Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Việc tử tế và sự tàn nhẫn đến từ “búa rìu” dư luận

 VĂN HÓA

Việc tử tế và sự tàn nhẫn đến từ “búa rìu” dư luận

https://giaoduc.net.vn/... đăng ngày 11/09/2020 06:29. Phạm Minh
GDVN- Đến cả những việc làm tử tế cũng bị gièm pha, mỉa mai, ném đá thì chúng ta phải lý giải câu chuyện buồn ấy như thế nào?

"Ném đá" dường như đang trở thành trào lưu khá phổ biến trên mạng xã hội ngày nay với nhiều người. Ngay cả những hành động tốt có khi cũng bị "ném đá", vì thói ích kỷ, tầm nhận thức hạn chế, vì sự nghi ngờ về những việc làm tốt và tự cho mình quyền bình phẩm, mỉa mai người khác.

Mới nhất là sự việc ông Đoàn Ngọc Hải (cựu Phó Chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) với những chuyến xe nghĩa tình giúp đỡ bệnh nhân nghèo đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Bên cạnh những lời khen ngợi, bày tỏ sự cảm phục, trân trọng thì cũng có không ít những ý kiến bình phẩm khiếm nhã, thậm chí là gieo lời ác ý. Nhiều chia sẻ, bình luận trên các diễn đàn mạng xã hội cho rằng ông Hải đang “làm màu”.

Có người còn đặt dấu chấm hỏi với thái độ mỉa mai “Ông đã chở được bao nhiêu chuyến xe”? Lại có người cho rằng ông “đã cởi áo từ quan mà còn muốn lên báo”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Đoàn Ngọc Hải đối diện với những lời bình như vậy. Khi còn ở “chốn quan trường”, ông Hải đã cương quyết lập lại kỉ cương, trật tự vỉa hè khiến truyền thông dậy sóng. Thời điểm đó, người khen ngợi ông rất nhiều, nhưng chê bai cũng chẳng ít.

Hình ảnh chiếc xe Hyundai Starex cứu thương của ông Đoàn Ngọc Hải. (Ảnh: Qdnd.vn)

Sau khi từ chức, ông Hải xây nhà cho người vô gia cư tá túc trong lúc khó khăn, mặc cho một số thành phần dư luận nói mình “làm màu”, “diễn kịch”...

Báo Tiền Phong trong tháng 12/2019 đăng bài có ý kiến chia sẻ của ông Hải: “Tôi muốn dành cho bà con có một chỗ ngủ qua đêm hoàn toàn miễn phí, có thể không được tươm tất như nhà nghỉ nhưng sẽ tốt hơn so với việc ngủ ngoài đường”. (1)

Và giờ đây, những chuyến xe nghĩa tình của ông lại tiếp tục phải hứng chịu “búa rìu” từ một số người. Từ đôi dép tổ ong mà ông mang, từ giấc ngủ vội trên xe,… tất cả, tất cả đều trở thành chủ đề bị mang ra bàn tán, công kích.

Nơi để bình dưỡng khí cũng như bình nước và dung dịch khi truyền tiếp cho bệnh nhân trên xe cứu thương của ông Hải. (Ảnh: Qdnd.vn)

Nếu nói việc ông Hải “diễn kịch” khi xây nhà cho người vô gia cư nương nhờ hay mua xe cứu thương chở người nghèo miễn phí, thì đó là những vai diễn tốn kém vô cùng. Và, ông Hải có lẽ cũng chẳng có lý do gì phải diễn như vậy, nhất là khi bỏ ra chi phí cá nhân và cả sức lực để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Chẳng có một vở kịch nào ở đây ngoài sự tử tế và tình yêu thương, sự sẻ chia mà ông Hải dành cho những người dân nghèo, những người bần cùng nhất trong xã hội.

Ngày 3/9/2020, báo Dân trí có đăng bài viết “Ông Đoàn Ngọc Hải: Tôi giúp người nghèo không phải để làm màu”. (2)

Thật chua xót biết bao! Từ bao giờ những người làm việc thiện lại phải đi phân bua về hành động của bản thân mình như thế!

Từ bao giờ trong mắt của nhiều người, những hành động tử tế lại trở nên vô nghĩa và thiếu trân trọng đến vậy? Từ bao giờ người ta lại nghi ngờ cả những việc làm nhân nghĩa?

Từ bao giờ đến cả những việc làm tử tế cũng bị gièm pha, mỉa mai, ném đá? (Ảnh: Qdnd.vn)

Không ít lần trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát giao thông giúp đỡ người bị nạn hay tham gia dọn đất cát trên đường.

Trước những hình ảnh đó, bên cạnh những lời khen là những bình luận vô cùng gay gắt, ác ý. Họ thản nhiên bàn tán những hành động đó là “giả tạo”, là “làm màu”, là “đánh bóng” hình ảnh bản thân.

Từ sự ngờ vực, một bộ phận dư luận đã mỉa mai, châm chọc, sẵn sàng quay lưng, phủ nhận và rũ bỏ những nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.

Vào tháng 5/2018, một vụ việc xảy ra làm chấn động dư luận: Tại thành phố Hồ Chí Minh, 2 hiệp sĩ đường phố hi sinh, 3 hiệp sĩ khác bị trọng thương khi xả thân liều mình bắt cướp.

Những hiệp sĩ đường phố ấy đều là những người lao động nghèo, chạy xe ôm kiếm sống với gánh nặng về gia đình, mẹ già, con cái. Nhưng trong lúc mưu sinh họ vẫn sẵn sàng dành thời gian giúp những người không may mắn bị cướp giật, đe dọa trên đường.

Thế nhưng, cũng tại thời điểm đó, có nhiều kẻ chỉ biết “cào phím” và “xát muối” vào nỗi đau của người khác. Họ cho rằng hiệp sĩ đường phố đã sai lầm, làm việc không đâu nên nhận phải cái kết đắng.

Vì thế mà nhiều người nói đó là những cái nhìn thiển cận, hẹp hòi, ích kỷ! Bạn nghĩ gì khi bạn hay người thân bị cướp, bị uy hiếp tính mạng mà xung quanh không ai bận tâm?

Vì sao họ không tiếp nhận câu chuyện bằng một trái tim đồng cảm, yêu thương, chia sẻ? Vì sao họ luôn chì chiết, khắt khe với những việc làm tử tế của những người tử tế?

Nếu theo lối suy diễn đó thì có lẽ tất cả những người tử tế đều đang chỉ “làm màu” mà thôi. Chẳng nhẽ trong đại dịch Covid – 19, những bác sĩ xung phong vào tuyến đầu chống dịch cũng là đang tự “đánh bóng” hình ảnh cho bản thân mình hay sao?

Chẳng nhẽ những cây ATM gạo, những suất quà miễn phí trong đợt giãn cách xã hội cũng chỉ là công cụ để chủ nhân của chúng diễn kịch hay sao?

Và như vậy, ngay cả cụ Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa đạp xe lên Ủy ban xã để xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, cậu học sinh lớp 6 nhặt rác miệng cống ở Long An cũng là đang tự “tô vẽ” hình ảnh cá nhân chăng?

Xin được hỏi họ “làm màu” với ai, họ “làm màu” để được gì? Và liệu rằng những người chỉ biết bình luận ác ý trên mạng xã hội đã bao giờ biết đến lối sống tử tế là thế nào chưa?

Trước những luồng ý kiến khắt khe, thật khó để người tốt vừa làm việc tử tế, vừa phải làm hài lòng dư luận.

Một khi lòng tốt bị ngờ vực, một khi con người ta thiếu niềm tin vào cuộc sống thì hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.

Không để việc tử tế, bình dị bị coi là bất thường
Không để việc tử tế, bình dị bị coi là bất thường

Không đón nhận những điều tốt đẹp, phủ nhận tình yêu thương, sẵn sàng “dẫm đạp” lên lòng tốt thì có khác nào đang tiếp tay cho những điều xấu xa tồn tại và tiếp diễn.

Đó cũng chính hành động “gieo mầm” cho lối sống ích kỷ, vô cảm trong xã hội ngày nay. Khi một người bị tai nạn mà hàng trăm người chỉ biết đứng nhìn. Khi một người bị cướp giật nhưng tuyệt nhiên xung quanh chỉ có những cái nhìn bàng quan, lãnh đạm.

Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật, đã và có thể sẽ còn tiếp diễn trong cuộc sống này.

Dẫu biết rằng, dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, đâu là điểm dừng, đâu là giới hạn hay người ta mặc nhiên buông lời cay đắng, sẵn sàng làm tổn thương những người tử tế, sẵn sàng “bôi nhọ” những hành động tử tế.

Chúng ta đã nói nhiều đến việc hình thành, xây dựng văn hóa mạng xã hội, thậm chí là đã đưa vấn đề ứng xử văn hóa trên mạng xã hội vào các văn bản pháp luật. Thế nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên vi phạm Điều 101 trong Nghị định số 15/2020/NĐ - CP quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội: Thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;…”.

Những lời suy diễn và bình phẩm ác ý của dư luận về hành động tử tế của ông Đoàn Ngọc Hải, các chiến sĩ công an, những hiệp sĩ đường phố chẳng phải là hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân hay sao.

Hãy nhớ rằng, những bình luận quá đà, ác ý, thiếu cơ sở trên mạng xã hội không còn là câu chuyện văn hóa, đạo đức mà đã trở thành vấn đề pháp luật.

Đã đến lúc cần dừng lại những hành vi, lời nói công kích, phán xét gây hiệu ứng tiêu cực trên mạng xã hội.

Đồng thời cần xử phạt nghiêm minh theo pháp luật với những hành vi cố tình bôi nhọ hình ảnh, danh dự, nhân phẩm của người khác.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu tâm lý - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nói rằng: "Hành động, việc làm tử tế, lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia là việc rất bình thường và tại sao chúng ta lại không tôn trọng?

Tôi cho rằng điều này cần ứng xử có tình và có sự trân quý. Việc đánh giá hay phán xét bất kỳ vấn đề nào về hành vi của người khác khi chưa có thông tin đầy đủ hay chỉ nhìn thấy một lát cắt của vấn đề có thể nói đó là sự chủ quan.

Nếu ngày hôm nay chúng ta có thể đánh giá, ngày mai chúng ta cũng đừng quên sự đánh giá ấy và cần tập chịu trách nhiệm.

Lẽ nhiên trong một xã hội, cũng không thể không có những hành vi mang màu sắc tử tế, lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia nhưng thực chất nó không thể và chưa hẳn là hành vi có động cơ hoàn toàn từ tâm hay trong sáng. Đó cũng chính là biểu hiện cần được chịu trách nhiệm hay cần tự đánh giá bởi chính bản thân mình.

Tôi cho rằng mỗi người có nhu cầu đánh giá và thể hiện quan điểm của mình và điều này là rất tự nhiên. Hơn nữa, khi con người là chủ thể, tính chủ quan càng lớn thì càng có nhu cầu đánh giá. Thậm chí, với một số người - nhóm đông hay một số cá nhân có một hiểu biết nhất định hay thông tin nhất định, càng dễ chủ quan và càng thể hiện sự đánh giá của chính mình.

Những cái nhìn khắt khe, thiếu trân trọng đối với những hành động tử tế và việc làm tử tế của người khác xuất phát từ nhiều lý do, và một trong những lý do là thích thể hiện. Sở thích này là biểu hiện của khát khao tự khẳng định. Cũng có thể là vì nghĩ mình là đại diện của cái đúng, chân lý hay có sức mạnh nên dễ biểu hiện sự phán xét với người khác.

Bên cạnh đó, truyền thông mở làm người ta dễ làm cho mình trở nên có quyền năng dù đó là quyền năng ảo chẳng thể có đủ cơ sở pháp lý hay đạo đức...

Sẽ có những cá nhân có thể bị hưởng sau quá nhiều đánh giá thiếu thiện cảm, thủ thế để tự bảo vệ mình và sẽ mất dần những cảm xúc tích cực. Thế nhưng, nếu bản thân cá nhân tin vào những gì mình làm, xuất phát từ rung cảm sẽ vẫn khẳng định bản thân mình qua những gì cần thực hiện bởi đó là rung cảm từ lương tri".

Tài liệu tham khảo:

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/ong-doan-ngoc-hai-toi-giup-nguoi-ngheo-khong-phai-de-lam-mau-20200903105200206.htm?

(2) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ong-doan-ngoc-hai-ban-dien-thoai-dong-ho-hang-hieu-lo-cho-nguoi-vo-gia-cu-1500469.tpo

Phạm Minh

Không có nhận xét nào: