Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Mùa cá chạy

 

Mùa cá chạy

Copy từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111224/mua-ca-chay.aspx ; tin ngày 25/12/2011, mục Phóng sự.

Gió bấc liu riu thổi lạnh báo hiệu nước trên các cánh đồng ngập lũ bắt đầu rút, lũ cá trên đồng cũng tìm đường chạy ra sông. Đó là thời điểm đánh bắt trúng nhất và được mong chờ nhất trong mùa nước nổi ở miền Tây.

Trúng mùa cá chạy - Ảnh: T.Q

Nhộn nhịp vùng sông nước

Hôm trở lại vùng đầu nguồn lũ tỉnh An Giang, tôi ghé nhà Tư Hùng, một vạn chài có tiếng ở bờ kênh Vĩnh Tế (H.Tịnh Biên). Tư Hùng hồ hởi khoe cả tuần nay khắp nơi trên đồng lũ, kênh rạch ken đặc xuồng chài đón cá... chạy. Nói đoạn, Tư Hùng xách vợt xuống chiếc xuồng xúc lên một rổ cá linh, một mớ đem nấu canh chua cơm mẻ với rau muống đồng non mộng, mớ anh đem kẹp vỉ tre nướng mọi. Các món đặc sản nổi tiếng vùng đất lũ lai rai với rượu đế giữa cánh đồng mênh mông nước, ngon không tả nổi.

Quá nửa đêm, Tư Hùng giục tôi thức dậy rồi vội vã vác chài xuống chiếc xuồng cui. Tiếng máy đuôi tôm giòn giã xé tan màn đêm yên tĩnh lao đi trên kênh Vĩnh Tế. Tư Hùng giải thích, mỗi năm ĐBSCL hứng chịu một mùa nước lũ từ thượng nguồn đổ về theo chu kỳ cố định từ tháng 6 đến tháng 12. Đầu mùa, nước nổi tràn đồng, cá linh non và nhiều loài cá khác cũng lên đồng sinh sôi nảy nở. Sau 3 tháng ở lại trên đồng, lũ cá non lớn lên và thành cá già. Khi nước lũ rút dần, các cánh đồng bắt đầu cạn nước nên cá theo con nước ra sông. “Dân quê mình gọi là mùa cá ra sông nhưng gọi đúng phải là mùa cá chạy”, Tư Hùng nói.

Xuồng đến nơi khi trời còn tối om, không nhìn rõ mặt người đối diện. Vậy mà trên con kênh rộng hơn chục thước có đến cả chục ghe xuồng chài cá. Họ liên tục quăng chài lõm bõm ngay trong đêm và dùng đèn soi (đeo trên trán) để bắt cá vô chài. Thấy ai cũng hào hứng, Tư Hùng vội vã phăng chài ra quăng liền một phát. Thật không may, vì trời còn tối nên ngay cú đầu tiên, chài anh Tư mắc gốc. Nhờ tôi giữ hộ dây chài, anh cởi áo lặn xuống dòng nước lạnh. Chỉ một hơi anh đã nổi ngay lên mặt nước, hì hục phân trần: “Sông hẹp lại có nhiều xuồng ghe chài cá nên mỗi người chỉ có một khoảng nhỏ mặt nước để làm ăn. Hơn nữa, cá linh có thói quen đi gần bờ đất nên chài vô đó dễ dính gốc lắm”.

Khi trời sáng hẳn mới thấy hết sự nhộn nhịp của mùa cá chạy ở vùng sông nước. Hàng chục con người lao động tất bật, miệt mài trên sông nước. Tiếng cười nói, í ới gọi nhau khi bắt được một chài đầy ắp cá. Khúc hòa tấu trên sông mỗi lúc càng sôi động, từ lúc mặt trời chưa mọc đến cuối buổi hoàng hôn. Hai con kênh Tha La và Trà Sư ở xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên trở thành chốn hội tụ của vạn chài. Vì nơi đây có 2 đập tràn điều tiết lũ, được xả lũ tràn đồng. Kênh sâu, dòng chảy rộng mang theo một lượng cá dồi dào cho các cánh đồng ngập lũ và trở thành điểm đến của ngư dân khắp nơi. Cứ tới mùa nước nổi là họ quy tụ về đây chài lưới.

Du cư mùa nước nổi

Trong số hàng chục vạn chài tôi gặp trong mùa cá chạy năm nay đều là dân tứ xứ, từ khắp nơi đổ về đầu nguồn lũ tìm kế sinh nhai. Họ ví von cuộc sống của mình chẳng khác gì đời du mục. Nhưng những nơi họ đến rồi đi không phải là thảo nguyên bạt ngàn mà là những cánh đồng nước lũ bao la. “Tùy theo từng thời điểm mà chúng tôi di chuyển chỗ ở từ cánh đồng nước lũ này sang cánh đồng lũ khác để tìm nơi đánh bắt cá.

Ở những nơi đến, nếu có thể ở lâu thì che tạm cái lều trên bờ kênh, không thì ở ngay dưới xuồng. Với dân du cư mùa nước nổi không có khái niệm về biên giới và quãng đường gần xa, bất cứ nơi nào miễn có thể tìm được kế sinh nhai là họ đến”, vạn chài Út Ngảnh, quê ở tận Hậu Giang thổ lộ.

Làm một mùa, ăn một năm

Đối với người nghèo không có ruộng đất thì mùa nước nổi là mùa mưu sinh chính trong năm. Đây là thời điểm có nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào nhất. Ông Lê Văn Hoành cho biết vào mùa cá chạy rộ, ít nhất mỗi ngày ông cũng chài được gần 3 giạ (khoảng 90-100 kg), kiếm được từ 200.000-300.000 đồng. “Mùa cá ra kéo dài cả tháng và rộ nhất vào hai con nước kém nên dân nghèo cũng dễ sống. Thu nhập từ đánh bắt cá cao gấp chục lần thời điểm bình thường. Còn lượng cá bắt được nhiều vô kể, nếu để làm khô, làm mắm ăn một năm trời chưa hết”, ông Hoành thổ lộ. Anh Tư Hùng nhớ lại khoảng chục năm về trước, tới mùa cá chạy lượng cá nhiều gấp chục lần thời điểm bây giờ. “Hồi trước, mỗi lần đổ dớn, cất vó gạt là bắt cả giạ cá (loại dùng để đong lúa). Tới mùa cá ra, mỗi nhà bắt hàng chục giạ cá là chuyện bình thường. Người nào giỏi, có tay sát cá thì bắt nhiều gấp đôi, gấp ba. Mặc dù năm nay lượng cá không nhiều như hồi trước nhưng lâu lắm rồi dân mình mới có được một mùa cá chạy đúng nghĩa, đánh bắt bể tay”, Tư Hùng giãi bày.

Mùa cá chạy, mùa làm ăn của dân nghèo - Ảnh: Thanh Quốc

 

Các huyện đầu nguồn Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu (An Giang) và Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp) được mệnh danh là xứ cá. Bởi hằng năm vào mùa lũ, các địa phương này “hứng” một lượng lớn cá từ biển hồ Tonle Sap (Campuchia) đổ về. Tới mùa, cá lớn lại đi ngược dòng trở ra sông rạch nên người dân thi nhau bắt. Ban đầu chủ yếu họ đánh bắt cá để phục vụ nhu cầu của gia đình, số dư thì làm mắm, phơi khô để ăn quanh năm. Dần dà các làng nghề làm khô, mắm mọc lên và nhanh chóng lấy được tiếng tăm như làng khô An Hòa, H.An Phú; khô cá lóc H.Chợ Mới; mắm Châu Đốc (An Giang) nổi tiếng trong và ngoài nước.

 

Thanh Quốc

 

Không có nhận xét nào: