Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

GS Phan Huy Lê đã sống một cuộc đời tận hiến!

GS Phan Huy Lê đã sống một cuộc đời tận hiến!
Copy từ http://plo.vn/van-hoa/gs-phan-huy-le-da-song-mot-cuoc-doi-tan-hien-778761.html ;tác giả: Viết Thịnh ; đã đăng ngày 27/6/2018 - 18:21.
(PLO)- Văn phòng UNESCO đã phát đi thông cáo bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc và khẳng định GS Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới.
Vào 7 giờ 30 sáng 27-6-18, lễ viếng và truy điệu GS Phan Huy Lê diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
“Bố đã sống cuộc đời tận hiến”
Viết trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: "Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, chuyên gia hàng đầu của nền sử học Việt Nam (VN), một tài năng lớn trong giới sử học nước nhà, đã ra đi. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến giáo sư. Vĩnh biệt giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê!".
Tại lễ truy điệu, bà Phan Liên, con gái của GS Phan Huy Lê, đã đọc lời cảm ơn và hứa sẽ chăm sóc mẹ thay cha.
“Ở nhà bố là người chồng, người cha, người ông hết mực thương yêu, ân cần với vợ con và các cháu chắt, tình cảm với tất cả anh em trong gia đình. Tất cả những gì tốt đẹp nhất bố luôn dành cho mẹ và chúng con. Trước bất cứ việc gì bao giờ bố cũng nhận phần khó khăn về mình và luôn nghĩ cho mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, hay anh em bạn bè những lúc nguy nan. Chúng con nguyện noi theo tinh thần đó của bố. Trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời, bố vẫn giữ tấm lòng bao dung, điềm tĩnh, thẳng thắn vượt qua với triết lý: Sự thật là chân lý cao nhất... Bố đã sống cuộc đời tận hiến, dành trọn tâm huyết, sinh lực của mình cho lịch sử đất nước” - bà Phan Liên bày tỏ.

Bà Phan Liên, con gái của GS Phan Huy Lê, đã đọc lời cảm ơn.
Tưởng nhớ về người thầy của mình, GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện VN học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Đối với tôi, thầy Phan Huy Lê trước hết là một nhà khoa học lớn, tầm vóc của thầy từ rất sớm đã được khẳng định rất chắc chắn, không chỉ ở trong nước mà kể cả ở nước ngoài. Sau khi đất nước đổi mới và mở cửa, nhu cầu đối thoại về học thuật giữa giới nghiên cứu ở trong nước và giới nghiên cứu ở nước ngoài, nhất là các nước phương Tây là rất cao. Chính thầy Phan Huy Lê đã bắc nhịp cầu để cho các học giả phương Tây và các nhà khoa học VN có điều kiện gặp gỡ, trao đổi học thuật với nhau. Nhịp cầu đó là bệ đỡ trí tuệ, bệ đỡ văn hóa giúp cho VN chúng ta bình thường hóa quan hệ với các nước phương Tây, nhất là với Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức”.
Cũng theo GS-TS Phạm Hồng Tung, giới chính trị rất tin vào tư vấn khoa học của các nhà VN học, các trung tâm VN học ở nước ngoài đều cử các học viên xuất sắc đến VN để tìm học thầy Phan Huy Lê. Cho đến ngày hôm nay, học trò của thầy Phan Huy Lê đang lãnh đạo tất cả trung tâm nghiên cứu VN học trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản.

GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.
“Ở Mỹ, những nhà khoa học rất nổi tiếng và những người chắp bút cho các bài phát biểu của tổng thống Mỹ là các nhà VN học đều đã học thầy Lê. Uy tín của thầy rất lớn. Trong số các nhà khoa học xã hội VN thì thầy Phan Huy Lê là một trong hai người được trích dẫn nhiều nhất ở nước ngoài, số một là thầy Trần Văn Giàu, thứ hai là thầy Phan Huy Lê” - GS-TS Phạm Hồng Tung nói.
Người mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn
Cùng ngày, Văn phòng UNESCO đã phát đi thông cáo bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của GS Phan Huy Lê. Thông cáo khẳng định GS Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của VN với thế giới.
"Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc tới gia đình của GS Phan Huy Lê, một con người mẫu mực cho giới trí thức, nghiên cứu. GS Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của VN với thế giới thông qua nỗ lực tuyệt vời của ông dành cho thúc đẩy trao đổi và hợp tác với giới học thuật quốc tế. Ông khơi nguồn và là tấm gương cho nhiều thế hệ các nhà sử học của VN và quốc tế. Giáo sư ra đi trong sự tiếc nuối của rất nhiều người, trong số đó rất nhiều người hàm ơn ông về sự giúp đỡ rộng lượng và hướng dẫn tận tình” - thông cáo viết.
Thông cáo cũng khẳng định bên cạnh những đóng góp to lớn của ông đối với nền sử học hiện đại của VN, GS Phan huy Lê đã đóng góp nổi bật cho sự thành công của đề cử Hoàng thành Thăng Long của VN vào danh sách di sản thế giới UNESCO. Và đặc biệt cho tới khi ra đi, GS Phan Huy Lê đã luôn đảm nhận vai trò dẫn dắt về học thuật và đưa lại một điển hình cho vai trò của Hội đồng Khoa học hỗ trợ cho khu di sản thế giới này, thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc và trọng chứng.
Viết Thịnh

Không có nhận xét nào: