháp Bánh Ít. Trong khi đó khu vực tháp nằm ở triền núi, có nguy cơ sạt lở rất cao. Nhìn họ thi công, ai cũng lo lắng, thót ruột” - ông Nguyễn Văn Hân (ngụ xã Phước Hiệp) phản ánh.

Ông Đinh Bá Hòa, cựu Giám đốc Bảo tàng Bình Định, nói việc ồ ạt đưa máy móc, phương tiện cơ giới vào thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít là không thể chấp nhận được. Theo quy định, tháp Bánh Ít là cụm tháp chỉ có một vùng bảo vệ nghiêm ngặt, không có khu vực cho phép điều chỉnh. “Với tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi, khi trùng tu, tôn tạo, tất cả phải được thực hiện thủ công dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các chuyên gia di sản. Phải cân đo đong đếm từng vị trí, hòn đá cuội, bậc cấp cũ, cây bụi... chứ không thể đưa máy móc, phương tiện cơ giới vào ồ ạt san bạt, đào xúc xâm hại di tích như vậy” - ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, chủ đầu tư (CĐT) là Sở VH&TT tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm nếu di tích bị xâm hại. “CĐT quản lý toàn bộ dự án. Tại sao với một tháp Chăm gần 1.000 năm tuổi, một công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mà khi thi công trùng tu lại không hề có sự tham gia, giám sát của các chuyên gia di sản, chuyên gia khảo cổ học? Tại sao CĐT để đơn vị thi công làm tùy tiện như vậy? Thi công như vậy không khác gì phá hoại di tích” - ông Hòa bức xúc.

Trùng tu gây xâm hại tháp cổ gần 1.000 năm tuổi - ảnh 2
Đào bới ngổn ngang trong khu vực di tích tháp Bánh Ít. Ảnh: NO

Thi công sai thẩm định