Mùa cá chạy
Copy từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111224/mua-ca-chay.aspx ; tin ngày 25/12/2011, mục Phóng sự.
Gió bấc liu riu thổi lạnh báo hiệu nước trên các cánh đồng ngập lũ bắt đầu rút, lũ cá trên đồng cũng tìm đường chạy ra sông. Đó là thời điểm đánh bắt trúng nhất và được mong chờ nhất trong mùa nước nổi ở miền Tây.
Trúng mùa cá chạy - Ảnh: T.Q
Nhộn nhịp vùng sông nước
Hôm trở lại vùng đầu nguồn lũ tỉnh An Giang, tôi ghé nhà Tư Hùng, một vạn chài có tiếng ở bờ kênh Vĩnh Tế (H.Tịnh Biên). Tư Hùng hồ hởi khoe cả tuần nay khắp nơi trên đồng lũ, kênh rạch ken đặc xuồng chài đón cá... chạy. Nói đoạn, Tư Hùng xách vợt xuống chiếc xuồng xúc lên một rổ cá linh, một mớ đem nấu canh chua cơm mẻ với rau muống đồng non mộng, mớ anh đem kẹp vỉ tre nướng mọi. Các món đặc sản nổi tiếng vùng đất lũ lai rai với rượu đế giữa cánh đồng mênh mông nước, ngon không tả nổi.
Quá nửa đêm, Tư Hùng giục tôi thức dậy rồi vội vã vác chài xuống chiếc xuồng cui. Tiếng máy đuôi tôm giòn giã xé tan màn đêm yên tĩnh lao đi trên kênh Vĩnh Tế. Tư Hùng giải thích, mỗi năm ĐBSCL hứng chịu một mùa nước lũ từ thượng nguồn đổ về theo chu kỳ cố định từ tháng 6 đến tháng 12. Đầu mùa, nước nổi tràn đồng, cá linh non và nhiều loài cá khác cũng lên đồng sinh sôi nảy nở. Sau 3 tháng ở lại trên đồng, lũ cá non lớn lên và thành cá già. Khi nước lũ rút dần, các cánh đồng bắt đầu cạn nước nên cá theo con nước ra sông. “Dân quê mình gọi là mùa cá ra sông nhưng gọi đúng phải là mùa cá chạy”, Tư Hùng nói.
Xuồng đến nơi khi trời còn tối om, không nhìn rõ mặt người đối diện. Vậy mà trên con kênh rộng hơn chục thước có đến cả chục ghe xuồng chài cá. Họ liên tục quăng chài lõm bõm ngay trong đêm và dùng đèn soi (đeo trên trán) để bắt cá vô chài. Thấy ai cũng hào hứng, Tư Hùng vội vã phăng chài ra quăng liền một phát. Thật không may, vì trời còn tối nên ngay cú đầu tiên, chài anh Tư mắc gốc. Nhờ tôi giữ hộ dây chài, anh cởi áo lặn xuống dòng nước lạnh. Chỉ một hơi anh đã nổi ngay lên mặt nước, hì hục phân trần: “Sông hẹp lại có nhiều xuồng ghe chài cá nên mỗi người chỉ có một khoảng nhỏ mặt nước để làm ăn. Hơn nữa, cá linh có thói quen đi gần bờ đất nên chài vô đó dễ dính gốc lắm”.
Khi trời sáng hẳn mới thấy hết sự nhộn nhịp của mùa cá chạy ở vùng sông nước. Hàng chục con người lao động tất bật, miệt mài trên sông nước. Tiếng cười nói, í ới gọi nhau khi bắt được một chài đầy ắp cá. Khúc hòa tấu trên sông mỗi lúc càng sôi động, từ lúc mặt trời chưa mọc đến cuối buổi hoàng hôn. Hai con kênh Tha La và Trà Sư ở xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên trở thành chốn hội tụ của vạn chài. Vì nơi đây có 2 đập tràn điều tiết lũ, được xả lũ tràn đồng. Kênh sâu, dòng chảy rộng mang theo một lượng cá dồi dào cho các cánh đồng ngập lũ và trở thành điểm đến của ngư dân khắp nơi. Cứ tới mùa nước nổi là họ quy tụ về đây chài lưới.
Làm một mùa, ăn một năm
Đối với người nghèo không có ruộng đất thì mùa nước nổi là mùa mưu sinh chính trong năm. Đây là thời điểm có nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào nhất. Ông Lê Văn Hoành cho biết vào mùa cá chạy rộ, ít nhất mỗi ngày ông cũng chài được gần 3 giạ (khoảng 90-100 kg), kiếm được từ 200.000-300.000 đồng. “Mùa cá ra kéo dài cả tháng và rộ nhất vào hai con nước kém nên dân nghèo cũng dễ sống. Thu nhập từ đánh bắt cá cao gấp chục lần thời điểm bình thường. Còn lượng cá bắt được nhiều vô kể, nếu để làm khô, làm mắm ăn một năm trời chưa hết”, ông Hoành thổ lộ. Anh Tư Hùng nhớ lại khoảng chục năm về trước, tới mùa cá chạy lượng cá nhiều gấp chục lần thời điểm bây giờ. “Hồi trước, mỗi lần đổ dớn, cất vó gạt là bắt cả giạ cá (loại dùng để đong lúa). Tới mùa cá ra, mỗi nhà bắt hàng chục giạ cá là chuyện bình thường. Người nào giỏi, có tay sát cá thì bắt nhiều gấp đôi, gấp ba. Mặc dù năm nay lượng cá không nhiều như hồi trước nhưng lâu lắm rồi dân mình mới có được một mùa cá chạy đúng nghĩa, đánh bắt bể tay”, Tư Hùng giãi bày.
Mùa cá chạy, mùa làm ăn của dân nghèo - Ảnh: Thanh Quốc
Các huyện đầu nguồn Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu (An Giang) và Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp) được mệnh danh là xứ cá. Bởi hằng năm vào mùa lũ, các địa phương này “hứng” một lượng lớn cá từ biển hồ Tonle Sap (Campuchia) đổ về. Tới mùa, cá lớn lại đi ngược dòng trở ra sông rạch nên người dân thi nhau bắt. Ban đầu chủ yếu họ đánh bắt cá để phục vụ nhu cầu của gia đình, số dư thì làm mắm, phơi khô để ăn quanh năm. Dần dà các làng nghề làm khô, mắm mọc lên và nhanh chóng lấy được tiếng tăm như làng khô An Hòa, H.An Phú; khô cá lóc H.Chợ Mới; mắm Châu Đốc (An Giang) nổi tiếng trong và ngoài nước.
Thanh Quốc
Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012
Nghe (nhạc) xuân cũ
Nghe xuân cũ
Tạp văn
Copy từ http://sgtt.vn/Van-hoa/158352/Nghe-xuan-cu.html ;đăng ngày 19/01/12,mục Văn hóa.
Nghe xuân cũ
SGTT.VN - Mỗi lúc xuân sang, âm nhạc cùng với thời tiết luôn làm con người nôn nao.
Khi cái gió se lạnh cuối năm thấm vào cảm giác mỗi người, nếu không là những bài hát từ cửa sổ các ngôi nhà nhỏ vang lên, thì giai điệu mùa xuân nào đó sẽ cứ loanh quanh, tìm cách chộp bắt ký ức và cảm giác con người ở từng con hẻm nhỏ, từ chiếc xe ba gác bán CD cho đến bàn nhậu dân dã với chiếc guitar thùng.
“Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa…”, có người cười nói là “sến”, có người mê say nó… nhưng dù là gì đi nữa, thì quả thật đón xuân mới, không thể không nhắc lại xuân xưa.
Thật lạ, những bài hát mùa xuân mới mẻ chỉ làm vui tai, còn lại thì hầu hết những bài hát làm con người xốn xang thầm lặng là những gì đã rất cũ, những giọng hát rất quen và thậm chí đó còn là giọng của những người đã khuất.
Chờ đón mùa xuân, ca ngợi, có thể đó là một cách mà con người tự tổ chức hết sức nhộn nhịp để tự đánh lừa mình, để tạm quên rằng tuổi trẻ đã đi qua, ngày tháng đã trôi qua rất nhanh. Và phút chốc thật thà của trái tim con người, mùa xuân chợt vọng về với những ký ức, với những gì đẹp nhất của tuổi thanh xuân đã mất.
Có ai lại không yêu tuổi trẻ của mình? Nhất là khi năm tháng phía trước mỗi lúc một ngắn dần.
Và đó có lẽ là lý do mà người ta vẫn cảm thấy những bài nhạc xuân xưa cũ lại hết sức gần gũi. Những bài hát gắn liền với vọng ảnh của hôm qua. Nghe nhạc xuân là một cách để giao phó cảm giác của mình với dòng sông không chảy lại hai lần, và trả mình về tíc tắc bí ẩn rất riêng, mà không ai có thể chia sẻ cho ai, ngoài những buồn vui lặng lẽ.
Mùa xuân nào cũng vậy, khó có thể thiếu điệu valse của Phạm Đình Chương, những ly rượu mừng năm mới đến, mơ ước những ngày thanh bình và ấm no. Mẹ già, nông phu, tráng sĩ… đều có những tâm tư riêng. Bài hát mừng trong một điệu nhạc với nhịp 3/4 nửa lễ hội, nửa như ngà ngà quay trong ly rượu đời, đem về không biết bao thứ trong trí nhớ. Bài hát vang lên những mơ ước của nhiều gia đình, của nhiều ước mơ. Và chính vì vậy, Ly rượu mừng vẫn được xem là “đinh” của mọi bài hát mùa xuân.
Những ngày cuối năm. Tĩnh lặng với chén trà. Phố xá vắng hơn. Và tiếng hát văng vẳng như lời kể chuyện, có thể làm những ai yếu lòng phải lặng người “Xa xa có tiếng kinh cầu, chiều trên dương thế quên sầu mênh mông…” (Xuân thì – Phạm Duy).
Xuân mang đến nhiều điều, và cũng mang đi quá nhiều điều. Và giờ ta hãy thử cùng ngồi xuống, nghe dăm ba bài hát mùa xuân cũ, và tự vấn mình còn gì với một mùa xuân đang đến.
Tuấn Khanh
Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012
Mâm ngũ quả: trái nào giàu dược tính?
Mâm ngũ quả: trái nào giàu dược tính?
Copy từ http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/158329/Mam-ngu-qua-trai-nao-giau-duoc-tinh.html,đăng ngày 18/01/12,mục Khỏa&Vui.
Mâm ngũ quả: trái nào giàu dược tính?
SGTT.VN - Để đón xuân, ngoài việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa cho khang trang tươi tắn, nhà nhà còn chưng bày hoa quả, vừa bày biện cho vui mắt vừa làm nguồn thực phẩm. Nhân dịp đón xuân mới, ta thử xem dược tính của một số trái cây, đặc biệt là các loại nằm trong mâm ngũ quả sẽ có mặt ở nhà ta mấy ngày tết sắp đến.
Mỗi loại quả một thứ thuốc
Tuỳ vùng miền mà trái cây chưng tết có thay đổi, nhưng hầu hết đều là thuốc bổ cho ngày xuân Ảnh: Khánh Trâm
Người Nam bộ trong mấy ngày tết thường chưng trên bàn thờ tổ tiên mâm ngũ quả gồm mãng cầu (na), sung, dừa, đu đủ, xoài. Khi chưng mâm ngũ quả như thế, người dân Nam bộ muốn bày tỏ ước mong suốt cả năm cuộc sống gia đình sẽ luôn luôn sung túc (phát âm nghe na ná “cầu sung vừa đủ xài”). Ngoại trừ sung, các loại quả còn lại đều thuộc loại bổ dưỡng.
Đu đủ, xoài với màu vàng cam như thế chứa nhiều bêta-caroten (tiền vitamin A) khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Bêta-caroten còn được xem là chất chống oxy hoá có vai trò vô hiệu hoá các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hoá ở mô, tế bào. Riêng đu đủ còn giúp tiêu hoá tốt, nhuận trường.
Nước dừa cộng với cùi dừa là loại nước giải khát rất tốt, có nhiều chất dinh dưỡng như đường, các axít amin, các axít hữu cơ, chất khoáng… Nước dừa chứa tỷ lệ hàm lượng các chất thích hợp đến độ người ta có thể dùng nước dừa là dịch truyền để bù nước và chất điện giải trong những trường hợp ngặt nghèo thiếu dịch truyền (như ở miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ).
Một số người dân Nam bộ còn cho rằng âm của “sung” trùng với “xung” của “xung khắc”, nên không chưng sung trong mâm ngũ quả mà thay vào đó là thơm để cầu mong danh thơm tiếng tốt. Thơm (dứa) có chứa một loại enzyme có tên bromelin – một enzyme thuỷ phân protit giúp tiêu hoá chất đạm, nên các bà nội trợ muốn làm mềm thịt trước khi nấu nướng chỉ cần ướp thịt với thơm trong một thời gian vừa phải. Bromelin còn có tác dụng ức chế quá trình viêm, làm giảm phù nề và tụ huyết, nếu bôi lên vết thương sẽ làm tiêu tổ chức chết, giúp mau lành sẹo (biệt dược Extranase trước đây có chứa hoạt chất bromelin).
Đâu chỉ có ngũ quả
Ngày tết cũng không thể thiếu dưa hấu. Đông y gọi dưa hấu là tây qua, được xem là vị thuốc giải nhiệt, giải độc, bồi dưỡng cơ thể. Được xem là giải nhiệt thì không có lý gì “ăn nhiều dưa hấu sẽ bị nóng, mắt đổ ghèn” như một số người quan niệm. Thật ra, chính do ăn nhiều mứt, kẹo, bánh ngọt vốn chứa nhiều năng lượng mà trẻ con có biểu hiện “nóng trong người”.
Nhãn là loại quả thơm, ngon ngọt, hấp dẫn. Đông y chế biến cùi nhãn khô (sấy ở nhiệt độ không cao quá 50 – 60oC) thành vị thuốc “long nhãn” – bổ tâm tỳ, dưỡng huyết, an thần, dùng để chữa chứng thần kinh suy nhược, hay quên, khó ngủ.
Một loại quả cùng họ với nhãn là vải. Theo tài liệu cổ, vải có tác dụng nuôi huyết, tiêu thũng, chữa bệnh mụt nhọt.
Một số người dân Nam bộ cũng không thích chưng cam trong mấy ngày tết mà thay vào đó là bưởi. Hàm lượng vitamin C có trong bưởi còn nhiều hơn cam, chanh. Tuy nhiên, người đang phải dùng thuốc chữa bệnh cần lưu ý tránh dùng nước bưởi khi đang uống thuốc, bởi hiện nay người ta phát hiện nước bưởi tương tác bất lợi (uống cùng lúc có thể tăng độc tính) với khá nhiều thuốc. Bưởi được đề cập ở đây là bưởi chùm có tên khoa học Citrus paradisis, khác với bưởi có ở ta có tên khoa học là Citrus grandis họ Rutaceae. Khi ăn hoặc uống bưởi chùm, nồng độ CYP3A4 trong gan ruột, đặc biệt là ở ruột, bị chất naringin và bergamotin có trong nước bưởi làm cho enzyme giảm đi rất nhiều, sự chuyển hoá và thải trừ thuốc sẽ kém và chậm hơn bình thường, giống như dùng thuốc quá liều gây ngộ độc.
Ngoài việc cung cấp loại đường đơn bổ dưỡng như glucose, fructose… rất dễ hấp thu, trong các loại quả còn các vi chất như vitamin A, C, B1, B2, PP…, các hợp chất bioflavonoid có tác dụng chống oxy hoá, các chất khoáng như sắt, kẽm, selen… Có thể xem trái cây là nguồn thuốc bổ polyvitamin – đa sinh tố và chất khoáng giúp chuyển hoá các chất trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể chống bệnh tật.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012
Cho thuê ruộng hoa chụp ảnh
Copy từ http://www.tienphong.vn/gioi-tre/564433/hai-ra-tien-tu-dich-vu-cho-thue-ruong-hoa-chup-anh-tpov.html; tin ngày 16/01/12.
Mấy ngày nay, các bạn trẻ đổ xô xuống ruộng hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) chụp ảnh du xuân. Một số người chủ vườn hoa "hái" ra tiền triệu từ dịch vụ cho thuê hoa chụp ảnh.
Ảnh 1: Các bạn trẻ hào hứng với ruộng hoa Quảng Bá. Ảnh: Minh Đức
Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho những nông dân trồng hoa, cây cảnh tại Quảng Bá. Nhờ thời tiết đẹp, những ruộng hoa đào, mận, cúc, cải, phong lan... rực rỡ sắc màu. Nhiều bạn trẻ, cả người nước ngoài, tới đây chụp ảnh.
Người chụp ảnh phải trả cho mỗi chủ ruộng 15.000 đồng/lượt. Để hoàn thiện một bộ ảnh sinh động gắn với các loài hoa, có người phải bỏ ra 100.000 đồng đến 150.000 đồng.
Ảnh 2 : Hai cô gái xinh xinh. Ảnh 3: Hoa cúc được được các bạn trẻ yêu thích, chọn để chụp ảnh. Ảnh: Minh Đức. Ảnh 4: Cô gái bên hoa tím. Ảnh 5: Ba cô gái xinh tươi. Ảnh 6: Các đôi uyên ương xuống ruộng hoa Quảng Bá chụp ảnh.
Ảnh 7: Đôi uyên ương ! Ảnh 8: Ơ! Uyên đây mà Ương đâu ? Ảnh 9: Đây rồi! Cả Uyên và Ương nhé!
Minh Đức