Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Người dân vùng mặn “trở bộ” hiệu quả

Người dân vùng mặn “trở bộ” hiệu quả
(Copy từ http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=51966 ; tác giả: Trọng Đạt; đã đăng ngày 05-12-16 lúc 07:36, mục Kinh tế.)
Trồng cỏ chăn nuôi bò mang lại sinh kế bền vững cho người dân vùng dễ tổn thương do xâm nhập mặn.
Nhiều hộ gia đình ở các vùng dễ tổn thương do xâm nhập mặn đã chuyển đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, so đũa để nuôi bò, dê cho thu nhập cao, cuộc sống đã ổn định. Đó là bước đi đúng đắn của người nông dân trước diễn biến thời tiết ngày càng khó lường như hiện nay.
Sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
“8 công ruộng của gia đình tôi trước kia trồng lúa 3 vụ/năm, mỗi năm lãi nhiều được hơn 8 triệu đồng, nhưng không dám mạnh dạn chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi. Sau đợt xâm nhập mặn dữ dội vừa rồi, tôi quyết định lên liếp trồng dừa. Tôi tận dụng những khoảng trống trồng cỏ nuôi bò, dê nhằm lấy ngắn nuôi dài. Tôi nuôi 5 con bò, 6 con dê, vài chục con gà thả vườn... chỉ hơn nửa năm đã kiếm lãi trên 10 triệu đồng từ bán dê; chưa kể vài tháng nữa dừa bắt đầu thu hoạch, bò đến ngày sinh sản” - nông dân Lê Trung Du ở ấp Quý Khương, xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú phấn khởi.
Hộ ông Huỳnh Văn Sơn tuy chỉ vỏn vẹn 3 công ruộng nhưng chuyển đổi sang trồng dừa và chăn nuôi sớm nên hiệu quả rõ ràng hơn. “Trước kia, tôi nuôi được 5 con bò cái nhưng sinh hoạt gia đình cứ thiếu trước hụt sau nên trong khoảng thời gian dài vẫn không tăng đàn được, bởi bò sinh sản ra nghé phải bán ngay để trang trải cuộc sống. Nay, hàng tháng, 150 cây dừa cho trái thu hoạch bán đã dư trang trải chi phí sinh hoạt gia đình nên chỉ sau 1 năm đàn bò đã tăng lên gấp đôi. Trồng cỏ, nuôi bò thật sự có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng cây lúa nơi thường xuyên bị xâm nhập mặn này. Nếu so sánh, tôi chỉ lấy lợi nhuận của đàn gà thả vườn cũng bằng trồng 3 công lúa như trước kia. Còn về rơm, nếu mình có đủ cỏ thì chắc chắn không còn là vấn đề lớn nữa” - ông Sơn chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Phú, trong năm 2016, toàn huyện tăng gần 9 ngàn con bò, nâng tổng đàn lên gần 40 ngàn con, theo đó đàn dê cũng tăng đáng kể. Hiện người dân ở ven sông Cổ Chiên, Hàm Luông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 130ha lúa sang trồng dừa xen cỏ hoặc chuyên canh cỏ; riêng từ lúa sang rau màu cũng được hơn 15ha, kéo giảm dần diện tích đất vốn không còn phù hợp với cây lúa nữa. “Quan trọng là sự tăng trưởng bền vững của mô hình này trước biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Hiện nay, chúng tôi đang tăng cường vận động người dân tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể để giảm rủi ro về giá, tăng thu nhập và có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Như vừa rồi, những hộ chăn nuôi không chuẩn bị trồng cỏ đã phải khốn đốn trước cơn sốt giá rơm cuộn. Tôi nghĩ đó là điều khuyến khích người nông dân vùng mặn trực quan nhất”, ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú phân tích.
Chuyển đổi phù hợp
Tương tự như Thạnh Phú, người dân 2 huyện biển Ba Tri và Bình Đại cũng đã thực hiện cuộc chuyển đổi khá mạnh mẽ. Ba Tri chuyển đổi 20ha đất lúa sang trồng rau màu, 50ha sang trồng dừa, 25ha sang trồng cỏ nuôi bò. Bình Đại chuyển sang trồng dừa 165ha, trồng cỏ 27ha, trồng cây ăn trái 64,6ha và trồng rau màu 15,4ha. Không những vậy, một số huyện khác tuy ảnh hưởng xâm nhập mặn ít hơn các huyện biển nhưng người dân cũng đã chuyển đổi mạnh mẽ đất sản xuất sang trồng dừa, trồng cỏ, chăn nuôi và đời sống của họ đã ổn định hơn trước rất nhiều.
Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, kế hoạch chuyển đổi theo hướng chăn nuôi và phát triển lĩnh vực thủy sản ở những vùng ven biển dễ tổn thương do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đã được ngành xây dựng, triển khai 2 năm qua và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân sau đợt thiên tai hạn mặn lịch sử đầu năm 2016. Hiện nay, tổng đàn bò của tỉnh đã hơn 200 ngàn con (tăng gần 30 ngàn con so với năm 2015). “Tập trung chăn nuôi, phát triển thủy sản là điều kiện sinh kế hợp lý nhất của người dân vùng ven biển, cũng như các vùng dễ bị mặn xâm nhập. Chúng tôi luôn khuyến khích và có những chính sách hỗ trợ phát triển cho các mô hình hiệu quả này” - ông Bùi Văn Lâm khẳng định.
Chợ Lách là huyện chưa từng bị xâm nhập mặn nhưng sau đợt thiên tai lịch sử đầu năm 2016, cơ cấu cây trồng đã được chuyển đổi mạnh mẽ, hợp lý. Trong đó, dưới sự vận động, hỗ trợ từ chính quyền, người dân đã thực hiện chuyển đổi 580,67ha vườn tạp, cây trồng giá trị thấp, nhãn nhiễm bệnh sang trồng cây có giá trị cao như: chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng, cây giống và hoa kiểng.
Bài, ảnh: Trọng Đạt

Không có nhận xét nào: