Trẻ nổi giận vì bị cha mẹ 'cắt sóng', mức độ 'nghiện' không nên xem thường
Mùa hè, trẻ em có xu hướng được sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn. Các chuyên gia, bác sĩ cảnh báo việc sử dụng thiết bị điện tử không kiểm soát, thiếu môi trường giao lưu vận động sẽ dẫn đến trầm cảm, lo âu, căng thẳng...
Đây là những dạng của rối loạn tâm thần, trong khi con nghiện thiết bị điện tử, cha mẹ không kiểm soát nổi.
Nổi giận vì bị "cắt mạng"
Vừa nghỉ hè được 2 tuần, chị Hiền (Hà Nội) đau đầu không biết phải làm sao để giới hạn được giờ xem điện thoại của cậu con trai 10 tuổi. Chị chia sẻ do bố mẹ đều đi làm giờ hành chính nên con tự sinh hoạt ở nhà từ 7h sáng đến 18h.
"Từ ngày nghỉ hè con hầu hết chỉ ở nhà xem điện thoại, lướt mạng xã hội và chơi game. Thấy con xem quá nhiều, tôi cũng nhắc nhở nhưng vì không có người ở nhà nên khó kiểm soát, con vẫn xem nhiều. Thậm chí, nhắc nhở nhiều con còn cáu gắt, khó chịu.
Đỉnh điểm vào tuần trước, trước khi đi làm tôi "cắt mạng", không cho con vào Internet để chơi game, lướt mạng, khi vừa thức dậy con không vào được mạng đã làm loạn, gọi điện liên tục cho tôi. Con rất tức giận, hét lớn, thậm chí có những lời nói không chuẩn mực.
Lúc đó, tôi nhận thấy nếu không có biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, có thể con sẽ gặp vấn đề về tâm lý, có hành vi lệch lạc. Ngày hôm đấy, tôi phải xin nghỉ làm để về nhà, cùng chồng tìm cách giải quyết", chị Hiền ngán ngẩm nói.
Sau sự việc lần đó, chị Hiền cùng chồng đưa con trai đến chuyên gia tâm lý để được tham vấn. Theo lời hướng dẫn của chuyên gia, chị Hiền hiểu rằng mình đã chưa khéo léo khi xử lý tình huống này.
"Đáng ra tôi phải khéo léo hơn trong việc lựa chọn thời điểm cũng như lời nói để con lắng nghe, giải thích cho con hiểu, tránh phản ứng chống đối. Sau khi được sự tư vấn, tôi đã tìm kiếm những tài liệu trên báo chí, các bệnh viện để cho con đọc, hiểu về những ảnh hưởng do sử dụng thiết bị điện tử, chơi game quá nhiều.
Thay vì để con ở nhà một mình, tôi đăng ký cho con những lớp học đá bóng, bơi lội, đánh đàn... để con có thời gian hoạt động, giao tiếp, giảm thời gian con xem điện thoại. Dần dần con cũng hợp tác và ổn hơn", chị Hiền nói.
Nhiều cha mẹ khác cũng như chị Hiền, hoang mang không biết phải làm sao để có thể hạn chế tình trạng trẻ nghiện thiết bị điện tử, làm sao để trẻ không bị ảnh hưởng sức khỏe bởi thiết bị điện tử?
Nguy cơ rối loạn tâm thần
Theo ThS tâm lý Đàm Thị Kim Nga - khoa tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ngày càng nhiều trẻ em đến bệnh viện khám, điều trị các triệu chứng rối loạn tâm thần mà theo lời kể của người thân đều xuất phát từ việc sử dụng Internet quá mức.
Mới đây, một cuộc khảo sát hơn 800 học sinh tại 7 trường THPT tại Đà Nẵng, gần 94% học sinh truy cập Internet hằng ngày, trong đó 85,5% phục vụ việc học tập; 86,1% nghe nhạc và tìm kiếm thông tin, chiếm 82,4%; chơi game chiếm 70%; xem phim 77%; nói chuyện, chat với người khác chiếm 83%.
"Thực trạng khảo sát còn cho thấy có 24,6% học sinh được đánh giá là nghiện Internet. Việc sử dụng Internet ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, cụ thể là trầm cảm, lo âu, giảm kỹ năng giao tiếp, phát triển của các em. Chưa kể nhiều hệ lụy về nhận thức, hành động lệch lạc, bắt chước lối sống không lành mạnh khác nữa", bà Nga khuyến cáo.
Theo bác sĩ Tống Thị Luyến - trưởng khoa tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, thực trạng hiện nay nhiều em thức khuya, nghiện game, thời gian sử dụng điện thoại quá nhiều, hình thành các hội nhóm, truy cập vào các trang mạng không lành mạnh có nội dung khiêu dâm, bạo lực...
"Nhiều em thay đổi hoàn toàn tính cách, trở nên thu mình, ít giao tiếp với mọi người xung quanh nhưng lại hào hứng, sôi nổi với thế giới mạng. Chưa kể những hệ lụy như ăn uống không đúng giờ, mất ngủ, học hành sa sút, hành vi thay đổi", bác sĩ Luyến cho biết.
Bác sĩ Luyến cảnh báo trẻ sử dụng điện thoại, Internet không kiểm soát, thiếu môi trường giao lưu, vận động dễ dẫn đến trầm cảm, lo âu, căng thẳng, lối sống, tư duy lệch lạc, không lành mạnh... Đây là một dạng của rối loạn tâm thần.
Để giải quyết tình trạng rối loạn tâm thần ở trẻ, cần có sự đồng hành của gia đình, nhà trường, xã hội.
Trong đó, gia đình là yếu tố then chốt giúp con em mình thay đổi thói quen, hành vi và định hình được lối sống lành mạnh. Bố mẹ cần chủ động giám sát thời lượng, mục đích con em sử dụng điện thoại, Internet. Duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp, đặc biệt là ngủ sớm, đúng giờ.
Làm sao để hạn chế trẻ sử dụng điện thoại
Theo ThS Đặng Hải Tú, khoa sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi trung ương, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào thiết bị điện tử, game online.
Cha mẹ cần khéo léo, thường xuyên nhắc nhở con về tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử quá độ, gây ảnh hưởng đến mắt, thần kinh... Đưa trẻ xem và đọc về những tác hại để trẻ hiểu, có ý thức điều chỉnh hành vi.
Đặc biệt, cha mẹ cần dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ. Cha mẹ nên cùng con tham gia các trò chơi ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ... Ngoài ra, cha mẹ có thể đề nghị con phụ giúp các công việc đơn giản như chăm sóc cây cối, thú nuôi hoặc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa... Khuyến khích con phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công... trong dịp hè.
BÌNH LUẬN HAY5
- KhachQuanTôi khuyên các bậc cha mẹ nên hiểu điện thoại đối với tuổi còn học sinh thì tuyệt đối không có lợi mà có hại rất nhiều. Điện thoại, xe là các thứ phải lấy tiền mới đổi được, con hư hỏng là do chúng ta bỏ tiền ra trang bị cho nó. Thay vì từ đầu không nên mua, giờ không trách ai được. Tôi chỉ cho con xài máy nghe gọi để liên lạc với cha mẹ khi cần thôi. Khi nó đủ lớn (qua 12) nhận thức tốt về ĐT tôi mới cho xài và phải giám sát nhiều hơn nữa; vả lại mua máy cấu hình càng thấp càng tốt, tránh tiền mất tật mang kk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét