Đừng để bộ trưởng nóng ruột
TTO - Thần tốc, chuyên nghiệp. Chống dịch cũng như trận cầu, cả đội là chuyên nghiệp, nhưng chỉ một sơ sẩy trong tích tắc, bóng lọt lưới nhà, khởi đầu trận đấu lại từ giữa sân là rất vất vả.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp chống dịch COVID-19 đã phải phê bình đại diện Sở Y tế Hải Dương và Gia Lai trong chống dịch. Trước đó, ông Long cũng thẳng thắn "nóng ruột muốn làm việc với Hà Nội".
Phản ứng của ông bộ trưởng khiến không ít người thót tim, bởi chúng ta đã được xếp hạng cao, có nghĩa chúng ta khá chuyên nghiệp trong phòng chống COVID-19. Vậy mà ở đợt dịch thứ 3 vẫn có những chuệch choạc, gây lo lắng.
Ông bộ trưởng nóng ruột là phải. Virus biến thể lây bệnh nhanh hơn. Chỉ một ca dương tính là công chứng viên ở Hà Nội bay vào TP.HCM đã khiến một số khu vực tại đây phải cách ly.
Thật ra khi dịch bùng phát ở Hải Dương và Quảng Ninh, bộ máy chống dịch đã thể hiện tính chuyên nghiệp, thần tốc ra quân ngay trong đêm, không chậm một giờ, một phút nào, kết quả là đã có thể yên tâm với ổ dịch ở hai nơi này.
Sự chuyên nghiệp có ở khắp nơi, như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: "Ngoài bộ não là các lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, anh em tuyến dưới, cán bộ cơ sở đang làm rất tốt với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Những tình nguyện viên giúp đỡ công tác truy vết cũng đáng được biểu dương".
Nhưng rồi chỉ chậm một bước, số người nhiễm ở Gia Lai hay Hà Nội tăng nhanh...
Dịch COVID-19 vẫn rất khó đoán định. Mỗi đợt bùng phát là một tình huống mới, cần kịch bản mới để ứng phó. Như đợt dịch ở Đà Nẵng, chúng ta không truy được ca F0 và thời gian đầu dập dịch cũng có lúng túng. Còn ở lần bùng phát thứ 3 là virus biến thể, tốc độ lây lan quá nhanh.
Vì vậy, không trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, chắc chắn chúng ta còn vất vả nhiều hơn với COVID-19.
Chống dịch cần phải họp ít, nói ít, quyết nhiều, hành động kịp thời, thậm chí đón đầu như nâng cấp độ chống dịch. Lúc này, nhiệm vụ tối thượng là chống dịch, song song với phòng dịch và chờ đến khi có vắcxin.
Trấn an dân là cần thiết, nhưng đi xa hơn bằng những tuyên bố tỉnh A, thành phố B sẽ tiêm phòng toàn bộ cho người dân tỉnh nhà là phải cân nhắc.
Dân được tiêm phòng là quá quý, thật tuyệt vời. Nhưng tiêm vắcxin không thể là câu chuyện của tỉnh A, thành phố B, mà là tầm quốc gia, rộng hơn nữa là cả thế giới. Tuy nhiên lúc này có tiền cũng chưa chắc mua được vắcxin do "chủ nghĩa dân tộc vắcxin" hoành hành.
Hiện phần lớn vắcxin nằm trong tay những nước giàu và có nơi còn hạn chế xuất khẩu vắcxin. Vì thế, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế xây dựng đề án về lộ trình tiêm vắcxin cho toàn dân. Rồi khi có vắcxin, còn phải bàn tiêm cho ai trước, ai sau..., lúc đó mới đến việc của các địa phương.
Vì vậy, từ nay đến khi có vắcxin, các địa phương nên tập trung cho phòng chống COVID-19, cụ thể là lo đủ năng lực xét nghiệm, nhanh chóng truy vết nếu có ca bệnh trong cộng đồng để khoanh vùng dập dịch hơn là trấn an và tuyên bố sẽ tiêm phòng cho người dân... tỉnh nhà.
Chống dịch cũng như trận cầu, cả đội là chuyên nghiệp, nhưng chỉ một sơ sẩy trong tích tắc, bóng lọt lưới nhà, khởi đầu trận đấu lại từ giữa sân là rất vất vả. Trong chống dịch, tất cả phải thần tốc, chuyên nghiệp, may ra ông bộ trưởng Bộ Y tế mới bớt phải... nóng ruột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét