Như cây thông đứng giữa trời
(Copy từ http://edu.net.vn/forums/t/68323.aspx)
CÂY THÔNG ĐỨNG GIỮA TRỜI (Mai Thục)
Nhà toán học nữ Hoàng Xuân Sính biến ước mơ của mình thành sự nghiệp giáo dục “đuổi cái ngu dốt đi, dùng trí tuệ cứu giống nòi”. Nhưng trong đời thường, bà dường như thoát bụi trần. Tâm trí lẫn vào thế giới vô hạn của Toán học. Bà đang sống với một thế giới khác, không giống bình thường, nhưng tràn đầy hạnh phúc. Có một điều, bà Sính giống tôi, tự biết thương thân phận mình, và đau đớn, yêu thương những số phận con người Thăng Long- Hà Nội. Nhất là những người cùng thời với bà, thế kỷ XX. Mỗi khi nghe tôi kể thân phận của ai đó, bà thường đau nhói trong tim. Có lần tôi kể về cha tôi, bà nói: “Ông cụ đã rất đau. Nỗi đau không nói được ra. Nỗi đau mang xuống tuyền đài. Nó đau gấp bội lần những nỗi đau khác.” Rồi bà kể chuyện người cha của mình cho tôi nghe. Tôi cũng nhận ra một nỗi đau mang về thế giới bên kia… Không lời.
Một hôm, GS. TS Hoàng Xuân Sính tặng tôi cuốn Thông tin toán học của Hội Toán học Việt Nam, có bài bà vừa viết về người bạn Toán học đã về Tiên cảnh, ngày 2- 5- 2006- nhan đề Nguyễn Đình Ngọc: Một cuộc đời. Tôi xúc động trước hình tượng Nguyễn Đình Ngọc- người anh hùng chưa được ghi công, mang trong mình cả thế kỷ XX lửa cháy Hà Thành. Giờ đây anh đã là Cây thông đứng giữa trời. Nhưng câu chuyện cuộc đời Nguyễn Đình Ngọc mà Hoàng Xuân Sính kể chân thực, đầy đủ các chi tiết, sự kiện, đời người, mở ra một không gian rộng và những suy tưởng miên man… rung động cõi người.
Mở đầu câu chuyện bà Sính dẫn Con chó sói của nhà thơ Pháp: “Anh đã sống và chết như Con chó sói của Alfret de Vigny, hoàn thành nhiệm vụ và từ giã cõi đời không một lời kêu đau hay than thở:
“ Gémir, prier, pleurer est également lâche,
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie òu le sort a voulu t’appeler
Puis après comme moi, souffre et meurs sans parler”
( La mort du loup- Alfred de Vigny)
Rên xiết, nguyện cầu hay khóc than đều hèn nhát
Hãy có nghị lực thực hiện cái nhiệm vụ dài và nặng nề của mình
Trên con đường mà số phận muốn gọi anh đi
Rồi sau đó hãy như tôi đây, chịu đựng đau khổ và chết không một lời than vãn.”
Lần khác gặp tôi, bà Sính bảo: “Em viết về cuộc đời anh Ngọc đi”. Tôi ngần ngại vì chưa từng gặp anh Ngọc, không lẽ lại lấy bài của chị Sính (tôi thường gọi bà thân thương như thế) in vào sách của mình. Bà bảo: “Lấy tư liệu trong bài của tôi mà viết theo kiểu của em.” Thì ra chị Sính quá hiểu sáng tác. Cùng một tư liệu, một cuộc đời, mỗi người có thể nhìn thấy một vùng lấp lánh sáng soi và kể chuyện theo ngôn ngữ, ý tưởng riêng của mình.
Tôi đọc bài của chị Sính mà chưa lọc được “phần chìm của tảng băng trôi”. Gặp mối thiện cảm của chị, tôi hỏi liên hồi về anh Ngọc, đến nỗi chị Sính phải kêu lên: “Em cứ hỏi tôi như bắn đại bác”. Trò chuyện cùng chị, tôi đã hiểu, và tôi kể chuyện cuộc đời Nguyễn Đình Ngọc, một nhà khoa học tài năng, một số phận người Hà Nội (Phú Xuyên - Hà Tây) thế kỷ XX, theo cách của mình.
Hà Nội ngày 13- 8- 1932. Nắng thu vàng và hương gió heo may thơm mùi quả thị, nhẹ nhàng đón cậu bé Nguyễn Đình Ngọc chào đời. Cậu con trai đầu lòng của bác sĩ Nguyễn Đình Diệp và người vợ trẻ Lê Thị Khoa xinh đẹp, hiền hậu, nết na có tiếng ở đất Hà Thành, dâng niềm hạnh phúc cho cả gia đình và dòng họ. Nghề thầy thuốc rất được tôn vinh, vợ chồng bác sĩ sống sung túc trong xã hội thượng lưu Hà Nội. Nhưng bác sĩ Nguyễn Đình Diệp thẳng ngay, có tính độc lập và lòng yêu nước, không được các “quan Tây” ưa, bị đày ải đi Sơn La, nơi ma thiêng nước độc. Cho nên gia đình sống đạm bạc. Và cậu bé Nguyễn Đình Ngọc được tôi luyện trong nghèo khó từ thuở ấu thơ chốn rừng sâu heo hút.
Đêm 19- 12- 1946. Kháng chiến bùng nổ. Bác sĩ Nguyễn Đình Diệp trở thành quân y xá trưởng của Phúc Yên (tỉnh Phú Thọ), hai vợ chồng và bốn người con sống tại đây. Đầu năm 1947, một tang tóc báo hiệu bi kịch lớn trong gia đình. Người con thứ ba, bé Nguyễn Đình Sơn lên ba, bị bệnh và mất. Tháng 12- 1947, đau thương ụp xuống như một định mệnh theo Nguyễn Đình Ngọc suốt cuộc đời. Quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, tiêu diệt đầu não Việt Minh. Quân dù chạy qua Phúc Yên. Sau khi đưa thương binh đến chỗ an toàn, gia đình bác sĩ Nguyễn Đình Diệp chỉ kịp chạy đến xã Đỗ Tân, ấp Làng Tây, thôn Cầu Vây để ẩn nấp. Tại đây, toàn bộ gia đình bác sĩ bị Pháp bắt, nhưng chúng chỉ giải bác sĩ và cậu con trai lớn mười lăm tuổi Nguyễn Đình Ngọc đi. Đêm tối mênh mông tràn xuống Đáp Cầu, hai cha con bị giam tách ra. Người cha chỉ kịp dặn: “Con hãy cố học và giúp người khác học, dân mình khổ trước hết vì giặc dốt”. Và ông trao cho con một bộ quần áo lính…
Đêm sâu. Bóng tối đè nặng lũy tre làng. Nguyễn Đình Ngọc nghe một tiếng súng nổ đanh gọn xuyên thủng không gian. Trái tim anh đau quặn. Đêm chìm trong im lặng. Sáng hôm sau, Ngọc hay tin chúng đã bắn cha anh. Viên trung úy Pháp đã bắt hai cha con, thấy Ngọc khôi ngô, thông minh, dễ thương và có thể do bị day dứt, dày vò vì tội lỗi, ông ta sám hối, muốn nhận Nguyễn Đình Ngọc làm con nuôi. Anh từ chối. Chúng đem Ngọc về giam tại nhà thương Đồn Thủy, nay là bệnh viện Quân đội 108… Mẹ anh chật vật, lay lắt mãi, rồi cũng đưa được hai con nhỏ vào Hà Nội tạm chiếm, và cứu được cậu bé Nguyễn Đình Ngọc trong phòng giam ra. Người mẹ Hà Thành tần tảo, lần hồi nuôi các con ăn học nên nguời như lời dặn cuối cùng của chồng. Ngọc và Kim đều học giỏi nổi tiếng. Ngọc học đêm này qua đêm khác, dưới ánh đèn dầu, muỗi đốt nát thịt da. Ngọc có thói quen “ngủ ngồi” hành hạ anh suốt đời, vì sợ nằm ngủ thì dễ ngủ quên, lãng phí thời gian học và làm việc. Anh học giỏi các môn, nhưng đặc biệt say mê Toán. Những cuốn sách Toán của tác giả nổi tiếng như Lebossé, đã được cậu bé mười lăm tuổi lôi ra làm hết, làm đi làm lại, mở rộng, phân loại, phân tích… Ngọc học ngày học đêm như cướp lại thời gian đã mất ở kháng chiến và khi bị bắt giam. Mười tám tuổi, Ngọc đỗ tú tài vào đại học Khoa học, mười chín tuổi, đạt thành tích học tập đáng kính nể. Hai mươi tuổi, Ngọc quay lại vùng kháng chiến, lọt vào mắt xanh Giám đốc Công an liên khu 4- Nguyễn Hữu Khiếu. Ông nói với chàng:
“Trung với nước, hiếu với cha là phục tùng sự sắp đặt của trên” . Mệnh lệnh này, theo từng bước chân Nguyễn Đình Ngọc, suốt cuộc đời. Sau này, Nguyễn Đình Ngọc tâm sự với chị Sính: “Lệnh là như vậy, chỉ còn cứ thế mà đi.”
Năm 1953, sau vài tháng huấn luyện, Ngọc được đưa vào Hà Nội tạm chiếm, với một câu ngắn ngủi: “Phải cố gắng lọt vào xã hội thượng lưu Sài Gòn, đợi liên lạc mang lệnh hành động đến.” Nguyễn Đình Ngọc cắt một phần cái dây đồng hồ anh đang đeo để lại làm vật tin. Mai sau, người nào có mẩu dây đồng hồ khớp lại với phần dây còn lại của anh, thì sẽ là người của trên đến ra lệnh cho anh hành động.
Anh lao vào Hà Nội trong đêm đen. Không mấy suôn sẻ. Hà Nội 1953. Nhốn nháo. Pháp thua trận liên tiếp ở Điện Biên. Nguyễn Đình Ngọc- một thanh niên từ vùng tự do về, Pháp nghi vấn và bắt giam anh ở Nam Định. Anh khai là thầy giáo, bị lao nên phải vào Hà Nội chữa bệnh. Ngọc đã bị bệnh lao thực sự vì những năm tháng “ngủ ngồi” sống kham khổ để học, nên Pháp cho anh vào Hà Nội. Thành phố bẩn thỉu, bụi mù, xe nhà binh Pháp chạy đôn đáo khắp nơi. Ngọc tìm gặp lại “dì Tâm”, bà mối hai năm trước, gửi dì cái nhẫn đính hôn, nhờ chuyển cho người thiếu nữ mình yêu. Anh nói: “Nếu nhẫn rộng thì cắt bớt đi, nếu nhẫn hẹp thì đánh thêm vào, xin sẽ gặp sau này.”
Tháng 4- 1954, gia đình người yêu vào Nam. Ba tháng sau, Nguyễn Đình Ngọc cũng theo dòng người tản cư vào Nam, và tìm ngay đến nhà nàng để đặt vấn đề chính thức. Anh đi dạy tư để lấy tiền ăn học. Ngày 27-10- 1955 anh cưới người thiếu nữ Hà Thành mình yêu. Nàng bây giờ là con một gia đình thượng lưu, có người làm quan chức lớn thuộc chính phủ Sài Gòn. Cuối năm ấy, được học bổng kỹ sư Khí tượng, anh sang Pháp học. Năm 1956, vợ anh sang Pháp. Họ sinh một cậu con trai. Gia đình ba người chỉ sống bằng học bổng của sinh viên, vợ anh phải đi làm thêm. Họ sống với nhau êm đềm, hạnh phúc. Vợ đi làm và chăm con, chồng cắm cúi học, chẳng chuyện gì có thể xen vào cuộc sống của họ.
Ngọc học rất nhiều, đến nỗi giới Việt kiều tại Pháp gọi anh là người có sức làm việc phi thường. Học kỹ sư Khí tượng nhưng anh lại chuẩn bị luận án tiến sĩ về Địa- Vật lý; sau đó vừa học kỹ sư đóng tàu, vừa làm luận án tiến sĩ Toán, rồi tiếp tục học kỹ sư viễn thông. Anh vừa dạy học ở Đại học Rennes, vừa làm ở một Viện nghiên cứu nổi tiếng. Anh yêu cầu cao ở người học, có một năm anh đánh trượt toàn thể sinh viên Toán ở Rennes…
Giới Toán học Pháp và quốc tế kính nể anh. Chị Sính kể rằng tháng 10- 1967, nhà toán học Pháp Grothendieck giỏi vào bậc nhất thế giới, được giải thưởng Fields, sang thăm và giảng bài ở Việt Nam, trong lúc Mỹ ném bom miền Bắc. Chị Sính được đón tiếp ông. Một chiều, ông đã tự động rời khách sạn Thống Nhất đến thăm nhà mẹ anh Nguyễn Đình Ngọc. Bà cụ không nói được tiếng Pháp, liêu xiêu, tủi mừng, tưởng con trai đã về. Grothendieck tặng bà cái radio, một món quà rất quí thời đó, dùng để nghe tin tức, hay nếu cần bán đi là cả một món tiền lớn… Anh phụ trách an ninh thì la ầm lên khiển trách chị Sính: “Chị đi đâu mà bây giờ mới đến? Chị có biết là Grothendieck không nói với ai, tự đến nhà mẹ của Nguyễn Đình Ngọc? Chị có biết Nguyễn Đình Ngọc là ai không? Một anh phản động, học ở Paris, rồi bỏ về Sài Gòn. Bây giờ chị phải làm sao để Grothendieck kể cho chị nghe là ông ta gặp mẹ Nguyễn Đình Ngọc thế nào, nói những gì?”.
Là nhà khoa học đích thực, Nguyễn Đình Ngọc sống giản dị, ăn mặc lôi thôi, say mê nghiên cứu. Mười năm ở Paris, anh vào vai chống Việt minh rất đạt. Ngọc đi ăn một mình ở nhà ăn, yêu thích cái hay, cái đẹp, buồn vui, thương nhớ, cũng không có người để nói, hoặc không dám nói với ai… Trong im lặng thẳm sâu, Nguyễn Đình Ngọc xót thương người mẹ hiền góa bụa, sống lần hồi nơi phương trời Hà Nội, khắc khoải ngóng chờ tin anh, từng giờ … Anh lo cho sự bình an của mẹ từng giây phút. Từ thủ đô Ánh sáng, anh luôn chờ trông tin mẹ, thầm mong mẹ được sống yên trong góc sâu mái phố Hà Thành đẫm màu sương khói.
Cuối năm 1965, vợ anh, người biết công việc của chồng, thay anh đi lại giữa Paris và Geneve để nhận thông tin của cấp trên cho anh. Đầu năm 1966, anh phải đi Thụy Sĩ để trực tiếp nhận lệnh trên: “Lên đường về miền Nam Việt Nam”. Người vợ lái xe tiễn chồng ra sân bay về Sài Gòn mà cứ tưởng không phải anh đi xa đến thế. Không phải là chia ly chồng vợ, cha con, một đời, một kiếp trầm luân. Chiều chiều, cùng con nhỏ, chị ngóng nhìn cửa căn hộ, thảng thốt đợi chờ, tưởng nghe tiếng bước chân anh về… Bầu trời Paris xanh nhạt, mờ xa, tít tắp, làm sao thấu hiểu khối sầu Vọng phu?
Nguyễn Đình Ngọc xin dạy ở Đại học Khoa học Sài Gòn. Một mình thuê một căn hộ trên đường Công Lý, anh đi dạy học và kiên nhẫn đợi lệnh trên. Một hôm, anh ra Huế nhận lệnh. Người đàn ông có tên Phương Lan, làm văn thư ở Đại học Huế, đưa ra một mẩu dây đồng hồ đã bị cắt đôi, khớp lại với dây đồng hồ của anh đã bị cắt năm 1954 ở miền Bắc xa xôi. Từ đó Ngọc có tên là điệp viên Diệp Sơn (Diệp là tên cha anh, Sơn là tên cậu em trai đã mất) và dạy ở Đại học Huế để gần Phương Lan nhận lệnh. Anh đi lại với gia đình cô em vợ, có chồng là đô đốc hải quân Sài Gòn, được họ bao bọc, anh nắm tin tức cung cấp cho ta… lập nhiều chiến công lặng lẽ.
Chị Sính kể, lúc chiến tranh kết thúc, năm 1975, chị ở Paris, đi tìm Nguyễn Đình Ngọc, đinh ninh rằng anh đang vui mải mê với những công trình toán học. Không ngờ, lúc đó anh đang ở khu Đại học Thủ Đức- Sài gòn, trông nom, đợi đoàn tiếp quản đến để giao lại. Không ai biết anh là ai.
Năm 1976, chị Sính gặp anh ở Đại học Khoa học Sài Gòn:
“Trông anh xanh xao như người bị sốt rét. Anh nói với tôi mấy câu rồi đi ngay”.
Năm 1977, anh ra Hà Nội, hiện nguyên hình là một trung tá của Bộ Nội vụ, anh đến tìm tôi ở Đại học Sư phạm Cầu Giấy, và từ đó tôi mới biết dần dần công việc của anh. Đáng lẽ anh còn tiếp tục di tản đi Mỹ như năm 1954 di tản vào Nam, nhưng vai trò tình báo của anh đã lộ, cảnh sát chuẩn bị bắt anh, may mà quân mình kịp đánh giải phóng Sài Gòn.”
Về Hà Nội, Nguyễn Đình Ngọc được trở lại là nhà khoa học với các chức vụ Phó cục trưởng Cục Khoa học và Kỹ Thuật, Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông- Tin học ở Bộ Nội vụ đồng thời Chủ tịch của nhiều Hội đồng khoa học. Ngoài lãnh vực chuyên môn của mình, anh hiểu biết rất rộng, thành thạo nhiều ngoại ngữ, dịch trực tiếp giỏi… Anh tham gia tất cả những đề tài nghiên cứu khoa học mà anh thích. Anh làm khoa học như để bõ cơn thèm, vì đã không được toàn tâm, toàn ý sống với niềm say mê khoa học. Trong đôi mắt bạn bè, chị Sính nhìn anh là một người phi thường: vóc dáng bé nhỏ, khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, đôi mắt xếch, cặp mắt hiền trí thức hóm hỉnh, anh quen sống một mình, không say mê quyền lực, tiền bạc và phụ nữ, ăn mỗi ngày một bữa vào buổi tối, ăn rất nhiều, năm hay sáu bát cơm, chỉ có rau cũng không sao. Nhiều đêm anh thường “ngủ ngồi”, như thời niên thiếu, sợ ngủ nằm thì thiếp đi, ngủ quên mất. Anh muốn lấy lại thời gian đã mất. Anh còn có thói quen ngủ ngoài ban- công những đêm đông, đây là cách anh luyện gian khổ để nếu có bị bắt, sẽ chịu được cực hình tra tấn. Anh quen đi một cái xe đạp cũ, ung dung từ tốn như người thoát tục, ngay cả lúc bị bệnh nặng, anh vẫn lấy xe đạp đi trong phố cổ Hà Thành mà anh yêu da diết. Anh đi tìm bóng mẹ phiêu diêu trong hoàng hôn choàng ngõ nhỏ. Anh đi tìm bóng áo dài trắng thướt tha thiếu nữ Hà Thành đã tan vào gió. Anh đi tìm Giọt mưa thu thánh thót lệ rơi nhạt nhòa mặt nước Hồ Gươm…
Nguyễn Đình Ngọc sống lặng lẽ, phi thường. Và anh đã ra đi, đúng vào cái nơi anh bị bắt tù khi mới mười lăm tuổi, năm 1947 ở phòng giam ở nhà thương Đồn Thủy, nơi điều trị lính Pháp, nay là bệnh viện quân y 108. Kể đến đây, chị Sính đã khóc. Khóc cho thân phận một nhà khoa học lớn, hay khóc cho mọi kiếp người Hà Nội thế kỷ XX: ” Xót thương anh vô cùng, anh Ngọc ơi! Anh bị giam ở đó vào tháng 12- 1947, thế mà tháng 7-2005 anh vào điều trị bệnh ở 108, anh hãy còn nhớ và dẫn đường chúng tôi đến chỗ bọn chúng giam anh sau khi đã bắn chết cha anh. Năm mươi tám năm trời, anh đã đi không biết bao nhiêu nơi trên trái đất này, học và làm không biết bao nhiêu việc, cả những việc vào sinh ra tử, để rồi lúc gần đất, xa trời, lại nhìn thấy nơi đầu tiên bị giam lúc chỉ mới mười lăm tuổi.” .
Chị Hoàng Xuân Sính của em ơi! Em kể câu chuyện cuộc đời Nguyễn Đình Ngọc mà tim đau quá! Ba năm rồi. Trăn trở. Ngọn bút trào lên, lặng xuống… từng chữ, từng câu dập dồn như sóng- thoảng thơm “Một nén tâm hương dâng linh hồn nhà Toán học Quốc tế Nguyễn Đình Ngọc- Anh hùng Ulysses của Thế kỷ XX”.
Em nghe trong tiếng chuông chùa, tiếng niệm Phật Nam Mô A Di Đà có tiếng cụ Nguyễn Công Trứ hát ru anh: “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Hồ Gươm mùa Nắng -2009 - Mai Thục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét