Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

MÙA NƯỚC NỔI , MÙA CÁ LINH

Mùa nước nổi,mùa cá linh
Copy từ http://www.baohaugiang.com.vn/detailvn.aspx?item=24285.Tin đăng ngày 28/08/2011
Dân gian có câu:
“Nước không chưn sao kêu nước đứng ?
Con cá không thờ sao gọi cá linh ?
Đánh bắt cá linhĐánh bắt cá linh
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi
Và cũng không biết tên gọi “cá linh” đã có từ bao giờ mà sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức lại gọi là “linh ngư”, một sản phẩm kinh tế quan trọng của Nam bộ, đặc biệt dùng để ủ nước mắm và làm mắm rất thơm ngon
Đặc sản trời cho
Người Khmer gọi cá linh là trêy-lênh. Có lẽ vào cuối thế kỷ 18, loài cá này chưa có tên nên lúc Nguyễn Ánh từ Vàm Nao chuẩn bị ra biển, phát hiện có vài con cá nhỏ nhảy vào mạn thuyền. Ông linh cảm như có việc chẳng lành nên liền ra lệnh cho đoàn tùy tùng hoãn lại chuyến đi. Nhờ vậy mà cả đoàn đã thoát nạn do quân Tây Sơn mai phục. Để tỏ lòng tri ân một loài cá đã cứu giúp mình, Nguyễn Ánh liền đặt tên cho chúng là “cá linh” (*).
Theo tác giả Nguyễn Văn Kiểm và Huỳnh Minh (**) thì hàng năm đến ngày mùng 5 tháng 5, nước sông Cửu Long bắt đầu đục, cá con nở ra li ti, sau đó rời quê cha đất tổ rồi thả lênh đênh trên dòng nước, trôi dạt dần về phía Tân Châu. Đợi cho đến thượng tuần tháng 10 âm lịch, chúng bắt đầu giã từ chỗ tạm sống để lần lượt ra sông ngòi theo ven bờ Cửu Long, ngược về quê hương ở xứ chùa Tháp. Lúc đó cá lội xanh nước, nhiều người gọi đó là “cá linh đua”.
Các bậc lão ngư cho biết, hàng năm cứ đến mùa nước nổi, dòng họ nhà cá linh từ biển Hồ theo dòng Mekong đổ về các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu rồi tràn vô ruộng đồng, ao hồ và sông rạch. Đầu mùa, cá bằng tăm nhang, cuối mùa lớn bằng cẳng cái. Sau những chặng đường phiêu lưu vạn dặm, đến lúc trưởng thành chúng lại từ kinh rạch ào ạt tuôn ra sông cái, sông lớn để quay về thượng nguồn làm nhiệm vụ “duy trì nòi giống”. Thời điểm ấy, người trong nghề gọi là “cá ra”. Đợt đầu “cá lên rào”, tiếp theo là“ cá đông ken”. Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng cho biết tháng 10 cá linh nhiều vô số kể, cá lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc.
Ông Đặng Hồng Ẩn, người đã từng gắn bó với nghề đóng đáy cá linh trên 40 năm tại xã Vĩnh Trường, huyện An Phú - An Giang cho biết: Nắm bắt được thời điểm “cá ra”, bà con đã chuẩn bị sẵn xuồng, ghe, đăng, đáy, lưới,… để chận đường đánh bắt. Gặp phải con nước, cá chạy nhiều đến nổi bứa đụt (đầy đụt), người ta phải mổ đụt xả bớt cá để tránh sạt đáy. Tại kinh Vĩnh Tế, Tân Châu và các sông rạch, ruộng đồng ở An Giang, Đồng Tháp, cứ vào mùa cá linh, bà con ngư dân thường thắp đèn tung lưới cho đến thâu đêm. Theo kinh nghiệm của nhiều người, vào thời điểm cá đang ngược dòng tìm về “thủy tổ” mà gặp phải cơn mưa muộn là khựng lại để chờ con nước sau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thời tiết, khí hậu và mưa lũ bất thường, đặc biệt là dòng chảy đã làm đảo lộn quá trình “hồi cư” của cá khiến cho một số ít còn sót lại trên sông rạch nên mùa nào dân chài cũng đánh bắt được, nhất là cá linh “rìa”, linh “cám”, con to bằng hai, ba ngón tay.
Món ăn mùi nhớ
Niềm tự hào của dòng họ cá linh là từ bao đời nay, chúng đã trở thành món ăn quen thuộc của những gia đình nông thôn, không thể thiếu vắng trong các bữa cơm dù là đạm bạc, thanh bần hay thịnh soạn. Từ món cá linh canh chua bần; cá linh kho mía; kho nước dừa ướp lá gừng cho tới cá linh kho mắm chấm bông điên điển… món nào cũng hương gây mùi nhớ. Độc đáo nhất là cá linh non đầu mùa đem lăn bột chiên giòn cuốn rau thơm hoặc kho mẳn bằm xoài, vừa béo, vừa chua, cay không có gì sánh kịp… Tại huyện An Phú - An Giang, bà con còn có thêm món cá linh kho bứa, cá linh nấu canh chua bứa thật tuyệt.
Nhiều nhà hàng đặc sản còn chế biến thêm món cá linh rìa nướng muối ớt tươm mỡ; cá linh nhúng giấm béo ngậy không thua gì các món sơn hào hải vị. Có thể nói xưa nay rất ít món ăn nào ấn tượng và dạt dào ký ức bằng món “linh ngư”. Dân sành điệu miền Tây thưởng thức món ăn không chỉ bằng vị giác, khướu giác mà còn bằng hoài niệm và ký ức. Chính vì tính cách đó mà nhà văn Sơn Nam mỗi lần về Cần Thơ đều nhớ món chuột đồng nướng sả và cá linh kho mẳn bằm xoài.
Gần đây, một công ty ở An Giang đã chế biến cá linh thành đồ hộp và có nơi còn sản xuất bánh phồng cá linh, chả cá linh để làm vui lòng những người “ghiền” cá linh và nhớ mùi cá linh của mẹ nấu thuở nào. Chính vì cá linh là đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long nên không ít người đã lợi dụng mang cá linh giả ra chợ bán để lừa gạt khách hàng.
Một mai khi con cá linh không còn nữa !
Từ xa xưa, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho bà con vùng nước nổi một sản vật vô cùng quý giá. Nhiều bậc cao niên kể rằng cách nay nửa thế kỷ, cá linh nhiều đến nổi đã dùng vào việc ủ phân, nấu nước mắm hoặc làm mắm dự trữ. Thời Pháp thuộc, nhiều người còn nấu cá linh để lấy mỡ thắp đèn. Có thể nói, chưa nơi nào mà trữ lượng cá linh nhiều như ở sông Hậu và sông Tiền và cũng chưa có loại cá nào giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cư dân Đồng bằng sông Cửu Long như cá linh.
Thế nhưng, kể từ 2 thập niên trở lại đây, do việc khai thác quá mức và phương tiện đánh bắt quá tinh vi dọc theo các tuyến sông như đóng đáy, chận đăng, đặt gọ, dớn, kéo lưới, kéo vó, chài… mạnh ai nấy bắt, cá lớn cá nhỏ đều bị khai thác ráo riết. Nhất là trong những năm gần đây do việc khai thác các nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong vô tội vạ nên đã làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, nhất là cá bố mẹ không còn môi trường thích nghi và bãi đẻ để phát triển, có thể dẫn tới nguy cơ cạn kiệt.
Ngoài ra, việc đắp đê bao cấy lúa hai, ba vụ ở ĐBSCL cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của cá, bức xúc nhất là tình trạng sử dụng các loại hóa chất và thuốc trừ sâu đã làm ô nhiễm nguồn nước khiến cho nguồn cá linh ngày càng giảm đi nhiều.
Chính vì cá linh khan hiếm, cá linh lên đời nên nhiều bà con ngư dân phải qua tận nước bạn Campuchia để thuê mặt nước đánh bắt bằng đú, nhưng sản lượng mỗi năm mỗi giảm. Ông Chín Kỳ, một ngư dân ở An Phú chuyên nghề đặt đú trên những cánh đồng biên, nơi lũ từ Campuchia tràn về, tâm sự: “Trước đây, mỗi ngày tôi trút đú cả tấn cá, chở đầy xuồng thấy ngóp mắt. Còn năm rồi (2010) kiếm vài chục ký không ra. Vì thế mà nhiều người đã bỏ đú, bỏ xuồng đi làm thuê kiếm sống qua ngày”.
Năm nay, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ngày 15-8 đã lên đến 3,5m và trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên nhanh nên bà con tại An Giang và Đồng Tháp hy vọng sẽ có được một mùa cá linh no ấm, vì theo kinh nghiệm của bà con ngư dân thì năm nào lũ càng cao, cá linh càng nhiều.
Một mai, khi loài người tiếp tục đắp đập ngăn sông, tiếp tục phát triển công nghiệp không đồng bộ của một số nước trong vùng, dẫn đến việc phá hoại cuộc sống bình yên của các loài thủy sản trên dòng Mekong huyền thoại; nhất là việc sử dụng hóa chất bừa bãi trên đồng ruộng hoặc đánh bắt theo kiểu tận diệt, chắc chắn các dòng sông sẽ trở nên hiu hắt, họ hàng nhà cá linh sẽ bỏ xứ ra đi hoặc chết dần chết mòn trong vòng tay hủy diệt của con người.
Chúng ta cũng sẽ mất đi một nguồn lợi quý báu do trời ban tặng, người miền Tây sẽ không còn tận hưởng thứ hương vị đậm đà, mang dấu ấn văn hóa của một vùng sông nước Cửu Long.
-----------
(*) Theo “Tự vị tiếng nói miền Nam” trang 103 của Vương Hồng Sển.
(**) “Tân Châu xưa”, tác giả Nguyễn Văn Kiểm và Huỳnh Minh - NXB Thanh niên - 2003
Bài và ảnh: THÀNH HIỆP

Không có nhận xét nào: