Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Triều cường dâng và nỗi lo của nhà vườn

Triều cường dâng và nỗi lo của nhà vườn
Copy từ http://www.baohaugiang.com.vn/moi-truong/trieu-cuong-dang-va-noi-lo-cua-nha-vuon-61970.html, tác giả: Nguyên Anh , đã đăng ngày 07-10-17 lúc 09:20.
Nhiều nhà vườn ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, vẫn chưa hết lo lắng sau đợt triều cường dâng gây ngập úng cục bộ vừa qua, mặc dù diện tích đất sản xuất nằm trong khu vực trạm bơm và có đê bao khép kín. Nỗi lo ấy sẽ còn tiếp diễn nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Nhiều nhà vườn ở ấp Mỹ Phú lo lắng cho diện tích vườn cây ăn trái trước tác động của triều cường.
Nông dân Lê Văn Tài, ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, có khoảng 1,5ha đất trồng sầu riêng, chanh và chuối. Nhưng đợt triều cường dâng cao vừa qua khiến ông hết sức lo lắng. Mảnh vườn bị ngập cục bộ trong nước khiến ông phải huy động tối đa máy móc để bơm nước liên tục ứng cứu vườn cây. Mùa lũ năm nay, triều cường dâng cao hơn mọi năm nên ông Tài và một số hộ dân lúng túng trong việc ứng phó. Mặt khác, diện tích canh tác nằm trong phạm vi khép kín, có trạm bơm phục vụ sản xuất nên nhiều hộ không có chuẩn bị từ trước.
Ông Tài bức xúc: “Hồi chưa có trạm bơm, nông dân vùng này ai cũng chuẩn bị máy móc tự ứng phó với triều cường từ khi bắt đầu mùa lũ. Năm nay, nước lớn ngập vườn cây ăn trái nhưng lại không thấy vận hành trạm bơm. Trước khi lũ về, nông dân trong câu lạc bộ làm vườn có tổ chức họp, đề xuất việc bơm nước khi triều cường dâng cao nhưng cuối cùng cũng không được phản hồi. Như chỗ tôi trồng cây ăn trái, nước mà ngập gốc cây chừng một tuần là ảnh hưởng. Năm nay, nước dâng cao nên nhiều hộ không thể tự nâng bờ bao, đắp đập tự bơm, mà chỉ có trạm bơm mới cứu được vườn cây thôi”.
Tương tự, nhà vườn Trần Trung Hiếu, ở ấp Mỹ Phú, cũng lo ngại cho 0,2ha cam sành đang cho trái. Bởi khi cây bị ngập nước lâu sẽ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ, thậm chí rụng trái non. Ông Hiếu cho rằng diện tích canh tác nằm trong phạm vi khép kín, bên ngoài có hệ thống cống phủ kín ấp Mỹ Phú và ấp 5 và có cả trạm bơm điện, nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh ngập úng cục bộ khi triều cường dâng.
Nhìn về phía mảnh vườn, ông Hiếu lo lắng cho hay: “Theo kinh nghiệm, con nước cuối tháng thủy triều sẽ dâng cao hơn nữa nên tôi lo lắm. Nếu ngập một hai hôm thì còn đỡ, chứ nếu nước ngập lâu thì rễ cây sẽ bị hư, trái rụng, mất thu hoạch. Hiện tại, vườn cây có hiện tượng rụng trái, một vài cây trái đã đang ngả vàng. Loại cây này bị ngập chừng 10 ngày trở lên là thối rễ, không cứu được. Trước đây, trạm bơm cũng quy định mức thu phí, bà con đều nhất trí nhưng không biết lý do gì mà chỉ bơm ruộng thôi không bơm cho vườn cây ăn trái? Giờ tôi và nhiều nhà vườn chỉ mong mỏi nhất là làm sao vận hành trạm bơm để giúp nông dân ứng phó với con nước”.
Liên hệ với UBND xã Hòa Mỹ, chúng tôi được biết hiện trạm bơm ấp 5 - Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ phục vụ khoảng 860ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó có khoảng 170ha vườn, lúa khoảng 380ha, còn lại là đất ở và các diện tích sản xuất khác). Theo chính quyền địa phương, để vận hành trạm bơm hợp tác xã liên ấp 5 - Mỹ Phú phải sử dụng nguồn kinh phí khá lớn.
Ông Lê Hoàng Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: Đơn cử như vụ lúa Đông xuân năm 2016-2017 tổng kinh phí vận hành trạm bơm để phục vụ sản xuất toàn bộ diện tích khép kín khoảng 60 triệu đồng. Nếu vận hành cả hệ thống trạm bơm chỉ phục vụ vườn cây ăn trái thì tiền điện phải chi trả rất lớn. Chúng tôi đã nhận được ý kiến phản ánh của bà con, trước mắt để ứng phó với đợt triều cường sắp tới, xã sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước. Khi nước dâng cao sẽ cho đóng cống tạm thời từ 3-5 ngày, đến khi nước rút mở cống trở lại để bà con đi lại, vận chuyển thuận tiện hơn bằng đường thủy. Vừa qua, nhiều nhà vườn đã có biện pháp chủ động đối phó bằng cách tự bơm nước ra các kênh, rạch nhỏ nhằm hạn chế ngập úng cục bộ vườn cây ăn trái.
Dự kiến trong tháng 11 này, địa phương tổ chức sơ kết một năm sản xuất kết hợp triển khai lịch xuống giống vụ Đông xuân 2017-2018. Khi đó sẽ có lịch bơm cụ thể, thời gian đóng, mở cống... Đồng thời, xin ý kiến bà con về việc quy hoạch lại vùng sản xuất trong trạm bơm. Cụ thể sẽ phân ra khu phục vụ cho sản xuất lúa và vườn cây ăn trái để thuận tiện trong canh tác. Ở khu vực ấp Mỹ Phú tập trung nhiều diện tích cây ăn trái, sẽ tiến hành đắp đập dã chiến, ngăn triều cường để không làm ảnh hưởng vườn cây.
Bài và ảnh: Nguyên Anh

Không có nhận xét nào: