Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Tài liệu tối mật có thể tự động giải mật sau 60 năm

Tài liệu tối mật có thể tự động giải mật sau 60 năm
(Copy từ  http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tai-lieu-toi-mat-co-the-tu-dong-giai-mat-sau-60-nam-44685.html , tác giả: Chung Hoàng , đã đăng ngày 21/10/2011  12:46.)
Báo cáo trước QH sáng nay (21/10/2011), Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết dự thảo Luật lưu trữ quy định tài liệu đóng dấu mật được tự động giải mật 40 năm sau khi công việc kết thúc, với tài liệu tối mật, tuyệt mật là 60 năm.
Ảnh: Minh Thăng


Một số ý kiến khác đề nghị quy định thời hạn giải mật đối với tài liệu đóng dấu mật phải căn cứ vào tính chất của tài liệu, mức độ quan trọng thấp thì thời hạn giải mật có thể ngắn hơn.
Có ý kiến đề nghị thời hạn giải mật là 30 năm theo thông lệ quốc tế, các ý kiến khác cho rằng nên quy định thống nhất thời hạn giải mật là 40 năm.
Trên thực tế, có những tài liệu mật cần được sớm giải mật để sử dụng rộng rãi, nhưng cũng có những tài liệu cần được giữ bí mật trong một khoảng thời gian dài, với một số trường hợp đặc biệt thì có thể là vĩnh viễn.
Do đó, UB Thường vụ QH đề nghị điều chỉnh dự luật theo hướng: Sau 10 kể từ khi công việc kết thúc, các tài liệu có giá trị phải được nộp để bảo quản vĩnh viễn. Hết thời hạn 40 năm với tài liệu mật và 60 năm với tài liệu tối mật, tuyệt mật, các tài liệu này đương nhiên được giải mật và được sử dụng rộng rãi.
Một số tài liệu có thể được giải mật sớm hơn thời hạn trên, và cũng có những tài liệu tối mật, tuyệt mật và tài liệu liên quan đến cá nhân dù đến thời hạn vẫn chưa thể được sử dụng rộng rãi. Những trường hợp này đều do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Lưu ý lưu trữ điện tử
Không ít ý kiến đề nghị có quy định cụ thể về chế độ thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử để đảm bảo quyền khai thác, tiếp cận thông tin của người dân cũng như để quản lý tốt nguồn tài liệu này.
UB Thường vụ QH cho rằng đây là một hình thức lưu trữ mới, dự luật chỉ quy định có tính nguyên tắc và giao Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Thông tin  - Truyền thông hướng dẫn việc quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, chịu trách nhiệm tổng kết thực tiễn sau một thời gian thực hiện.
Tuy nhiên nhiều ĐB không đồng tình. ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) liên hệ với quy định về việc mang tài liệu mật ra nước ngoài:“Với mạng Internet, một người ngồi một chỗ vẫn có thể dễ dàng phát tán tài liệu ra toàn thế giới”.
ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cho rằng lưu trữ điện tử là xu thế thời đại và trong tương lai gần sẽ trở thành một vấn đề quan trọng. Bà Yến thấy cần có những điều khoản quy định về hình thức lưu trữ này cũng như các vi phạm liên quan đến phán tán tài liệu lữu trữ điện tử.
Đặc biệt là các tài liệu liên quan đến cá nhân, nhất là các nhân chứng lịch sử, có thể có ảnh hưởng tầm quốc gia”, bà Yến nói. “Nếu không có quy định cụ thể về công nhận và quản lý loại tài liệu này trong phông lưu trữ quốc gia, sau này khi có vấn đề nảy sinh sẽ rất lúng túng trong xử lý”.
Cũng trong sáng nay, QH thảo luận về dự án Luật Đo lường.
Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận trong đo lường còn quá nhẹ, đề nghị nâng mức xử phạt lên 20 - 50 lần số tiền thu lợi bất chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

UB Thường vụ QH đồng tình cần tăng cường mức độ răn đe, nhưng để thống nhất với các luật hiện hành như Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật sở hữu trí tuệ và dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đang xây dựng, dự thảo Luật đo lường quy định trong trường hợp đã áp dụng mức phạt hành chính cao nhất mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính thì áp dụng mức phạt tối đa gấp 5 lần số tiền thu lợi đó.
Chung Hoàng

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Thở bụng: đơn giản mà diệu kỳ

Dưỡng sinh
Thở bụng: đơn giản mà diệu kỳ
Copy từ http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/154540/Tho-bung-don-gian-ma-dieu-ky.html; đăng ngày 22/10/11, mục Khỏe & Vui.
SGTT.VN - Thử quan sát một đứa bé sơ sinh đang nằm ngủ: phần cơ thể lên xuống đều đều theo nhịp thở không phải là phần ngực như đa phần người lớn mà là bụng! Không may, khi lớn lên rồi thì ngoại trừ số ít người có luyện tập như vận động viên, đạo gia hoặc các nhà khí công… những căng thẳng và ưu tư trong cuộc sống dẫn đến hiện tượng căng cơ, thở nhanh, thở ngắn dần dần tập nhiễm thành thói quen thở cạn, chỉ thở ở phần ngực.
Thở bụng giúp chống stress, cải thiện sức khoẻ và gia tăng khả năng phòng chống bệnh tật, nhất là các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp.
Quả tim thứ hai
Trong khi phép thở bình thường chỉ sử dụng một phần cơ hoành và cơ ở lồng ngực thì ở cách thở bụng, thường gọi là cách thở triệt để, có thể vận dụng cả cơ bụng và các cơ đáy chậu. Hệ thống cơ hoành, cơ ngực, cơ hông và các cơ vùng đáy chậu hình thành nên một cơ chế giống như một “quả tim thứ hai” để thúc đẩy lưu thông khí huyết. Bụng dưới phình lên sẽ kéo theo hoành cách mô hạ xuống để nở rộng dung tích phổi.
Ngoài ra, ở thì thở ra, thở chậm và từ từ ép sát bụng dưới vừa có tác dụng xoa bóp nội tạng, thúc đẩy khí huyết đến các nơi hiểm hóc hoặc xa nhất của cơ thể mà trong điều kiện thở bình thường việc trao đổi khí huyết khó xảy ra. Thở bụng, thở sâu, thì thở ra chậm và dài hơn thì hít vào còn có tác dụng tăng cường ức chế hệ giao cảm để điều hoà thần kinh. Về mặt khí công, thở bụng có tác dụng kích hoạt khí đan điền, tăng cường nội khí và đối trị với các chứng hư hoả.
Khi quan sát hơi thở, cần chú tâm đến chuyển động phồng lên xẹp xuống ở bụng. Ảnh: Hồng Thái
 
Hỗ trợ điều trị nhiều bệnh
Ngày nay, nhịp sống nhanh và mức độ cạnh tranh cao dễ gây căng thẳng tâm lý, làm rối loạn hoạt động nội tiết, suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiều loại bệnh từ cảm cúm, các chứng đau nhức đến những bệnh tim mạch, tiểu đường. Thỉnh thoảng hướng sự chú ý vào những hơi thở sâu là cách đối trị đơn giản và hữu hiệu.
Có một số người bị bệnh khó ngủ, mất ngủ lâu ngày có thể hồi phục giấc ngủ dễ dàng ngay đêm đầu tiên được hướng dẫn quan sát hơi thở ở bụng dưới. Bác sĩ James Gordon, giám đốc trung tâm Y học tâm thể ở Washington (Mỹ) khẳng định: “Sự hô hấp chậm, sâu có lẽ là cách tốt nhất để chống stress”. Những khảo sát của giáo sư Robert Freedman, một chuyên gia về tâm thần và thần kinh cũng cho thấy lối thở bụng đã làm giảm đáng kể những triệu chứng sau mãn kinh và các chứng trầm cảm.
Bác sĩ Jon Seskevich, thuộc trung tâm Y học Bắc Carolina luôn quan tâm dạy thở cho hàng chục ngàn bệnh nhân ung thư hoặc những người mắc các loại bệnh về tim, phổi. Ông nói: “Thở bụng không giúp họ khỏi bệnh ung thư, nhưng có thể làm họ giảm đau và tránh được cho họ nhiều ngày lưu trú khổ sở ở các đơn vị chăm sóc tập trung”.
Thở bụng giúp tăng dung tích phổi, điều hoà thần kinh và hoạt động nội tiết nên có thể cải thiện hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan. Tác động dễ thấy nhất là đối với các bệnh lý về tim mạch. Thở bụng và thở dài hơi ở thì thở ra làm nở mạch ngoại biên, tăng cường lưu thông khí huyết và điều hoà thần kinh giao cảm nên cải thiện được các chứng suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp thấp cũng như huyết áp cao.
Luôn có sự tương tác giữa hơi thở, cảm xúc và huyết áp. Lúc lo âu, căng thẳng sẽ thở nhanh, thở gấp và huyết áp tăng. Lúc bình tĩnh, tinh thần thoải mái, nhịp thở chậm, đều và huyết áp hạ. Do đó, thực hành tốt cách quan sát thở bụng sẽ nhanh chóng tạo ra những đáp ứng thư giãn không chỉ làm vắng bặt những nỗi khủng hoảng, lo sợ mà còn có thể giúp cắt cơn cao huyết áp.
Lương y Võ Hà
Phương pháp tập thở bụng
Nằm hoặc ngồi ở nơi yên tĩnh. Buông lỏng cơ thể, đặt một bàn tay trên bụng dưới. Hít vào đến bụng dưới, cảm nhận rõ bụng dưới hơi nhô lên dưới bàn tay. Không cố hít vào quá nhiều để tránh ngộp hơi hoặc làm mệt tim.
Thở ra chậm cho đến cuối hơi trong khi ép dần bụng dưới xuống. Có thể thở ra bằng miệng. Miệng chỉ vừa mở đủ để hơi thở thoát ra. Cảm nhận rõ lúc đang thở ra khi bụng dưới hạ xuống dần dưới bàn tay. Hít vào, thở ra từ hơi thở này đến hơi thở khác. Thì thở ra dài hơn thì hít vào. Khi thuần thục, có thể để hai tay buông lỏng bên thân hoặc trên đùi.
 
Có thể thở mỗi lần một vài hơi thở ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào hoặc sử dụng như một hình thức thiền trong một buổi tập dài hay ngắn tuỳ điều kiện thời gian và sở thích mỗi người. Lâu dần, thở bụng sẽ được tập nhiễm thành thói quen. Lúc này chuyển động lên xuống ở bụng dưới đã thành một phản xạ tự nhiên, không còn lệ thuộc ý thức của người tập nên được gọi là phản xạ thở bụng.
Tập lúc bụng trống, mỗi lần từ 10 phút trở lên vào những giờ nhất định, sau khi tắm rửa sạch sẽ và đã hoàn tất mọi việc trong ngày.
Nhà thờ
Trầm mặc nhà thờ phố núi Sapa.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Bé 2 tuổi bị xe đụng, người qua đường thờ ơ

Tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 17/10/2011; sau đó trang Yahoo!Việt Nam đăng lại.
Bé 2 tuổi bị xe đụng, người qua đường thờ ơ
Copy từ https://vn.news.yahoo.com/bé-2-tuổi-bị-xe-đụng-người-qua-104100107.html , đăng ngày 17/10/11, mục Tin tức .
TTO - Tân Hoa xã ngày 17-10-11 đưa tin một bé gái 2 tuổi đang tập đi trên con đường nhỏ ở thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông) bị ô tô tải đâm nhưng người qua đường không ai đưa em đi cấp cứu, khiến em đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Yue Yue và mẹ - Ảnh: Telegraph
Câu chuyện gây sốc này đang lan nhanh trên thế giới do một camera quan sát đã ghi lại được cảnh ngày 13-10 vừa qua.
Cô bé sau này được xác định là Yue Yue, mới lên 2 và nhà em chỉ cách nơi xảy ra tai nạn 100m.Câu chuyện gây sốc này đang lan nhanh trên thế giới do một camera quan sát đã ghi lại được cảnh ngày 13-10-11 vừa qua.
Lúc đó bé gái đang đi trên con đường nhỏ ở khu mua sắm của thành phố công nghiệp Phật Sơn thì bị một chiếc xe tải nhỏ màu trắng đâm phải. Người lái xe ngừng lại rồi nhấn ga đi tiếp và cán qua người đứa trẻ lần thứ hai bằng bánh sau.
Cô bé nằm bất động trên đường. Cứ lần lượt từng người đi qua mà không ai để ý đến cô bé đang nằm đó. Có thể đếm được 18 người đã đi qua cô bé trong đoạn video.
Một người đi xe đạp tới. Anh ta hơi né ra để không cán lên cô bé nhưng nhấn chân vào pê đan đi tiếp. Anh ta quay đầu lại nhìn như thể kiểm tra xem có phải mình vừa thấy một đứa trẻ nằm chết trên đường phố hay không.
Rồi vũng máu loang rộng ra. Một người đi bộ bước tới, nhìn rõ cô bé bị chảy máu nhưng vẫn rảo bước đi tiếp.
Yue Yue nằm đó nhưng không ai cứu giúp - Ảnh: Sina
Những người này đều có thể lay cô bé dậy hay chí ít báo cho cảnh sát nhưng chẳng ai làm thế. Vậy là, một chiếc xe lớn hơn sau đó vài phút tiếp tục tông vào em. Một phụ nữ đang dắt con khi thấy cô bé liền vội bước nhanh và kéo con đi thật nhanh.
Cô bé sau này được xác định là Yue Yue, mới lên 2 và nhà em chỉ cách nơi xảy ra tai nạn 100m. Chỉ đến khi người qua đường thứ 19 bước tới, Yue Yue mới được cứu. Bà là Chen Xianmei, 58 tuổi, là một người dọn vệ sinh đường phố. Khi thấy bé, bà ngay lập tức vứt túi rác xuống và chạy nhào tới nâng cô bé dậy.
Yue Yue đang rất nguy kịch - Ảnh: Sina
Người phụ nữ này sau đó đã gọi mẹ của Yue Yue tới để đưa đến bệnh viện quân y ở thành phố Quảng Châu. Hiện Yue Yue đang trong tình trạng rất nguy kịch. Báo Telegraph cho hay các bác sĩ chẩn đoán bé Yue Yue bị chấn thương đầu rất nghiêm trọng và có thể chết bất cứ lúc nào.
Cảnh sát đã bắt giữ tài xế đầu tiên đâm vào Yue Yue. Trước đó, khi báo chí hỏi tại sao anh ta đâm liên tiếp vào bé, tài xế này nói: “Nếu cô bé chết, có thể tôi chỉ phải chi 20.000 nhân dân tệ (hơn 3.000 USD) nhưng nếu cô bé bị thương, tôi sẽ phải đền hàng trăm nghìn”.
Phan Anh

Bé 2 tuổi bị xe đụng, người qua đường thờ ơ

Tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 17/10/2011; sau đó trang Yahoo!Việt Nam đăng lại.
Bé 2 tuổi bị xe đụng, người qua đường thờ ơ
Copy từ https://vn.news.yahoo.com/bé-2-tuổi-bị-xe-đụng-người-qua-104100107.html , đăng ngày 17/10/11, mục Tin tức .
TTO - Tân Hoa xã ngày 17-10-11 đưa tin một bé gái 2 tuổi đang tập đi trên con đường nhỏ ở thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông) bị ô tô tải đâm nhưng người qua đường không ai đưa em đi cấp cứu, khiến em đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Yue Yue và mẹ - Ảnh: Telegraph
Câu chuyện gây sốc này đang lan nhanh trên thế giới do một camera quan sát đã ghi lại được cảnh ngày 13-10 vừa qua.
Cô bé sau này được xác định là Yue Yue, mới lên 2 và nhà em chỉ cách nơi xảy ra tai nạn 100m.Câu chuyện gây sốc này đang lan nhanh trên thế giới do một camera quan sát đã ghi lại được cảnh ngày 13-10-11 vừa qua.
Lúc đó bé gái đang đi trên con đường nhỏ ở khu mua sắm của thành phố công nghiệp Phật Sơn thì bị một chiếc xe tải nhỏ màu trắng đâm phải. Người lái xe ngừng lại rồi nhấn ga đi tiếp và cán qua người đứa trẻ lần thứ hai bằng bánh sau.
Cô bé nằm bất động trên đường. Cứ lần lượt từng người đi qua mà không ai để ý đến cô bé đang nằm đó. Có thể đếm được 18 người đã đi qua cô bé trong đoạn video.
Một người đi xe đạp tới. Anh ta hơi né ra để không cán lên cô bé nhưng nhấn chân vào pê đan đi tiếp. Anh ta quay đầu lại nhìn như thể kiểm tra xem có phải mình vừa thấy một đứa trẻ nằm chết trên đường phố hay không.
Rồi vũng máu loang rộng ra. Một người đi bộ bước tới, nhìn rõ cô bé bị chảy máu nhưng vẫn rảo bước đi tiếp.
Yue Yue nằm đó nhưng không ai cứu giúp - Ảnh: Sina
Những người này đều có thể lay cô bé dậy hay chí ít báo cho cảnh sát nhưng chẳng ai làm thế. Vậy là, một chiếc xe lớn hơn sau đó vài phút tiếp tục tông vào em. Một phụ nữ đang dắt con khi thấy cô bé liền vội bước nhanh và kéo con đi thật nhanh.
Cô bé sau này được xác định là Yue Yue, mới lên 2 và nhà em chỉ cách nơi xảy ra tai nạn 100m. Chỉ đến khi người qua đường thứ 19 bước tới, Yue Yue mới được cứu. Bà là Chen Xianmei, 58 tuổi, là một người dọn vệ sinh đường phố. Khi thấy bé, bà ngay lập tức vứt túi rác xuống và chạy nhào tới nâng cô bé dậy.
Yue Yue đang rất nguy kịch - Ảnh: Sina
Người phụ nữ này sau đó đã gọi mẹ của Yue Yue tới để đưa đến bệnh viện quân y ở thành phố Quảng Châu. Hiện Yue Yue đang trong tình trạng rất nguy kịch. Báo Telegraph cho hay các bác sĩ chẩn đoán bé Yue Yue bị chấn thương đầu rất nghiêm trọng và có thể chết bất cứ lúc nào.
Cảnh sát đã bắt giữ tài xế đầu tiên đâm vào Yue Yue. Trước đó, khi báo chí hỏi tại sao anh ta đâm liên tiếp vào bé, tài xế này nói: “Nếu cô bé chết, có thể tôi chỉ phải chi 20.000 nhân dân tệ (hơn 3.000 USD) nhưng nếu cô bé bị thương, tôi sẽ phải đền hàng trăm nghìn”.
Phan Anh

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Mẹo nhỏ với Google Search

Mẹo nhỏ với Google Search
Copy từ http://kynanggioi.com/tin-hoc/van-phong/de-tim-kiem-an-toan-tren-google-search .
Những mẹo nhỏ sau giúp bạn tìm kiếm trong Google Search một cách an toàn và chính xác hơn.
Thông thường, Google Search sẽ “trung thực” đưa vào trong kết quả tìm kiếm của mình rất nhiều kết quả chứa các nội dung xấu mặc dù biết rất rõ điều ấy. Để Google Search tự động loại tất cả những link xấu trong các kết quả tìm kiếm, trong trang www.google.com.vn , bạn vào mục Settings > Search settings, trong dòng SafeSearch Filtering bạn đánh chọn mục Use strict filtering (Filter both explicit text and explicit images), đánh chọn thêm mục Lock SafeSearch nhập mã số tài khoản Gmail, bấm Sign In > Lock SafeSearch để ngăn người khác tự ý thay đổi các thiết lập bạn đã thực hiện.
Cuối cùng, nhấn Save Preferences để lưu lại chọn lựa. Bây giờ Google sẽ tìm kiếm với độ an toàn cao nhất
Nếu bạn muốn mở lại tính năng tìm kiếm (không an toàn) thì bạn lại vào Settings > Search settings, trong dòng SafeSearch Filtering nhấn chọn lên liên kết Unlock rồi làm tương tự như trên là được.
Sau khi chọn xong bạn nhấn Save Preferences để xác nhận chọn lựa.
 
Nguyễn Tử Vương(Thế giới @)
 

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

MÙA NƯỚC NỔI , MÙA CÁ LINH

Mùa nước nổi,mùa cá linh
Copy từ http://www.baohaugiang.com.vn/detailvn.aspx?item=24285.Tin đăng ngày 28/08/2011
Dân gian có câu:
“Nước không chưn sao kêu nước đứng ?
Con cá không thờ sao gọi cá linh ?
Đánh bắt cá linhĐánh bắt cá linh
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi
Và cũng không biết tên gọi “cá linh” đã có từ bao giờ mà sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức lại gọi là “linh ngư”, một sản phẩm kinh tế quan trọng của Nam bộ, đặc biệt dùng để ủ nước mắm và làm mắm rất thơm ngon
Đặc sản trời cho
Người Khmer gọi cá linh là trêy-lênh. Có lẽ vào cuối thế kỷ 18, loài cá này chưa có tên nên lúc Nguyễn Ánh từ Vàm Nao chuẩn bị ra biển, phát hiện có vài con cá nhỏ nhảy vào mạn thuyền. Ông linh cảm như có việc chẳng lành nên liền ra lệnh cho đoàn tùy tùng hoãn lại chuyến đi. Nhờ vậy mà cả đoàn đã thoát nạn do quân Tây Sơn mai phục. Để tỏ lòng tri ân một loài cá đã cứu giúp mình, Nguyễn Ánh liền đặt tên cho chúng là “cá linh” (*).
Theo tác giả Nguyễn Văn Kiểm và Huỳnh Minh (**) thì hàng năm đến ngày mùng 5 tháng 5, nước sông Cửu Long bắt đầu đục, cá con nở ra li ti, sau đó rời quê cha đất tổ rồi thả lênh đênh trên dòng nước, trôi dạt dần về phía Tân Châu. Đợi cho đến thượng tuần tháng 10 âm lịch, chúng bắt đầu giã từ chỗ tạm sống để lần lượt ra sông ngòi theo ven bờ Cửu Long, ngược về quê hương ở xứ chùa Tháp. Lúc đó cá lội xanh nước, nhiều người gọi đó là “cá linh đua”.
Các bậc lão ngư cho biết, hàng năm cứ đến mùa nước nổi, dòng họ nhà cá linh từ biển Hồ theo dòng Mekong đổ về các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu rồi tràn vô ruộng đồng, ao hồ và sông rạch. Đầu mùa, cá bằng tăm nhang, cuối mùa lớn bằng cẳng cái. Sau những chặng đường phiêu lưu vạn dặm, đến lúc trưởng thành chúng lại từ kinh rạch ào ạt tuôn ra sông cái, sông lớn để quay về thượng nguồn làm nhiệm vụ “duy trì nòi giống”. Thời điểm ấy, người trong nghề gọi là “cá ra”. Đợt đầu “cá lên rào”, tiếp theo là“ cá đông ken”. Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng cho biết tháng 10 cá linh nhiều vô số kể, cá lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc.
Ông Đặng Hồng Ẩn, người đã từng gắn bó với nghề đóng đáy cá linh trên 40 năm tại xã Vĩnh Trường, huyện An Phú - An Giang cho biết: Nắm bắt được thời điểm “cá ra”, bà con đã chuẩn bị sẵn xuồng, ghe, đăng, đáy, lưới,… để chận đường đánh bắt. Gặp phải con nước, cá chạy nhiều đến nổi bứa đụt (đầy đụt), người ta phải mổ đụt xả bớt cá để tránh sạt đáy. Tại kinh Vĩnh Tế, Tân Châu và các sông rạch, ruộng đồng ở An Giang, Đồng Tháp, cứ vào mùa cá linh, bà con ngư dân thường thắp đèn tung lưới cho đến thâu đêm. Theo kinh nghiệm của nhiều người, vào thời điểm cá đang ngược dòng tìm về “thủy tổ” mà gặp phải cơn mưa muộn là khựng lại để chờ con nước sau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thời tiết, khí hậu và mưa lũ bất thường, đặc biệt là dòng chảy đã làm đảo lộn quá trình “hồi cư” của cá khiến cho một số ít còn sót lại trên sông rạch nên mùa nào dân chài cũng đánh bắt được, nhất là cá linh “rìa”, linh “cám”, con to bằng hai, ba ngón tay.
Món ăn mùi nhớ
Niềm tự hào của dòng họ cá linh là từ bao đời nay, chúng đã trở thành món ăn quen thuộc của những gia đình nông thôn, không thể thiếu vắng trong các bữa cơm dù là đạm bạc, thanh bần hay thịnh soạn. Từ món cá linh canh chua bần; cá linh kho mía; kho nước dừa ướp lá gừng cho tới cá linh kho mắm chấm bông điên điển… món nào cũng hương gây mùi nhớ. Độc đáo nhất là cá linh non đầu mùa đem lăn bột chiên giòn cuốn rau thơm hoặc kho mẳn bằm xoài, vừa béo, vừa chua, cay không có gì sánh kịp… Tại huyện An Phú - An Giang, bà con còn có thêm món cá linh kho bứa, cá linh nấu canh chua bứa thật tuyệt.
Nhiều nhà hàng đặc sản còn chế biến thêm món cá linh rìa nướng muối ớt tươm mỡ; cá linh nhúng giấm béo ngậy không thua gì các món sơn hào hải vị. Có thể nói xưa nay rất ít món ăn nào ấn tượng và dạt dào ký ức bằng món “linh ngư”. Dân sành điệu miền Tây thưởng thức món ăn không chỉ bằng vị giác, khướu giác mà còn bằng hoài niệm và ký ức. Chính vì tính cách đó mà nhà văn Sơn Nam mỗi lần về Cần Thơ đều nhớ món chuột đồng nướng sả và cá linh kho mẳn bằm xoài.
Gần đây, một công ty ở An Giang đã chế biến cá linh thành đồ hộp và có nơi còn sản xuất bánh phồng cá linh, chả cá linh để làm vui lòng những người “ghiền” cá linh và nhớ mùi cá linh của mẹ nấu thuở nào. Chính vì cá linh là đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long nên không ít người đã lợi dụng mang cá linh giả ra chợ bán để lừa gạt khách hàng.
Một mai khi con cá linh không còn nữa !
Từ xa xưa, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho bà con vùng nước nổi một sản vật vô cùng quý giá. Nhiều bậc cao niên kể rằng cách nay nửa thế kỷ, cá linh nhiều đến nổi đã dùng vào việc ủ phân, nấu nước mắm hoặc làm mắm dự trữ. Thời Pháp thuộc, nhiều người còn nấu cá linh để lấy mỡ thắp đèn. Có thể nói, chưa nơi nào mà trữ lượng cá linh nhiều như ở sông Hậu và sông Tiền và cũng chưa có loại cá nào giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cư dân Đồng bằng sông Cửu Long như cá linh.
Thế nhưng, kể từ 2 thập niên trở lại đây, do việc khai thác quá mức và phương tiện đánh bắt quá tinh vi dọc theo các tuyến sông như đóng đáy, chận đăng, đặt gọ, dớn, kéo lưới, kéo vó, chài… mạnh ai nấy bắt, cá lớn cá nhỏ đều bị khai thác ráo riết. Nhất là trong những năm gần đây do việc khai thác các nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong vô tội vạ nên đã làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, nhất là cá bố mẹ không còn môi trường thích nghi và bãi đẻ để phát triển, có thể dẫn tới nguy cơ cạn kiệt.
Ngoài ra, việc đắp đê bao cấy lúa hai, ba vụ ở ĐBSCL cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của cá, bức xúc nhất là tình trạng sử dụng các loại hóa chất và thuốc trừ sâu đã làm ô nhiễm nguồn nước khiến cho nguồn cá linh ngày càng giảm đi nhiều.
Chính vì cá linh khan hiếm, cá linh lên đời nên nhiều bà con ngư dân phải qua tận nước bạn Campuchia để thuê mặt nước đánh bắt bằng đú, nhưng sản lượng mỗi năm mỗi giảm. Ông Chín Kỳ, một ngư dân ở An Phú chuyên nghề đặt đú trên những cánh đồng biên, nơi lũ từ Campuchia tràn về, tâm sự: “Trước đây, mỗi ngày tôi trút đú cả tấn cá, chở đầy xuồng thấy ngóp mắt. Còn năm rồi (2010) kiếm vài chục ký không ra. Vì thế mà nhiều người đã bỏ đú, bỏ xuồng đi làm thuê kiếm sống qua ngày”.
Năm nay, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ngày 15-8 đã lên đến 3,5m và trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên nhanh nên bà con tại An Giang và Đồng Tháp hy vọng sẽ có được một mùa cá linh no ấm, vì theo kinh nghiệm của bà con ngư dân thì năm nào lũ càng cao, cá linh càng nhiều.
Một mai, khi loài người tiếp tục đắp đập ngăn sông, tiếp tục phát triển công nghiệp không đồng bộ của một số nước trong vùng, dẫn đến việc phá hoại cuộc sống bình yên của các loài thủy sản trên dòng Mekong huyền thoại; nhất là việc sử dụng hóa chất bừa bãi trên đồng ruộng hoặc đánh bắt theo kiểu tận diệt, chắc chắn các dòng sông sẽ trở nên hiu hắt, họ hàng nhà cá linh sẽ bỏ xứ ra đi hoặc chết dần chết mòn trong vòng tay hủy diệt của con người.
Chúng ta cũng sẽ mất đi một nguồn lợi quý báu do trời ban tặng, người miền Tây sẽ không còn tận hưởng thứ hương vị đậm đà, mang dấu ấn văn hóa của một vùng sông nước Cửu Long.
-----------
(*) Theo “Tự vị tiếng nói miền Nam” trang 103 của Vương Hồng Sển.
(**) “Tân Châu xưa”, tác giả Nguyễn Văn Kiểm và Huỳnh Minh - NXB Thanh niên - 2003
Bài và ảnh: THÀNH HIỆP