Thủ phạm gây giá lạnh kinh hoàng ở Texas theo lý giải của giới khoa học
Đợt lạnh kinh hoàng khiến ít nhất 21 người Mỹ thiệt mạng và gây mất điện nhiều ngày ở Texas đã làm sống lại các cuộc thảo luận khoa học về việc liệu biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân của đợt lạnh ở Mỹ trong tuần này không.
Các nhà khoa học cho biết, hiện tượng nóng lên toàn cầu, cụ thể là sự nóng lên nhanh chóng của Bắc Cực, được xem như "thủ phạm" gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này, Reuters đưa tin.
Trước đây, nhiệt độ băng giá thường xảy ra ở khu vực Bắc Cực bởi dòng tia (jet stream) quay quanh vùng cực. Tuy nhiên, khi Bắc Cực ấm lên gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong vòng 3 thập kỷ qua, sự tương phản về nhiệt độ có thể ít rõ ràng hơn, Paul Beckwith, nhà khoa học hệ thống khí hậu ở Ottawa, Canada, cho biết.
Điều đó có thể khiến các dòng tia vùng cực chậm lại và uốn khúc, do đó nhiều không khí ấm hơn được đưa về vùng cực và không khí lạnh hơn được đưa về phía nam, ông nói.
“Những gì chúng ta đang thấy năm nay là một ví dụ điển hình về những gì sẽ xảy ra khi rãnh dòng tia di chuyển thực sự sâu về phía nam" - Paul Beckwith nói.
Thuyết xoáy cực (polar vortex) này lần đầu được đưa ra năm 2012 và khiến một số nhà nghiên cứu như Beckwith lo ngại về sự nóng lên trong tương lai có thể có tác động tới các khu vực ôn đới truyền thống xa hơn về phía nam.
Tuy nhiên, những người khác cảnh báo rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Nhà khoa học khí hậu Geoffrey Vallis tại Đại học Exeter chia sẻ hôm 16.2, thuyết này "vẫn còn là suy đoán và việc báo cáo về thuyết này là yếu tố chưa được chứng minh là đúng". "Nó có thể đúng, nhưng có lẽ nhiều khả năng là không" - ông lưu ý.
Một số chuyên gia cho rằng, thời tiết lạnh giá là điều có thể xảy ra vào mùa đông và việc lạnh giá khác thường có thể là kết quả của sự thay đổi tự nhiên.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở 12 thành phố của Mỹ và nhiệt độ ấm hơn ở Bắc Cực trong 50 năm qua, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications năm 2018.
Thêm vào đó, Mỹ cũng có thể không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng.
Nhiệt độ giảm xuống âm 60 độ C tại vùng Yakutia thuộc Siberia của Nga vào tháng trước, theo cơ quan khí tượng Roshydromet. Phần lớn vùng Siberia của Nga có một trong 15 tháng Giêng lạnh nhất được ghi nhận.
Vladimir Semenov, nhà khoa học khí hậu tại Viện Vật lý Khí quyển Obukhov có trụ sở tại Mátxcơva, cho biết, đợt giá lạnh gần đây ở Nga có thể là hệ quả từ các dòng tia dao động. Dù vậy, chuyên gia Semenov thừa nhận, vẫn chưa có đủ dữ liệu để thiết lập một liên kết khí hậu chắc chắn trong mô hình này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét