Nga giành quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Chernobyl sau giao tranh dữ dội
Lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Chernobyl ở miền bắc Ukraina, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.
Các lực lượng Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - Văn phòng Tổng thống Ukraina cho biết hôm 24.2.
“Sau một trận chiến khốc liệt, chúng tôi đã mất quyền kiểm soát Chernobyl. Hiện chưa rõ tình trạng cơ sở vật chất của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, kho lưu trữ và kho chứa chất thải hạt nhân” - Mikhail Podolyak, trợ lý của người đứng đầu văn phòng tổng thống, nói với hãng thông tấn Ukraina UNIAN tối 24.2.
Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi Kiev cho biết giao tranh diễn ra dữ dội tại địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986.
Quân đội tràn ngập nhà máy trong ngày đầu tiên Nga tấn công Ukraina - người phát ngôn của Cơ quan Nhà nước Ukraina về Quản lý Khu vực Nguy hiểm (Exclusion Zone), bà Yevgeniya Kuznetsovа, nói với CNN.
"Khi tôi đến văn phòng vào buổi sáng hôm nay ở Kiev, hóa ra ban quản lý nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã rời đi. Vì vậy, không có ai để đưa ra chỉ thị hoặc bảo vệ" - bà Kuznetsovа nói.
Trước đó, trong ngày 24.2, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng các lực lượng Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân.
"Lực lượng của Nga đang cố gắng chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Những người bảo vệ của chúng tôi đang hy sinh mạng sống của họ để thảm kịch năm 1986 sẽ không lặp lại. Đây là một lời tuyên chiến chống lại toàn bộ Châu Âu" - Tổng thống Zelensky viết trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Ukraina lặp lại lời cảnh báo của tổng thống, làm dấy lên bóng ma về một thảm họa hạt nhân khác trong thành phố.
"Năm 1986, thế giới đã chứng kiến thảm họa công nghệ lớn nhất ở Chernobyl. Nếu Nga tiếp tục chiến tranh, Chernobyl có thể xảy ra một lần nữa vào năm 2022" - Bộ Ngoại giao Ukraina viết trên Twitter.
Hơn 30 người chết ngay sau vụ nổ xé toạc lò phản ứng số 4 của Chernobyl vào ngày 26.4.1986, gần Pripyat, Ukraina. Trong những năm sau đó, vô số người khác chết vì các triệu chứng bức xạ, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới. Chính phủ Ukraina đã sơ tán khoảng 135.000 người khỏi khu vực và khu vực nguy hiểm có bán kính 30km xung quanh nhà máy sẽ không thể ở được trong nhiều thập kỷ.
Trong những tháng sau vụ tai nạn, một cấu trúc khổng lồ đã được dựng để chụp lên lò phản ứng 4 và chứa chất phóng xạ. Tuy nhiên, nó đã dần bị hỏng và dẫn đến rò rỉ bức xạ.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraina trước rạng sáng 24.2 với một loạt các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các địa điểm gần thủ đô Kiev, cũng như bằng pháo tầm xa nhằm vào thành phố Kharkiv, gần biên giới Nga. Chiến dịch quân sự nhanh chóng lan rộng khắp miền trung và miền đông Ukraina khi các lực lượng Nga tiến vào từ ba phía.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét