Đông Nam Á ngăn làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc
Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã phải triển khai biện pháp bảo vệ kinh tế trong nước trước làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ.
Trong khi các nước phương Tây đang có nhiều chính sách áp thuế nhập khẩu nhằm chống lại hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, làn sóng này cũng đang lan sang nhiều nước Đông Nam Á.
Doanh nghiệp đóng cửa vì hàng Trung Quốc
Dưới thời chính phủ của thủ tướng Srettha Thavisin vừa bị bãi nhiệm, Thái Lan đã đặt ra mục tiêu ngăn chặn dòng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc gây tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp nước này.
Hôm 22-8, Chính phủ mới của Thái Lan cho biết họ sẽ lập một hội đồng đối phó với tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường.
Cơ quan thương mại Thái Lan được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ban, ngành của chính phủ cũng như với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để đưa ra một danh sách các biện pháp cho vấn đề trên vào cuối tháng 8.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết động thái này được đưa ra sau khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân Thái Lan khiếu nại về các hoạt động thương mại bất thường của các doanh nghiệp nước ngoài.
"Chúng tôi phát hiện rằng có một lượng hàng hóa nhập khẩu cao bất thường, với giá trị thương mại điện tử lên đến 1,53 ngàn tỉ baht (38,6 tỉ USD)", báo Bangkok Post dẫn lời ông Chai.
Chia sẻ với Thái Lan, Indonesia cũng nhìn nhận tình trạng hàng hóa Trung Quốc tràn vào nước này đang gây tác động lớn lên nhiều nhà sản xuất trong nước, khiến chính phủ phải tìm giải pháp xoa dịu doanh nghiệp.
Theo Hãng tin AP, nhiều nhà sản xuất hàng may mặc ở Indonesia đã kêu gọi chính phủ nước này hỗ trợ khi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang khiến họ mất thị phần. Đặc biệt, sự gia tăng của hàng Trung Quốc trên thị trường thương mại điện tử càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Liên đoàn các công đoàn thương mại Nusantara cho biết từ tháng 1 đến tháng 7-2024, có ít nhất 12 nhà máy dệt tại Indonesia đã ngừng hoạt động, khiến hơn 12.000 công nhân mất việc.
Xác nhận tình trạng trên, quản lý Neng Wati của công ty trong ngành may mặc Asnur Konveksi cho biết tại quận Bandung (tỉnh Tây Java) nổi tiếng với các loại vải dệt, vải dệt thủ công và lụa của Indonesia, hàng ngàn người lao động không còn việc để làm và không có thu nhập thường xuyên vì làn sóng hàng Trung Quốc nhập khẩu.
Cẩn trọng khi đưa ra giải pháp
"Khi Mỹ có thể áp thuế 200% đối với các mặt hàng may mặc hay gốm sứ nhập khẩu, chúng ta cũng có thể làm như vậy để đảm bảo các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các ngành công nghiệp tồn tại và phát triển", Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan nói.
Hồi cuối tháng 6, ông Hasan cho biết nước này sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc, dẫn lý do Bắc Kinh đang dư cung hàng hóa vì cạnh tranh thương mại.
Trong khi đó, Thái Lan đã áp dụng thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu. Chính sách này có hiệu lực từ tháng 7 đến tháng 12-2024 để Chính phủ Thái Lan có thời gian nghiên cứu các tác động trước khi đưa ra một giải pháp áp dụng dài hạn.
Cùng động thái với các nước láng giềng, Malaysia hồi tháng 1 cũng áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến từ Trung Quốc có giá trị ít hơn 500 ringgit (108 USD).
Cũng nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi các hành vi thương mại không công bằng, Bộ Thương mại Malaysia có kế hoạch trình Quốc hội nước này luật chống bán phá giá vào năm 2025, xét đến tình hình hàng Trung Quốc giá rẻ gây hại cho doanh nghiệp địa phương.
Theo Hãng tin Bloomberg, Bộ Thương mại Malaysia từ năm 2015-2023 đã thực hiện 9 biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc để bảo vệ các doanh nghiệp.
Trong trường hợp của Indonesia, hồi tháng 12-2023, nước này ban hành một quy định nhằm thắt chặt việc giám sát hơn 3.000 mặt hàng nhập khẩu bao gồm thực phẩm, đồ điện tử và hóa chất.
Tuy nhiên, quy định này sau đó đã bị đảo ngược, sau khi ngành công nghiệp trong nước cho biết nó cản trở dòng nhập khẩu nhiên liệu cần thiết cho sản xuất.
Ông Jany Suhertan, giám đốc điều hành của PT Eksonindo Multi Product Industry, cho biết ông muốn chính phủ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc, nhưng không phải với các nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất ở Indonesia.
PT Eksonindo Multi Product Industry là công ty chuyên sản xuất quần áo và phụ kiện như ba lô và túi xách ở tỉnh Tây Java. Gần một nửa số nguyên liệu mà công ty này sử dụng được nhập từ Trung Quốc.
"Tôi không đồng tình với việc áp thuế cao hơn lên nguyên liệu thô, chính phủ nên bảo vệ chuỗi cung ứng. Nếu chuỗi cung ứng không được đảm bảo, nó sẽ tác động xấu lên sản xuất", ông Suhertan nhận định.
Thâm hụt thương mại cao
Theo nghiên cứu công bố hồi cuối tháng 7 của Ngân hàng HSBC (Anh), thâm hụt thương mại của ASEAN đối với Trung Quốc đã tăng từ mức khoảng 80 tỉ USD trong thời kỳ đại dịch. Hiện nay mức thâm hụt này vào khoảng 115 tỉ USD.
Theo đó, thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc không ngừng tăng, từ mức 20 tỉ USD năm 2020 lên 36,6 tỉ USD vào năm 2023.
Cùng thời điểm, thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia cũng tăng mạnh, từ 3,1 tỉ USD lên 14,2 tỉ USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét