Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 6: Mùa vớt củi trên sông

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 27/05/2024 12:40

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 6: Mùa vớt củi trên sông

Mùa mưa là những ngày chúng tôi ngày ấy mong chờ. Mùa không phải co ro bên đống lửa vì áo không đủ ấm, mùa không phải ăn cơm độn với rau luộc bữa này qua bữa khác.

Mùa mưa lũ cũng là mùa vớt củi trên sông ở miền núi Việt Bắc - Ảnh: Hans - Perter Grum chụp năm 1991

Mùa mưa lũ cũng là mùa vớt củi trên sông ở miền núi Việt Bắc - Ảnh: Hans - Perter Grum chụp năm 1991

Mùa mưa là mùa của những buổi chiều vang tiếng cười bên sông, dù đôi khi cũng trôi theo cả nỗi hiểm nguy khó lường của rừng.

Nhớ lắm con cá bống đầu mùa

Xóm nhỏ của tôi ngày ấy có dăm nóc nhà quây quần quanh một quả đồi, trước nhà tôi là sông Lô, chếch phía thượng nguồn là rặng tre, hạ lưu là bến phà.

Chúng tôi ở miền núi nhưng gốc miền xuôi lên Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang ngày nay) khai hoang hồi năm 1961. Sau này tách tỉnh, nhà tôi ở thuộc Tuyên Quang, giáp với đất Hà Giang.

Chúng tôi nhận ra nhau bằng giọng nói, gặp người cùng quê "bắt sóng" là biết ngay dân khai hoang. Đến thế hệ chúng tôi, miền núi đã thành quê.

Nghe ông nội tôi kể, năm lũ to nhất là năm 1971, nước sông dâng lên đến mé sân. Năm 1986 thêm một trận nữa nước ngập tới cổng. Ngày ấy, tôi mới là một cậu nhóc thò lò mũi xanh cười nắc nẻ nhìn chú tôi trượt chân ngã tòm xuống nước.

Mùa hè, con sông quê tôi cuồn cuộn chảy đỏ ngầu như giận dỗi. Dòng nước cuốn trôi đủ thứ từ thượng nguồn nào là gỗ lạt, tre nứa, cả trâu bò và gà lợn.

Có trận lũ trên sông dập dềnh cả khung căn nhà gỗ. Người dân xóm tôi thấy nhà trôi là báo động túa ra sông tìm xem có người bị trôi không? May mắn còn cứu được.

Ấy thế nhưng chúng tôi mong mùa lũ lắm! Mùa lũ nồi cơm không còn độn sường sượng lát sắn hay vài củ khoai cho đầy cái bụng.

Mùa mưa ngọn rau lang cũng non, cũng mềm chứ không còn dai nhách như những ngày gió bấc.

Mâm cơm lại có đĩa tôm rang vàng ruộm, có nồi cá kho thơm nưng nức vần bên bếp củi.

Mưa xuống, lũ về, nước dâng cũng là lúc lũ tôm cá dạt vào bờ. Cứ trời mưa là chúng tôi vác đó ra đầu ngòi nước, chặn ngược dòng.

Đêm đến, lũ tôm lũ chạch cứ theo nước mới mà ngược dòng, chui đầy vào cái đó. Tôm sông Lô to như ngón tay cái, lưng xù xì, hai cái càng đen quắp chảy máu tay.

Bữa ấy trời lại mưa, tiếng mưa lộp độp trên tàu chuối non, đám phấn bàng bạc dưới lá bị gió lật lên và mưa giội mất. Như bây giờ tôi vẫn thèm một giấc ngủ trưa trong tiếng mưa như thế. Nhưng ngày ấy, nghe tiếng mưa rào là mắt chúng tôi mở thao láo. Nằm trong nhà nhưng đầu óc cứ nghĩ đến những con cá bống ngoài sông.

Nước mưa chảy trên mặt đường xuống ngòi nước ấm như được ông trời đun. Lũ cá bống ngoài sông Lô cũng lần theo dòng nước ấm mà bơi ngược lên. Chúng tôi trốn ngủ, mang cái rổ tre, cái chậu men chạy thẳng ra ngòi nước phía rặng tre.

Ngòi nước chảy từ ao hợp tác len lỏi ngoằn ngoèo rồi đổ ra sông Lô. Nước mưa đầu mùa âm ấm, chúng tôi đội mưa lội theo ngòi nước xúc cá. Bọn cá bống to như ngón chân cái từ sông Lô cứ thích rúc xuống đám lá tre rụng. Trận mưa ấy chúng tôi bắt được lưng cái chậu men cả bống, cả tôm, cả chạch.

Trời cứ mưa dai dẳng, hai anh em ướt như chuột đằm mình trong mưa. Mười đầu ngón tay bợt ra, héo quắt như quả táo tàu trong thang thuốc bắc.

Hai môi thâm sì, răng va vào nhau vì ngấm lạnh. Thằng em trai tôi vừa oằn mình bê cái chậu cá vừa hậm hực trách thằng anh tham không cho đằm xuống nước.

Khi cơn mưa vừa ngớt cũng là lúc trời sâm sẩm tối, chúng tôi lóp ngóp về, vừa bước vừa bấm ngón chân cái xuống đường trơn tuồn tuột. Mẹ tôi đã đội nón đợi sẵn ở cổng. Tôi chưa kịp khoe cái chậu đầy cá thì cái roi tre trên tay bà đã vung lên.

Tôi chỉ nghe hai tiếng vút vút, bỏ cả chậu cá chạy. Một bên mông bỏng rát như bị gai đâm. Bữa cơm tối hôm ấy, tôi vừa bưng bát cơm vừa lấm lét nhìn cả nhà.

Đến miếng cá bống giòn rụm cũng không dám cắn mạnh, cứ khe khẽ sợ người khác chú ý. Hai anh em tôi như thằng ăn vụng bị bắt quả tang, cả nhà "lên lớp" cho một trận vì cái tội trốn ra sông bắt cá.

Thì ra lúc chúng tôi trốn đi bắt cá, cậu tôi vớt được đôi dép tổ ong của em trai tôi. Cậu nhận ra đôi dép vì hai miếng hàn quai dép.

Chính tay cậu cắt một mảnh can nhựa, nung nóng cái tuốc nơ vít hàn đôi dép ấy. Cả nhà mất hồn đội mưa đi tìm hai ông "nặc nô" đến chiều mới thấy chúng tôi mò về.

Niềm vui vớt củi trên sông sau cơn mưa

Vớt củi trên sông sau cơn mưa luôn là  niềm vui của trẻ miền núi, dù đôi khi cũng hiểm nguy  - Ảnh: Hans - Perter Grum

Vớt củi trên sông sau cơn mưa luôn là niềm vui của trẻ miền núi, dù đôi khi cũng hiểm nguy - Ảnh: Hans - Perter Grum

Lũ trẻ miền núi chúng tôi quen với rừng rú nhưng cũng dạn dày với sông nước.

Đám đàn anh xui bọn trẻ bắt chuồn chuồn cắn rốn để... biết bơi, còn người lớn cầm hai tay hai chân lẳng chúng tôi xuống nước.

Đứa nào không nổi được thì có người nhảy xuống vớt. Vài lần thành quen, lũ chúng tôi học lớp 3 đã biết bơi "chó", lớp 5 bơi ra sông vớt củi như người lớn.

Mùa lũ, dân làng tôi vớt củi đun cả năm. Nhà có thuyền thì bơi thuyền ra xa vớt củi. Người khác đứng trong bờ, cầm cái sào có móc sắt ở đầu, cây nào dạt vào gần bờ thì móc vào.

Người nọ lại thích bơi ra xa vớt những cây gỗ to như cột nhà hay những cây luồng, cây lộc ngộc to như cái phích nước.

Lũ chúng tôi cũng theo người lớn đi bộ mấy cây số lên thượng nguồn, thấy gỗ cũng bơi ra dìu vào bờ.

Ai cũng phải tính toán dòng nước, làm sao dìu gỗ vào bờ khi gần đến bến sông. Nếu quá một đoạn, qua ghềnh nước xiết là trôi xuống xã khác, người nhà phải mang thuyền đi vớt người về.

Tôi nhớ dễ vớt nhất là những cây tre luồng nổi như phao. Những cây to gốc chìm dưới nước, ngọn chổng lên trời thò thụt theo xoáy nước, dân miền núi gọi là cây "thò đo".

Mùa vớt củi năm ấy, ông Ngọ, người xóm trong, gạt lũ trẻ chúng tôi ra: "Cây thò đo kia tao nhận nhá! Cấm thằng nào được ra!", ông Ngọ quát rồi nhảy tùm xuống nước.

Người đàn ông đứng tuổi bơi ra kịp cây "thò đo", ôm vào ngọn cây. Cả người, cả cây cứ trồi lên thụt xuống trong dòng nước dữ.

Cây tre quá to, ông Ngọ không còn sức dìu vào bờ, ôm cây tre kêu cứu. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi trên bờ vẫn nhe răng cười nhìn người đàn ông trồi lên hô cứu cứu rồi lại ngụp xuống.

Rủi thay hôm ấy khúc sông chẳng thấy bóng chiếc thuyền vớt củi nào. Ông Ngọ cứ ôm cây thò đo trôi mãi qua khu bến phà mới được một chiếc kô le (thuyền máy đuôi tôm) ra vớt.

Người đàn ông mặt mũi tái xám, run lẩy bẩy bước về. Từ ngày ấy không thấy ông ra sông vớt củi nữa.

Những hôm nước to, người lớn cấm chúng tôi bơi ra vớt củi. Không đứa nào dám chống lệnh vì bơi kiểu gì cũng dạt vào khu bến phà. Chỗ ấy ai cũng có quyền quát lũ trẻ con lên bờ. Đứa nào không nghe là ăn mấy cái roi tre vào mông. Cả lũ lại kéo nhau đi câu cá.

Mùa mưa bên bờ sông ngày ấy chỉ còn trong hoài niệm. Con sông Lô ở quê tôi không còn bãi cát dài thơ mộng, thủy điện chặn dòng, nước trôi lững lờ như cái ao hợp tác.

Mùa mưa về quê, đi dọc bờ sông cũng không gặp bọn trẻ lùa trâu ra sông tắm như ngày nào. Trẻ bây giờ phải học cả mùa hè, rồi chơi điện thoại, còn đâu lũ trẻ đen trùi trũi, tóc bết quần rách đằm mưa như lũ chúng tôi ngày xưa...

Mưa qua, nước rút, phù sa ngập quá mắt cá hai bên bờ sông. Lũ chúng tôi lại chọn chỗ dốc, đằm mình xuống nước cho ướt hết quần áo để chơi trượt bùn.

Đứa nào đứa nấy bê bết từ đầu tới chân, đứa bày trò nhe răng trát bùn vào răng. Mặt mũi chỉ hở hai con mắt. Cả lũ nhìn nhau cười khanh khách.

*****************

"Dẫu mà trời còn làm mưa lâu dài/ Giọt buồn, giọt tủi đêm ngày.../Cha ơi, sao cha chưa về? Nhà trên, bếp dưới vắng tanh/ Đợi với trông mỏi mòn/ Ngoài kia mưa dầm/ Cha còn dầm mưa? Tàn cơn mưa giông/ Mẹ gần về chưa?". Lời bài hát Sa mưa giông của nhạc sĩ Bắc Sơn nỉ non buồn như thế, nhưng thật ra người miền Tây ai cũng trông chờ mùa mưa giăng đồng...

>> Kỳ tới: Mưa giăng đồng dậy nỗi nhớ thương

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 5: Chỉ một cơn mưa Huế là thành mùa đôngNhững mùa mưa đợi chờ - Kỳ 5: Chỉ một cơn mưa Huế là thành mùa đông

Mưa thì ở đâu trên Trái đất này đều có. Nhưng sao mưa ở xứ Huế lại được truyền tụng nhiều như thế. Thi ca nhạc họa và cả địa lý, lịch sử cũng đã tốn không ít giấy mực để nói về một loại mưa, gọi là "mưa Huế".


Không có nhận xét nào: