Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Thầy Nguyễn Đình Ngọc ở ĐH Khoa học Sài Gòn.

(Copy từ http://edu.net.vn/forums/t/68323.aspx)
Nguyễn Đình Ngọc ở Đại học Khoa học Sài Gòn (H. M. Để )

Từ ngày anh Nguyễn Đình Ngọc qua đời có nhiều bài viết về anh, nói nhiều đến khía cạnh thầm lặng. Có lẽ phải đợi đến khi mọi việc được phổ biến công khai mới thấy được anh đã âm thầm hoạt động thế nào trước 30.4.1975. Ở đây, người viết muốn đề cập đến lãnh vực dạy học mà anh đã không ngừng hoạt động cho đến những ngày cuối đời và khởi đầu là từ 1966 khi anh về Saigon.



Tôi vốn phụ trách phần bài tập ở vài chứng chỉ của Ban Toán tại Đại học Khoa học Saigon và có dịp cùng anh Ngọc theo dõi sách báo của Thư viện Ban Toán, anh chịu trách nhiệm về các tạp chí còn tôi các sách toán. Hoạt động giảng dạy của anh thật ra rất rộng, anh quan tâm nhiều đến việc xây dựng một curriculum toán ở bậc đại học và về giảng dạy thì anh toả đến mọi nơi có một cơ sở đại học (đại học cộng đồng ở Mỹ Tho, đại học Cần Thơ, Huế …). Về công việc này thì anh thể hiện một cá tính hoàn toàn đối lập với cá tính rất thầm lặng của con người làm điệp báo.

Anh bảo vệ chính kiến của mình một cách hăng say và không ngại đụng chạm khi cần thiết, thay đổi cấu trúc giảng dạy anh đưa ra khái niệm credit (tín chỉ, học phần - 1966), mọi nơi đều thiếu tài liệu toán học anh huấn luyện cho một nhân viên đánh máy và in ronéo các sách toán đương thời để phổ biến ở mọi nơi anh đến dạy. Chi li và quý trọng tài liệu cho những người đi sau đến độ năm 1968 lo sợ thư viện Ban Toán ở trong vùng có trụ sở Công An có thể bị tiêu huỷ anh lẳng lặng chuyển về nhà tận cư xá Công Lý một số lượng sách mà đến khi chuyển ra Hà Nội làm việc anh kêu tôi đến để nhận lại, tôi đã phải dùng một xe tải nhỏ để chuyển về trường đại học. Đến tận bây giờ tôi cũng không hình dung ra bằng cách nào mà anh một người ốm yếu chỉ đi bộ hay cao lắm là đi xe đạp lại có thể tha về từng ấy sách, nhất là lúc đường xá náo loạn vì bom đạn.



Những năm đầu tiên ở trường đại học, anh không biểu lộ chính kiến ngoài các vấn đề giáo dục. Mọi người vẫn nghĩ là phong cách sống của anh, giản dị hết mức từ ăn mặc đi lại, chỉ thể hiện tính cách lập dị thường thấy ở những nhà toán học. Cho đến tháng 9-1969 một số vị đầu ngành có mặt trong một buổi họp Hội đồng Khoa mới bàn tán về lời yêu cầu của anh dành một phút mặc niệm cụ Hồ vừa qua đời. Một việc làm có tính chất chính trị mạnh làm cho nhiều người phải ý thức phần nào về đất nước lúc bấy giờ vì trong đại học ngoài sự lên tiếng của nhóm ít sinh viên tiến bộ còn ở mọi giới khác thì rất yên ắng gần như là dửng dưng. Các chính sách khéo léo phía cầm quyền như là không động viên đi quân dịch số đông trí thức trẻ trong đại học, chỉ qua 9 tuần huấn luyện quân sự rồi cho biệt phái về trường tiếp tục dạy học cũng làm tê liệt mọi mầm mống phản chiến.

Từ những năm 1970 các phong trào sinh viên chống chính quyền, bãi khoá trong nhiều trường đại học nhưng anh Ngọc vẫn tập trung vào việc chuyên môn của mình.



Chỉ đến sau ngày 30-4 một buổi sáng anh đi cùng một vị khách lái xe hơi vào gặp Ban Quân quản nhà trường, vị khách tướng mạo như David More. Anh được giới thiệu thuộc tổ chức của an ninh và vị khách là một ông Tân (người thì gọi là Hai, Tư, Chín Tân) mà về sau được biết là phụ trách phía Nam của bộ phận về an ninh. Ông Tạ Bá Tòng người công tác về trí vận cũng khéo léo thông báo chính ông là người đã đưa anh Ngọc đến Mỹ Tho móc nối lại với tổ chức của anh ấy.

..

Trong những ngày đầu mọi hoạt động giảng dạy không còn và bấy giờ anh em giảng dạy trong Ban Toán chỉ gặp nhau trong các buổi sinh hoạt về chính trị, anh Ngọc lại có một nhiệm vụ “quân quản” khu đại học của nhà trường ở Thủ Đức – lúc ấy công việc ở khu này là giữ cho trọn vẹn cơ sở vật chất và anh đã làm công việc này chỉ với sự giúp đỡ của ông Thuỷ vốn là người từng phụ giúp anh trong công việc đánh máy và nhân bản các sách toán. Việc anh phải chăm sóc khu này là công việc cực nhọc và cũng có nguy hiểm, cạnh đó khu thuộc trường Nông Lâm Súc bị vào lấy mọi vật liệu trong khuôn viên. Bây giờ có đến khu campus này người ta khó hình dung được công việc anh đã hoàn thành, ngày ấy các khối nhà và các giảng đường tuy đã hình thành khang trang nhưng chẳng mấy ai trong nhà trường chịu di chuyển đến để giảng dạy, trước 30.4 chỉ có mỗi một bộ môn Sinh Hoá có lớp học ở đấy – sau 30.4 đi lại khó khăn chỉ có thể đi bằng xe đạp mà đâu phải mọi nơi đều có người giữ gìn trật tự an ninh.

Một thời gian sau anh trở ra Hà Nội nhưng gần đây tôi mới được biết là anh cũng phải qua một thời gian đến 1990 sau khi có bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ lên anh mới làm việc lại trong cái lãnh vực của anh. Qua báo chí được biết là anh có mặt trong các hội khoa học và về giảng dạy thì gần như đến những ngày cuối anh vẫn vào Saigon dạy về môi trường trong trường đại học khoa học ngày trước. Tin anh qua đời lại đến với tôi từ bạn NNG ở Paris, anh BTL có viết về “Cố Nhân” trên viet-studies và Diễn Đàn ; bằng trí nhớ tôi chỉ gợi lại thời gian không mấy ai có dịp gần anh, điều tôi cảm nhận về anh là một nhân cách hiếm có.



Gần đây khi ông Phạm Xuân Ẩn qua đời một nhà báo Mỹ có kết luận về ông : ông là một ví dụ toàn hảo của những gì tốt đẹp nhất trong con người Việt nam. Tôi nghĩ là anh Nguyễn Đình Ngọc mà tôi có dịp được biết dù không được gần gũi nhiều cũng là một ví dụ. Chỉ tiếc là mẫu người cần có biết bao trong một nước kém phát triển thì hiện nay như lá mùa thu và ý này là của một nhà xã hội học Ý trong sách Le Tiers Monde dans l’impasse : “Để vượt qua tình trạng kém mở mang thì trong một nước nghèo, người dân nhất thiết phải thắt lưng buộc bụng nhưng lãnh đạo thì phải sống khắc kỉ”. Và anh Nguyễn Đình Ngọc là một con người đã sống khắc kỉ.

H. M. Để

Không có nhận xét nào: