Không chỉ là chuyện thiếu xăng dầu!
(Tổ Quốc) - Tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu đặt ra vấn đề về trách nhiệm điều hành trong việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; lớn hơn nữa là việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Mặc dù Bộ Công Thương khẳng định đã chủ động các phương án để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, nhưng xăng vẫn được bán nhỏ giọt ở một số địa phương trong những ngày qua. Có cây xăng trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai chỉ bán cho khách đi xe máy tối đa 50.000 đồng/lượt, có nơi bán tối đa 30.000 đồng/lượt; thậm chí một số trạm xăng trên địa bàn Đồng Nai đóng cửa hoặc ngừng bán xăng. Lý do là các đại lý bán lẻ càng bán càng lỗ khi chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối ở mức 0 đồng, mà lỗ chồng lỗ thì tốt nhất là đóng cửa.
Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, bán hàng nhỏ giọt do thiếu hàng rõ ràng là trách nhiệm của Bộ Công Thương vốn có trọng trách bảo đảm cung ứng xăng dầu. Giá xăng RON 95 hiện vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 8 năm. Kỳ điều chỉnh mới đây là ngày 11/2, thay vì ngày 1/2, nghĩa là chậm 10 ngày do rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, giá xăng dầu trong nước đã lỡ kỳ điều chỉnh, bất chấp giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
Bộ Công Thương cho rằng tình hình đã được cải thiện sau đợt tăng giá ngày 11/2. Tuy nhiên, những gì diễn ra thực tế thì không phải như thế.
Trách nhiệm điều hành trong vấn đề thiếu hụt xăng dầu cục bộ được mổ xẻ nhiều trong những ngày qua. Có thể thấy rõ sự máy móc, thiếu linh hoạt của một cơ quan Bộ khi không điều hành được giá theo kịp với giá thế giới, làm "nóng sốt" thị trường xăng dầu trong nước.
Đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Khi việc "mở cửa" trong trạng thái "bình thường mới" chỉ vừa bắt đầu, giá xăng dầu tăng cao quá tất nhiên sẽ ảnh hưởng đà phục hồi và phát triển kinh tế. Đó là chưa kể kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 21/2 và những kỳ sau, giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn đang biến động trước căng thẳng địa chính trị, căng thẳng quan hệ giữa Nga và phương Tây liên quan Ukraine… Giá dầu thế giới được dự báo tiếp tục tăng và với đà tăng như thế, nếu không có cách điều hành linh hoạt, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước hợp lý thì tình trạng nguồn cung không đủ sẽ còn kéo dài.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo cước vận tải tăng, rồi giá cả các mặt hàng hóa khác cũng tăng theo. Người dân đương nhiên là đối tượng gánh mọi thiệt hại. Do đó, mặt hàng này phải được quản lý, điều tiết một cách khoa học, chặt chẽ.
Ngày 18/2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật…
Như vậy, Chính phủ đã và đang có sự chỉ đạo quyết liệt để bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Song, ở đây không chỉ là vấn đề cung không đủ cầu, mà hơn hết còn là an ninh năng lượng quốc gia. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý là phải chủ động được nguồn cung trong nước, nhất là với mặt hàng xăng dầu vốn chịu tác động lớn từ các yếu tố khách quan.
Nguồn cung xăng dầu đang phụ thuộc nhiều vào hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng 35% nguồn cung xăng dầu trong nước và là đối tác cung ứng lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Nhà máy Dung Quất cung ứng 40%; còn lại nhập khẩu 25%. Các nhà máy này được hưởng nhiều đặc quyền thì cũng phải có trách nhiệm lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phải hoạt động theo cơ chế thị trường và chịu chế tài phù hợp, chứ không thể có chuyện khi thừa xăng dầu thì đề xuất hạn chế nhập khẩu, khi thị trường biến động mạnh thì kêu lỗ, giảm công suất hoặc dừng hoạt động, đẩy thế khó cho Nhà nước, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận việc điều hành xăng dầu cần linh hoạt hơn trong thời gian tới để phù hợp hơn với diễn biến thị trường, nhất là khi nguồn cung đang thiếu hụt trên toàn cầu. Còn người dân trông chờ những quyết sách có tính căn cơ cũng như sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bình ổn nguồn cung xăng dầu về lâu dài./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét