Có nên cho trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19 đi học trở lại?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc cho trẻ được tiêm vaccine lẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19 đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Bởi trẻ cần được phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý và trí tuệ.
"Bao giờ mới chịu chốt lịch?"
Đợt dịch thứ tư bùng phát khiến các trường mầm non đóng cửa từ tháng 5.2021. Điều này khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm, lo âu tìm cách trông con, rồi táo bạo tự gom nhóm mở lớp, rồi nóng lòng chờ ngày mở cửa trường học với mong muốn con được học tập và kết nối bạn bè.
Không chỉ trẻ em, phụ huynh bị ảnh hưởng, nhiều trường mầm non tư thục cũng lao đao, kiệt quệ vì dịch bệnh rồi lâm vào cảnh rao bán, "sang nhượng" cả cô lẫn trò. Nhiều giáo viên mầm non rơi vào stress, suy nhược, thậm chí có người đã bỏ nghề vì không thể chờ ngày quay lại.
Trước đó, thông tin về lộ trình tiếp tục đưa học sinh quay lại trường, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản báo cáo thành phố. Theo đó, nếu dịch diễn biến giảm, công tác phòng dịch đảm bảo thì từ 21.2, học sinh lớp 1 trở lên ở 12 quận nội thành sẽ đi học trực tiếp. Tiếp đó, sau khi Hà Nội triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Sở sẽ đề xuất phương án cụ thể cho học sinh mầm non đi học.
Nhìn các tỉnh, thành lần lượt đón trẻ mầm non quay trở lại trường học, nhiều phụ huynh tại Hà Nội sốt sắng ngóng quyết định chính thức của thành phố, mong muốn ngành Giáo dục thủ đô "chốt lịch" thay vì dừng lại ở "xem xét và xây dựng lộ trình".
"Việc cho trẻ đi học lại là vô cùng cần thiết"
Trao đổi với Lao Động về vấn đề mở cửa trường học và đón trẻ mầm non đi học trở lại, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, việc cho trẻ được tiêm vaccine lẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19 đi học trở lại là vô cùng cần thiết.
Lý giải về nhận định này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, hậu quả và hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường, không được tương tác giữa trẻ với trẻ, tương tác giữa trẻ với thầy cô sẽ gây ra các khiếm khuyết về tinh thần và thể chất. Thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm. Vì vậy cần cho trẻ đi học trực tiếp vì sự phát triển thể chất, tâm lý và trí tuệ của trẻ.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vaccine và không tiêm vaccine thì nhiều quốc gia đã hối thúc đi học. Theo đó, khi cho đối tượng này đi học, nhiều quốc gia đã kiểm soát bằng các biện pháp như: Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm,...
“Chúng ta đã thực hiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả. Chúng ta chuyển từ chiến lược Zero F0 sang chiến lược chấp nhận có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Chúng ta vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm kinh tế, vì vậy, cho trẻ em đến trường cũng phải thích ứng để việc học của trẻ không bị gián đoạn”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhận định.
Để làm được những điều đó, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ GDĐT còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vaccine COVID-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét