Đó là thông tin mà một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump cung cấp cho trang tin Axios hôm 15-11. Cũng theo nguồn thạo tin này, ông Trump có thể công bố các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế thương mại đối với nhiều công ty, tổ chức chính phủ hoặc quan chức Trung Quốc trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, với lý do vi phạm nhân quyền hoặc đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Nguồn tin tiết lộ những động thái được cân nhắc gồm bảo vệ công nghệ của Mỹ khỏi sự khai thác của quân đội Trung Quốc, chống lại việc đánh bắt trái phép và trừng phạt các quan chức hoặc tổ chức liên quan đến vấn đề Hồng Kông hoặc Tân Cương.

Ông John Ullyot, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia, khẳng định trong một thông cáo: "Trừ khi Bắc Kinh thay đổi và trở thành một nước có trách nhiệm trên trường quốc tế, các tổng thống tương lai của Mỹ sẽ tự sát về mặt chính trị nếu muốn đảo ngược chính sách về Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump".

Tổng thống Donald Trump quyết mạnh tay với Trung Quốc - Ảnh 1.

Cảng Diêm Điền ở TP Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Chưa dừng lại đó, các quan chức chính quyền ông Trump đang thảo luận về việc mở rộng danh sách trừng phạt của Bộ Quốc phòng đối với các công ty Trung Quốc bị cho là có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Hồi tuần trước, ông Trump đã ban hành sắc lệnh cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào 31 công ty Trung Quốc.

Phản ứng trước động thái của Washington, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 16-11 kêu gọi Mỹ ngừng gây sức ép vô lý đối với các công ty Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia, đồng thời tạo môi trường công bằng và không phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.

Đài CNN nhận định sẽ khó có thay đổi đáng kể nào trong mối quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã xuống mức thấp lịch sử trong nhiệm kỳ của ông Trump. Các nhà phân tích ở cả hai nước vẫn đang tranh luận liệu ông Biden sẽ duy trì áp dụng các chính sách trừng phạt cứng rắn của ông Trump hay chuyển sang tái thiết lập quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Hiện vẫn chưa có tuyên bố nào về chính sách chính thức đối với vấn đề Trung Quốc từ nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden.

Theo trang Rappler (Philippines), khó có khả năng ông Biden tiếp nối cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vì không có lợi cho bên nào. Dù vậy, ông Biden nhiều khả năng có cùng quan điểm với chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng chiến lược quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ mang tính kế thừa từ chính quyền ông Trump, bởi mục tiêu chiến lược chính và nhất quán của Lầu Năm Góc là ngăn Trung Quốc ngang bằng về mặt quân sự.