Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Giá đừng phí thế!

Giá đừng phí thế!
Copy từ https://www.tienphong.vn/toi-nghi/gia-dung-phi-the-1276904.tpo ;tác giả: Tịnh Sơn ; đã đăng ngày 25/05/2018 06:38.
TP - Có mấy chữ “thu giá” hay “thu phí” BOT mà dân tình mấy ngày nay rôm rả quên cả nắng nóng, “nước tụ” lẫn xăng tăng. À, xăng dầu tăng giá là do tăng phí (phí môi trường trong mỗi lít xăng). Đừng bảo “giá” với “phí” ghét bỏ gì nhau! Đều thọc vào túi tiền của quý vị đấy!
Thế nên việc Bộ Giao thông vận tải không ưa “thu phí”, mà chỉ đòi “thu giá”, chỉ là chiêu né chữ “tiền” một cách tế nhị, người trồng giá đỗ đừng tưởng bở trúng mánh.
Né tiền, né luật, né tránh sự thật bằng đủ mọi chiêu chơi chữ, xứ sở của những nghịch lý này còn lạ gì. Như có ông nghị trước Quốc hội vừa “phát hiện” ra ly trà đá vỉa hè có “tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới, tới 5.000-7.000% nhưng không đóng đồng nào cho ngân sách”.
Những khái niệm kinh tế tài chính to ùng oàng như “tỷ suất lợi nhuận”, “ngân sách”, đem áp vào ly ... trà đá. Biết bao ngàn tỷ đang vung vãi hoặc trùm mền, không soi vào cơ chế, thể chế mà bịt lại, lại đi soi bà bán nước vỉa hè. Cái này mới gọi là phí. Phí phạm.
Toàn những chuyên gia uyển ngữ tài tình. Hết “đường cong mềm mại”, đến “nâng đỡ không trong sáng”. Thuốc (chữa ung thư) thì “không giả, nhưng không thể dùng chữa bệnh cho người”. “Hai trâu đấu nhau không phải là chọi”, như kiểu nói của một ông phó huyện né tránh về việc tổ chức chọi trâu.
Những tỉnh nghèo chi tiền núi ra xây tượng đài đều “đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân”. Xả hàng triệu tấn chất thải xuống biển được gọi là “nhận chìm vật, chất ở biển”. Cùng lúc là lý giải của quan chức, rằng phải “nhận chìm”, bởi không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền, sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường. Chắc biển đã mặn sẵn, nên mặn thêm cũng chả sao?!
Dịch tả, dịch kiết lỵ hẳn hoi, y tế lại cứ khăng khăng bẻ chữ thành “phẩy khuẩn tả” với “tiêu chảy cấp”. Đê thì “vỡ có kế hoạch”, nước ngập lút bánh xe được gọi là “tụ nước”. Xe cộ đứng yên một chỗ trên 30 phút mới được gọi là “ùn tắc”. Còn nhúc nhích được thì gọi là “ùn ứ”.
Hèn gì theo báo cáo, ở TP HCM có năm chỉ có nhõn 1 vụ…ùn tắc giao thông! “Giải phóng mặt bằng” nghĩa là gì? Trong khi những mặt bằng ấy là nhà cửa, ruộng vườn của dân, chứ phải tài sản phi pháp hay trong tình trạng bị áp bức, đè đầu cưỡi cổ đâu mà “giải phóng”?
Phí phạm chữ nghĩa. Phí thuế dân nuôi. Phí thời gian, giấy mực vào những cuộc tranh cãi vô bổ. Giá đừng phí thế, dân nhờ.
Toàn nghe vặn vẹo chữ nghĩa, nên xứ sở bây giờ người già, con nít đều trở thành những nhà ngôn ngữ học. Thế nên tại Quốc hội, có ông nghị chơi chữ ngược lại, rằng “Ta vay toàn tiền “đực”, không đẻ được”.
Vừa đọc lại “Lâu đài” của Kafka. Bắt gặp câu “Mong anh sướng như đầy tớ”. Văn chương phi lý như Kafka mà có câu ấy, cũng lạ. Cái “lâu đài” biểu tượng cho cơ quan quyền lực của kiếp người ấy như một mê lộ. Trong đó mỗi viên chức nhỏ to đều toát lên tố chất quan quyền ghê gớm.
Nhìn lại xứ mình, nhiều ông mới là quan xã quan huyện đã mặt gang mày thép, lừ lừ lừng lững, dân nào dám gọi mấy ông ấy là “đầy tớ” hay “công bộc”.
Tịnh Sơn

Không có nhận xét nào: