Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

“Làng ung thư” khát nước sạch

“Làng ung thư” khát nước sạch
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150201/cong-bo-danh-sach-lang-ung-thu-co-nguon-nuoc-o-nhiem-nang/706143.html , đăng ngày 01/02/15, mục Sống khỏe.
TT - Theo dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” đều ô nhiễm nặng.
Người dân làng Thống Nhất (Hà Nội) sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu từ nguồn giếng khoan, tuy nhiên nguồn nước không được đảm bảo do nước sông Nhuệ chạy quanh làng bị nhiễm asen rất cao - Ảnh: Nguyễn Khánh
Dự án trên do Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) triển khai thực hiện và đã kết thúc giai đoạn 1, đang chờ cấp trên xem xét giai đoạn 2.
1.136 người chết
Theo kỹ sư Nguyễn Lưu - liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) miền Trung, đóng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) - dự án không có kết luận gì về nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư mà chỉ điều tra, đánh giá về hiện trạng nguồn nước người dân đang sử dụng để tìm kiếm nguồn nước sạch cung cấp cho dân...
TS Hồ Minh Thọ - phó liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Trung, chủ nhiệm dự án - cho biết 37 “làng ung thư” được điều tra, khảo sát có phạm vi trải rộng nhiều nơi thuộc 22 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Kết quả điều tra, khảo sát tại các xã của 37 “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây, theo TS Thọ, và đó là số liệu do các cơ quan y tế địa phương cung cấp.
Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết.
“Nỗi đau ung thư” đã đổ xuống hàng ngàn gia đình. Có hộ ở làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khi điều tra có tới năm người bị ung thư và ba người trong đó đã chết.
Dân chờ nước sạch
TS Hồ Minh Thọ cho biết: “Qua điều tra, khảo sát của dự án thì điểm chung nhất là các nguồn nước bà con đang sử dụng ở các làng ấy đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước của VN”.
Trong giai đoạn 1 các nhà điều tra, khảo sát đã thu thập, phân tích 814 mẫu nước lấy từ nguồn nước sông, suối, giếng... mà người dân đang sử dụng tại 37 “làng ung thư”.
Các mẫu nước này đều có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Cụ thể, hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh vượt TCCP, hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn vượt TCCP, hơn 30% số mẫu có tổng hàm lượng sắt vượt TCCP.
Về thành phần trong nước, theo kết quả phân tích toàn diện và vi lượng thì có 50 mẫu nước thu thập có chứa nhôm, cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt TCCP.
Số mẫu có các chỉ tiêu vi lượng cao hơn TCCP tập trung ở các “làng ung thư”: Thạch Khê, Khu 8-11, Đồng Mai, Thống Nhất, Yên Lão, Yên Phong, Kim Thành, An Lộc, An Thổ, Xuyên Tây, Đại An, Phước Thiện, An Hòa, Nhơn Lộc 2, Xuân Vinh, Sơn Nghiệp, Văn Đăng, Đắk Mar, Thôn 4, Trung Hiệp, Nhơn Hậu 1 và Kênh Tư Gà.
Theo TS Hồ Minh Thọ, muốn tìm ra nguồn nước sạch để thay thế cho các nguồn nước ô nhiễm tại các “làng ung thư” ấy thì phải tiến hành giai đoạn 2 của dự án.
TS Thọ nói: “Chúng tôi đã xác định và kiến nghị trước mắt cần thiết phải tiếp tục điều tra, cấp nước sinh hoạt ở giai đoạn tiếp theo cho 10 “làng ung thư” có nguồn nước hiện tại bị ô nhiễm nặng nhất”. Nếu có kinh phí thì các làng còn lại cũng cần đầu tư tìm nguồn nước sạch - TS Thọ cho biết thêm.
Tuy nhiên, việc tìm nguồn nước sạch cho cư dân các “làng ung thư” đến nay vẫn còn nằm trong báo cáo của dự án đã trình lên cấp trên, chưa có phản hồi.
PHAN SÔNG NGÂN
10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất
1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP Hà Nội.
2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội.
3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Nguồn: dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”.
Ý kiến của một số độc giả:
09:42 01/02/2015 - Đỗ Quang Đán
Nếu như báo chí bớt đi những bài viết vô bổ chuyên gia này cho hay, học giả kia cho biết cho rằng mà dành đất để nói về nguy cơ ô nhiễm, cái khổ của người dân về nguồn nước về không khí đang rình rập mạng sống con người khắp các vùng thì tuyệt biết bao!
Cũng bởi chúng ta say làm kinh tế, say với tăng trưởng mà lãng quên đi cái hệ lụy của kinh tế có khi không bù lại nổi cái tai hại của chính kinh tế phát triển nóng vội đổ ập xuống đầu! Khảo sát bao nhiêu vùng quê cả nước này, nói thật ở phố ô nhiễm, về quê càng ô nhiễm kinh khủng hơn. Nguồn nước nơi các khu công nghiệp có mấy nơi xử lý cho tử tế?
Cứ kiểu bát nháo thế này thì các bệnh viện sẽ còn quá tải. Chả cứ ung thư làng nọ, làng kia mà đủ thứ bệnh lạ sẽ kéo về. Nhìn xem ăn cái gi cũng sợ, uống cái gì cũng lo. Đến cả mặc áo quần cũng nhiễm nọ nhiễm kia thì chúng ta đang sống trong những bất an của sự no đủ ,của vật chất dư dả còn sợ hơn cả khi còn nghèo đói.
Bộ Y tế thì chỉ nhăm nhăm lo giảm tải có hay cái cần lo hơn là phòng dịch bệnh, xử lý ô nhiễm tác nhân đẻ ra bệnh thì lại như lãng quên kia. Báo TUỔI TRẺ tung ra bài viết này dù muộn còn hơn không liệu có đủ cảnh tỉnh các cơ quan chức năng về cái ô nhiễm đang quá bất an với người Việt mình?
11:56 01/02/2015- Nguoicungkho
Bác Đán nói say làm kinh tế, say với tăng trưởng nghe hoa văn, giảm tránh quá. Chỉ có dân mình mới say trong chịu đựng thôi bác à, chứ mấy ông chủ dự án, rồi mấy ông kiểm định, phê duyệt (mà dân gọi là quan chức nhà nước , mấy ông đó gọi mình là đầy tớ của dân í) không say đâu bác ơi. Họ Chỉ Say với lợi ích cá nhân thôi, ai nghiên cứu kỹ ko nhìn ra, dự án không có khâu xử lí sau sản xuất thì 1-2 là ô nhiễm chết người rồi chứ nói gì 5-10 năm. Nhưng chủ đầu tư muốn giảm chi phí để bỏ túi nhiều hơn, mấy ông quan chức nhà nước hay đầy tớ của dân thì nhìn thấy đó nhưng há miệng mắc quai (lỡ ăn rồi nói sao) nên đánh đổi mạng sống của dân như vậy thôi. Rồi lại có thêm khoản khi tiền từ ngân sách rót xuống xử lí mấy vấn đề liên quan (chia chác ít).
10:52 01/02/2015 - Dân Miền Đông
Mấy bác cứ viết bài nói về chổ này ung thư, chỗ kia ung thư làng kia ung thư... Tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa, Bình Dương, trên 20 triệu người phải uống nước sông Đồng Nai ô nhiễm nặng bởi các kênh rạch. Khu công nghiệp La Ngà, Bàu Xéo, Trảng Bom, Hố Nai, Bình dương,Biên Hòa ngày đêm hàng triêu mét khối nước thải các loại xả xuống dòng sông này. Kinh khủng lắm... Rồi đây, cứ mỗi năm sẽ có hàng triệu người tham gia vào câu lạc bộ ung thư tại thành phố.
11:54 01/02/2015 - Kim cúc
Nguyên nhân ung thư, nguồn nước chỉ là một phần, còn lại là do môi trường làm việc: ví dụ làm việc ở các công ty da giày thường tiếp xúc với các dung môi hữu cơ như dung dịch làm vệ sinh giày, dung môi pha chế keo... Các công việc tiếp xúc với hoá chất trừ sâu, thuốc diệt cỏ...
12:14 01/02/2015 - nguyễn thanh hải
Những làng quê đó không dính dáng gì đến dòng tộc của những người làm dự án nên họ chẳng có gì phải lo lắng.
15:02 01/02/2015 -nguyen hung
Việt Nam đang trả giá cho sự phát triển không bền vững, hy sinh sức khỏe giống nòi, hy sinh môi trường xanh tươi trong sạch lấy tốc độ tăng trưởng cao. Bất cứ quốc gia nào trên thế giới vì phát triển kinh tế đều phải trải qua giai đoạn đau thương này. Nhưng Việt Nam là nước đi sau có thể học tập các kinh nghiệm quí báu của các nước đã phát triển đi trước nên có thể hạn chế được những hệ lụy xấu (mặt trái) của sự phát triển và chính vai trò quản lý nhà nước là quyết định.
Báo chí, phương tiện truyền thông phải nói nhiều, không chỉ một hai ngày mà hàng ngày, kéo dài hàng chục năm để mọi người dân trong xã hội, nhất là cán bộ các cấp có ý thức bảo vệ môi trường sống. Chỉ như vậy chúng ta mới hy vọng sau vài ba chục năm nữa môi trường sống Việt Nam sẽ trở lại xanh tươi tốt lành.
11:11 01/02/2015 -Nguyễn Tiến Hùng
"Làng ung thư", một điều rùng rợn đối với mọi người. Sống ở đó, con người chắc chắn phải chết vì ung thư nhưng vì không thể có nơi ở khác, cuộc sống không thể bỏ làng, bỏ quê cha đất tổ mà đi.
Chính con người là thủ phạm gây nên căn bệnh chết người này: xả thải nước sinh hoạt, nưới thải công nghiệp vô tội vạ, những nơi ngày xưa là nơi chứa chất độc hoá học như thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, kho chứa DDT, những kho chứa chất làm trụi lá trong chiến tranh do Mĩ để lại... Chất độc ngấm vào đất, con người khoan giếng dùng nước sinh hoạt, ăn uống...
Với chừng ấy "làng ung thư" như bài báo nêu, tôi e còn rất khiêm tốn. Đề nghị nhà nước có chiến lược qui hoạch cung cấp nước sạch cho nhân dân dùng, tránh dùng nước nhiễm bẩn cho mọi khu dân cư thì may ra hạn chế được mối hoạ này.
15:06 01/02/2015 - Nguyễn Thanh Huệ
Đã đến lúc, nếu không nói là quá muộn để có những nghiên cứu thấu đáo và có biện pháp xử lý tích cực vấn đề ô nhiễm trên toàn quốc, đặc biệt tại các địa chỉ đã nêu. Chúng ta cứ mải mê lo phát triển kinh tế mà không quan tâm đầy đủ vấn đề ô nhiễm. Hậu quả trước mắt là bệnh ung thư quá nhiều do ô nhiễm môi trường, do nguồn nước ô nhiễm do xả thải từ các nhà máy... Cá tôm chết hàng loạt, cây cỏ bị ô nhiễm, không khí đầy khí độc hại tại các đô thị lớn... đó là nguyên nhân của ung thư chứ còn đâu nữa!
14:42 02/02/2015 - minhquang
37 làng ung thư? Con số thực tế lớn hơn nhiều. Làng tôi, làng bạn không có tên trong 37 làng kia nhưng cũng có quá nhiều người chết vì ung thư, hoặc đang mang trong mình căn bệnh ấy chờ chết. Sợ nhưng biết làm gì? Rác không vứt bừa bãi, cũng thu gom nhưng không có biện pháp xử lí khoa học nào. Xã có nơi đổ rác tập trung, cũng thu phí của dân nhưng là để thuê xe chở ra một nơi để đốt. Thế là xong xử lí rác. Nước thải sinh hoạt và chăn nuôi người dân làm thế nào mà xử lí được? Cần lắm sự chỉ đạo của Sở Tài nguyên Môi trường. Dân chúng tôi đã hiểu, muốn tham gia bảo vệ môi trường trường sống nhưng làm như thế nào??

Không có nhận xét nào: