Bình dị “áo giáp lá
(Copy từ http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/phong-su/item/30522002-binh-di-%E2%80%9Cao-giap-la%E2%80%9D.html , tác giả: Trần Quỳnh Nga , đã đăng ngày 26/08/2016 .)
Chiếc áo tơi ngồ ngộ trên đồng xanh, giúp người nông dân chắn mưa, che nắng.
Thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được biết đến với nghề chằm áo tơi đã hơn 300 năm tuổi. Những tấm áo mang dáng nét đặc trưng rất riêng của vùng đất thừa thãi nắng và gió này đã giúp cho người nông dân gắn bó chuyên cần hơn với đồng ruộng. Cũng tấm áo ấy, đã góp phần gợi nhắc một mảnh hồn quê dân dã, neo giữ niềm yêu quê hương giữa nhộn nhịp, ồn ào phố thị.
1. Bạn bè tôi ở xa vẫn cứ đến mùa nắng nóng hay mưa lũ lại gọi điện hỏi thăm tình hình với cảm xúc ái ngại lẫn khâm phục rằng: Hà Tĩnh mùa này khắc nghiệt lắm đúng không? Khắc nghiệt lắm. Chịu nổi không? Thường thôi mà. Tôi trả lời thế rồi cười, nghĩ ngay đến chiếc áo tơi- một sản phẩm độc đáo được coi là “áo giáp lá” của người dân quê tôi. Dân tôi bao đời sống trong cái vùng đất được xem là “chảo lửa túi mưa” này mà vẫn vươn lên, cây vẫn cho hoa và trái vẫn ngọt lành thì hẳn là với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, người dân quê tôi cũng phải có bí quyết để thích nghi.
Ở Yên Lạc có 165 hộ dân sinh sống thì có đến 70% người biết chằm tơi lá, trong đó gần 80 hộ chằm tơi thường xuyên. Nghề chằm tơi bắt đầu từ khoảng tháng ba kéo dài đến hết tháng 6 âm lịch. Ấy cũng là lúc người nhà nông bước vào mùa ba vụ giáp một, thời điểm vất vả nhất của người nông dân. Cùng với hình ảnh chiếc nón lá thân thuộc thì ở đây áo tơi đã góp mặt vào cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn nơi những làng quê thanh bình. Tuy áo tơi lá có cấu tạo đơn giản nhưng có tác dụng ngăn mưa rất tốt, khi trời mưa người mặc vẫn có cảm giác khô ráo. Đến mùa khô thì ánh nắng lại khó lòng xuyên qua, áo tơi trở thành vật cách nhiệt giúp người nông dân có thể làm đồng ngay dưới ánh nắng gay gắt.
2. Để có nguyên liệu gồm lá nón và dây mây, người dân trong làng phải lên tận rú (núi) Khe Giao hoặc vào những con rú xa xôi tận vùng miền núi Hương Khê, Vũ Quang để “đi lá”. Các công đoạn sau đó cũng kỳ công và khá vất vả. Bà Thân Thị Cúc, người có hơn 30 năm làm nghề chia sẻ: “Lá lấy về được tuyển chọn từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ, không quá già mà cũng không quá non, được sấy cho khô rồi phơi sương cho lá nở và dai hơn. Để chằm được một chiếc áo tơi, người ta bắt đầu từ căng dây thừng trên bàn gỗ. Trước tiên là chằm, xếp lá và khâu mây, lớp lá cổ bọc sợi thừng. Sau đó chằm các lớp lá thân kế tiếp để thành tấm hình vuông chừng 75x75cm, xếp lá sát vào nhau như lợp mái nhà tranh ngày xưa, sau đó bẻ gập phần cuống xuống rồi dùng mây khâu đằn lên các lớp lá. Lớp lá tơi già được đặt ngoài cùng, bên trong lót thêm nhiều lớp lá nữa để áo tơi được bền chặt”.
Chiếc tơi hoàn chỉnh sau khi bẻ cổ cho “khum” lại, buộc thừng cố định với độ rộng đủ tròng qua đầu. Tơi chằm xong, được phơi thêm vài nắng rồi được cuốn lại như sâu kèn, chiếc này ôm lấy chiếc kia thành từng bó năm, mười chiếc. Cách chằm tơi như vậy đã truyền lại từ bao nhiêu đời trước. Không phức tạp, kỳ công như làm nón nhưng để chằm được một chiếc tơi cũng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người làm.
Trước đây ở Quang Lộc, có đến năm làng cùng làm nghề chằm tơi nhưng hiện nay nghề truyền thống này chỉ còn duy trì được ở ba làng là Yên Lạc, Yên Bình và Yên Lập. Ngày trước, người dân chằm tơi vào cả hai mùa nắng và mưa. Sự xuất hiện và phổ biến của áo mưa làm nghề tơi chỉ còn làm vào mùa nắng. Tuy nhiên hiện nay số người chằm tơi ngày càng ít đi, một phần vì lá để chằm tơi trở nên khan hiếm, phần nữa do nghề chằm tơi tiêu thụ được ít sản phẩm hơn, vì thế nhiều người dân nơi đây đang trăn trở tìm cách giữ nghề truyền thống.
Để tìm hướng đi mới và hiệu quả, ông Nguyễn Trọng Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lộc, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã cho biết: “Trong xã hội phát triển hiện nay, môi trường trong lành dần bị thu hẹp lại, nhất là với người dân thành phố, họ lại muốn tìm về với những vùng thôn quê mát mẻ trong lành. Nhận thấy xã mình có vị trí thuận lợi để kết hợp làm du lịch như cách Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Khu du lịch sinh thái Hồ Trại Tiểu chừng 7 km, cách Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng 3 km nên Trung tâm học tập cộng đồng xã Quang Lộc đã trình bày ý tưởng hình thành tour du lịch khám phá trải nghiệm làng nghề văn hóa. Khách du lịch tham quan làng chằm tơi sẽ được nghe giáo viên của Trung tâm giới thiệu về làng nghề truyền thống, cấu tạo chính của chiếc tơi. Đặc biệt, du khách sẽ được trực tiếp thực hành từng công đoạn chằm tơi dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Du khách sẽ được hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của người dân Hà Tĩnh…Ý tưởng này được người dân rất đồng tình và đã đi vào thực hiện”.
Với sự hỗ trợ vốn đầu tư, làng tơi Yên Lạc đang dần khởi sắc. Xã Quang Lộc đã ký hợp đồng với Công ty du lịch Xuân Thành (Hà Nội) để quảng bá, kinh doanh sản phẩm và giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Văn Quang, sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề chằm tơi cho biết: “Từ người già đến em nhỏ đều biết chằm áo tơi. Nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mùa gặt này mà không có cái tơi che sau lưng thì chắc tôi cũng chỉ đứng ngoài đồng được vài tiếng đồng hồ rồi về chứ chịu không nổi”.
3. Người dân làng Yên Lạc giờ đây trở thành làng du lịch, mang sứ mệnh bảo tồn và gìn giữ làng nghề truyền thống của cha ông. Đặc biệt, nhiều du khách đến thăm làng cứ mê mẩn chụp ảnh những người nông dân làm ruộng, khoác chiếc áo tơi ngồ ngộ trên đồng xanh. Nữ du khách Hoàng Bích Hà (Hà Nội) còn chia sẻ: “Tôi đã mua về nhà lưu giữ vì thấy ở trong mỗi chiếc áo tơi, chứa đựng nhiều công sức của người dân. Thêm nữa áo tơi và người nông dân là hình ảnh đẹp mà đến đây, nhóm sinh viên chúng tôi rất ấn tượng”.
Nghề chằm áo tơi đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của miền quê Hà Tĩnh. Chiếc áo tơi bao đời nay bạc sờn qua năm tháng, dầm mưa dãi nắng, là người bạn thấm hết nỗi gian lao của người nông dân. Nhiều lão nông tâm sự rằng, trong ký ức tuổi thơ của mình, áo tơi là hình ảnh đẹp, đã in dấu trong biết bao câu ca dao, lục bát, thành tranh ảnh, thơ văn và cất lên không chỉ ở ca khúc “Hà Tĩnh mình thương”…
Bao nhiêu năm qua, trên những nẻo đồng Can Lộc, áo tơi chở che cho những bà, những mẹ hay các chị - những dáng cò tảo tần đang vun trồng cho những mùa màng tươi tốt. Vẻ đẹp bình dị và thân thương ấy đã ăn sâu vào tiềm thức tôi, của nhiều người con xa quê để mỗi khi trở về lòng lại được hít hà không khí trong lành và hòa quyện trong phong cảnh quê hương tươi đẹp.
Ở Yên Lạc, từ người già cho đến em nhỏ đều biết chằm áo tơi.
TRẦN QUỲNH NGA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét