Ngoại trưởng Pompeo: Nước Mỹ sẽ chỉ có một Tổng thống
http://cand.com.vn/... đăng ngày 28/11/2020 10:02 trong mục Thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomepo khẳng định tôn trọng lời hứa chuyển giao quyền lực và rằng nước Mỹ sẽ chỉ có một vị Tổng thống trong một thời điểm nhất định.
Ông Pompeo phát biểu khi đứng cạnh Tổng thống Trump. Ảnh: CNN
Trong cuộc phỏng vấn với FoxNews đăng tải ngày 27/11 (giờ Mỹ), ông Pompeo khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tuân thủ mệnh lệnh của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump về thủ tục chuyển giao quyền lực cho chính quyền kế nhiệm, nếu ông Biden được xác nhận thắng cử.
Khi được hỏi về việc liệu quá trình chuyển giao có được tiến hành nếu các vụ kiện tụng bầu cử chưa chấm dứt, ông Pompeo nhấn mạnh: "Chúng ta chắc chắn sẽ chỉ có một Ngoại trưởng và một Tổng thống tại một thời điểm".
Ông Pompeo cũng khẳng định, từ nay đến khi chính quyền mới nhậm chức, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tuân thủ mệnh lệnh của đương kim Tổng thống Trump. "Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi bị vỗ vai và bảo rằng đã hết thời gian làm ngoại trưởng rồi", ông Pompeo nói.
Phát biểu của ông Pompeo được đánh giá là đã cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump sẵn sàng bàn giao quyền lực trong hoà bình cho đội ngũ của ông Joe Biden, người dẫn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Cách đây hơn hai tuần, hôm 10/11, Ngoại trưởng Pompeo vẫn nhấn mạnh về khả năng Tổng thống Trump tái đắc cử và nói rằng "sẽ có sự chuyển giao êm thấm cho chính quyền thứ hai của Tổng thống Trump".
Hơn ba tuần sau ngày bầu cử 3/11, Tổng thống Trump vẫn chưa công nhận thất bại trước ứng viên Joe Biden và đội ngũ của ông đang tiến hành một số vụ kiện ở các bang nhằm đảo ngược kết quả bầu cử, nhưng không gặt hái kết quả đáng chú ý.
Hôm 26/11, ông Trump lần đầu tiên xác nhận ông sẽ rời Nhà Trắng trong hoà bình vào ngày Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới nhậm chức hôm 20/1/2021 nếu Đại cử tri đoàn xác nhận ứng viên Joe Biden là người thắng cử. "Vẫn còn một chặng đường dài phía trước", ông Trump nói.
Thanh Hoá: Nhóm cán bộ viện Tâm thần lĩnh án, vì mang thuốc ra ngoài bán
LĐO |
Từ năm 2017 đến 2019, nhóm cán bộ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa đã câu kết nhau, mang thuốc ra ngoài bán, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 1,6 tỉ đồng.
Theo đó, ngày 27.11.20, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên xét xử sơ thẩm 5 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Nguyên 5 cán bộ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa bị đưa ra xét xử gồm: Vi Du Lịch (48 tuổi - nguyên Trưởng khoa Nam 1); Phan Văn Giỏi (59 tuổi - nguyên Trưởng khoa Nam 2); Đinh Thị Thu Hồng (47 tuổi - nguyên Trưởng khoa Nữ); Phạm Thị Nhung (32 tuổi) và Phạm Thị Phương (35 tuổi), đều nguyên là điều dưỡng viên bệnh viên.
Theo cáo trạng, từ 2017 đến năm 2019, lợi dụng chức vụ là trưởng các khoa của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, Vi Du Lịch, Phan Văn Giỏi và Đinh Thị Thu Hồng đã cấu kết với các điều dưỡng, nhân viên của các khoa thu gom thuốc điều trị thừa hoặc thuốc bệnh nhân không uống. Sau đó điều chỉnh y lệnh sinh ra thừa thuốc và không làm thủ tục trả lại cho bệnh viện, mà câu kết với các điều dưỡng trong khoa đem ra ngoài bán lấy tiền chia nhau.
Riêng đối với bị cáo Phạm Thị Nhung và Phạm Thị Phương, là các điều dưỡng viên đã có hành vi trực tiếp đưa thuốc ra ngoài bán, sau đó mang tiền bán thuốc được về chia cho những người trong nhóm.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra thì xác định tổng số tiền các bị cáo gây thất thoát cho Nhà nước trong thời gian (từ 2017 – 2019) là hơn 1,6 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, sau khi xem xét, HĐXX xác định cả 5 bị cáo trên không có tình tiết tăng nặng và có nhiều tình tiết để giảm nhẹ, nên đã áp dụng xử phạt ở mức thấp nhất của khung hình phạt.
Cụ thể, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Vi Du Lịch 15 tháng tù, Phan Văn Giỏi 6 tháng tù, Đinh Thị Thu Hồng 9 tháng tù, Phạm Thị Phương 4 tháng tù, Phạm Thị Nhung 4 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Tôi muốn kể về những mùa xuân của người Hà Nhì vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, thuộc địa phận các huyện giáp ranh Mường Nhé, Mường Tè của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Vẻ đẹp Mường Nhé.
1. Tết về, các thiếu nữ sặc sỡ thêu khăn áo, thức trắng đêm đan những quả tú cầu đỏ ối rồi treo trước vành khăn vành mũ ngang trán mình. Nàng Pó Sờ mắt lúng liếng, má đỏ bồ quân, ne nép bên tán rừng vàng rực hoa cúc quỳ ven suối Mo Phí. Các quả tú cầu rung rinh rung rinh trước trán nàng. Bất ngờ, Pò Sờ lúng túng giằng đứt một quả tú cầu sau gáy mình, tặng cho tôi.
Tôi bảo, em thao thức bao đêm, đan dệt cả niềm thương nỗi nhớ vào mỗi quả tú cầu này, giờ cho anh sao được. Em lúc lắc khăn áo rung rinh, “a cồ” (anh) yên tâm, a nhí (em) đã có cái này rồi. Cô bé lôi ra cái đèn pin sáng loáng, đèn được bọc thổ cẩm và cũng đan dệt cầu kỳ. “Em làm thế này để mùa đông đi núi, cầm vào đèn sắt vẫn không bị lạnh tay”. Ở cuối đèn, chỗ tháo lắp thay pin, em cũng buộc tua rua một quả tú cầu rực rỡ. Pó Sờ lặng lẽ tháo tú cầu đèn pin buộc ra sau gáy mình.
Bước xuống núi của em tung tăng, thũng thẵng, ngúc ngoắc các quả tú cầu đón xuân. Em về, đi cắt cỏ gianh, đan các tổ én tròn và êm mượt treo lên trước hiên nhà.
Người Hà Nhì có hơn một vạn dân, chủ yếu sống ở vùng biên cương xa xôi của ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai. Xưa, nơi ấy giặc giã trộm cướp nhiều, nên đã thành truyền thống, người Hà Nhì lành hiền bao giờ cũng làm nhà như các pháo đài, lô cốt bí ẩn.
Tường chình đất dày cả nửa mét. Trong nhà ngoắt ngéo như địa đạo tối om. Mái nhà lợp gianh dày nửa mét, rêu xanh và đủ loại cây cối theo lũ chim ăn hạt tụ về, cứ mọc xanh um. Và mùa chim én, thiếu nữ Hà Nhì bao giờ cũng làm những việc lãng mạn: đan tổ treo lên mái nhà để dụ én mang ấm no, mang tình yêu và những điều đáng sống nhất cho gia đình và bản làng mình.
Trẻ em trong tết Có Nhẹ Chà.
Cảnh các cô bé đi lấy cỏ gianh, dệt tổ én mịn màng nâu xám treo lên trước hiên ủ nhà đỉnh núi, bốn bề ướp ủ đầy sương khói, rồi cái rét len lén khiến bếp lửa nào cũng mơ màng khói lên. Và én chao nghiêng mê mải về xây tổ ấm. Cảnh ấy, nó thơ hơn mọi bài thơ. Nó lãng mạn hơn mọi cuộc tình có hát cả “sơn nữ ca”.
Người Hà Nhì và người Pu Péo ở biên cương phía Bắc đều có lễ cúng rừng, mong thần rừng che chở, rừng gọi mưa xuống, rừng đừng cho lũ ác chạy về, rừng cưu mang mùa vàng và cả họ hàng nhà con nai con hoẵng.
Đặc biệt hoang sơ, phải kể đến nghệ thuật đẽo các “bùa chú” trong lễ cấm bản của người Hà Nhì. Suốt nhiều năm gắn bó, chúng tôi đi khắp từ vùng Mù Cả của Mường Tè sang vùng Sín Thầu, Chung Chải của Mường Nhé.
Miền rừng mênh mông và hoang vu quyến rũ nhất Việt Nam đó, người Hà Nhì đã khiến tôi thảng thốt, ngưỡng mộ và đắm say. Tết, họ bảo, đón tổ tiên và đón thần linh về cùng ăn cơm mới.
Vậy thì phải chọn ngày con Rồng hoặc con gì tuyệt gần như con Rồng mà cỗ bàn tiệc rượu. Họ tính theo lịch âm, họ sử dụng nhiều tiếng Quan Hỏa cổ nên ngày con Rồng và các bài cúng của họ khiến tôi ít hiểu được.
Chỉ biết, ngày ăn Tết không cố định. Già làng trưởng bản chọn ngày. Các nghi lễ cầu kỳ và hồn nhiên của họ đều đáng để các nhà nghiên cứu khảo trong vài thập niên. Cái điều làm tôi thích nhất, có lẽ là thủ tục đẽo sinh thực khí, đẽo các vật thiêng, bùa chú để cầu may và bảo vệ bản làng.
Các hình treo ở đầu cổng trước bản, trong lễ Cấm bản của người Hà Nhì.
2. Năm ấy, tôi lạc vào các lễ hội mùa xuân của bản Hà Nhì. Sừng Khai và anh Dần Sinh dưới sự chỉ huy của bậc túc nho Pờ Sỹ Tài đang phải làm một nghi lễ quan trọng để đón cái Tết tên là Có Nhẹ Chà giữa rừng già.
Trong khi người xuôi đắm đuối bán buôn tấp nập với niềm tin mãnh liệt “cả năm thua đau làm giàu chỉ ba ngày tết” rồi lại còn thường trực phải ước ao chuyện thịt thà mỡ màng; thì với Sín Thầu xa xôi, bà con Hà Nhì đón tết vạm vỡ, lãng tử và thơi thới “tứ hải giai huynh đệ” lắm. Ít nhất 3 ngày 3 đêm tiệc tùng liên miên, uống rượu thì cứ mời bằng bát và mỗi lần mời là xòe đủ năm ngón tay ra để đếm bát.
Rượu là thảm họa nếu lạm dụng, nhưng ngày Cấm Bản họ uống một chút và say êm đềm men lá rồi rúc vào hơi ấm bếp lửa đánh một giấc thẳng cẳng cũng chẳng sao. Cấm bản tức là đóng cửa bản, cấm được mở. Khách vào rồi thì cứ vui hết nhà nọ sang nhà kia, không được phép tìm đường về. Khách mới không được vào nữa.
Vì cửa bản đóng, cần giữ thanh sạch cho thần linh về đón Tết, nếu ai đó lỡ mở ra thì quỷ sẽ vào. Bản sẽ phải làm lễ đuổi ma quỷ và đóng cửa bản lần nữa. Người gây ra việc vô tình mở cửa sẽ phải bị phạt vài con lợn cúng, mỗi con nhất thiết phải tầm 20-30kg. To hơn và bé hơn đều không được.
Trong rừng già của người Hà Nhì ở A Pa Chải.
Để làm được lễ Cấm bản thì trai tráng phải đi chặt những cây gạo gai lớn, làm cái cổng chào gai góc đầy hăm dọa. Để ma tà không dám đến gần mà làm hại lương dân. Chưa hết, họ đẽo cung tên, giáo mác, đẽo cả súng lục súng trường kèm theo lựu đạn. Họ nhặt cả lựu đạn và súng ống hoen ghỉ trong rừng già từ thời Chiến tranh Biên giới ra mà treo lúc lỉu xung quanh các phom cổng bằng cây gạo gai.
Để làm gì? Đề trừ dọa ma tà quỷ sứ. Để bản làng và các con dân được bình yên trong năm mới. Để thánh thần không quở trách, đặc biệt là thần trâu trắng ở miếu Nhù Hồ không cảm thấy bị báng bổ.
Thú vị nhất là các hình đẽo bằng gỗ được treo lên để cầu sự phồn thực, sum suê, sai lạc cho người và thiên nhiên. Không cầu kỳ như tượng nhà mồ Tây Nguyên, người Hà Nhì đẽo tượng này ngẫu hứng và giản dị hơn. Nó thể hiện một tín ngưỡng nguyên thủy, một cuộc sống ban sơ.
Một cách nhìn đời trong trẻo, nhuốm chút màu cổ tích. Sừng Khai đẵn gỗ gạo ở chính cây gạo gai vừa ngả để dựng cổng chào. Anh gọt, phang, đẽo phăm phăm, vỏ gỗ bay trắng xóa không gian. Lúc khiển rừu, lúc lại dùng con dao đi rừng. Tỉ mẩn như cậu bé đẽo quay, đẽo cắng súng cao su vậy…
TP - 55 trường hợp sử dụng bằng ngôn ngữ Anh (văn bằng 2) do trường ĐH Đông Đô cấp để làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ (trong số này có cả quan chức) làm dư luận dậy sóng.
Lò ấp tiến sĩ đã từng khiến dư luận sốc khi biết có những giáo sư một mình tham gia hướng dẫn gần 50 nghiên cứu sinh; một năm cho ra lò hàng chục tiến sĩ.
Những trí thức “giả cầy” không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT thắt chặt đầu vào, đầu ra đào tạo tiến sĩ. Điều kiện cần để đạt chuẩn đầu vào là trình độ tiếng Anh phải ở mức B1 (khung tham chiếu châu Âu), đầu ra chuẩn phải đạt B2. Để đạt được chuẩn đầu vào cũng như đạt được chuẩn đầu ra đối với những người đã có tuổi không phải dễ. Trình độ B2 muốn đạt được, người học phải có năng lực ngoại ngữ tương đương với cử nhân, tức phải học ít nhất 4 năm chuyên ngành ngoại ngữ. Nhưng mọi chính sách đều có kẽ hở. Thay vì “dập mặt” đi học, đi thi đạt được chứng chỉ ngoại ngữ như yêu cầu, tấm bằng cử nhân tiếng Anh chính là “kim bài miễn tử” đối với các nghiên cứu sinh và họ bằng mọi cách để có được tấm bằng của ĐH Đông Đô.
Nhưng nguy hiểm hơn, có những người bằng thật nhưng tri thức lại giả. Đó là những tấm bằng có vỏ mà không có ruột. Những người trong nghề nhìn qua cũng phát hiện ra, nhưng nhiều khi xập xí xập ngầu chấp nhận để rồi sau này cho ra lò những tiến sĩ trình độ tiếng Anh đạt đến B2 nhưng lại không nói nổi câu giao tiếp đơn giản nhất. Theo phép suy diễn, trí thức giả sẽ đẻ ra … các giá trị giả. Kết quả là hệ giá trị và chuẩn mực xã hội méo mó. “Lộng giả thành chân”. Nếu quả thực trong xã hội ta đang lộng giả “tiến sĩ (giấy)”, thì nghĩa là chúng ta đang phải chứng kiến những giá trị thực, những gì thiêng liêng nhất đang bị bầm dập nghiêm trọng.
Trong hai cái nạn của giáo dục và đào tạo, bằng giả kiến thức thật và bằng thật kiến thức giả, cái nào gây hại nhiều hơn cho xã hội? Câu hỏi này thật không khó trả lời. Nguyên nhân có tình trạng mua bằng giả là do từ hai phía. Một phía là từ cán bộ mua bằng giả để nộp vào hồ sơ đi làm rồi thăng quan tiến chức. Thứ hai là nơi tiếp nhận cán bộ cũng có những hành vi nhập nhèm, không minh bạch nên mới chấp nhận để lọt những cán bộ như vậy. Đáng buồn là đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ với động cơ xấu. Càng ở vị trí quan trọng họ càng gây nguy hiểm cho cơ quan, cho cộng đồng. Một thực trạng đáng buồn khác là tâm lý xã hội “nặng” về bằng cấp hơn là để thu nạp kiến thức. Đạo đức xã hội đang xuống cấp do bị ảnh hưởng bởi thương mại hóa giáo dục và đào tạo.
Năm 2018, dư luận phẫn nộ với việc gian lận thi cử tại ba địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, đòi công khai danh tính những học sinh được nâng điểm, dù các em chỉ là nạn nhân của người lớn. Với những trí thức giả, đến lúc cần đưa họ ra ánh sáng.
Cần công khai những trường hợp mua bằng giả của Đại học Đông Đô
LĐO |
Đại học Đông Đô là nơi cung cấp bằng tiếng Anh giả.
Vụ án "Giả mạo trong công tác" tại Trường Đại học Đông Đô cho thấy người ta bất chấp đạo đức nghề nghiệp, bán bằng cấp như bán rau.
CQĐT xác định Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 217 trường hợp có thông tin để xác minh. Trong đó, có 193 trường hợp được cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh không qua đào tạo, tuyển sinh, thi cử.
Ngoài ra, có 55 người sử dụng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ...
Vậy câu hỏi đặt ra, những người này có xứng đáng là tiến sĩ , thạc sĩ hay không?
Đầu vào làm nghiên cứu sinh là cái bằng tiếng Anh giả, vậy thì cái bằng đầu ra có được công nhận hay không?
Trước hết, những người này không học, không thi cử, chỉ bỏ tiền mua bằng thì có vấn đề về tư cách, đạo đức. Đạo đức như vậy mà lấy bằng cấp cao để trèo cao thì quá nguy hiểm cho xã hội.
Xét về chuyên môn, cơ quan điều tra đã chỉ rõ là không học, không thi. Nếu có thi thì sẽ có cán bộ của trường tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại. Chuyên môn như vậy sao học được thạc sĩ, tiến sĩ?
Nhiều trường hợp khác sử dụng bằng giả cử nhân Anh văn giả để lọt vào cửa của nhiều cơ quan, vậy khi có kết luận của cơ quan điều tra rồi, các cơ quan đó xử lý cán bộ sử dụng bằng giả như thế nào?
Trên thực tế, nhiều người lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ không phải vì nhu cầu học thuật, mà vì tập hợp cho đủ các loại bằng theo yêu cầu để thăng quan tiến chức. Chính vì đặt nặng bằng cấp, học vị, cho nên mới nảy sinh chuyện mua bán bằng.
Người mua bằng quá nhiều, cho nên khi điều tra rõ ràng, nên công khai danh tính người mua bằng giả để xã hội biết mà tránh, và các cơ quan nhà nước không bị cán bộ lừa phỉnh để được đề bạt, bổ nhiệm.
Để dẹp nạn mua bán bằng, tiến sĩ lò ấp, cần dẹp bỏ những quy định về học vị liên quan đến bổ nhiệm các chức vụ cho công chức.
Học vị, học hàm là yêu cầu đối với những người làm nghiên cứu khoa học, hoạt động ở các lĩnh vực học thuật, giảng dạy, còn các lĩnh vực khác chỉ nên khuyến khích nếu có bằng thực chất.
Cô gái dừng đèn đỏ bị xe tải tông tử vong: Đó không chỉ là tai nạn mà là tội ác!
https://nld.com.vn/... đăng ngày 24-11-2020 - 11:56.|Bạn đọc
(NLĐO) - Cố tình vi phạm Luật Giao thông để rồi gây tai nạn chết người là hành vi giết người, phải xử mức án cao nhất của tội "Giết người" mới đủ răn đe và phòng ngừa chung
Hôm qua 23-11-20, một tai nạn thương tâm đã xảy ra, một cô gái đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Đức Trung (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thì bị xe tải từ phía sau lao đến tông tử vong.
Bạn đọc Quan thắc mắc: "Người chấp hành đúng luật giao thông lại bị tước đi mạng sống 1 cách oan uổng do những "kẻ" đi ẩu.Tại sao?". Bạn đọc Nguyen Thu Thuy xót xa viết: "Biết bao cái chết oan tại các giao lộ, sẽ còn mãi nếu cơ quan chức năng không có biện pháp cứng rắn hơn".
Cố tình vượt đèn đỏ gây chết người thì phải xử tội giết người với mức án cao nhất mới đủ răn đe và phòng ngừa chung.
Đồng tình với bạn đọc Nguyen Thu Thuy, bạn đọc Hoangluong bức xúc: "Cơ quan chức năng phải sớm có giải pháp khắc phục chứ không thể để tai nạn kiểu này xảy ra hoài. Cần tăng cường việc kiểm soát giao thông, xử lý thật nặng dù người đó là ai nếu vi phạm luật. Phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra rồi mới xử lý thì đã muộn. Nên nhớ mạng người là vô giá".
Quả thật thảm họa "tử vong khi dừng xe chờ đèn đỏ tại giao lộ" trong thời gian gần đây đã đến hồi báo động. Ngoài vụ tai nạn hôm qua 23-11, đã có rất nhiều vụ tương tự xảy ra trong thời gian qua.
Cụ thể, ngày 8-7, 1 xe ôtô đã húc văng 7 xe đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã ba Trường Lâm - Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội. Ngày 22-7, khi dừng đèn đỏ tại nút giao thông phía Tây cầu Tiên Sơn (TP Đà Nẵng), 1 người phụ nữ bị xe đầu kéo tông trúng, kéo lê một đoạn dài. Ngày 13-8, tại ngã tư Ung Văn Khiêm - Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM, 1 ôtô lao vào dòng người và phương tiện đang dừng đèn đỏ làm 6 người lớn, và 1 số em nhỏ phải nhập viện cấp cứu. Ngày 31-8, 1 xe bồn chạy trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) khi đến giao lộ Phạm Hữu Lầu đã tông thẳng vào một người phụ nữ khoảng 40 tuổi chạy xe máy đang dừng đèn đỏ...
Bạn đọc Bùi Tá Vinh trăn trở: "Xe ô tô tông người tử vong khi đứng chờ đèn đỏ ngày càng nhiều. Nhưng khi đưa ra xét xử thì nhiều vụ được cho là mất thắng,mất lái... cuối cùng tuyên án phạt chưa đủ sức răn đe". Bạn đọc Vân nêu ý kiến: "Các vụ đạp nhầm chân ga, kẹt giày cao gót cũng phải xử như hành vi ngộ sát thì mới mong giảm được các vụ tai nạn thương tâm. Cũng cần xem lại việc thi và cấp bằng lái xe, tăng cường kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, ma túy…".
Với vụ tai nạn ngày 23-11, theo nhân chứng tại hiện trường cho biết xe tải đã cố vượt đèn vàng tại giao lộ trước khi gây tai nạn thương tâm. Nhiều bạn đọc bức xúc đề nghị: Đây là hành vi giết người, cố tình vượt đèn đỏ gây chết người thì phải xử tội giết người với mức án cao nhất mới đủ răn đe và phòng ngừa chung.
Ông Joe Biden đã chính thức đưa ra những đề cử nhân sự nội các Mỹ đầu tiên hôm 24.11, một động thái được hoan nghênh rộng rãi như một sự khôi phục trật tự quốc tế và trật tự nước Mỹ cũ sau chính quyền ông Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết” và “MAGA - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Tờ The Guardian đưa tin, ông Joe Biden cũng bác bỏ những lời chỉ trích từ những người cấp tiến cánh tả bằng cách nhấn mạnh sự đa dạng và cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, mặc dù những rạn nứt trong nội bộ Đảng Dân chủ còn lâu mới được hàn gắn.
Phát biểu về nhân sự mới tại Wilmington, Delaware, ông Joe Biden cho biết: “Đó là một nhóm phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại. Sẵn sàng dẫn đầu thế giới, không thoái lui. Một lần nữa ngồi đầu bàn, sẵn sàng đối đầu với kẻ thù và không từ chối đồng minh của chúng ta. Sẵn sàng đứng lên vì các giá trị của chúng ta”.
Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris nói thêm: “Khi Joe đề nghị tôi trở thành đồng sự tranh cử của ông ấy, ông ấy đã nói với tôi về cam kết rằng chúng tôi sẽ chọn một nội các giống như nước Mỹ - điều đó phản ánh những gì tốt nhất của quốc gia chúng ta. Đó là những gì chúng tôi đã làm được”.
Ông Joe Biden cho hay, với John Kerry, một cựu ngoại trưởng và ứng cử viên tổng thống, lần đầu tiên nước Mỹ sẽ có một nhà lãnh đạo khí hậu toàn thời gian, người có “một chỗ ngồi ở mọi cuộc họp bàn trên thế giới”. Ông Joe Biden cũng cho biết, ông John Kerry là “một trong những người bạn thân nhất” của mình, người sẽ “nói cho nước Mỹ về một trong những mối đe dọa được cho là lâu đời nhất trong thời đại của chúng ta. Không ai mà tôi tin tưởng hơn”.
Ông Joe Biden phát biểu trên sân khấu phông nền xanh có chiếc đèn lồng màu xanh đề "Văn phòng tổng thống đắc cử”. Ông hứa sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo đạo đức và toàn cầu của Mỹ, đảm bảo rằng các nhân viên và các nhà ngoại giao “sẽ không chỉ sửa chữa mà còn định hình lại chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ cho thế hệ tiếp theo”.
Ông Joe Biden đang bắt đầu giai đoạn mới trong quá trình chuyển giao quyền lực sau khi chính phủ liên bang cuối cùng công nhận ông là "người chiến thắng rõ ràng" trong cuộc bầu cử ngày 3.11, cấp quyền truy cập vào không gian văn phòng, họp giao ban tình báo và quỹ chuyển giao hàng triệu USD.
Tổng thống Donald Trump, mặc dù chưa chính thức chấp nhận thất bại, song đã ủng hộ việc chuyển giao. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 24.11, ông Donald Trump hoan nghênh thị trường chứng khoán tăng điểm nhưng không trả lời các câu hỏi.
Trong khi đó, ông Joe Biden viết trên Twitter: “Cuộc bầu cử đã kết thúc. Đã đến lúc dẹp bỏ đảng phái và những lời ngụy biện được thiết kế để hạ bệ lẫn nhau. Chúng ta phải đến với nhau”.
Nhân sự mới
Đội ngũ an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại mới của ông Joe Biden là những người dày dặn kinh nghiệm, đặc biệt là những nhân vật trong chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ông Antony Blinken - được đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ - cho biết tại Wilmington hôm 24.11 rằng, nước Mỹ cần phải tiến lên phía trước với sự khiêm tốn và tự tin.
“Chúng ta không thể giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới một mình. Chúng ta cần làm việc với các quốc gia khác" - ông Blinken phát biểu, nhưng nói thêm: “Nước Mỹ vẫn có khả năng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên trái đất trong việc đưa những người khác lại với nhau để đáp ứng những thách thức của thời đại chúng ta”.
Ông Jake Sullivan sẽ là cố vấn an ninh quốc gia trong khi bà Linda Thomas-Greenfield được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Bà Avril Haines, cựu Phó Giám đốc CIA, nếu được xác nhận, sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên làm giám đốc tình báo quốc gia.
Ông Joe Biden được cho là có kế hoạch đưa bà Janet Yellen trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong lịch sử 231 năm của bộ này. Bà đã lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang từ năm 2014 đến năm 2018.
Từ ba tháng nay, trong kế hoạch chung chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho nhiệm kỳ 2020-2025, các đảng bộ từ cơ sở trở lên đã lần lượt tiến hành đại hội.
Cho đến cuối tháng 10.2020, hầu như tất cả đảng bộ tỉnh và thành phỗ trực thuộc cũng như đảng bộ các ngành đều đã thực hiện thành công các đại hội, chỉ còn chờ ngày đại hội Đảng toàn quốc, tức là Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Qua các đại hội, những đại biểu ưu tú đã được bầu để dự Đại hội Đảng lần thứ XIII. Những đại biểu được chọn là những cán bộ trong nhiệm kỳ qua đã thể hiện vừa có tài, vừa có đức, nắm vững đường lối chung của Đảng, cũng như kế hoạch cụ thể, đồng thời đã triển khai mọi công tác một cách xuất sắc.
Trong Đại hội, họ sẽ nêu lên những ý kiến đóng góp vào các dự thảo và cân nhắc bàn bạc một cách tích cực để cùng nhau tìm những giải pháp được cho là đúng nhất. Từ những kết luận trên đây, trong những năm sắp tới, từ Trung ương đến cơ sở, các cấp sẽ vạch cho mình con đường đi mà đích cuối cùng là một Việt Nam lớn mạnh thêm một bước, tiến bộ, vẻ vang, trù phú, nhân dân càng ấm no, hạnh phúc.
Đúng như vậy, những đại biểu này sẽ lao vào công việc với lòng hăng say chưa từng có. Họ chia làm hai phần: một phần là những cán bộ cũ đã được chứng minh vững vàng thông qua thử thách, trong đó có những bí thư tỉnh, bí thư ngành của giai đoạn trước nay được đại biểu các đại hội tín nhiệm bầu lại cho nhiệm kỳ mới 2020-2025. Bộ phận thứ hai là những đại biểu có kinh nghiệm đã tham gia, với vị trí khiêm tốn hơn, nhưng đã thể hiện đủ sức để đảm nhận nhiệm vụ sắp tới. Dù thuộc bộ phận nào, họ đều có thể được gọi là những gương mặt mới trong "cuộc chiến" 5 năm sắp tới.
Nghĩ lại về thời kỳ liền sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do giáo điều cũng có, do sự nôn nóng xây dựng xã hội mới cũng có, miền Nam đã trải qua những khó khăn chưa từng có, nhất là TP.HCM. Trước tình hình nay, Trung ương Đảng rất lo ngại. Đại hội Đảng lần thứ VI bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư và đã quyết định "đổi mới" về mọi phương diện. Theo chủ trương này, mọi tầng lớp nhân dân, kể cả địa chủ và tư sản yêu nước, đều có thể tham gia một cách tích cực vào ciệc xây dựng và phát triển trên cơ sở nền kinh tế thị trường. Thực hiện chủ trương này, bên cạnh các cơ sở quốc doanh, nhiều công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn ra đời, trên cơ sở luật công ty mà Quốc hội đã thông qua.
Trong ngành y tế, một kế hoạch đổi mới cũng được đề xuất và được sự chấp thuận của Chính phủ, nên đã nhanh chóng triển khai. Một công ty cổ phần ra đời, có rất nhiều cổ đông phấn khởi tham gia. Công việc tuy mới mà không ai lúng túng, vừa làm vừa học, mong mỏi cái mới được thực hiện sẽ đem kết quả tôt, góp phần làm đời sống được cải thiên.
Ba mươi mấy năm đã trôi qua. Nền kinh tế thị trường tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo vững vàng của Đảng, đưa nước Việt Nam liên tục đi lên, xác định được vị trí của mình trong cộng đồng quốc tế.
Những gương mặt mới ngày nào nay càng thêm dày dặn, làm đầu tàu đưa nhiều cán bộ trẻ hơn, được đào tạo bài bản, được hướng dẫn vững chắc làm nòng cốt cho những người nối tiếp với chất lượng cao hơn và với niềm tin vững chắc.
Trên cơ sở trên đây, nước Việt Nam ta luôn luôn mạnh dạn tiến về phía trước.
https://nld.com.vn/... đăng ngày 24-11-2020 - 07:34.|Thời sự quốc tế
(NLĐO) – Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) cho phép đội ngũ của ông Joe Biden bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực chính thức.
Trong thư gửi ông Biden ngày 23-11, Giám đốc GSA Emily Murphy viết bà không bị Nhà Trắng gây áp lực nhằm trì hoãn chuyển giao quyền lực mà dựa vào pháp luật và tình hình thực tế để ra quyết định.
Đây được xem là bước đầu tiên cho thấy chính quyền Mỹ đã công nhận thất bại của Tổng thống Trump. Điều này cũng đồng nghĩa đội ngũ của ông Biden hiện sẽ có các quỹ liên bang và một văn phòng chính thức để bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực trong 2 tháng tới.
Tổng thống Trump thông qua Twitter khẳng định GSA cần làm "những gì phải làm liên quan đến những nghi thức ban đầu và tôi cũng đã chỉ đạo nhóm của tôi làm như thế".
"Tôi muốn cảm ơn Giám đốc GSA Emily Murphy vì sự tận tụy và trung thành với đất nước. Bà ấy đã bị quấy rối, đe dọa và lạm dụng, tôi không muốn thấy điều này xảy ra với bà ấy và gia đình, cũng như các nhân viên GSA. Các vụ kiện sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ, tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng" - Trump viết trên Twitter.
Ông Joe Biden được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử. Ảnh: Reuters
Trước đó, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump hôm 23-11 tuyên bố sẽ tiếp tục chiến lược pháp lý để thách thức kết quả bầu cử 2020, sau khi giới chức Michigan xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden tại bang này.
"Việc giới chức bang xác nhận kết quả bầu cử chỉ là một bước đi mang tính thủ tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục chống lại gian lận bầu cử trên toàn quốc, tiếp tục cuộc chiến yêu cầu đếm mọi lá phiếu hợp lệ. Người Mỹ cần được đảm bảo về một kết quả cuối cùng công bằng và hợp pháp" – bà Jenna Ellis, cố vấn pháp lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, khẳng định.
Tổng thống Trump đến giờ vẫn chưa công nhận chiến thắng của ông Biden và thường xuyên khẳng định cuộc bầu cử năm nay bị gian lận quy mô lớn nhưng không trưng ra được bằng chứng thuyết phục.
Với việc Michigan xác nhận kết quả bầu cử, hy vọng thách thức kết quả bầu cử của Tổng thống Trump càng trở nên phai nhạt.
Tổng thống Donald Trump thông báo ông đã cho phép người đứng đầu GSA tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ông Biden – người từng tuyên bố sẽ xóa bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, hôm 23-11 bổ nhiệm ông Antony Blinken vào vị trí ngoại trưởng. Ông Biden còn bổ nhiệm ông Jake Sullivan làm cố vấn an ninh quốc gia và bà Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ Liên Hiệp Quốc. Cả 2 đều là những nhân vật dày dặn kinh nghiệm chính trường, theo Reuters.
Cựu Thượng nghị sĩ John Kerry được bổ nhiệm làm đặc phái viên chống biến đổi khí hậu. Theo 2 nguồn tin mật, ông Biden nhiều khả năng bổ nhiệm cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Janet Yellen làm bộ trưởng tài chính mới.
Cùng với ông Sullivan, cố vấn chính sách cấp cao cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 của bà Hillary Clinton, ông Blinken hỗ trợ ông Biden xây dựng chiến lược để tiếp cận nhanh chóng những đồng minh từng bị phớt lờ bởi chính quyền Tổng thống Trump, cũng như để thể hiện sự sẵn sàng hợp tác trong những vấn đề toàn cầu quan trọng như Covid-19.
Triển vọng về một sự đảo ngược chính sách ngoại giao của Mỹ đã được nhiều đồng minh hoan nghênh, đặc biệt là những quốc gia tại châu Âu – nơi không hài lòng với hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump về thương mại, các mối quan hệ với Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong cuộc điện đàm hôm 23-11, người đứng đầu NATO và một quan chức cấp hàng đầu của khối Liên minh châu Âu (EU) đã mời ông Biden tái thiết các mối quan hệ xuyên đại tây dương và gặp gỡ các đồng minh châu Âu của Washington vào năm sau.
Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH-phần 3
LĐO |
Báo Lao Động trân trọng giới thiệu Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
Thực hiện thắng lợi Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó:
1. Các cấp uỷ đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và tăng cường lãnh đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và chỉ đạo triển khai thực hiện.
2. Các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu trong từng giai đoạn để đề xuất điều chỉnh, bổ sung các giải pháp trong quá trình thực hiện. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, theo dõi tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; thực hiện giám sát, phản biện xã hội các đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu 5 năm.
_______________________
[1] Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Các số liệu nêu trong phần đánh giá tình hình sẽ được cập nhật trong quá trình hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
[2] Nếu tính theo giá sản xuất, tỉ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ (bao gồm xây dựng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp) tăng từ mức 82,6% năm 2015 lên khoảng trên 85% năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (85%).
[3] Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, tăng từ mức 28 tỉ USD năm 2015 lên trên 80 tỉ USD vào cuối kỳ Kế hoạch. Bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ kể từ năm 2019 đến nay.
[4] Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán được kiểm soát ở mức thấp hơn so với các năm trước. Năm 2016 tăng 17,65%, năm 2017 tăng 14,91%, năm 2018 tăng 12,21%, năm 2019 tăng 14,22%, giai đoạn 2016 - 2019 tăng 14,74% (giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 17,45%).
[5] Tăng trưởng tín dụng và GDP các năm lần lượt là: Năm 2016 là 18,25% và 6,21%; năm 2017 là 18,28% và 6,81%; năm 2018 là 13,89% và 7,08%; năm 2019 là 13,65% và 7,02%.
[6] Dư nợ đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm trên 80% tổng dư nợ.
[7] Giai đoạn 2016 - 2019, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt bình quân 25,5% GDP, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (23,4% GDP). Ước giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 24,5% GDP.
[8] Năm 2016 là 80,5%, năm 2017 là 80,3%, năm 2018 là 80,7%, năm 2019 là 82,1%, dự kiến đến năm 2020 khoảng 84,3% theo đúng định hướng là tăng tỉ trọng thu nội địa.
[9] Bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2019 đạt 3,5% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 (5,4% GDP), dự kiến năm 2020 bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,99% GDP. Từ năm 2017, nhờ giảm bội chi ngân sách nhà nước, siết chặt quản lý vay và bảo lãnh chính phủ, nợ công bắt đầu giảm. Đến hết năm 2019, tỉ lệ nợ công ước khoảng 55% GDP, nợ chính phủ khoảng 48% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,1% GDP, nằm trong giới hạn cho phép tương ứng là không quá 65% GDP; 54% GDP và 50% GDP. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khả năng thu ngân sách sẽ thấp hơn dự kiến, đồng thời các chính sách hỗ trợ cho y tế, sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội sẽ phát sinh thêm yêu cầu tăng chi, dẫn tới tăng bội chi ngân sách nhà nước. Tỉ lệ nợ công dự kiến năm 2020 tăng lên khoảng 56,8% GDP nhưng vẫn góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.
[10] Tỉ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm từ mức 38% năm 2015 xuống còn khoảng 32,9% năm 2020. Với chính sách đẩy mạnh đầu tư công để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, khả năng tỉ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội sẽ tăng lên.
[11] Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt khoảng 173 - 174 tỉ USD, trong khi đó vốn thực hiện ước đạt khoảng 92 - 93 tỉ USD (giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 100,3 tỉ USD, vốn thực hiện đạt gần 60 tỉ USD).
[12] Dưới tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá năm 2020 tăng khoảng 1%.
[13] Mức thặng dư năm 2019 khoảng gần 10,87 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 5 lần so với thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD), gấp 6 lần so với thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).
[14] Năm 2016, có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 88,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,9%.
[15] Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã tiến hành đầu tư ra thị trường nước ngoài tại 9 quốc gia. Tập đoàn VNPT đã từng bước triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ra nước ngoài, đồng thời, thành lập các chi nhánh hoặc mở văn phòng đại diện tại 6 nước. FPT chính thức trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Mi-an-ma cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông NFS.
[16] Nhập khẩu của nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hoá thiết yếu luôn chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 7%.
[17] Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020 ước gấp 1,7 lần giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 11%/năm.
[18] Đến năm 2020, ước có 258 trung tâm thương mại, tăng 1,6 lần so với năm 2015; có hơn 1.000 siêu thị, tăng 1,3 lần.
[19] Tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 13,4% năm 2016 lên ước đạt 16,58% năm 2020. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 52% năm 2016 lên ước hơn 78% năm 2020.
[20] Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6/2019, cả nước đã cổ phần hoá 171 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 206,7 nghìn tỉ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá cả giai đoạn 2011 - 2015; tổng số thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 là 221 nghìn tỉ đồng, gấp 2,7 lần giai đoạn 2011 - 2015.
[21] Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
[22] Tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13,4% năm 2016 lên khoảng 16,58% năm 2020. Trong khi đó, tỉ trọng ngành khai khoáng giảm từ 8,1% năm 2016 xuống còn 6,0% năm 2020.
[23] Như: Các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô; Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoà Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty cổ phần thép Nam Kim trong lĩnh vực sắt thép, kim khí...
[24] Theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).
[25] Bình quân hằng năm cả nước trồng được 279,9 nghìn ha rừng tập trung, trong đó 94% rừng sản xuất. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung tăng lên, đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Lợi nhuận của các hộ gia đình chủ rừng tăng thêm từ 25 - 30%.
[26] Tính đến hết năm 2019, có hơn 4.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã, bình quân cả nước đạt 15,7 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020). Dự kiến đến hết năm 2020, có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
[27] Trong bảng xếp hạng năm 2018 của Brand Finance, 4 thương hiệu viễn thông của Việt Nam đều nằm trong danh sách 300 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới. Năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội vươn lên đứng thứ hai trong ASEAN và xếp vị trí thứ 47 trong tốp 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới.
[28] Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành (TTCI) năm 2019 của Việt Nam là 63/140 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2017 (67/136 quốc gia). Trong đó, tài nguyên văn hoá, dịch vụ công vụ (hạng 29) và tài nguyên tự nhiên (hạng 35) được xếp vào nhóm cao ở trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á thì xếp lần lượt ở vị trí thứ 2 và 3.
[29] Một số lĩnh vực như sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kính tiết kiệm năng lượng đã đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất ngang tầm với nhiều nước phát triển trên thế giới. Trên thị trường vật liệu xây dựng đã xuất hiện một số sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh, thân thiện môi trường.
[30] Trong công tác điều hành, mỗi năm Chính phủ đều ban hành một nghị quyết riêng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hoá khoảng 6,8 nghìn trong tổng số trên 9,9 nghìn dòng hàng kiểm tra chuyên ngành (vượt 36,5% mục tiêu đề ra); cắt giảm, đơn giản hoá trên 50% điều kiện kinh doanh (vượt 11,5% mục tiêu đề ra).
[31] Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng rất nhanh 10 bậc so với năm 2018, xếp 67/141 nền kinh tế, trong khi đó giai đoạn 2015 - 2017, chỉ số GCI tăng rất chậm, năm 2017 chỉ tăng 1 bậc so với năm 2015. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng từ thứ 88/183 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2010 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019.
[32] Như: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
[33] Dự kiến đến năm 2020, cả nước có hơn 26 nghìn hợp tác xã; có gần 1,2 nghìn quỹ tín dụng nhân dân, phần lớn hoạt động có hiệu quả; có 95 liên hiệp hợp tác xã; có khoảng 115 nghìn tổ hợp tác đăng ký hoạt động.
[34] Tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2020, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 101 luật, pháp lệnh, nghị quyết, giảm 19 văn bản so với giai đoạn 2011-2015. Chính phủ ban hành khoảng 688 nghị định, giảm 33 nghị định so với giai đoạn 2011-2015. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật giảm và chuyển dần theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.
[35] Loại hình nhà ở cho thuê bước đầu được xây dựng, phát triển. Các sản phẩm bất động sản hiện đại, tích hợp được hình thành, chất lượng sản phẩm từng bước được cải thiện, đặc biệt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, bất động sản thông minh, an toàn.
[36] Đến nay, cả nước có 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 30 cơ sở vườn ươm tạo công nghệ, 186 tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, 50 trung tâm chuyển giao công nghệ thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học. Mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở 63 tỉnh, thành phố cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp.
[37] Đến nay, đã có hơn 3 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), GII của Việt Nam năm 2019 đứng ở vị trí thứ 42/129 quốc gia/nền kinh tế, tăng 3 bậc so với năm 2018 và 17 bậc so với năm 2016; năm 2020 tiếp tục duy trì ở vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và dẫn đầu nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có cùng mức thu nhập.
[38] Như: Các đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hoà Lạc - Hoà Bình, Hạ Long - cầu Bạch Đằng; các tuyến quốc lộ: Tân Vũ - Lạch Huyện, Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2); các hầm: Đèo Cả, Cù Mông; cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư, một số dự án quan trọng đã hoàn thành, như: Cảng hàng không Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn...
[39] Một số khu đô thị mới, đô thị mở rộng đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tách riêng nước mưa và nước thải. Các mô hình về đấu nối, thu gom nước thải đang được nhân rộng đến các địa phương trên cả nước. Một số cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, như: Nhà máy xử lý rác thải tại Bố Trạch - Quảng Bình, Dự án đốt rác phát điện tại Thới Bình - Cần Thơ...
[40] Như: Mông Dương 1 công suất 1.000 MW (năm 2016), Duyên Hải 1 công suất 1.200 MW (năm 2016), Duyên Hải 3 công suất 1.200 MW (năm 2017), Vĩnh Tân 4 công suất 1.200 MW (năm 2017). Đồng thời, đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cô Tô, Vân Đồn...
[41] Cáp quang hoá đến cấp xã, thôn, bản với trên 1 triệu km, phủ sóng thông tin di động đến 98% người dân với công nghệ hiện đại, thuộc nhóm các quốc gia thử nghiệm thành công sớm công nghệ 5G. Tốc độ kết nối Internet năm 2018 xếp hạng 58 thế giới.
[42] Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị giảm từ mức 3,37% năm 2015 xuống còn khoảng 3,1% năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, nhiều doanh nghiệp giãn, dừng, thậm chí phải chấm dứt hoạt động. Do đó, nhiều lao động có nguy cơ mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp năm 2020 gia tăng, ước khoảng 4,39%.
[43] Như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020.
[44] Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng.
[45] Đã và đang thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hơn 335,8 nghìn hộ người có công; hỗ trợ nhà ở cho hơn 181,4 hộ nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị bão, lụt; xây dựng hơn 6 triệu m2 nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp.
[46] Tỉ suất tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống giảm từ mức 58 ca năm 2016 xuống còn khoảng 45,8 ca năm 2020.
[47] Tính đến ngày 30/6/2019, đã giảm trên 115,4 nghìn biên chế, trong đó có 18,3 nghìn biên chế công chức.
[48] Đã thành lập Uỷ ban quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến nay, có khoảng 47 nghìn dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở cấp độ 3, 4 tại các bộ, ngành và địa phương. Đưa vào vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương có cổng thông tin điện tử; các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các sở, ngành, quận, huyện có trang thông tin điện tử; thông tin cập nhật trên cổng thông tin/trang thông tin ngày càng đa dạng, phong phú, số lượng tin bài được cập nhật thường xuyên.
[49] Hải quân, phòng không - không quân, cảnh sát biển, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, cơ yếu...
[50] Đặc biệt là: Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia.
[51] Như: Đã chỉ đạo xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của 28 khu kinh tế - quốc phòng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc biên giới đất liền, trên biển, hải đảo; đã từng bước bố trí lại dân cư thành các cụm làng, xã, thôn, bản theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
[52] Như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội...
[53] Trong giai đoạn dịch Covid-19, tính đến ngày 16/9/2020, đã tổ chức hơn 130 chuyến bay đưa hơn 35 nghìn công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước an toàn.
[54] Như: (1) Biến đổi khí hậu. (2) Kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún. (3) Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định. (4) Trình độ lao động ngành nông nghiệp, nông thôn mặc dù đã nâng lên, nhưng còn thấp so với yêu cầu.
[55] Tỉ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 70,6% năm 2015 xuống 68,8% năm 2019.
[56] Việc hoàn thành 2.000 km đường bộ cao tốc chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra; chưa có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; phát triển đường sắt còn chưa được quan tâm bố trí vốn, các dự án đường sắt đô thị triển khai chậm.
[57] Như: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Tuý Loan, Trung Lương - Mỹ Thuận; các dự án đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên.
[58] Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế năm 2019 là 332 tỉ USD, GDP bình quân đầu người là 3.442 USD/người, năm 2020 dự kiến đạt khoảng 340 tỉ USD (7,99 triệu tỉ đồng) và GDP bình quân đầu người khoảng 3.490 USD. Các chỉ tiêu kinh tế tính toán cho Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 căn cứ vào số liệu đã được đánh giá lại.
[59] Gồm: (1) Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. (2) Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. (3) Lĩnh vực độc quyền tự nhiên. (4) Ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế (Điều 10, Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp).
[60] Tính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
[61] Là chỉ tiêu Tỉ lệ lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng lao động có việc làm đến năm cuối kỳ.
[62] Là chỉ tiêu Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị đến năm cuối kỳ.