Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

CỐ NHÂN (GS B.T.Liễu viết về GS N.Đ.Ngọc)



Cố nhân







Bùi Trọng Liễu

Cố giáo sư Đại học Paris






Trả lời một phỏng vấn, Thiếu tướng Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đã nói: « Tôi không muốn nói về tôi mà đơn giản chỉ là tâm sự của một thế hệ. Thế hệ những người như tôi đã đi trọn cuộc kháng chiến trong đó không ít người đã vĩnh viễn nằm xuống ». Anh Ngọc đã nói thế, tôi cũng nghĩ rằng khi kể chuyện về anh, tôi không chỉ kể về một cá nhân, một « cố nhân », mà kể rộng hơn thế; không phải là tôi vô tình lạc đề. Anh Ngọc là ai: điệp viên với bí danh «Ziệp Sơn », người cán bộ công an, nhà khoa học?

Tối 2/5/2006, vợ chồng tôi đang ăn cơm, thì có chuông gọi cổng: chị T. vợ anh, lại tìm chúng tôi, báo tin cho biết là anh Ngọc vừa mất sáng hôm đó, và chị và cháu H. (con trai duy nhất của anh chị) sửa soạn lên đường về dự đám tang. (Xin nói ngay là ở đây, tôi nói tới chị T., vợ có cưới hỏi chính thức và còn định cư ở Pháp, chứ tôi không nói tới người khác, cụ thể là người mà có nhà báo viết là « người bạn đời » của anh Ngọc mà tôi không biết). Mấy ngày sau, tôi được đọc một số bài báo trên mạng do bạn bè gửi cho. Có những tin đưa chính xác, có những tin đúng nhưng khó hiểu, có những tin đưa không đúng, qua những gì tôi đã được biết hoặc chứng kiến.







Bản tin của Ban chấp hành Hội Tin học Việt Nam, các Hội Tin học thành viên và gia đình, đăng 5/5/2006 trên http://www.tinhoc-doisong.net (tôi không tìm lại được link này -- THD) viết như sau:







Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học: NGUYỄN ĐÌNH NGỌC, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Tin học Việt Nam, sinh ngày 13 tháng 8 năm 1932, quê quán xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, thường trú tại Phòng 402, nhà D3, Tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội; nguyên Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông – Tin học, Bộ Công An, Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (BCĐ49), Bí thư Chi bộ Trường Đại học dân lập Thăng Long; Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân Lập Tây Đô - Cần Thơ; Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì An Ninh Tổ Quốc, Huy chương vì sự nghiệp các hội KHKT, Huy chương vì thế hệ trẻ; sau một thời gian lâm bệnh, […] đã từ trần hồi 8 giờ 56 phút ngày 2 tháng 5 năm 2006 ( tức ngày 5 tháng 4 Bính Tuất) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an. Lễ viếng đã tổ chức từ 9 giờ 30 ngày 8 tháng 5 năm 2006 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu hồi 12 giờ 30 cùng ngày. Điện táng tại Đài hoá thân hoàn vũ, Hà Nội.



Điều quan trọng nhất đáng biết về anh Ngọc, tất nhiên là kết quả công tác điệp báo của anh, dưới bí danh « Ziệp Sơn », nhưng tiếc thay, các bản tin đều chỉ nói lướt qua. Thí dụ như có bản tin viết: « Trong vai trò một điệp báo viên, những tin tức ông cung cấp luôn chính xác, kịp thời và vô cùng quan trọng – thông tin về cuộc tập kích vào Trung ương cục Miền Nam, về việc năm 1975 Mỹ sẽ không quay lại…chỉ là một vài trong số rất nhiều những chiến công thầm lặng của điệp viên tài ba này ». « Vô cùng quan trọng » mà chỉ vọn vẹn được mấy dòng đó sao? Hay là vì thời điểm hiện nay còn quá sớm để công bố chi tiết toàn bộ? Hay là những chi tiết này nằm trong các bản tuyên dương mà tôi không được đọc? Biết bao câu hỏi còn chưa được trả lời. Hẳn là vào tháng 4 năm 1975, đã có nhiều nguồn tin trái ngược về khả năng Mỹ quay lại can thiệp hay không; và những người chuyển những loại tin này gánh một trách nhiệm rất nặng vì nó ít nhiều liên quan đến quyết định cuối cùng của Bộ Chính trị mở chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi tò mò và mong một ngày nào được biết hết …

Trong khi chờ đợi, tôi xin được kể những gì tôi được biết về anh: vì ở anh, sau người điệp viên còn có người công an, sau người công an còn có nhà khoa học; khi người điệp viên đã chấm dứt công tác, người công an ở anh vẫn còn tiếp tục nhiệm vụ – như có người phóng viên đã viết về anh: «Có ai đó đã từng nói, bộ đội còn thời chiến thời bình chứ công an chẳng lúc nào ngơi nghỉ » – và khi người công an đã nghỉ hưu, nhà khoa học vẫn còn đeo đuổi công việc.

Về việc anh đam mê học hành, nghiên cứu khoa học, cũng trong cuộc phỏng vấn dẫn trên, anh nói: « Năm đó [1947] tôi còn rất nhỏ, cả hai bố con cùng bị giặc Pháp bắt. Biết mình sẽ bị đem đi hành hình, thay vì nói con trả thù cho bố, ông nói: “Con cố học và giúp người khác học, còn thiếu tri thức dân mình khổ đừng trách ai, chỉ nên tự trách mình”. Khi đất nước cho phép ngơi nghỉ thì tôi lại làm điều cha tôi đã dạy. Dạy học, nghiên cứu khoa học... tôi hiểu rằng, cuộc chiến giành lấy hạnh phúc, phồn vinh không thể thiếu tri thức» . Rồi với câu hỏi của phóng viên: « Phải chăng thế hệ ông còn nhiều nỗi lo khi đã làm tròn sứ mệnh của mình với đất nước? », anh đã trả lời: «Phải. Nó như cuộc chạy tiếp sức, thế hệ bố tôi đã làm tốt trọng trách đầu tiên tức là cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng để lại trên vai chúng tôi cả một gánh nặng. Và tất cả vẫn chưa kết thúc, sau 1975 tất cả những ai may mắn còn sống phải đi tiếp cuộc kháng chiến mới: cuộc kháng chiến chống sự tụt hậu về khoa học và công nghệ đòi hỏi các bạn trẻ cũng phải ghé vai gánh vác ». Tôi không biết người phóng viên khi kể lại mấy lời này có lý tưởng hóa khung cảnh không, nhưng rõ ràng là nội dung của mấy câu trả lời của anh Ngọc là chí lý, và tôi hoàn toàn tâm đắc: mất nước ở thế kỉ 19, cũng vì thiếu tri thức; những năm đói rách, cùng cực, cũng vì thiếu tri thức; những đợt làm khổ nhau, cũng vì thiếu tri thức; giáo dục đào tạo bê bối, cũng vì thiếu tri thức; tham nhũng và để tham nhũng, cũng vì thiếu tri thức, vv. và vv.

Tôi đã có dịp kể trong cuốn sách « Tự sự của người xa quê hương » (1): tôi bị bệnh lao ngay mấy tháng sau khi đến Pháp, nên tôi « lê la » gần 7 năm trong các sanatoria và dưỡng đường cho các sinh viên ở Pháp. Vào khoảng năm 1955-56, trong lúc tôi ở dưỡng đường ở Sceaux, thì anh Nguyễn Đình Ngọc cũng ở đó, và vì thế nên quen biết. Những điều như: về ông thân sinh anh ấy bị quân viễn chinh Pháp bắt và giết (1947), tôi có nghe anh kể thuở đó. Nhưng tất nhiên, việc anh làm điệp viên thì sau ngày giải phóng, tôi mới được biết.

Ở đây, chủ yếu tôi chỉ nói đến những gì tôi đã nghe kể và/hoặc chứng kiến:
Lúc sang Pháp, thì anh Ngọc đã có vợ, chị T., và ở Pháp anh chị ấy sinh một con trai, cháu H. Theo như tôi được biết, chị T. thuộc một vọng tộc: mẹ chị T. là cháu nội hoàng giáp Đặng Văn Thụy, con gái phó bảng Đặng Văn Hướng – quan to của triều đình Huế, sau đi kháng chiến và một thời là bộ trưởng của chính phủ cụ Hồ trong kháng chiến, nhưng chết trong đợt Cải cách ruộng đất. Như vậy là chị T. là cháu gọi ông Đặng Văn Việt bằng cậu – ông Đặng Văn Việt người chỉ huy bộ đội vùng biên giới, người của con « đường số 4 anh hùng », và của chiến dịch biên giới phá các binh đoàn Lepage và Charton vv. Mẹ chị T. lại là cháu ngoại của cử nhân Hoàng Đạo Phương, là một thương gia giàu có ở Hà Nội thuở xưa; ông Phương lại đồng thời là anh của ông Hoàng Đạo Thúy (người anh cả của Hướng đạo Việt Nam, một lúc là giám đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn thời Dân chủ Cộng hòa, rồi chủ nhiệm Truyền tin, quân hàm đại tá quân đội nhân dân) (2). Mẹ chị T. mất sớm, bố chị T. đi kháng chiến – trước ông là công chức bưu điện thời Pháp thuộc, sau Cách mạng là cán bộ cao cấp ngành công an – sáu chị em chị T. sống với ông bà nội Trịnh Hữu Thăng, tiến sĩ tại gia (không ra làm quan) ở quê, vùng Nam Định; đến khoảng năm 1951 quân viễn chinh Pháp càn quét dữ quá, gia đình mới gửi chị em chị T. vào Hà Nội sống với một bà dì (em mẹ chị T.), bà này là vợ ông Phan Huy Quát. Ông Quát từng làm tổng trưởng giáo dục (1949), quốc phòng (1950, 1954), ngoại giao (1964) của chính quyền Bảo Đại trong vùng tạm chiếm (3), thủ tướng mấy tháng năm 1965..., sau 1975 chết trong trại cải tạo.

Anh Ngọc học trường trung học Chu Văn An ở Hà Nội, là học sinh giỏi, cùng học với ông Phan Huy Lương nên quen với gia đình ông Phan Huy Quát (ông Lương là em ông Quát). Vào giai đoạn từ cuối năm 1951 đến 1954, do tướng De Lattre de Tassigny, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp, kiêm cao ủy Pháp ở Đông Dương, bắt đầu có lệnh động viên trong vùng tạm chiếm (4).

Anh Ngọc tránh quân dịch, nên ra vùng kháng chiến, rồi tại đó, năm 1952, anh học lớp «điệp báo ở sở công an Liên khu IV» (như chính anh viết trong bài đăng trong cuốn sách «Giáo sư Lê Văn Thiêm », nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2003), rồi: « […] Bắt đầu từ Giám đốc Công an Liên khu 4, Nguyễn Hữu Khiếu, [anh] được [Bộ trưởng Bộ Công an sau này] Trần Quốc Hoàn để mắt tới và quyết định đào tạo "đánh" anh vào lòng địch tại miền Nam dưới sự điều khiển đơn tuyến từ miền Bắc tới Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam », như một đoạn bài báo «Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Đình Ngọc: Vinh quang là lặng lẽ » đăng trên báo Công An Nhân Dân trên mạng, viết ngày 9/5/2006.

Anh vào Nam, theo học ở Đại học Sài Gòn và cưới chị T. vào năm 1955. Anh sang Pháp cuối 1955 vì có được học bổng để sang học về Khí tượng, rồi chị T. cũng sang Pháp đầu 1956; cuối năm chị sinh cháu H. ở Pháp.



Ở Pháp, anh Ngọc học lấy được 3 bằng kỹ sư và bằng tiến sỹ cấp ba (doctorat de 3ème cycle) về Khí tượng. Mấy năm sau, anh và tôi soạn luận án tiến sĩ nhà nước về Toán, ở Đại học Paris cùng thời, nhưng không cùng ngành. Anh bảo vệ luận án dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ehresman, dưới đề tài « Sur les espaces fibrés et les prolongements » (Về không gian phân thớ và thác triển), thuộc ngành tô-pô và hình học vi phân. Tôi bảo vệ luận án năm 1962, anh Ngọc bảo vệ năm 1963 và anh có làm giáo sư ở Đại học Poitiers, rồi ở Đại học Brest ở Pháp một thời gian. Cái thuở còn soạn luận án, rồi đi dạy ấy, chúng tôi khá thân, nhưng tất nhiên tôi không biết anh là điệp viên.

Anh chị Ngọc và vợ chồng tôi thời ấy cùng sống ở Antony, ngoại ô nam Paris, nhà ở chỉ cách nhau nửa cây số, gặp nhau luôn. Đi dạy ở địa phương xa hàng mấy trăm cây số – tôi dạy ở Lille cách Paris 200 km, anh ấy dạy ở Brest cách Paris 600 km – nhưng nhà vẫn ở vùng Paris, vì thuở ấy sinh hoạt khoa học phần lớn tập trung ở thủ đô Paris; các giáo sư đại học lại chỉ phải giảng bài 3 giờ/một tuần; lèo tèo hướng dẫn vài ba nghiên cứu sinh đồng thời lại là phụ giảng viên của mình ở đại học địa phương; ngành Toán lại không có phòng thí nghiệm, mình chỉ cần tập trung có mặt ở đó độ hai, ba ngày là đủ. Cho nên thuở đó có cái tên gọi các giáo sư không cư ngụ tại chỗ là « turbo-prof » – (anh KV. đề nghị tôi dịch là « giáo sư vù »: chợt đến rồi lại «vù» đi nhanh). Ai không sống trong khung cảnh đó thì dễ bị lẫn lộn và hiểu lầm: anh Ngọc không hề giảng dạy ở những nơi mà anh ấy học ở Pháp (trường Viễn thông, trường Hải công, Đại học Paris) như có phóng viên khẳng định. Về cái việc anh Ngọc học « dàn hàng ngang », chuyên môn này rồi chuyên môn nọ, tôi muốn nói một cách công bằng: theo tôi, không phải tại anh mắc cái tật của một số người Việt Nam, ưa học lấy càng nhiều bằng « là là » lại càng tự cho là oai, chứ không chịu (hay không có khả năng) học cao học sâu. Anh Ngọc có chủ ý khác. Có lần anh tâm sự với tôi là: nước mình lạc hậu, thay vì cá nhân mình bỏ hết hơi sức « rặn » ra thêm được vài định lý để đăng nhiều bài báo, chẳng có ích gì thực sự; mình nên để công sức « nhập » những môn mới vào nước mình để giúp cho thế hệ sau mình có điều kiện tiến lên, còn tốt hơn. Về lý luận này, tôi có phần chia sẻ.

Phóng viên tác giả của bài báo trên Công An Nhân Dân trên mạng 9/5/2006 đã dẫn trên, còn viết: « Có lần ông kể với tôi, vì ông tự ái, tại sao người Việt Nam lại không thể giảng bài ở Pháp mà không nhìn vào giáo án. Thế là suốt nhiều đêm ông đã đọc và thuộc lòng giáo án đại học. Sáng hôm sau vào lớp, ông chỉ cầm một chiếc bút và thao giảng những kiến thức cao siêu trước sự ngạc nhiên của sinh viên nước ngoài ». Xuất phát câu chuyện chi tiết là như thế này: Vốn là thuở anh Ngọc và tôi còn học và soạn luận án, thì có một ông giáo sư ở Đại học Paris tên là ông G. Choquet, là một trong những « tổ sư » của ngành tô-pô. Xin nói qua về ông Choquet này. Ông ta vốn là bạn đồng khóa với ông L. Schwartz – người bạn thân thiết của Việt Nam mà tôi có dịp nói tới trong cuốn sách (5) – thuở trẻ ông Choquet học rất giỏi, thi vào thi ra, đều đỗ thủ khoa còn ông Schwartz thì lần nào cũng đỗ á nguyên, thứ nhì sau ông này; điều này ông Schwartz có kể trong cuốn hồi ký của ông (6). Nhưng ông Schwartz thì được huy chương Fields, nhưng ông Choquet thì không, tuy ông cũng là một cự phách trong làng Toán. Ông Choquet có một cách giảng bài khá đặc biệt, đó là vào giảng đường « tay không », không có giấy tờ, hồ sơ sách vở, tay trái bỏ vào túi quần, tay phải cầm phấn viết trên bảng, cả buổi không cần nhìn giáo án gì cả, rất gây ấn tượng cho sinh viên. Theo tôi, thì vị cũng có ý « trộ » thiên hạ. Bởi vì trí nhớ dù tốt đến đâu, cũng có giới hạn của nó, và tất nhiên đã nhiều lần vị nhớ lộn, giảng bài không trôi, phải xin lỗi lần sau giảng lại… Ông Ngọc nhà ta cũng muốn làm như vậy, và tất nhiên « đi đêm có ngày gặp ma »; một bữa, cũng giảng bài lộn, bí không tìm ra đầu đuôi, phải khất sinh viên lần sau giảng lại. Nếu vì ngành điệp viên cần luyện trí nhớ – và đó là một cách luyện trí nhớ – thì tôi thông cảm, chứ coi đó là cách giảng dạy có tính thuyết phục, thì tôi không tin. Thuở ấy, cái lần giảng lộn bài phải khất sinh viên, anh Ngọc có thú thật khi kể lại cho tôi nghe, và chúng tôi cười với nhau mãi. Thời đó, tôi chưa biết anh là điệp viên, nên chúng tôi có thảo luận về cách giảng dạy. Tôi thì cho rằng mình có bổn phận tôn trọng và nâng đỡ sinh viên – nhất là thời đó sinh viên còn chưa có phụ đạo, ít sách vở tài liệu, ít người có học bổng, một phần không nhỏ sinh viên lại là những người đã đi làm kiếm sống (giáo viên tiểu học, trung học, công chức, vv.) tới học thêm để tiến thân, mình không nên vì lòng tự ái cá nhân mà gây thiệt thòi cho họ. Bởi vì, theo tôi, có bài giảng soạn sẵn kỹ càng, đánh số thứ tự, định nghĩa hay định lý đọc ra phải chính xác từng chữ, từng ký hiệu, thì sinh viên mới tiếp thu dễ dàng, và như vậy họ dành được nhiều thì giờ để tham khảo thêm ngoài bài giảng. Nhưng đó là lý luận của người giảng dạy, không phải là lý luận trong khung cảnh của một … điệp viên.
* * * * *
Trở lại chuyện anh Ngọc và cái sứ mạng điệp viên của anh ấy; tôi chỉ nhớ là anh ấy thỉnh thoảng đi Thụy Sĩ « thăm bạn » (anh chị có một cặp bạn thân ở Thụy Sĩ; mãi sau này, khi gặp lại anh ấy ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1977, anh ấy mới kể cho tôi là Thụy Sĩ là đường dây liên lạc của anh ấy). Kể ra thuở ấy, tôi ngay thật không nghi ngờ gì, tuy bao nhiêu bài nhạc, bài hát miền Bắc mà tôi có được là do anh ấy cho mượn để thu vào máy, vv. Nhưng tôi đoán, thời ở Pháp là cái thời sửa soạn cho anh một cái vỏ, một địa vị cao để sau đó dễ lọt sâu; công tác của anh có lẽ chỉ thực sự bắt đầu khi anh đã trở về Sài Gòn, chứ ở Pháp có gì đâu mà tìm hiểu, có lẽ ngoại trừ việc anh tìm ra tung tích của người sĩ quan Pháp đã hạ lệnh giết cha anh.

Lại nhớ đã có lần (vào khoảng cuối 1959, đầu 1960) tôi hỏi anh ấy là tại sao anh ấy lại tham gia cái « hội ông Quân » mà không tham gia « hội ông Quế », anh chỉ cuời lảng mà không trả lời. Đầu đuôi câu chuyện như sau, tuy tôi không nhớ hết chi tiết, và có hỏi thăm những người cùng thời, nhưng cũng không ai nhớ rõ hết. Trước hết xin nói vài lời về hai ông này, đều là nhà toán học. Ông Phạm Mậu Quân bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước năm 1954 ở Đại học Paris. Ông Ngô Văn Quế, bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước năm 1966 cũng ở Đại học Paris. Ông Quế thì tôi có quen sơ sơ, ông Quân thì tôi biết nhiều hơn vì có lúc là đồng nghiệp ở Đại học Lille trong vài năm. Hội ông Quân lập ra – lâu ngày tôi không nhớ, nay hỏi thăm, có người bảo là hội đó mang tên « Science et Culture pour le Vietnam » (Hội Khoa học và Văn hóa cho Việt Nam) – thuở ấy bị/được coi là một hội phía hữu, một phần vì ông Quân lúc đó không ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một phần có lẽ tại ông lấy em gái ông Phạm Khắc Hy, đại sứ của của chính quyền ông Diệm ở Pháp (sau này ông bà ly dị). Hội do ông Quế làm hội trưởng, mang tên là « Association des Etudiants Vietnamiens en Science et Technique », (Hội sinh viên Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Pháp), gần phong trào Việt kiều – nghĩa là nếu dùng đúng ngôn ngữ một thời, đó là một « tổ chức quần chúng » của Nhóm Việt Ngữ – được thành lập khoảng cuối năm 59, đầu năm 60, sau khi hội Liên hiệp Việt kiều bị chính phủ Pháp của ông De Gaulle cấm (7) . Còn Nhóm Việt Ngữ (sau này đã giải tán), là nhóm cốt cán của phong trào Việt kiều ở Pháp; tôi không tham gia nhóm này, nhưng có được nghe nói tới; sự tích của nhóm này có được kể trong cuốn hồi ký của đại sứ Võ Văn Sung (8). Vì thế « Hội ông Quế » được coi là hội phái tả. Tôi không tham gia hội ông Quân vì tôi coi chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng nên và chính quyền ông Diệm nối theo là không « chính thống/đáng » (légitime) (9); tôi cũng không tham gia hội ông Quế vì lúc đó tôi nghĩ rằng tôi đã đi làm, không phải là sinh viên. Tôi hỏi anh Ngọc tại sao anh chọn tham gia hội ông Quân mà không tham gia hội ông Quế, vì lúc đó vấn đề ý thức hệ đặt ra rất nặng. Sau này tôi mới biết là anh Ngọc cần củng cố cái vỏ cho công tác của anh ấy sau này.

Cũng có một câu chuyện tình cờ xảy ra, làm anh chị ấy bị nghi oan. Có một lần, anh ấy để chị và cháu đi « trại hè » do phong trào Việt kiều ở Pháp tổ chức. Chẳng may vào dịp đó, có mấy sinh viên du học ở Pháp bị chính quyền ông Diệm cắt chuyển ngân. Từ đó, có sự suy luận là anh chị ấy làm «chỉ điểm cho địch ». Thực ra đó chỉ là một sự trùng khớp ngẫu nhiên, nó không nằm trong sự cố tình tạo ra cái vỏ chống cộng, bởi vì có cái đạo lý « không gây hại cho cá nhân người khác ». Còn tôi thì đã có một lần tới sứ quán ông Diệm ở Paris để … phản đối việc cắt chuyển ngân của sinh viên du học (10).

Đến năm 1963, sau cuộc đảo chính lật ông Diệm, ông Phạm Hoàng Hộ (11) làm tổng trưởng (bộ trưởng) Giáo dục trong chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ ở Sài Gòn; ông có lời kêu gọi sự hợp tác của trí thức Việt kiều. Nhân chuyến công du sang Pháp của ông Hộ, có một buổi gặp gỡ (một bữa ăn) với một số trí thức Việt kiều, tôi không nhớ anh Ngọc có dự hay không, có thể là có. Riêng tôi có được ông Phạm Mậu Quân rủ đi – lúc đó tôi đang là đồng nghiệp của ông Quân ở Đại học Lille – nhưng tôi từ chối vì lẽ đã kể trên, vả lại thêm vào đó, ông Quân còn bảo tôi là buổi dự chỉ có những người « ở trên », nên tôi thấy « không ổn », vì tôi không nghĩ rằng có bằng cấp và có địa vị xã hội nào đó, là « ở trên » người khác. Ông Quân vốn là người Việt Nam đầu tiên làm luận án dưới sự hướng dẫn của ông Lichnérowicz, giáo sư ở Collège de France (12), nên ông ấy cho cảm tưởng là ông muốn đóng một vai trò « trưởng tràng » nào đó đối với những người Việt Nam làm luận án với nhóm ông Lichnérowicz. Anh Ngọc và tôi là ngoại đạo, nên không liên quan.

Thời còn ở Pháp, anh Ngọc cũng quen biết nhiều người Việt Nam, và anh cũng có cái tài nhẫn nhục làm quen. Vào khoảng 1965-66 có ông NVH ở Huế cũng sang Paris soạn luận án tiến sĩ nhà nước dưới trướng ông Lichnérowicz kể trên. Ông NVH này cũng là một nhân vật đặc biệt, không gây thiện cảm, nên trong đám những người Việt Nam làm Toán, ít ai làm quen với ông ta, trừ anh Ngọc, làm thân được với ông này. Khoảng cuối 1968, sang 1969 (tôi không nhớ kỹ thời điểm) có một lá thư kêu gọi trí thức Việt kiều về hợp tác ở miền Nam do ông NVH viết; và để gây tính thuyết phục hơn, ông ấy kể trong thư rằng ông ấy có được sự nhận lời của giáo sư R. Thom, sẽ sang thỉnh giảng ở Đại học Huế, « mà không nhận thù lao ». (Ông Thom, huy chương Fields, giáo sư ở Institut des Hautes Etudes Scientifiques, Pháp). Lúc đó tôi lấy làm lạ, vì hầu hết các nhà khoa học đặc biệt là các nhà toán học, ở Pháp nói chung đều ủng hộ miền Bắc; tôi hỏi ông Thom là có đúng là ông nhận lời đi Huế thỉnh giảng không, thì ông ta cười trả lời tôi rằng: « Tôi có biết người này là ai đâu, mà bảo rằng tôi nhận lời đi dạy Huế ! ». Có những người Việt Nam « bạo » khiếp, dám khẳng định những điều nghe tưởng như thật.

Tháng 2 năm 1966, bỗng nhiên anh Ngọc lấy quyết định về Sài Gòn (sau này mới biết là anh ấy được trao nhiệm vụ như vậy). Tôi thì hết sức can, lại nhân dịp có cậu họ tôi là người trong ngành ngoại giao của chính quyền Sài Gòn đi qua Pháp, tôi có mời cơm để cậu tôi khuyên anh ấy đừng về; anh ấy chỉ cười và cảm ơn. Bài báo Công An Nhân Dân trên mạng 9/5/2006 đã dẫn, cũng là bài báo duy nhất trong nước mà tôi đọc thấy, viết lướt về vợ con anh Ngọc: « Chiến tranh và nhiệm vụ cách mạng vô cùng cam go, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, ông cũng không ngờ chuyến trở về tạm biệt vợ con ngày đó... trở nên xa vời mãi mãi... », nhưng bài báo không nói tại sao lại xa vời mãi mãi – trong khi một vài bài báo khác lại chỉ viết về một « người bạn đời » của anh. Tôi thấy cần công bằng nên xin nói thêm những điều tôi biết.

Thuở anh Ngọc rời Pháp về Sài Gòn, tôi không hiểu vì lý do gì chị ấy và cháu không về, mà ở lại Pháp; sau này tôi mới nghe kể là – trái với lời đồn một thuở – chị T. biết công tác điệp viên của anh ấy ngay từ ngày vợ chồng mới lấy nhau. Anh Ngọc lấy quyết định về một mình, vì sợ nguy hiểm cho chị T. và cháu, có thể bị bắt làm con tin, nếu công tác bí mật của anh ấy bị lộ.

Rồi anh ấy về giảng dạy ở Đại học Sài Gòn. Có những điệp viên đóng vai thượng lưu, chơi chim chơi chó, cà-phê, sâm banh; còn anh Ngọc đóng vai một ông trí thức gàn dở, vốn đã có sẵn có khi còn ở Pháp, nhưng lại càng lộ cái gàn dở hơn nữa khi về Sài Gòn. Đôi khi tôi cũng tự hỏi: khi phải đóng một vai trò gàn dở, con người dần dần có thể biến thành cái nhân vật mình đóng, tựa hồ như luôn luôn phải « tự quất » mình (autoflagellation ) không?

Anh thường để lại hình ảnh một con người khắc khổ, ít hưởng thụ, không thích ăn ngon mặc đẹp, ngày ăn một bữa, làm việc đến kiệt sức té xỉu, rất chặt chẽ trong việc chấm điểm bài vở cho sinh viên, vv. Ngó anh, tôi không khỏi nghĩ tới hai câu thơ Nguyễn Khuyến trong bài « Mẹ Mốc »:

« Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc.

Tâm trung thường thủ tự kiên kim »,

(nghĩa là: mặt ngoài không cần đẹp như ngọc; nhưng trong lòng hằng giữ bền như vàng).

Nhưng, theo tôi nghĩ, ngoài cái vỏ cứng nhắc ấy, thực ra anh là một con người tận tụy, khắc nghiệt với chính mình mà khoan dung với người khác, và tôi nghe đồn là anh đã che chở, nâng đỡ cho nhiều người trong phạm vi có thể, trong những ngày khó khăn nào đó. Hơn thế nữa, trong anh là một tâm hồn lãng mạn: không chỉ « lãng mạn cách mạng », mà còn lãng mạn theo nghĩa … thông thường.

Không quen biết thì khó hình dung được con người ấy lại rất mê nhạc lãng mạn phương tây . Tôi còn nhớ một kỷ niệm nhỏ: vào dịp cưới vợ chồng tôi, trong mớ quà mừng của anh chị, anh chọn tặng tôi đĩa bản concerto pour piano của Grieg, và đĩa bản nhạc concerto pour violon của Brahms, trong khi tôi lại ưa nhạc baroque hay xưa hơn nữa. Có điều nữa là anh Ngọc rất ghét nhạc Offenbach; lý do là theo anh, nhạc Offenbach dính liền với French Cancan (13), với vui chơi đùa giỡn. Nhưng thực ra, nhạc Offenbach đâu chỉ có vậy: tính nhạo báng, giễu cợt và « bất kính » cũng không loại trừ vẻ đẹp của âm điệu. Nhưng vào thời điểm mà nước nhà đang khói lửa, thái độ của anh cũng dễ hiểu.

Bên gia đình chị T. ở Sài Gòn có những người có địa vị cao cấp, ngay cả trong quân đội, mà anh Ngọc rất thân thiết. Anh ấy về Sài Gòn rồi, chị T. ở lại lo việc làm ăn, nuôi con và tiếp tế cho gia đình của chị và của anh còn ở miền Bắc. Có một khoảng thời gian, chị T. nhờ vợ tôi dạy học thêm cho cháu H. chủ yếu là về Toán vì chị không có khả năng ấy. Rồi sau đó đến lượt ông A. Grothendieck, thay vợ tôi, đảm nhiệm việc này.

Ông Grothendieck, huy chương Fields, thuở ấy là giáo sư tại Institut des Hautes Etudes Scientifiques, tổ sư của ngành Hình học Đại số, được đa số giới toán học coi là một nhà toán học lớn nhất của thế kỉ 20. Thuở ấy cũng là chỗ quen biết thân thiết. Nhà ông bà Grothendieck cũng gần, ông bà rất có cảm tình với Việt Nam, đã có lúc chứa những người Mỹ trốn lính; ông là một trong những nhà khoa học tích cực ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã có dịp nói lướt về ông, trong bài tôi viết về ông L. Schwartz trong cuốn sách (5) đã dẫn. Năm 1967, ông có sang Hà Nội, giảng dạy làm xê-mi-na trong vùng sơ tán. Nhưng ông cũng là người khá kỳ dị, từ cách ăn mặc, đến cách cư xử, rất ngay thật, tận tụy, nhưng hoàn toàn không nhân nhượng, làm cho nhiều người không hiểu được. Sau này, ông ta dứt bỏ Toán học – có giả thuyết cho rằng tại ông thất vọng không giải được mấy bài Toán khó còn đang mở – cắt đứt quan hệ với mọi người kể cả gia đình, ở ẩn nơi nào, không ai biết điạ chỉ nữa.



Trở lại câu chuyện anh Ngọc về Sài Gòn, tôi không có dịp liên lạc. Sau Tết Mậu Thân 1968, ông Phạm Mậu Quân có về thỉnh giảng ở Đại học Sài Gòn; lúc trở lại Pháp – lúc đó ông ấy và tôi còn cùng đang dạy ở Đại học Lille – ông kể cho tôi biết là ông ấy giận anh Ngọc lắm. Lý do ông nêu là đúng vào bữa ông thuyết trình, anh Ngọc cũng làm một buổi thuyết trình cùng ngày cùng giờ cùng đề tài, làm giảm số người đến nghe ông ấy. Thêm vào đó, ông lại càng giận vì bà khoa trưởng (có lẽ là bà giáo sư Trần Ngọc Tiến) bữa đó có con ốm không tới giới thiệu ông ấy với cử tọa được. Thời đó, mấy người giáo sư đại học đều ở trong cái tòa nhà, số 274 đường Công Lý (sau gọi là Nam Kỳ Khởi nghĩa), chả biết ông Quân có nghi sự trùng khớp đó là « không ngẫu nhiên » không (14).



Về Sài Gòn rồi, tôi có nghe kể là anh Ngọc quay ra « nghiên cứu » chiêm tinh, và có lời đồn đại về tài nghệ bói tử vi của anh, điều mà tôi không thấy anh nói tới khi còn ở Pháp. Một trong những lý do được giải thích sau này là anh sử dụng cái vỏ đó để làm công tác điệp viên, như bài báo trên Công An Nhân Dân trên mạng 9/5/2006 đã dẫn, viết: « Nghe đâu, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc là người được giới chính trị cấp cao chính quyền Sài Gòn [chú thích của BTL: có lẽ là gia đình họ] hay cậy nhờ xem về hậu vận, ở một vị trí với uy tín vỏ bọc thuận lợi như thế, những tin tức tình báo chuyển về An ninh Trung ương Cục sẽ vô cùng có giá trị ». Có điều là sau ngày thống nhất, rồi ngay cả khi đã trở ra Hà Nội nhận công tác mới, anh còn tiếp tục bói tử vi; có người còn khen tài nghệ của anh là « quỷ khốc thần sầu » (anh HTB cho biết rằng ở Hà Nội thuở ấy có dư luận cho là có 3 vị xem tử vi hay: nhạc sĩ Hồng Đăng, ông Trần Quốc Vượng, và anh Nguyễn Đình Ngọc). Anh muốn gây ảnh hưởng với ai, hay là chính anh cũng đâm ra tin?

Đọc trong cuốn sổ lưu niệm đám tang anh, tôi thấy có một ông thiếu tướng, tiến sĩ KHKT quân sự, chủ nhiệm Bộ môn Cận Tâm lý thuộc Trung tâm nghiên cứu tài năng con người, khi nhắc đến sự trao đổi với anh, viết: «[...] cố gắng tìm hiểu một số vấn đề bí ẩn mà chính chúng ta cũng chưa giải thích ». Nhưng xem chừng như « Bụt nhà không thiêng », nghe nói anh quyết anh sẽ còn sống thêm 3 tháng nữa, nhưng bệnh tật đã làm cho lời đoán không nghiệm. Nhưng đó là chuyện phụ.

Sau chiến tranh, năm 1977, nhân dịp về nước, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, mới gặp lại anh trong một bữa cơm riêng tại nhà người bà con, ở ngôi nhà 274 Nam Kỳ Khởi nghĩa đã kể trên. Khi ấy anh chưa ra Bắc nhận công tác mới. Lại nghe nói là anh còn trong đợt « chờ đợi kiểm tra ». Điều này, bài báo trên Công An Nhân Dân trên mạng 9/5/2006, cũng có viết lướt: « Càng leo cao, người tình báo như ông càng cô đơn trong thực hiện nhiệm vụ, đó sẽ là điều dường như Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc muốn gửi gắm cho đồng nghiệp trẻ. Bởi có thời gian, do hoạt động đơn tuyến, ông cũng bị đặt nhiều dấu hỏi; thậm chí đến sau giải phóng miền Nam năm 1975, nhiều người trong lực lượng Công an còn chưa biết Nguyễn Đình Ngọc là ai, cả khi năm 1988, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Kỹ thuật và tháng 10/1994 được phong hàm Thiếu tướng ».

Tối hôm đó, khi chở tôi về khách sạn Bông Sen đường Đồng Khởi bằng xe đạp, tôi có hỏi anh về chuyện gia đình, anh có tâm sự một số điều. Về những lý do gì để cặp vợ chồng anh bị rạn nứt, anh có lời giải thích riêng. Tôi cũng đã nghe chị T. giải thích và tôi biết là sau 1975, Bộ Nội vụ nhiều lần cố gắng tạo điều kiện để chắp nối lại, nhưng việc không thành. Tôi biết nói gì hơn, khi tôi biết chị đã khóc cạn nước mắt trong nhiều năm, và dường như từ lâu nước mắt của anh đã chỉ « chảy vào bên trong ». Lời đồn và sự thật? Anh và tôi vốn đều không ưa để lộ tình cảm, nhưng tối hôm đó hình như anh nhận thấy tôi lén chùi khóe mắt, anh im lặng nắm vai tôi hồi lâu trước khi chia tay.

Rồi đến năm 1981, lần cuối cùng tôi về nước, trong buổi « Đoàn trí thức » tụi tôi trình bày về « hồ sơ Việt kiều: tiềm năng trí thức, kinh tế, vv. » (15) ở Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, anh có lại nghe, nhưng bữa đó đông người và tôi rất bận, nên chỉ kịp nói với nhau mấy câu chào hỏi. Rồi giữa anh và tôi cũng không có dịp liên lạc gì trực tiếp.



Mấy năm sau (tôi không nhớ kỹ thời điểm), tình cờ trong một buổi chiêu đãi ở Sứ quán ta ở Paris, vợ chồng tôi thấy anh Ngọc lại tìm tụi tôi: anh đi trong phái đoàn ông Bùi Thiện Ngộ (Bộ trưởng bộ Nội vụ, thuở ấy hình như chưa tách ra bộ Công An) sang hợp tác với Pháp về Interpol, và mua trang bị cho Bộ Nội vụ. Nhìn thấy anh mặc bộ « đồ lớn » complet-veston có cả gilet, tôi cười hỏi rằng có phải là bộ đồ của ông thân sinh anh thuở xưa không? Anh cũng cười và ngạc nhiên là tôi vẫn còn nhớ: vốn là thuở còn ở trong dưỡng đường ở Sceaux, một buổi tối, tôi ghé qua phòng anh, thấy anh đang dùng bút mực xanh để « chấm » các sợi chỉ đỏ trên bộ quần áo của ông thân sinh anh, thuở ông còn làm y sĩ trước thời cách mạng, bộ quần áo mà anh mang theo sang Pháp thời còn là sinh viên – anh không ưa các sợi chỉ đỏ trên bộ áo mầu xanh đậm, nên phải bỏ ra mấy đêm mới «chấm» hết các sợi chỉ đỏ đó trên bộ áo. Kể vậy để thấy tính con người anh như thế nào. Lần đó, tôi có nhắc nhở đến chuyện gia đình, nhưng anh vẫn không muốn gặp lại vợ con. Lúc ấy có tin đồn anh đã có «người bạn đời» từ một thời gian.

Anh Ngọc có lẽ cũng do nghề nghiệp điệp viên, ít khi nhắc kỹ đến gốc gác thời mình còn học ở Pháp. Tôi nhớ câu chuyện sau đây: Giới khoa học Pháp – trong đó có các nhà Toán học – thuở chiến tranh và ngay sau chiến tranh, có nhiều cảm tình với Việt Nam, nên nhiều người tự nguyện đi Việt Nam giảng bài, làm xêmina, vv. Có một lần ông F. Bruhat, giáo sư Đại học Paris 7, cũng là nhà toán học có tiếng, đi Việt Nam về, bảo tôi: « Lúc làm thuyết trình, tôi có được một người phiên dịch tuyệt vời, rất uyên bác, tên là Ngọc, anh có quen không? ». Tôi hỏi lại: « Anh ta không nói gì với anh về những năm anh ta ở Pháp à? Và anh cũng quên hết về anh ta rồi sao? Chính anh là thành viên của ban giám khảo luận án của anh ta, và chính anh là người đã ra cái đầu đề «luận án thứ hai» cho anh ấy đấy mà ! ».

Cần nói thêm cho dễ hiểu: thời đó, khi bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước ở Pháp, ngoài việc bảo vệ cái luận án « chính », có lệ là ban giám khảo còn buộc thí sinh phải trình bày một giáo án trên một đề tài mà ban giám khảo trao cho, trong một lĩnh vực xa lạ với đề tài của cái luận án « chính », và chỉ được soạn giáo án này trong một thời gian giới hạn (vài ba tháng), để kiểm tra khả năng tiếp thu của thí sinh. Không nói gì với ông Bruhat là cố nhân, phải chăng cũng là một thứ méo mó nghề nghiệp điệp viên? Ngay cả năm ngoái, khi con nhớn của tôi cùng đồng nghiệp ở nước ngoài về tổ chức Hội nghị về Tin học RIVF'05 (Research, Innovation and Vision for the Future) ở Cần Thơ, anh có lại dự, và tự giới thiệu mình nay là «phóng viên khoa học».

Tôi cũng nghe anh HTB kể: Tháng 2/2006 sau hội nghị RIVF'06 ở Thành phố Hồ Chí Minh có cuộc họp mấy người phụ trách RIVF bàn làm sao đưa Việt Nam và RIVF vào thành một section của IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineering). Bữa đó anh Ngọc cũng dự, rất yếu nhưng vẫn góp ý say sưa, nhanh lẹ như thường lệ.

Thuở xưa có ông Phan Kế Bính viết cuốn « Nam Hải dị nhân », kể sự tích về những nhân vật như Hai Bà Trưng, Bố Cái đại vương, Lý thường Kiệt, …, và Lê Như Hổ ngày ăn nổi một nồi ba mươi cơm, vv. Sau này, nếu ai có ý định viết một cuốn « Nam Hải dị nhân » mới, xin đừng quên nhân vật Nguyễn Đình Ngọc …

Trở lại chuyện gia đình, mãi những năm gần đây, mới có sự «liên lạc» trở lại giữa anh ấy và chị T. và cháu H. (từ lâu đã trưởng thành), sau mấy chục năm gián đoạn, có lẽ vì chị T. kiên trì tìm nối lại, nhưng sự hàn gắn thì không có. Chuyện đời tư của một « thường nhân » thì không nên nói tới, nhưng khi một nhân vật đã có danh (tôi muốn nói: « homme public »), thì trái lại cũng cần biết thêm để soi rõ hoàn cảnh của thời cuộc.

Về anh Ngọc thì công lao tất nhiên là nhiều; nhưng hy sinh và đau đớn thì cũng rất lớn, có thể nói là anh ít may mắn hơn một số người khác. Người ta đồn đại nhiều về anh ấy, nhưng mấy ai biết được sự thật ở chỗ nào? Anh đã có lời phát biểu với một phóng viên: « […] người cán bộ điệp báo như một ngọn đèn dù công suất có lớn đến đâu thì cũng không có giá trị tự thân. Phải có một sợi dây liên lạc, một cách thức để truyền thông tin, không có điều này thông tin mà người điệp báo thu thập được không có giá trị gì cả ».

Tôi đoán rằng tuy anh không nói tiếp ý của anh, có thể anh cũng đã không quên rằng có những người khác đã góp phần tạo điều kiện cho anh thực hiện được sứ mạng của anh. Chị T. bảo tôi rằng nếu vào những giai đoạn cuối, chị và cháu nhiều lần về thăm anh những ngày bệnh anh đã nguy kịch – anh như « sống lại » mỗi lần gặp lại cháu – là vì chị nhớ tới lời ước mong của anh thuở công tác tính mạng còn như treo sợi tóc (sợ chị và cháu bị kẻ địch bắt làm làm con tin vì công tác của anh): ước mong có chị và cháu ngồi cạnh anh khi anh nhắm mắt. Điều mong ước ấy, có thể giờ chót anh còn nhớ chăng.

Tôi có được chị T. cho xem mấy tấm hình đám tang anh, do Bộ Công An tổ chức. Thấy có tấm trướng đề « Vô cùng thương tiếc … », linh cữu phủ quốc kỳ, có hàng chữ « vì anh ninh tổ quốc », có đội túc trực danh dự, có dàn nhạc mặc binh lễ phục trắng, có hàng trăm vòng hoa, có hình ảnh mấy ông tướng công an tới viếng … Thấy bà « bạn đời» chít khăn đen cùng anh em bà và « cậu con nuôi » đứng ở đầu linh cữu, rồi đến cháu H. và chị T. cùng thân quyến chít khăn trắng, thấy cháu H. mang bát cơm có cắm hai chiếc đũa « chẻ » – một tập quán từ thuở xa xưa mà tôi đã bẵng quên – thấy cậu con nuôi mang bát nhang. Rồi lại thấy lọ tro sau hỏa táng; nghe nói anh mong được chôn cạnh mộ cha mẹ anh. Lại đọc cuốn sổ tang, thấy ghi lời lưu niệm của bạn đồng học thuở trường trung học Chu Văn An, của đồng nghiệp sau này, của học trò anh, …; cũng thấy có lời ghi nhắc đến một vài sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn, lại thấy có cả lời ghi của một người nước ngoài bằng tiếng Pháp mà cảm tình chắc là phải lớn: « Chào tạm biệt và hẹn tái ngộ một ngày sắp tới » (Au revoir et à bientôt).



Những người thuộc thế hệ anh Ngọc đã phải trải qua những cảnh éo le, có thể nói là rất đau khổ. Có người tham gia cuộc chiến vì lý tưởng, vì bổn phận, có người vì thời cuộc đẩy đưa, chắc chẳng có mấy ai vì công danh như lời thơ « Chinh phụ ngâm »:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao cung …



Nhiều hoàn cảnh cũng không hẳn như lời bài ca « Quand un soldat » (« Khi người lính ») – có lẽ phải gọi là bài thơ tự phổ nhạc – của Francis Lemarque, năm 1952, ở Pháp. Thuở ấy, tôi nghe mà thấy dửng dưng; nay đọc lại lời thơ, cũng thấy rung cảm. Tất nhiên, tác giả chỉ nói cảnh người lính đi chiến đấu không lý tưởng, nằm ngoài khuôn khổ của những lý do «chính đáng » vv. Tôi không phải là « dịch giả », mà là « dịch dở », nên xin chỉ tạm tóm lược đại ý vài câu, rồi chép nguyên văn bài thơ tiếng Pháp trong chú thích (16) dưới đây:



Chàng đi chiến chinh; trở thành nguyên soái, đó là mong ước.

Trên đường về, quần áo bẩn đeo vai, chân chàng bước.

Ra đi lúc tuổi đôi mươi; chiến tranh đếm xỉa gì đến tình yêu, đến lời thề ước.

Hết chiến tranh, may sống trở về; thôi, tạm coi là được!



Theo cuốn « Từ điển của Quỉ » (Dictionnaire du Diable) của Ambrose Bierce (1842-1914), dẫn trong cuốn « Les Miscellanées de Mr. Schott », nxb Allia 2005, « sự khâm phục [của mình đối với một người] » được định nghĩa là « cách lịch sự để công nhận sự giống nhau giữa mình và người đó ». Vì tôi hiểu như thế nên tôi không biết tán dương; tôi chỉ biết kể những điều tôi được biết, với cảm tình và lòng thân ái.

* * * * *
Và tôi nhớ tới câu chuyện: thuở trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng tám 1945, trong rừng Việt Bắc, cụ Hồ ốm nặng, nghĩ mình không sống được, có dặn dò ông Giáp: « Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập » (17).

Vì phải giành cho được độc lập thống nhất, những đau khổ chồng chất trong mấy chục năm, trải qua ngoại xâm, giết chóc, càn quét, chia lìa, ý thức hệ, cải cách ruộng đất, cuộc chiến Nam Bắc, vv. cộng lại, xem ra cũng xứng với cái hình ảnh tượng trưng « đốt cháy Trường Sơn » đấy chăng?


- Paris 6/7/2006 -
_________________________________
Chú thích:


(1) Tự sự của người xa quê hương, (tên gốc của sách là « Chuyện gia đình và ngoài đời »), Bùi Trọng Liễu, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.

(2) Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ đường số 4 anh hùng, Đặng Văn Việt, nxb Trẻ, Hà Nội 2002.

(3) Hai mươi năm qua: 1945-1964, Đoàn Thêm, nxb Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn 1965.

(4) Theo sách đã dẫn (3), chế độ quân dịch trong vùng Pháp tạm chiếm được ban bố ngày 15/7/1951; lệnh cấm thanh niên xuất ngoại ban hành ngày 7/8/1951; tới ngày 16/10/1951, có 15000 thanh niên bị nhập ngũ; 1000 thanh niên có bằng « Trung học đệ nhất cấp » trở lên theo học trường sĩ quan Nam Định và trường sĩ quan Thủ Đức; ngày 1/12/1952, gọi nhập ngũ các thanh niên từ 20 đến 28 tuổi có bằng « Cao đẳng tiểu học » để theo học các lớp sĩ quan.
(5) Chung quanh việc Học, Bùi Trọng Liễu, nxb Thanh Niên, Hà Nội 2004.

(6) Un mathématicien dans le siècle, Laurent Schwartz, nxb Odile Jacob, Paris 1997.

(7) Trách nhiệm của ông De Gaulle trong việc khởi đầu chiến tranh (của Pháp) ở Việt Nam là rất nặng. Nhưng từ năm 1963, ông ta nêu đề nghị trung lập hóa miền Nam Việt Nam, và năm 1964, kêu gọi chấm dứt mọi sự can thiệp cửa nước ngoài vào miền Nam Việt Nam. Trong thư gửi Hồ Chủ tịch, ngày 2/8/1966, Tổng thống De Gaulle viết: « Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay ». Trong ngôn ngữ của một chính khách lão luyện, đó phần nào là sự nhìn nhận (tuy muộn màng) trách nhiệm của ông ta trong chính sách của Pháp ở Đông Dương giai đoạn 1945-1946. (Nguồn: Ngoại giao Việt Nam (1945-2000), do ông Nguyễn Đình Bin chủ biên, với sự tham gia của các ông Nguyễn Xuân, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Trường, Nguyễn Khắc Huỳnh, Nguyễn Ngọc Diên, vv., nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002).

(8) Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, Võ Văn Sung, nxb Quân đội Nhân dân, 2005.

(9) Khác với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ Cách mạng Tháng tám 1945 mà ra, lại có sự thoái vị của vua Bảo Đại, trao lại quyền chính, thể hiện tượng trưng qua việc trao ấn kiếm ở Huế, trước ngày Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945. Rồi sau đó lại có ngày Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, bàu lên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam. Ở đây, tôi chỉ nói về mặt chính quyền, không luận đến vấn đề ý thức hệ.

(10) Lại nhớ tới một giai đoạn của du học sinh Việt Nam tại Pháp, tôi muốn nói tới cái khoảng những năm trước và sau 1950 ít lâu. Cuộc sống cũng cơ cực lắm, chứ không « phây phây » như có người tưởng. Ngoại trừ những con em gia đình thật khá giả, một số gia đình gửi được con đi Pháp du học tự túc thuở ấy, là nhờ ở việc đổi tiền. Theo cuốn sách (3) đã dẫn, từ ngày 25/12/1945 tới ngày 10/5/1953, giá hối đoái 1 đồng bạc Đông Dương (piastre) là 17 francs Pháp – nhắc lại là đây là franc cũ, chưa phải là franc « nặng » thời ông De Gaulle trở lại cầm quyền thời Cộng hòa thứ V (franc « nặng » tồn tại từ 1960 đến 2002) – cho đến ngày 11/5/1953, chính phủ Pháp « đơn phương » phá giá đồng bạc Đông Dương, 1 đồng bạc Đông Dương chỉ còn bằng 10 francs Pháp, mà không hỏi ý các chính phủ các Quốc gia Liên Kết (Etats Associés) trong Liên hiệp Pháp (Union française) – nghĩa là các chính phủ Việt Nam của « quốc trưởng » Bảo Đại (tiền thân của chính quyền Cộng hòa Việt Nam của ông Ngô Đình Diệm), và Miên, và Lào do Pháp dựng nên trong các vùng tạm chiếm – mặc dù theo các Thỏa ước ký với các chính phủ này, Pháp phải hỏi ý họ trước. Theo hai cuốn sách « Le trafic des piastres » của Jacques Despuech, nxb Deux Rives Paris, 1953, và « La guerre française en Indochine, 1945-1954 » của Alain Ruscio, nxb Editions Complexes, 1992 (cám ơn anh Vũ Ngọc Quỳnh đã cho tôi thông tin về hai cuốn sách này), trong khoảng 1945-1953 kể trên, do giá hối đoái được thặng lên – giá thực của đồng bạc Đông Dương lúc đó được ước lượng khoảng giữa 8,50 và 10 francs – có việc buôn lậu tiền. Một số chính khách và người thường, trở nên giàu to. Thí dụ như cuốn sách của Despuech kể là năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại và vợ là bà Nam Phương chuyển sang Pháp 176.500.000 frs trên tổng số tiền chuyển 426.700.000 frs; hoặc chuyện con gái của E. Bollaert (Cao ủy Pháp ở Đông Dương từ tháng 4/1947 đến tháng 10/1948) bị nhân viên hải quan khám ở sân bay Tân Sơn Nhứt thấy mang một bị đựng 50000 đô-la. Có mấy kiểu buôn tiền:

a) Chuyển đồng bạc Đông Dương thành tiền franc sang Pháp;

b) Chuyển đồng bạc Đông Dương thành franc, dùng franc mua lậu đôla, dùng đôla mua bạc Đông Dương, chuyển đồng bạc Đông Dương thành franc (quay vòng như vậy).

c) Dùng franc mua đồng bạc Đông Dương ở Bangkok, HongKong, với giá 1 đồng bạc Đông Dương ăn 8 francs, mang tiền bạc Đông Dương đó về một trong ba nước Đông Dương (Việt, Mên, Lào), dùng tiền đó chuyển sang Pháp với giá 1 đồng bạc Đông Dương ăn 17 francs (quay vòng như vậy).



Nhưng cũng nhờ sự buôn tiền này mà một số gia đình nghèo gửi được con sang Pháp học. Và tôi cũng được anh KV. cho biết là theo ông Hoàng Xuân Hãn kể: Nhờ có sự hối đoái thặng giá này mà nhà xuất bản Minh Tân (do ông Nguyễn Ngọc Bích thành lập) sống được và làm được mấy việc ích lợi: in lại các cuốn « Từ điển Hán Việt và Pháp Việt » của Đào Duy Anh với lời tựa ca ngợi kháng chiến, phổ biến ở vùng bị tạm chiếm; « Danh Từ khoa học », « La Sơn phu tử » của Hoàng Xuân Hãn; xuất bản « Từ điển thực vật học » của Đào Văn Tiến, và « Phénoménologie et matérialisme dialectique » của Trần Đức Thảo, vv. [Về tiểu sử ông Hoàng Xuân Hãn, tôi có viết một chút trong cuốn (1) đã dẫn. Còn ông Nguyễn Ngọc Bích: ông là bạn đồng học của ông Hãn ở Ecole Polytechnique (hình như khoảng năm 1928-30) và sau đó trường Cầu Đường Ponts et Chaussées; những năm đầu kháng chiến, ông hoạt động ở Khu 9 (Tây Nam Bộ); bị bắt sau một trận càn, và bị Pháp đưa sang Pháp; sau ông lại học đại học y khoa và tốt nghiệp bác sĩ y khoa cuối 50, đầu 60; khoảng năm 1964 (sau đảo chính lật Diệm) ông về Sài Gòn, ra ứng cử tổng thống (danh sách Cao Đài); hình như mất ở Sài Gòn vào cuối những năm 60). Có một giai thoại: việc phá cầu trong kháng chiến, chỉ cần một khối lượng nhỏ chất nổ, đặt đúng chỗ là phá sập những cái cầu lớn mà người thiết kế lại là một kĩ sư cầu đường người Pháp học cùng trường (chuyện kể là cùng khóa), ông này từng nhận xét: "Biết phá như vậy phải là người biết xây, chắc chắn là Nguyễn Ngọc Bích". Đó lời tôi nghe anh KV. cho biết theo lời kể của ông Hãn. Nhưng tôi đọc trong cuốn sách « Nguyễn Bình, huyền thoại và sự thật », nxb Văn hóa, Hà Nội 1995, thấy kể câu chuyện phá cầu tương tự là công của ông Lê Tâm – kỹ sư Cầu đường ở Pháp về kháng chiến, mà tôi sẽ có dịp nói tới ở chú thích (14) dưới đây. Vậy tôi xin ghi luôn cả ra đây ].

Trở lại vụ buôn tiền và một số gia đình nghèo gửi được con sang Pháp học: vì hàng tháng mỗi người (thường dân) chỉ được chuyển một số tiền giới hạn, có những nhà nghèo huy động cả gia đình họ hàng gửi hộ tiền cho nhà giàu (bằng bưu phiếu, mandat-poste), rồi được trả lãi và dùng cái tiền lãi đó mà gửi cho con em mình du học ở Pháp sống. Thuở ấy, những du học sinh sống bằng cách này cơ cực lắm, có cảnh sống chung năm, sáu người trong một buồng trọ – thuở ấy ở Pháp còn đầy dãy những khách sạn cho thuê phòng ngủ hàng tháng, không có nước; vòi nước và cầu tiêu chung ở cầu thang; có khi không có sưởi – ăn uống rất kham khổ, một tuần mới đi tắm gội một lần ở các hiệu tắm công cộng lúc đó còn tồn tại. Nghèo đến cái mức đi thi còn có trường hợp không có đồng hồ đeo tay, phải mang theo trong cặp cái đồng hồ báo thức to bằng cái bát ! (Cái khoảng những năm ấy, còn nhiều chuyện buôn bán lậu vặt; hàng rào thuế quan trong ngay mấy nước châu Âu chưa bỏ, có những người Việt Nam hoặc một vài tiệm ăn ở Paris, như một tiệm ăn gần kế Collège de France, bán lén đô-la hay đồng hồ Thụy-sỹ lậu, vv.). Kham khổ là một phần lý do tại sao có nhiều người bị bệnh lao. Học sinh ở ký túc xá trong trường cũng còn tương đối khá hơn. Sinh viên được ở trong Cité universitaire de Paris như « Nhà Đông Dương » (trong ký túc xá đại học), được coi là hạng sinh viên « bảnh ». Cái cảnh sinh viên ngồi quán cà-phê tán gẫu bàn thế sự, là chuyện hãn hữu, đôi khi là khoe hão hoặc là do sự tưởng tượng của người kể. Những năm sau, khi chính quyền Bảo Đại được Pháp nhả cho thêm một chút quyền, thì cũng có những học bổng cho sinh viên, và có những sinh viên có học bổng loại ấy để ăn học, nhưng « trái tim thì vẫn ở bên trái »; đó là khởi thuỷ của cái câu « ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản ».



Vì tôi đã trải qua những thời khó khăn như vậy, nên tôi nhạy cảm với việc du học sinh trông đợi tiền của gia đình gửi sang để ăn học. Thời ông Diệm, đã hết chuyện buôn lậu tiền rồi, nhưng các gia đình có con đi học tự túc phải có sổ chuyển ngân mới được phép gửi tiền từ miền Nam sang Pháp. Ai mà có triệu chứng ủng hộ miền Bắc thì bị cắt sổ chuyển ngân. Tôi không nhớ cái việc chị T. bị nghi sau khi đi trại hè của phong trào Việt kiều, xảy ra năm nào. Nhưng cái lần mà tôi tới Tòa đại sứ của chính quyền ông Diệm để phản đối việc cắt sổ chuyển ngân của một số sinh viên, là vào khoảng cuối 1959 hay đầu năm 1960. Có anh C. của phong trào Việt kiều ở Pháp rủ tôi đi, thì tôi đi, và chỉ hai người chúng tôi; có người khác được rủ nhưng không dám đi vì có gia đình ở miền Nam sợ bị khủng bố. Tôi không có ràng buộc ấy, và lúc ấy để mưu sống để tiếp tục soạn luận án, tôi đã tìm được việc làm ở Trung tâm nghiên cứu (Direction des Etudes et Recherches) của Electricité de France, nên chẳng sợ sức ép. Vả lại cái người nhân viên (cố vấn tòa đại sứ, mà nay ta gọi là tham tán sứ quán) tiếp chúng tôi hôm đó cũng chẳng phải là hoàn toàn xa lạ gì đối với tôi: người này, NTH, là con một bạn đồng liêu với bố tôi thuở còn làm quan; em người này lại là bạn học với anh tôi thời chúng tôi còn học ở trường trung học Nguyễn Khuyến ở Yên Mô trong vùng kháng chiến từ 1947 đến 1949. Bữa đó, người nào nói thì người nấy nghe, xong rồi thì hồn ai nấy giữ…

Còn những du học sinh mà gia đình ở lại miền Bắc thì đành phải tự lo liệu. Trong rất nhiều năm sau đó, không có du học sinh từ miền Bắc sang Pháp, hiếm hoi mới có một vài thực tập sinh sang tu nghiệp…
Vì đã phải trải qua và chứng kiến những giai đoạn đó và những giai đoạn khó khăn khác, nên tôi rất thông cảm với những ai không gặp may trong việc học hành và trong địa vị xã hội; đồng thời tôi cũng rất trân trọng với những ai đã may mắn thành công; khi người ta phải sống, ăn, ở, học trong những hoàn cảnh như kể trên, thì đi thi đỗ được cũng là chuyện mừng rồi, nói gì đến chuyện tranh đua với người khác.



(11) Nhân đây xin nói thêm, tôi không quen ông Phạm Hoàng Hộ, nhưng có nghe tiếng. Tôi chỉ thấy ông ấy có một lần, nhưng là sau này, trong một trường hợp đặc biệt: Vào tháng 11/1984, ông Võ Văn Kiệt lúc ấy đang là Phó Thủ tướng, nhân chuyến công du ở An-giê-ri, trên đường về, ghé qua Pháp; vì ông ít thì giờ, Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức một bữa ăn trên thuyền máy đi chơi (bateau Mouche) trên sông Seine, để vừa được tiếp ông, vừa để ông thăm phong cảnh Paris luôn thể. Anh chị em chỉ định tôi ngồi cạnh ông Kiệt để khi thuyền đi qua, tôi giới thiệu với ông những thắng cảnh và di tích lịch sử cổ dọc bờ sông: tháp Eiffel, điện Louvre, Viện Hàn Lâm, vết cũ của Tour de Nesle, Palais de Justice xưa là cố cung, Hôtel de Ville, Nhà thờ Notre-Dame, vv. Bữa hôm đó, còn có hai người (ngoài Hội người Việt Nam) cũng được mời: một người là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, một người nữa là ông Phạm Hoàng Hộ (lúc ấy được phép từ Việt Nam sang làm việc một thời gian ngắn ở Museum d’histoire naturelle thuộc Đại học Paris, hình như sắp hết hạn). Tôi có nghe kể là ông Hộ sau ngày Giải phóng được chính quyền coi như là nhân sĩ, nhưng cũng gặp khó khăn trong công việc, và đời sống rất cơ cực; lúc ông ở Pháp như kể trên, thì dường như một phần gia đình ông đã định cư ở Ca-na-đa; vì thế ở thời điểm nói trên có tin đồn là ông ở lại không về; có lẽ vì vậy mà ông Kiệt mời chăng, tôi không biết thực hư thế nào. Ông Hộ có mặt bữa đó nhưng ít nói, hầu như lặng im suốt buổi (tôi chỉ thấy ông ta có một lần ấy thôi).

(12) Collège de France là một cơ sở nghiên cứu bậc nhất của Pháp; tôi đã có dịp giới thiệu một chút về cơ sở này trong bài « Giáo dục đại học: Những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng », đăng trên báo mạng « Thời Đại Mới » số tháng 11-2005: http://www.thoidai.org/ThoiDai6/200506_BTLieu.htm



Vì chữ Collège nên có một số người Việt Nam hiểu lầm, và có câu chuyện vui sau đây: vào năm 1950, lúc tôi tới Pháp, có cậu học sinh tìm đến cơ sở này để xin vào học classe de seconde (lớp 10 của ta hiện nay) vì thấy chữ Collège nên ngỡ là trường trung học.

Lại có câu chuyện này nữa: Ông Poitou, giáo sư Toán Đại học Paris-Sud, hiệu trưởng Ecole Normale Supérieure rue d’Ulm, có một lần « tâm sự» với tôi rằng ông Lichnérowicz là một nhà khoa học lớn, hướng dẫn nhiều luận án (tiến sĩ nhà nước), nhưng không có luận án nào xếp « hạng nhất » cả. Nói xong, ông ta lại tủm tỉm cười, nói tiếp rằng ông ta tự đánh giá luận án của ông ta chỉ vào « hạng ba » thôi. Tôi nghĩ thầm: sao ông lại nói với tôi như vậy, hay là ông cho rằng mấy ông Việt Nam ưa xếp hạng ngôi thứ? Lúc đó, tôi cười trả lời ông ta rằng: tôi không ưa xếp ngôi thứ, luận án của tôi xếp vào hạng thứ bao nhiêu cũng được, miễn là « được việc » thì tôi mừng rồi. Tôi nói như vậy vì lúc đó ông Poitou đang nhờ tôi giải quyết một việc mà ông ấy không tự giải quyết nổi.

Câu chuyện chi tiết là như thế này: Khi nhậm chức hiệu trưởng Ecole Normale Supérieure rue d’Ulm – mà nhiệm kỳ là 5 năm, và theo truyền thống thì cứ luân phiên: nếu hiệu trưởng lần trước là giáo sư ngành văn-khoa học xã hội, thì lần sau là giáo sư ngành khoa học, và quay vòng như thế – ông Poitou có đề án cải cách trường. Nhưng như ông ta đã nhận xét thuở đó: trường như cái nhà « trống » – không có bằng cấp riêng (học sinh thi bằng cấp của Université), không có giáo sư riêng (giáo sư là giáo sư Université) – chỉ có cái « tiếng » thôi. Có điều mà mà ông không nói, đó là vì cái « tiếng» mà cựu học sinh tương trợ, bênh vực nhau lắm; tôi là kẻ « ngoại đạo », nên biết thân phận. Vì trường như cái nhà « trống », nên ông không có « quân ». Để lo cái đề án cải cách trường, ông chỉ có thể trông cậy vào sự « tự nguyện» của một vài cộng tác viên không công. Trong đám đó, kẻ đắc lực nhất là một tay giáo sư ở một đại học địa phương; y cũng là cựu học sinh xuất sắc của trường và đã là giáo sư bậc cao. Y « tự nguyện » làm việc, nhưng lại … có ẩn ý: y cũng là « giáo sư vù » như kể trên; nhà y ở Paris chỉ cách trường có độ trăm mét, vì thế nên sau một thời gian giúp ông, y muốn được chuyển về Paris. Y năn nỉ với ông giúp y, lại viện cớ y có cha già bệnh tật phải trông nom, vv. Ông đã trót « nhận sự giúp đỡ » của y, nên phải đành trả nợ – đây là một nét đàng hoàng của ông – nhưng ông giải quyết không được, nên phải nhờ tôi.

Để tôi kể cặn kẽ một chút, kẻo ai không hiểu thủ tục nơi đây, lại tưởng là tôi kể chuyện hoang đường. Nhắc lại là ở Pháp, tuyệt đại đa số các đại học đều là công lập, và đội ngũ nhà giáo hữu cơ đều là công chức, nhưng cách tuyển dụng thì khác với các loại công chức khác. Cũng nhắc lại là ở nơi đây, cũng như ở nhiều nước khác, giáo sư đại học là một « chức vụ » gắn liền với một « chỗ làm (giáo sư) » (emploi de professeur) ở một đại học; muốn có chức danh giáo sư thì phải đợi có một « chỗ làm » ở một đại học nào đó: hoặc là « chỗ làm trống » do người đảm nhiệm về hưu hay thuyên chuyển đi nơi khác (emploi vacant) , hoặc là có « chỗ làm mới » mới do Chính phủ, qua Bộ Giáo dục, đặt ra (emploi créé). Mỗi năm, tùy theo ngân quĩ nhà nước gia giảm, Bộ báo cho trường biết có bao nhiêu « chỗ làm trống » hoặc « chỗ làm mới ». Rồi mới đến lượt Hội đồng tuyển dụng của nhà trường (commision de spécialistes) xét hồ sơ các ứng viên, và bàu chọn để tuyển một người vào mỗi « chỗ làm » đang có: kiểu bầu chọn như vậy, tiếng Pháp gọi là « cooptation ». Có hai loại ứng viên vào một « chỗ làm (giáo sư)» ở một đại học:

(i) Hoặc là đang là giáo sư đang tại chức ở một đại học Pháp nơi khác, nộp đơn để ứng cử vào chỗ làm đó; (tuyển chọn trường hợp này gọi là « mutation »).
(ii) Hoặc là ứng viên chưa phải là giáo sư ở một đại học Pháp. Trong trường hợp này, người ứng viên phải: a) có bằng cấp tối thiểu – thuở trước, trong ngành Toán, là tiến sĩ nhà nước (Doctorat d’Etat); bây giờ là tiến sĩ + HDR (Habilitation à Diriger des Recherches); b) phải được Hội đồng khoa học toàn quốc (ngày xưa gọi là Comité Consultatif des Universités, ngày này gọi là Conseil National des Universités) xét hồ sơ và công nhận « khả năng trở thành giáo sư đại học » (tiếng Pháp gọi là được ghi tên trên « liste d’aptitude aux fonctions de professeur des universités ») .



Vì các ứng viên đã được chọn lọc trước như thế để bảo đảm mức độ chung cho cả nước (nước Pháp là nước có chính quyền tập trung !), Hội đồng tuyển dụng của nhà trường khi bàu chọn một ứng viên nào đó, thì trên nguyên tắc, cũng không sợ bị phê phán là chọn người dốt. Còn lại là vấn đề hễ đông người thuận trong hội đồng tuyển dụng thì được tuyển. Việc bổ nhiệm (do Tổng thống Pháp ký sắc lệnh) chỉ là hình thức long trọng và hợp pháp hóa (vì giáo sư đại học là công chức), chứ trên thực tế chính quyền không can thiệp vào việc tuyển dụng.

Thuở ấy, chỗ giáo sư ở đại học Paris còn « đắt », rất đông người ham, tranh rất khó. Cái tay cộng tác viên của ông Poitou, bình thường mà nói, rất ít khả năng chen chân được, vì thế ông Poitou mới nhờ tôi, vì ông biết tôi là chủ tịch hội đồng tuyển chọn của trường tôi (vì tình hình đặc biệt, đồng nghiệp trao cho tôi trách nhiệm này trong 7 khóa liền: 21 năm, đến tận ngày tôi nghỉ hưu !).

Có điều là phù thủy dù có cao tay ấn, cũng khó trị âm binh, bởi vì Hội đồng tuyển dụng cũng như cái rọ chứa vừa cua, vừa cá, vừa tôm: cua thì bò ngang, cá thì bơi thẳng, tôm thì bơi lùi. Vì thế nên tôi mới bàn với ông Poitou là phải sử dụng « ngoại lệ » – bởi vì có « ngoại lệ » không viết trong văn bản qui định , đó là hình thức « transfert » (thuyên chuyển mang theo «chỗ làm »): ứng viên xin chuyển về trường mới, mang theo « chỗ làm » của mình ở trường cũ về trường mới, và Bộ « đền » cho trường cũ một « chỗ làm» mới. Nếu được vậy, thì ứng viên không phải cạnh tranh với ứng viên nào khác cả. Nhưng cách làm « ngoại lệ » này có 2 khó khăn, mà bình thường rất khó vượt qua: (a) phải được Hội đồng tuyển dụng của trường « mới » chấp nhận; (b) phải được Bộ chấp nhận « đền » một « chỗ làm » cho trường cũ. Phải giải quyết khâu (a) trước, và tôi đã mất nhiều nước bọt mỏi miệng mới thuyết phục được Hội đồng tuyển dụng của trường. Rồi đến lượt ông Poitou thuyết phục Bộ « đền ». Rốt cục là giải quyết xong. Có điều là trước khi việc giải quyết thành công, tuy chẳng có đòi hỏi gì, tay cộng tác viên của ông thề thốt đủ điều; nhưng khi việc đã thành công thì lời thề cũng như mây khói!



Chuyện y đã vậy, nhưng còn có trường hợp tệ hơn. Tôi cũng đã giúp một cách tương tự một thằng bạn học cũ thời còn soạn luận án, đưa được nó về trường tôi. Đến khi chỗ « trưởng Khoa » trống, và tôi dứt khoát từ chối không nhận làm, thì thằng này xung phong vì nó thích làm quản lý để khỏi làm nghiên cứu; tôi cũng giúp hắn. Được làm « trưởng Khoa » rồi – mà chủ yếu là quản lý những công việc điều hành hành chính sự vụ, tiền bạc, thời khóa biểu, phòng ốc, sinh viên, vv. – hắn bị đồng nghiệp chê là trở thành một « tiểu độc tài » (petit dictateur).

Một bữa hắn làm quá, tôi giận mới đem một tích xưa ra mắng hắn; đó là câu: « Qui t’a fait roi ? » (dịch thoát nghĩa và cho hợp với ngữ cảnh, là: «Mi có nhớ ai đưa mi lên tới địa vị này không ? »; tôi sẽ giải thích, dưới đây, gốc gác của cái tích lịch sử Pháp này). Nhưng hắn cậy là bạn cũ của tôi, và vì cái mặt của hắn còn trơ hơn cái mặt thớt, nên hắn nhăn nhở cười và cũng đem chữ nghĩa ra trả lời tôi bằng câu: « On ne peut être trahi que par les siens » (dịch thoát nghĩa là: « Chỉ có người cùng cánh mới có thể phản nhau», bởi vì – ít nhất là trong tiếng Pháp – khi đối phương, kẻ địch hại nhau, thì không thể dùng chữ « phản » được).

Nếu tôi kể những chuyện linh tinh như thế này, cũng là để nói rằng ở cái nước tôi định cư này, việc học, việc làm, vất vả gian lao lắm, phải vật lộn hàng ngày, hàng giờ, chứ không phải là « phây phây » như một số Việt kiều huêng hoang.

Những chuyện mà họ kể – kiểu như: học giỏi đến nỗi khi thi đỗ, trường phải trưng tên họ trên bảng ở cổng trường (ai đỗ mà không có tên trên bảng ?!); hoặc tài ba đến mức mà trường này trường kia phải mời đến làm giáo sư (!) – chỉ là những chuyện hoang tưởng dựa trên những thành tích ảo, đáng ghi vào sổ chẩn bệnh của những bệnh viện thần kinh. Còn phóng viên trong nước mà ghi những lời phát biểu loại đó lên mặt báo, thì là họ không hiểu tình hình bên ngoài, nên cả tin, trừ phi tự họ chế biến ra những chuyện giật gân loại đó.

Bây giờ tôi xin kể lịch sử của cái câu: « Qui t’a fait roi ? » nói trên đây. Năm 987, vua Louis V chết không có con nối. Thuở ấy, nhà vua yếu, nhiều nhà quyền quí cai trị đất đai của mình như những « sứ quân ». Một trong những người đó, Hughes Capet, được bầu làm vua – mà dòng họ trị vì kéo dài đến tận cách mạng 1789, cộng thêm đoạn « tái lập » quân quyền (Restauration) 1815-1848, vv.). Lên ngôi, nhưng trên thực tế, nhà vua cũng chỉ là một thứ « sứ quân », thế lực còn yếu hơn vài « sứ quân » khác – nhà vua chỉ thực sự cai quản được một vùng đất đai trải quanh thủ đô Paris và kéo dài tới Orléans cách khoảng 200 km phía nam. Nhưng nhà vua khác với các « sứ quân » khác ở chỗ là, với sự ủng hộ của giáo hội Thiên chúa giáo đang là quốc giáo, khi được các « sứ quân cử tri » bàu lên, họ công nhận nhà vua có « thiên mệnh » trị vì để mang lại hòa bình và an cư lạc nghiệp cho dân cư trên toàn lãnh thổ. Tuy vậy, vua yếu nên phải nương nhẹ các « sứ quân ». Vào một dịp tranh chấp đất đai, nhà vua mắng « sứ quân » Adalbert de Périgord, (mà nhà vua đã phong cho tước hầu trước đó), rằng: « Qui t’a fait comte ? » (nghĩa là « [Ngươi không nhớ] ai đã phong cho ngươi tước hầu [à] ?), viên này trả lời bốp chát: « Qui t’a fait roi ? » (nghĩa là « [Ngươi không nhớ] ai đã [bàu] cho ngươi làm vua [à] ? »). Dịch chữ « t’ » tiếng Pháp ở đây rất khó, bởi vì tiếng Việt phân biệt ngôi thứ trên dưới; tôi đành tạm dịch thoát nghĩa là « ngươi », nghe hơi xấc, nhưng không quan trọng, bởi vì với thời gian, người Pháp ngày nay chỉ nhớ câu « Qui t’a fait roi ? » theo nghĩa: « Mi vô ơn, mi đã quên ai đã đưa mi lên tới địa vị ngày nay à ?».

Nhân nói đến trường Ecole Normale Supérieure rue d’Ulm, mà trong giới đại học, (thường gọi tắt là Normale; cựu học sinh của trường này thì gọi tắt là normalien) tôi cũng xin kể một giai thoại sau đây: vào cuối thập niên 60, có một ca sĩ một thời khá nổi danh, có thể là vì sự thích bông đùa của anh ta. Tay này vốn có học thức, có bằng tiến sĩ cấp ba (docteur 3ème cycle) về Vật lý lý thuyết. Ca sĩ mà có bằng cấp thì cũng là chuyện hơi hiếm. Có vài nhà báo, quen bốc đồng, đồng thời chẳng hiểu đầu đuôi, mới tán rằng anh ca sĩ này là cựu học sinh của trường Normale. Có người hỏi vặn anh ta; anh ta nhanh trí trả lời rằng: Có lẽ tại tôi nói [có lúc] tôi « anormal » (nghĩa là « bất bình thường, loạn trí »), nên nhà báo hiểu nhầm là tôi [thuở trước] « à Normale » (nghĩa là học trường Normale). Cũng vui, đặc biệt là cho những ai thích tán dương và cho những ai thích trộ. Còn ai muốn biết anh này là ai (tên « nghệ sĩ » của anh ta là gì), thì cứ tìm « tên » (tiếng Pháp gọi là prénom, tiếng Anh Mỹ gọi là given name hay first name) của nhà toán học Galois (1811-1832) thì rõ.

Ở những nước có truyền thống nhập cư như Mỹ, Ca-na-đa, Úc,vv., thì tôi không biết, nhưng ở nước tôi định cư, và ở thuở tôi còn trẻ, thì như kể trên, tôi không nói là có sự kỳ thị nhưng hình như họ « không quen » với người « lạ »: tên lạ, diện mạo khác số đông thì họ đắn đo trong việc lựa chọn.

Mà cũng không cứ riêng với đồng nghiệp; ngay trong công việc hàng ngày luôn luôn phải có sự rào trước đón sau, nếu không thì sợ có thể có những sự cố « đáng tiếc » xảy ra. Tôi xin kể thí dụ: Thuở xưa, trong đại học Pháp, có một loại nhân viên, tiếng Pháp gọi là « appariteur » mà một trong những nhiệm vụ là dẫn đường và sự « xuất hiện » một cách im lặng có nghĩa là thông báo với sinh viên là giáo sư bước vào giảng đường. Khi thấy nhân viên này « xuất hiện », thì sinh viên đứng dậy, và vỗ tay khi giáo sư bước vào giảng đường, và ngồi xuống nghe bài giảng; và vỗ tay khi bài giảng của giáo sư chấm dứt. Như vậy nhân viên này là một thứ « xuất hiện viên », nhưng nhiệm vụ của họ không chỉ có vậy: họ còn phải lo liệu việc chăm coi trường sở; góp phần cùng với các giám thị để như kiểm tra thẻ sinh viên, phát giấy, phát đầu bài, coi thi, trong các buổi thi cử, vv. Khi tôi mới được bổ nhiệm ở Đại học Lille, thay thế cho một bà giáo sư từ chức để theo chồng đi Thụy Điển, tôi bị rơi vào một ngoại lệ: bà này bỏ chức vụ trước thời hạn, và không chịu chấm thi kỳ thi tháng 9. Do đó, ông Khoa trưởng (Doyen) nhờ tôi thay bà ta để chủ tọa kỳ thi, tuy đó lẽ ra chưa phải là nhiệm vụ của tôi vì niên học mới chưa bắt đầu. Tôi tử tế nên nhận lời. Vì sợ tôi chưa quen thể lệ của trường, ông dặn tôi là nên đến 5 phút sau giờ bắt đầu thi. Tôi theo đúng lời dặn. Khi tôi tới giảng đường thì người « appariteur » già ngăn lại, bảo tôi: « Sao giờ này mới tới ? Lẽ ra sinh viên đến chậm thì không được phép thi; nhưng tôi tử tế, anh mau mau vào chỗ ngồi… ». Tôi tự gíới thiệu tôi là ai, ông ta xin lỗi mấy lần, và bảo: « Tại ông giáo sư trông trẻ quá nên tôi không biết, tôi tưởng ông là sinh viên; người gốc châu Á luôn luôn có vẻ trẻ hơn tuổi ». Mà có lẽ đúng thế thật.

Một thí dụ khác : Bằng tú tài của Pháp (baccalauréat) ra đời năm 1808 dưới thời hoàng đế Napoléon I, có đặc điểm sau đây : vừa là bằng kết thúc Trung học, đồng thời được « định nghĩa » là bằng cấp đầu tiên của đại học (premier grade universitaire).

Vì thế mà từ thuở xưa, người có bằng tú tài Pháp được ghi tên vào học đại học Pháp (Université) mà không phải thi tuyển gì hết. Ở đây, tôi không luận đến sự thay đổi theo thời gian, hay sự thuận lý hay nghịch lý của cái bằng này, mà chỉ để kể cái đặc điểm của nó là « bằng cấp đầu tiên của đại học (premier grade universitaire) » và hệ quả của nó : ban giám khảo của nó phải đặt dưới sự chủ tọa của một giáo sư đại học.

Trên thực tế, người giáo sư đại học chẳng phải làm gì cụ thể cả – mọi việc đều do người « phó chủ tọa » (vice-président du jury), một giáo viên Trung học, thường đã lớn tuổi, đảm nhiệm – giáo sư đại học có mặt chỉ để «hiệu chỉnh » việc mất cân bằng lúc lấy đỗ hay đánh trượt, và để ký biên bản cho hợp pháp. Vì công việc này làm mất thì giờ, chẳng có gì lý thú cả, nên giáo sư đại học thường « lẩn như chạch », ma cũ đùn cho ma mới, phải bắt như bắt phu. Hồi tôi mới vào nghề, là « giáo sư vù » ở Lille, may tôi kiếm cớ này cớ nọ, trốn thoát được 6 năm. Đến lúc chuyển về Paris, tôi nể mấy ông bà giáo sư già, nên tôi đành nhận đi chủ tọa một lần, nhưng tôi yêu cầu chọn cho tôi một trung tâm giám khảo « thuận lợi ». May mắn, lần đó tôi được chỉ định chủ tọa ban giám khảo tại trường trung học Lavoisier, cách Sorbonne có vài trăm mét. Tuy đã có công văn báo trước, tôi cũng cẩn thận viết thư cho ông hiệu trưởng trường trung học này, để ông ra đón và giới thiệu cẩn thận với ban giám khảo ; rồi lại ăn mặc chỉnh tề khi đến, để tránh tình huống ngộ nhận. Vậy mà cũng rơi vào một bà già « phó chủ tọa » khó tính cứ cằn nhằn là mấy giáo sư đại học chẳng làm gì khác là « ngồi chờ ký biên bản ». Tôi bực mình nên trả lời là : nếu bà thuyết phục được chính quyền và dư luận để định nghĩa lại cái bằng tú tài và bỏ đi cái khoản « premier grade universitaire » thì những giáo sư đại học chẳng phải mất thì giờ đến « ngồi chờ ». Tôi chỉ đi chủ tọa thi tú tài có một lần đó, rồi sau kiếm cớ trốn biệt. Tôi biết một số người, trong đó có anh Ngọc, đã gặp những khó khăn trong loại công việc này.

(13) Nói tóm tắt, French Cancan là một điệu nhảy, chế ra khoảng năm 1850, lâu tám phút, với nhạc của Offenbach, bắt nguồn từ các điệu nhảy của các cô thợ giặt ở xóm Montmartre ở Paris giải trí trong những ngày chủ nhật sau những ngày làm việc vất vả. Khi nhảy thì tốc váy, dơ cẳng cao đến tận đầu. Quán hộp đêm Le Moulin Rouge có một đội nhảy nổi tiếng. Tôi ở Pháp lâu năm mà cũng chưa có dịp đi xem tận mắt. Có thuyết cho rằng khởi thủy đấy không phải là điệu nhảy để khêu gợi hay khiêu khích giới trưởng giả thượng lưu, đó chỉ cách diễn tả lộ liễu của sự vui chơi giải trí của giới bình dân, trước khi biến thể… Ai muốn hiểu sao thì tùy.



(14) Nói nốt vài lời về ông Quân. Năm 1969, khi tôi chuyển về Paris, thì ông Quân cũng chuyển về Paris, nhưng không cùng trường – tôi ở trung tâm Sorbonne, còn ông Quân ở trung tâm Villetanneuse ở ngoại ô Bắc Paris – nên không gặp nhau nữa. Chỉ có vào mùa xuân 1970, nhân dịp có một đoàn trí thức khoa học của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa từ Hà Nội sang thăm Pháp, tôi có mời ông Quân và đoàn ăn cơm ở nhà tôi, vì lẽ sau đây: đoàn gồm 3 thành viên, trưởng đoàn là ông Ngụy Như Kontum (lúc ấy đang là hiệu trưởng Đại học tổng hợp Hà Nội), ông Lê Tâm và một ông thứ ba mà nay tôi quên tên. (Mở ngoặc để nói 1 chút về ông Lê Tâm, tên thật là ông Nguyễn Hy Hiền, Việt Kiều cũ, tốt nghiệp trường Kỹ sư Cầu đường Paris, thời kháng chiến chống Pháp, ông là cố vấn khoa học kỹ thuật cho trung tướng Nguyễn Bình trong vùng kháng chiến Nam Bộ (xem cuốn « Nguyễn Bình, huyền thoại và sự thật », của Nguyên Hùng, nxb Văn học, Hà Nội 1995); nghe nói ông cũng là người chế ra ba-zô-min cho kháng chiến Nam Bộ, vì thời đó trong Nam không đủ phương tiện để chế ba-zô-ka như ngoài Bắc; sau ông ra Bắc có lẽ là vào lúc tập kết sau Genève. Ông rất vui tính; ông kể cho tôi nghe một câu chuyện vặt, nhưng nó cũng là lời chứng cho một thời đầy khó khăn: Anh Lựu tôi, sau mấy năm du học Bách Khoa Grenoble ở Pháp, về nước năm 1956, tham gia vào nhóm đầu tiên giảng dạy Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời ấy, nhà ở còn rất chật chội; ít lâu sau khi về, cưới vợ, anh tôi được ông bà nhạc cho mượn một mẩu vườn để xây «nhà»; gọi là nhà cho oai vì ở nội thành thủ đô, chứ kỳ thật đó chỉ là một «túp », có một gian lợp mái nứa, cửa sổ không kính, ghim bằng mấy tấm ni-lông. Không có tiền thuê thợ, mấy anh em bạn bè xúm lại « xây » giúp. Anh Lê Tâm kể là xây xong, thì « hạ cờ tây ». Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, anh mới giải thích: « cờ tây » là « cầy tơ », nghĩa là liên hoan một bữa thịt chó!).

Trở lại chuyện ông Quân: sở dĩ tôi mời ông Quân với đoàn là vì ông Ngụy Như Kontum, xưa cũng là Việt Kiều ở Pháp, agrégé ngành lý-hóa, khi về nước khoảng năm 1939-40 dạy ở trường Bưởi lúc ông Quân học thi tú tài ở đó, nghĩa là ông Kontum là thày cũ của ông Quân.

Vào cái năm 1970 đó, đang Hội nghị Paris, cần « thêm bạn, ít thù », nên tôi đã cố làm điều đó. Rồi bẵng tin ông Quân. Mãi đến năm 1975, khi chiến tranh đã chấm dứt, có một lần ông gọi điện cho tôi: ông kể cho tôi nghe là trước đó, ông có xin được của chính quyền Pháp một số tiền để trang bị sách vở, tài liệu vv. cho miền Nam, nhưng nay việc đó không thành, ông muốn tôi làm trung gian để chuyển cho chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Lúc ấy tôi từ chối, vì tôi nghĩ rằng (và cũng e rằng có người cho rằng) « khó nhận của thừa »; vả lại số tiền ấy rồi chính quyền Pháp cũng phải dành cho nước Việt Nam thống nhất mà thôi. Sau này nghĩ lại, tôi thấy « ân hận » vì tôi đã không đủ mềm dẻo khi giang sơn đã thu về một mối và ông Quân lại tỏ thiện chí; nhưng quả thật là ngay sau 30/4/75, tình hình còn căng lắm, và rất khó cho tôi. Rồi tôi không còn dịp liên lạc với ông nữa. Mãi sau này, có lẽ là vào cuối thập niên 80, khi ông Nguyễn Như Kim sang làm tham tán Khoa học và Kỹ thuật ở Sứ quán ta ở Paris, ông nhờ tôi liên lạc với ông Quân, vì ông Kim và ông Quân vốn là bạn học cũ ở trường Bưởi. Nhưng lúc đó nghe tin ông Quân đã ốm nặng và ít lâu sau, đọc báo « Le Monde », tôi thấy cáo phó của trường của ông báo tin ông đã mất.

Nhân đây cũng xin nhắc một chút về ông Kim: một thành tích của ông trong kháng chiến là chuyến mang vàng đi mua trang bị cho kháng chiến chống Pháp. Trong cuốn sách « Tạ Quang Bửu, nhà trí thức yêu nước và cách mạng », Hội khoa học lịch sử Việt Nam xb, Hà Nội 1996, ông Nguyễn Như Kim viết (trang 231): [Trong Kháng chiến] « Giữa năm 1948, Bộ Quốc phòng [ông Bửu] giao cho tôi nhiệm vụ đi công tác nước ngoài, với một số vàng rất lớn, để mua phụ tùng máy móc VTĐ [vô tuyến điện] cho đài TNVN [Tiếng nói Việt Nam] và cho quân đội, cùng với thuốc men và sách cho đại học.[…]. Chuyến đi này thực sự là một chuyến đi đời người (xem báo Văn Nghệ số 19, 13/5/1995), tôi đã cùng một số anh em Nam Bộ mang hết sức mình để thực hiện, chỉ còn chút ít nữa thì thành công, cuối cùng bị địch bắt sau khi đã phá hủy cả một con tàu hàng hóa ». Về sự việc này, cũng trong sách đã dẫn (trang 166-168), ông Hà Đổng kể kỹ hơn: ông kể là số vàng mà ông Kim mang đi Thái Lan là 15 kg (nhắc lại là vào thời điểm đó, 1948, chưa một nước nào công nhận Việt Nam; Việt Nam chưa muốn « ý thức hệ hóa » cuộc chiến tranh còn đang trong « đường lối trung lập công khai » trên chính trường thế giới và Thái Lan là con đường duy nhất mở ra nước ngoài). Ông Kim đã mua được các thứ cần, và đã thuê được một máy bay Catalina định chở về Việt Nam. Nhận được tin đó, ông Bửu trao cho ông Hà Đổng nhiệm vụ vào Khu 4 làm một sân bay. Cùng đi với ông Hà Đổng, có một chuyên viên là phi công người Đức tên là Schulze vốn là hàng binh. Đi qua Quỳnh Lưu, hai ông bị dân quân bắt vì tưởng là Pháp và Việt gian, sau vì có giấy giới thiệu của ông Giáp nên qua được khó khăn. Chọn được địa điểm, làm xong sân bay, thì được tin là người chủ chiếc máy bay mà ông Kim thuê, sợ rủi ro, không cho thuê nữa. Thế là ông Kim phải đi bằng đường thủy. Đến vùng biển Thanh Hóa, bị tàu Pháp vây, ông Kim phải đốt tàu và bị bắt. Ông Kim bị tù một năm trong vùng tạm chiếm; sau khi được thả, ông sang Pháp học, rồi năm 1956 được ông Bửu gọi về Hà Nội tham gia xây dựng Đại học Bách khoa vv. . Sau ông phụ trách Viện thông tin Khoa học Kỹ thuật, trước khi sang Pháp làm tham tán.

(15) Tôi nhớ lần gặp anh Ngọc đó, vì dịp ấy, tôi vấp một chuyện « kỳ ». Dịp đó, « Đoàn trí thức (ở Pháp) » chúng tôi về nước do lời mời của Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởngVõ Nguyên Giáp để nghe và trình bày ý kiến của mình về chính sách khoa học và kỹ thuật của đất nước, đồng thời đặt cơ sở cho việc đóng góp chuyên môn sao cho có hiệu quả có năng suất của trí thức Việt Nam ở nước ngoài, với nước nhà. Thuở ấy, Trưỏng ban Việt kiều trung ương là ông Đặng Thí, bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng (tên gọi của Chính phủ thời đó). Sau buổi trình bày ở Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà Nước kể trên, có một buổi tối ông Đặng Thí tiếp chung đoàn chúng tôi, cùng với « đoàn » những vị lãnh đạo các hội Việt kiều ở nhiều nước về hội họp gì đó. Chắc vì bận công việc quan trọng khác của ông, và vì thế không đọc hồ sơ và không nghe báo cáo của cộng tác viên của ông, nên ông Trưởng ban Việt kiều Trung ương có vẻ không nắm vấn đề Việt kiều. Bữa đó, tôi bắt đắc dĩ phải nói vài lời về « hồ sơ Việt kiều » mà chúng tôi đã trình bày. Nhưng không biết « ma đưa lối quỉ đưa đường » thế nào, mà tôi lại nói một câu đại khái là « cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có một tiềm năng về kinh tế, về chất xám, mà nước nhà nên khai thác ». Vì hai chữ « khai thác » mà ông Trưởng ban không đồng ý, ông trả lời đại ý: « Chế độ ta không khai thác con người »; thật là đúng lập trường. Tôi vốn không biết lý lịch của ông. Sau này đọc tài liệu đâu đó, thấy viết là thời cải cách ruộng đất, có mấy ông cán bộ cao cấp chỉ đạo rất đắc lực như ông Hồ Viết Thắng, ông Chu Văn Biên, ông Đặng Thí,…; tôi không biết có phải là người trùng tên không.

(16) Nguyên văn tiếng Pháp:

Quand un soldat

Fleur au fusil tambour battant il va

Il a vingt ans un coeur d'amant qui bat

Un adjudant pour surveiller ses pas

Et son barda contre son flanc qui bat



Quand un soldat s'en va t-en guerre il a

Dans sa musette son baton d'maréchal

Quand un soldat revient de guerre il a

Dans sa musette un peu de linge sale



Partir pour mourir un peu

A la guerre à la guerre

C'est un drôle de petit jeu

Qui n'va guère aux amoureux



Pourtant c'est presque toujours

Quand revient l'été qu'il faut s'en aller

Le ciel regarde partir ceux qui vont mourir

Au pas cadencé



Des hommes il en faut toujours

Car la guerre car la guerre

Se fout des serments d'amour

Elle n'aime que l'son du tambour



Quand un soldat s'en va-t-en guerre il a

Des tas d'chansons et des fleurs sous ses pas

Quand un soldat revient de guerre il a

Simplement eu d'la veine et puis voilà.







(17) « Những chặng đường lịch sử », Võ Nguyên Giáp, nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1994.

Cây thông đứng giữa trời.

Như cây thông đứng giữa trời

(Copy từ http://edu.net.vn/forums/t/68323.aspx)

CÂY THÔNG ĐỨNG GIỮA TRỜI (Mai Thục)

Nhà toán học nữ Hoàng Xuân Sính biến ước mơ của mình thành sự nghiệp giáo dục “đuổi cái ngu dốt đi, dùng trí tuệ cứu giống nòi”. Nhưng trong đời thường, bà dường như thoát bụi trần. Tâm trí lẫn vào thế giới vô hạn của Toán học. Bà đang sống với một thế giới khác, không giống bình thường, nhưng tràn đầy hạnh phúc. Có một điều, bà Sính giống tôi, tự biết thương thân phận mình, và đau đớn, yêu thương những số phận con người Thăng Long- Hà Nội. Nhất là những người cùng thời với bà, thế kỷ XX. Mỗi khi nghe tôi kể thân phận của ai đó, bà thường đau nhói trong tim. Có lần tôi kể về cha tôi, bà nói: “Ông cụ đã rất đau. Nỗi đau không nói được ra. Nỗi đau mang xuống tuyền đài. Nó đau gấp bội lần những nỗi đau khác.” Rồi bà kể chuyện người cha của mình cho tôi nghe. Tôi cũng nhận ra một nỗi đau mang về thế giới bên kia… Không lời.

 

Một hôm, GS. TS Hoàng Xuân Sính tặng tôi cuốn Thông tin toán học của Hội Toán học Việt Nam, có bài bà vừa viết về người bạn Toán học đã về Tiên cảnh, ngày 2- 5- 2006- nhan đề Nguyễn Đình Ngọc: Một cuộc đời. Tôi xúc động trước hình tượng Nguyễn Đình Ngọc- người anh hùng chưa được ghi công, mang trong mình cả thế kỷ XX lửa cháy Hà Thành. Giờ đây anh đã là Cây thông đứng giữa trời. Nhưng câu chuyện cuộc đời Nguyễn Đình Ngọc mà Hoàng Xuân Sính kể chân thực, đầy đủ các chi tiết, sự kiện, đời người, mở ra một không gian rộng và những suy tưởng miên man… rung động cõi người.

Mở đầu câu chuyện bà Sính dẫn Con chó sói của nhà thơ Pháp: “Anh đã sống và chết như Con chó sói của Alfret de Vigny, hoàn thành nhiệm vụ và từ giã cõi đời không một lời kêu đau hay than thở:

 

“ Gémir, prier, pleurer est également lâche,

Fais énergiquement ta longue et lourde tâche

Dans la voie òu le sort a voulu t’appeler

Puis après comme moi, souffre et meurs sans parler”

( La mort du loup- Alfred de Vigny)

 

Rên xiết, nguyện cầu hay khóc than đều hèn nhát

Hãy có nghị lực thực hiện cái nhiệm vụ dài và nặng nề của mình

Trên con đường mà số phận muốn gọi anh đi

Rồi sau đó hãy như tôi đây, chịu đựng đau khổ và chết không một lời than vãn.”

flower-row

Lần khác gặp tôi, bà Sính bảo: “Em viết về cuộc đời anh Ngọc đi”. Tôi ngần ngại vì chưa từng gặp anh Ngọc, không lẽ lại lấy bài của chị Sính (tôi thường gọi bà thân thương như thế) in vào sách của mình. Bà bảo: “Lấy tư liệu trong bài của tôi mà viết theo kiểu của em.” Thì ra chị Sính quá hiểu sáng tác. Cùng một tư liệu, một cuộc đời, mỗi người có thể nhìn thấy một vùng lấp lánh sáng soi và kể chuyện theo ngôn ngữ, ý tưởng riêng của mình.

Tôi đọc bài của chị Sính mà chưa lọc được “phần chìm của tảng băng trôi”. Gặp mối thiện cảm của chị, tôi hỏi liên hồi về anh Ngọc, đến nỗi chị Sính phải kêu lên: “Em cứ hỏi tôi như bắn đại bác”. Trò chuyện cùng chị, tôi đã hiểu, và tôi kể chuyện cuộc đời Nguyễn Đình Ngọc, một nhà khoa học tài năng, một số phận người Hà Nội (Phú Xuyên - Hà Tây) thế kỷ XX, theo cách của mình.

Hà Nội ngày 13- 8- 1932. Nắng thu vàng và hương gió heo may thơm mùi quả thị, nhẹ nhàng đón cậu bé Nguyễn Đình Ngọc chào đời. Cậu con trai đầu lòng của bác sĩ Nguyễn Đình Diệp và người vợ trẻ Lê Thị Khoa xinh đẹp, hiền hậu, nết na có tiếng ở đất Hà Thành, dâng niềm hạnh phúc cho cả gia đình và dòng họ. Nghề thầy thuốc rất được tôn vinh, vợ chồng bác sĩ sống sung túc trong xã hội thượng lưu Hà Nội. Nhưng bác sĩ Nguyễn Đình Diệp thẳng ngay, có tính độc lập và lòng yêu nước, không được các “quan Tây” ưa, bị đày ải đi Sơn La, nơi ma thiêng nước độc. Cho nên gia đình sống đạm bạc. Và cậu bé Nguyễn Đình Ngọc được tôi luyện trong nghèo khó từ thuở ấu thơ chốn rừng sâu heo hút.

Đêm 19- 12- 1946. Kháng chiến bùng nổ. Bác sĩ Nguyễn Đình Diệp trở thành quân y xá trưởng của Phúc Yên (tỉnh Phú Thọ), hai vợ chồng và bốn người con sống tại đây. Đầu năm 1947, một tang tóc báo hiệu bi kịch lớn trong gia đình. Người con thứ ba, bé Nguyễn Đình Sơn lên ba, bị bệnh và mất. Tháng 12- 1947, đau thương ụp xuống như một định mệnh theo Nguyễn Đình Ngọc suốt cuộc đời. Quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, tiêu diệt đầu não Việt Minh. Quân dù chạy qua Phúc Yên. Sau khi đưa thương binh đến chỗ an toàn, gia đình bác sĩ Nguyễn Đình Diệp chỉ kịp chạy đến xã Đỗ Tân, ấp Làng Tây, thôn Cầu Vây để ẩn nấp. Tại đây, toàn bộ gia đình bác sĩ bị Pháp bắt, nhưng chúng chỉ giải bác sĩ và cậu con trai lớn mười lăm tuổi Nguyễn Đình Ngọc đi. Đêm tối mênh mông tràn xuống Đáp Cầu, hai cha con bị giam tách ra. Người cha chỉ kịp dặn: “Con hãy cố học và giúp người khác học, dân mình khổ trước hết vì giặc dốt”. Và ông trao cho con một bộ quần áo lính…

Đêm sâu. Bóng tối đè nặng lũy tre làng. Nguyễn Đình Ngọc nghe một tiếng súng nổ đanh gọn xuyên thủng không gian. Trái tim anh đau quặn. Đêm chìm trong im lặng. Sáng hôm sau, Ngọc hay tin chúng đã bắn cha anh. Viên trung úy Pháp đã bắt hai cha con, thấy Ngọc khôi ngô, thông minh, dễ thương và có thể do bị day dứt, dày vò vì tội lỗi, ông ta sám hối, muốn nhận Nguyễn Đình Ngọc làm con nuôi. Anh từ chối. Chúng đem Ngọc về giam tại nhà thương Đồn Thủy, nay là bệnh viện Quân đội 108… Mẹ anh chật vật, lay lắt mãi, rồi cũng đưa được hai con nhỏ vào Hà Nội tạm chiếm, và cứu được cậu bé Nguyễn Đình Ngọc trong phòng giam ra. Người mẹ Hà Thành tần tảo, lần hồi nuôi các con ăn học nên nguời như lời dặn cuối cùng của chồng. Ngọc và Kim đều học giỏi nổi tiếng. Ngọc học đêm này qua đêm khác, dưới ánh đèn dầu, muỗi đốt nát thịt da. Ngọc có thói quen “ngủ ngồi” hành hạ anh suốt đời, vì sợ nằm ngủ thì dễ ngủ quên, lãng phí thời gian học và làm việc. Anh học giỏi các môn, nhưng đặc biệt say mê Toán. Những cuốn sách Toán của tác giả nổi tiếng như Lebossé, đã được cậu bé mười lăm tuổi lôi ra làm hết, làm đi làm lại, mở rộng, phân loại, phân tích… Ngọc học ngày học đêm như cướp lại thời gian đã mất ở kháng chiến và khi bị bắt giam. Mười tám tuổi, Ngọc đỗ tú tài vào đại học Khoa học, mười chín tuổi, đạt thành tích học tập đáng kính nể. Hai mươi tuổi, Ngọc quay lại vùng kháng chiến, lọt vào mắt xanh Giám đốc Công an liên khu 4- Nguyễn Hữu Khiếu. Ông nói với chàng:

“Trung với nước, hiếu với cha là phục tùng sự sắp đặt của trên” . Mệnh lệnh này, theo từng bước chân Nguyễn Đình Ngọc, suốt cuộc đời. Sau này, Nguyễn Đình Ngọc tâm sự với chị Sính: “Lệnh là như vậy, chỉ còn cứ thế mà đi.”

Năm 1953, sau vài tháng huấn luyện, Ngọc được đưa vào Hà Nội tạm chiếm, với một câu ngắn ngủi: “Phải cố gắng lọt vào xã hội thượng lưu Sài Gòn, đợi liên lạc mang lệnh hành động đến.” Nguyễn Đình Ngọc cắt một phần cái dây đồng hồ anh đang đeo để lại làm vật tin. Mai sau, người nào có mẩu dây đồng hồ khớp lại với phần dây còn lại của anh, thì sẽ là người của trên đến ra lệnh cho anh hành động.

Anh lao vào Hà Nội trong đêm đen. Không mấy suôn sẻ. Hà Nội 1953. Nhốn nháo. Pháp thua trận liên tiếp ở Điện Biên. Nguyễn Đình Ngọc- một thanh niên từ vùng tự do về, Pháp nghi vấn và bắt giam anh ở Nam Định. Anh khai là thầy giáo, bị lao nên phải vào Hà Nội chữa bệnh. Ngọc đã bị bệnh lao thực sự vì những năm tháng “ngủ ngồi” sống kham khổ để học, nên Pháp cho anh vào Hà Nội. Thành phố bẩn thỉu, bụi mù, xe nhà binh Pháp chạy đôn đáo khắp nơi. Ngọc tìm gặp lại “dì Tâm”, bà mối hai năm trước, gửi dì cái nhẫn đính hôn, nhờ chuyển cho người thiếu nữ mình yêu. Anh nói: “Nếu nhẫn rộng thì cắt bớt đi, nếu nhẫn hẹp thì đánh thêm vào, xin sẽ gặp sau này.”

 

Tháng 4- 1954, gia đình người yêu vào Nam. Ba tháng sau, Nguyễn Đình Ngọc cũng theo dòng người tản cư vào Nam, và tìm ngay đến nhà nàng để đặt vấn đề chính thức. Anh đi dạy tư để lấy tiền ăn học. Ngày 27-10- 1955 anh cưới người thiếu nữ Hà Thành mình yêu. Nàng bây giờ là con một gia đình thượng lưu, có người làm quan chức lớn thuộc chính phủ Sài Gòn. Cuối năm ấy, được học bổng kỹ sư Khí tượng, anh sang Pháp học. Năm 1956, vợ anh sang Pháp. Họ sinh một cậu con trai. Gia đình ba người chỉ sống bằng học bổng của sinh viên, vợ anh phải đi làm thêm. Họ sống với nhau êm đềm, hạnh phúc. Vợ đi làm và chăm con, chồng cắm cúi học, chẳng chuyện gì có thể xen vào cuộc sống của họ.

Ngọc học rất nhiều, đến nỗi giới Việt kiều tại Pháp gọi anh là người có sức làm việc phi thường. Học kỹ sư Khí tượng nhưng anh lại chuẩn bị luận án tiến sĩ về Địa- Vật lý; sau đó vừa học kỹ sư đóng tàu, vừa làm luận án tiến sĩ Toán, rồi tiếp tục học kỹ sư viễn thông. Anh vừa dạy học ở Đại học Rennes, vừa làm ở một Viện nghiên cứu nổi tiếng. Anh yêu cầu cao ở người học, có một năm anh đánh trượt toàn thể sinh viên Toán ở Rennes…

Giới Toán học Pháp và quốc tế kính nể anh. Chị Sính kể rằng tháng 10- 1967, nhà toán học Pháp Grothendieck giỏi vào bậc nhất thế giới, được giải thưởng Fields, sang thăm và giảng bài ở Việt Nam, trong lúc Mỹ ném bom miền Bắc. Chị Sính được đón tiếp ông. Một chiều, ông đã tự động rời khách sạn Thống Nhất đến thăm nhà mẹ anh Nguyễn Đình Ngọc. Bà cụ không nói được tiếng Pháp, liêu xiêu, tủi mừng, tưởng con trai đã về. Grothendieck tặng bà cái radio, một món quà rất quí thời đó, dùng để nghe tin tức, hay nếu cần bán đi là cả một món tiền lớn… Anh phụ trách an ninh thì la ầm lên khiển trách chị Sính: “Chị đi đâu mà bây giờ mới đến? Chị có biết là Grothendieck không nói với ai, tự đến nhà mẹ của Nguyễn Đình Ngọc? Chị có biết Nguyễn Đình Ngọc là ai không? Một anh phản động, học ở Paris, rồi bỏ về Sài Gòn. Bây giờ chị phải làm sao để Grothendieck kể cho chị nghe là ông ta gặp mẹ Nguyễn Đình Ngọc thế nào, nói những gì?”.

Là nhà khoa học đích thực, Nguyễn Đình Ngọc sống giản dị, ăn mặc lôi thôi, say mê nghiên cứu. Mười năm ở Paris, anh vào vai chống Việt minh rất đạt. Ngọc đi ăn một mình ở nhà ăn, yêu thích cái hay, cái đẹp, buồn vui, thương nhớ, cũng không có người để nói, hoặc không dám nói với ai… Trong im lặng thẳm sâu, Nguyễn Đình Ngọc xót thương người mẹ hiền góa bụa, sống lần hồi nơi phương trời Hà Nội, khắc khoải ngóng chờ tin anh, từng giờ … Anh lo cho sự bình an của mẹ từng giây phút. Từ thủ đô Ánh sáng, anh luôn chờ trông tin mẹ, thầm mong mẹ được sống yên trong góc sâu mái phố Hà Thành đẫm màu sương khói.

Cuối năm 1965, vợ anh, người biết công việc của chồng, thay anh đi lại giữa Paris và Geneve để nhận thông tin của cấp trên cho anh. Đầu năm 1966, anh phải đi Thụy Sĩ để trực tiếp nhận lệnh trên: “Lên đường về miền Nam Việt Nam”. Người vợ lái xe tiễn chồng ra sân bay về Sài Gòn mà cứ tưởng không phải anh đi xa đến thế. Không phải là chia ly chồng vợ, cha con, một đời, một kiếp trầm luân. Chiều chiều, cùng con nhỏ, chị ngóng nhìn cửa căn hộ, thảng thốt đợi chờ, tưởng nghe tiếng bước chân anh về… Bầu trời Paris xanh nhạt, mờ xa, tít tắp, làm sao thấu hiểu khối sầu Vọng phu?

flower-row

Nguyễn Đình Ngọc xin dạy ở Đại học Khoa học Sài Gòn. Một mình thuê một căn hộ trên đường Công Lý, anh đi dạy học và kiên nhẫn đợi lệnh trên. Một hôm, anh ra Huế nhận lệnh. Người đàn ông có tên Phương Lan, làm văn thư ở Đại học Huế, đưa ra một mẩu dây đồng hồ đã bị cắt đôi, khớp lại với dây đồng hồ của anh đã bị cắt năm 1954 ở miền Bắc xa xôi. Từ đó Ngọc có tên là điệp viên Diệp Sơn (Diệp là tên cha anh, Sơn là tên cậu em trai đã mất) và dạy ở Đại học Huế để gần Phương Lan nhận lệnh. Anh đi lại với gia đình cô em vợ, có chồng là đô đốc hải quân Sài Gòn, được họ bao bọc, anh nắm tin tức cung cấp cho ta… lập nhiều chiến công lặng lẽ.

Chị Sính kể, lúc chiến tranh kết thúc, năm 1975, chị ở Paris, đi tìm Nguyễn Đình Ngọc, đinh ninh rằng anh đang vui mải mê với những công trình toán học. Không ngờ, lúc đó anh đang ở khu Đại học Thủ Đức- Sài gòn, trông nom, đợi đoàn tiếp quản đến để giao lại. Không ai biết anh là ai.

Năm 1976, chị Sính gặp anh ở Đại học Khoa học Sài Gòn:

“Trông anh xanh xao như người bị sốt rét. Anh nói với tôi mấy câu rồi đi ngay”.

Năm 1977, anh ra Hà Nội, hiện nguyên hình là một trung tá của Bộ Nội vụ, anh đến tìm tôi ở Đại học Sư phạm Cầu Giấy, và từ đó tôi mới biết dần dần công việc của anh. Đáng lẽ anh còn tiếp tục di tản đi Mỹ như năm 1954 di tản vào Nam, nhưng vai trò tình báo của anh đã lộ, cảnh sát chuẩn bị bắt anh, may mà quân mình kịp đánh giải phóng Sài Gòn.”

Về Hà Nội, Nguyễn Đình Ngọc được trở lại là nhà khoa học với các chức vụ Phó cục trưởng Cục Khoa học và Kỹ Thuật, Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông- Tin học ở Bộ Nội vụ đồng thời Chủ tịch của nhiều Hội đồng khoa học. Ngoài lãnh vực chuyên môn của mình, anh hiểu biết rất rộng, thành thạo nhiều ngoại ngữ, dịch trực tiếp giỏi… Anh tham gia tất cả những đề tài nghiên cứu khoa học mà anh thích. Anh làm khoa học như để bõ cơn thèm, vì đã không được toàn tâm, toàn ý sống với niềm say mê khoa học. Trong đôi mắt bạn bè, chị Sính nhìn anh là một người phi thường: vóc dáng bé nhỏ, khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, đôi mắt xếch, cặp mắt hiền trí thức hóm hỉnh, anh quen sống một mình, không say mê quyền lực, tiền bạc và phụ nữ, ăn mỗi ngày một bữa vào buổi tối, ăn rất nhiều, năm hay sáu bát cơm, chỉ có rau cũng không sao. Nhiều đêm anh thường “ngủ ngồi”, như thời niên thiếu, sợ ngủ nằm thì thiếp đi, ngủ quên mất. Anh muốn lấy lại thời gian đã mất. Anh còn có thói quen ngủ ngoài ban- công những đêm đông, đây là cách anh luyện gian khổ để nếu có bị bắt, sẽ chịu được cực hình tra tấn. Anh quen đi một cái xe đạp cũ, ung dung từ tốn như người thoát tục, ngay cả lúc bị bệnh nặng, anh vẫn lấy xe đạp đi trong phố cổ Hà Thành mà anh yêu da diết. Anh đi tìm bóng mẹ phiêu diêu trong hoàng hôn choàng ngõ nhỏ. Anh đi tìm bóng áo dài trắng thướt tha thiếu nữ Hà Thành đã tan vào gió. Anh đi tìm Giọt mưa thu thánh thót lệ rơi nhạt nhòa mặt nước Hồ Gươm…

Nguyễn Đình Ngọc sống lặng lẽ, phi thường. Và anh đã ra đi, đúng vào cái nơi anh bị bắt tù khi mới mười lăm tuổi, năm 1947 ở phòng giam ở nhà thương Đồn Thủy, nơi điều trị lính Pháp, nay là bệnh viện quân y 108. Kể đến đây, chị Sính đã khóc. Khóc cho thân phận một nhà khoa học lớn, hay khóc cho mọi kiếp người Hà Nội thế kỷ XX: ” Xót thương anh vô cùng, anh Ngọc ơi! Anh bị giam ở đó vào tháng 12- 1947, thế mà tháng 7-2005 anh vào điều trị bệnh ở 108, anh hãy còn nhớ và dẫn đường chúng tôi đến chỗ bọn chúng giam anh sau khi đã bắn chết cha anh. Năm mươi tám năm trời, anh đã đi không biết bao nhiêu nơi trên trái đất này, học và làm không biết bao nhiêu việc, cả những việc vào sinh ra tử, để rồi lúc gần đất, xa trời, lại nhìn thấy nơi đầu tiên bị giam lúc chỉ mới mười lăm tuổi.” .

Giữa cánh đồng hoa

Chị Hoàng Xuân Sính của em ơi! Em kể câu chuyện cuộc đời Nguyễn Đình Ngọc mà tim đau quá! Ba năm rồi. Trăn trở. Ngọn bút trào lên, lặng xuống… từng chữ, từng câu dập dồn như sóng- thoảng thơm “Một nén tâm hương dâng linh hồn nhà Toán học Quốc tế Nguyễn Đình Ngọc- Anh hùng Ulysses của Thế kỷ XX”.

Em nghe trong tiếng chuông chùa, tiếng niệm Phật Nam Mô A Di Đà có tiếng cụ Nguyễn Công Trứ hát ru anh: “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Hồ Gươm mùa Nắng -2009 - Mai Thục

 

Thầy Nguyễn Đình Ngọc ở ĐH Khoa học Sài Gòn.

(Copy từ http://edu.net.vn/forums/t/68323.aspx)
Nguyễn Đình Ngọc ở Đại học Khoa học Sài Gòn (H. M. Để )

Từ ngày anh Nguyễn Đình Ngọc qua đời có nhiều bài viết về anh, nói nhiều đến khía cạnh thầm lặng. Có lẽ phải đợi đến khi mọi việc được phổ biến công khai mới thấy được anh đã âm thầm hoạt động thế nào trước 30.4.1975. Ở đây, người viết muốn đề cập đến lãnh vực dạy học mà anh đã không ngừng hoạt động cho đến những ngày cuối đời và khởi đầu là từ 1966 khi anh về Saigon.



Tôi vốn phụ trách phần bài tập ở vài chứng chỉ của Ban Toán tại Đại học Khoa học Saigon và có dịp cùng anh Ngọc theo dõi sách báo của Thư viện Ban Toán, anh chịu trách nhiệm về các tạp chí còn tôi các sách toán. Hoạt động giảng dạy của anh thật ra rất rộng, anh quan tâm nhiều đến việc xây dựng một curriculum toán ở bậc đại học và về giảng dạy thì anh toả đến mọi nơi có một cơ sở đại học (đại học cộng đồng ở Mỹ Tho, đại học Cần Thơ, Huế …). Về công việc này thì anh thể hiện một cá tính hoàn toàn đối lập với cá tính rất thầm lặng của con người làm điệp báo.

Anh bảo vệ chính kiến của mình một cách hăng say và không ngại đụng chạm khi cần thiết, thay đổi cấu trúc giảng dạy anh đưa ra khái niệm credit (tín chỉ, học phần - 1966), mọi nơi đều thiếu tài liệu toán học anh huấn luyện cho một nhân viên đánh máy và in ronéo các sách toán đương thời để phổ biến ở mọi nơi anh đến dạy. Chi li và quý trọng tài liệu cho những người đi sau đến độ năm 1968 lo sợ thư viện Ban Toán ở trong vùng có trụ sở Công An có thể bị tiêu huỷ anh lẳng lặng chuyển về nhà tận cư xá Công Lý một số lượng sách mà đến khi chuyển ra Hà Nội làm việc anh kêu tôi đến để nhận lại, tôi đã phải dùng một xe tải nhỏ để chuyển về trường đại học. Đến tận bây giờ tôi cũng không hình dung ra bằng cách nào mà anh một người ốm yếu chỉ đi bộ hay cao lắm là đi xe đạp lại có thể tha về từng ấy sách, nhất là lúc đường xá náo loạn vì bom đạn.



Những năm đầu tiên ở trường đại học, anh không biểu lộ chính kiến ngoài các vấn đề giáo dục. Mọi người vẫn nghĩ là phong cách sống của anh, giản dị hết mức từ ăn mặc đi lại, chỉ thể hiện tính cách lập dị thường thấy ở những nhà toán học. Cho đến tháng 9-1969 một số vị đầu ngành có mặt trong một buổi họp Hội đồng Khoa mới bàn tán về lời yêu cầu của anh dành một phút mặc niệm cụ Hồ vừa qua đời. Một việc làm có tính chất chính trị mạnh làm cho nhiều người phải ý thức phần nào về đất nước lúc bấy giờ vì trong đại học ngoài sự lên tiếng của nhóm ít sinh viên tiến bộ còn ở mọi giới khác thì rất yên ắng gần như là dửng dưng. Các chính sách khéo léo phía cầm quyền như là không động viên đi quân dịch số đông trí thức trẻ trong đại học, chỉ qua 9 tuần huấn luyện quân sự rồi cho biệt phái về trường tiếp tục dạy học cũng làm tê liệt mọi mầm mống phản chiến.

Từ những năm 1970 các phong trào sinh viên chống chính quyền, bãi khoá trong nhiều trường đại học nhưng anh Ngọc vẫn tập trung vào việc chuyên môn của mình.



Chỉ đến sau ngày 30-4 một buổi sáng anh đi cùng một vị khách lái xe hơi vào gặp Ban Quân quản nhà trường, vị khách tướng mạo như David More. Anh được giới thiệu thuộc tổ chức của an ninh và vị khách là một ông Tân (người thì gọi là Hai, Tư, Chín Tân) mà về sau được biết là phụ trách phía Nam của bộ phận về an ninh. Ông Tạ Bá Tòng người công tác về trí vận cũng khéo léo thông báo chính ông là người đã đưa anh Ngọc đến Mỹ Tho móc nối lại với tổ chức của anh ấy.

..

Trong những ngày đầu mọi hoạt động giảng dạy không còn và bấy giờ anh em giảng dạy trong Ban Toán chỉ gặp nhau trong các buổi sinh hoạt về chính trị, anh Ngọc lại có một nhiệm vụ “quân quản” khu đại học của nhà trường ở Thủ Đức – lúc ấy công việc ở khu này là giữ cho trọn vẹn cơ sở vật chất và anh đã làm công việc này chỉ với sự giúp đỡ của ông Thuỷ vốn là người từng phụ giúp anh trong công việc đánh máy và nhân bản các sách toán. Việc anh phải chăm sóc khu này là công việc cực nhọc và cũng có nguy hiểm, cạnh đó khu thuộc trường Nông Lâm Súc bị vào lấy mọi vật liệu trong khuôn viên. Bây giờ có đến khu campus này người ta khó hình dung được công việc anh đã hoàn thành, ngày ấy các khối nhà và các giảng đường tuy đã hình thành khang trang nhưng chẳng mấy ai trong nhà trường chịu di chuyển đến để giảng dạy, trước 30.4 chỉ có mỗi một bộ môn Sinh Hoá có lớp học ở đấy – sau 30.4 đi lại khó khăn chỉ có thể đi bằng xe đạp mà đâu phải mọi nơi đều có người giữ gìn trật tự an ninh.

Một thời gian sau anh trở ra Hà Nội nhưng gần đây tôi mới được biết là anh cũng phải qua một thời gian đến 1990 sau khi có bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ lên anh mới làm việc lại trong cái lãnh vực của anh. Qua báo chí được biết là anh có mặt trong các hội khoa học và về giảng dạy thì gần như đến những ngày cuối anh vẫn vào Saigon dạy về môi trường trong trường đại học khoa học ngày trước. Tin anh qua đời lại đến với tôi từ bạn NNG ở Paris, anh BTL có viết về “Cố Nhân” trên viet-studies và Diễn Đàn ; bằng trí nhớ tôi chỉ gợi lại thời gian không mấy ai có dịp gần anh, điều tôi cảm nhận về anh là một nhân cách hiếm có.



Gần đây khi ông Phạm Xuân Ẩn qua đời một nhà báo Mỹ có kết luận về ông : ông là một ví dụ toàn hảo của những gì tốt đẹp nhất trong con người Việt nam. Tôi nghĩ là anh Nguyễn Đình Ngọc mà tôi có dịp được biết dù không được gần gũi nhiều cũng là một ví dụ. Chỉ tiếc là mẫu người cần có biết bao trong một nước kém phát triển thì hiện nay như lá mùa thu và ý này là của một nhà xã hội học Ý trong sách Le Tiers Monde dans l’impasse : “Để vượt qua tình trạng kém mở mang thì trong một nước nghèo, người dân nhất thiết phải thắt lưng buộc bụng nhưng lãnh đạo thì phải sống khắc kỉ”. Và anh Nguyễn Đình Ngọc là một con người đã sống khắc kỉ.

H. M. Để

Nhà khoa học - Nhà giáo - Điệp viên Nguyễn Đình Ngọc.

(Copy từ http://edu.net.vn/forums/t/68323.aspx)
Nhà khoa học - điệp viên Nguyễn Đình Ngọc
Trong lịch sử trăm năm giành lại nền độc lập và thống nhất đất nước, nhiều nhà khoa học thành đạt đã gác bỏ sự nghiệp, vinh hoa ở xứ người về nước dấn thân vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc. Nhà khoa học, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc cũng là một trường hợp như vậy.


Trong cuộc đời làm báo, tôi có may mắn tiếp xúc với ông, một con người có cuộc đời sôi nổi, phong phú, một thời gian dài hoạt động trong lòng đối phương.

Ngày ấy, trong nhiều cuộc họp báo, hội thảo khoa học tôi đều thấy ông ngồi trên đoàn chủ tịch. Ông dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo, có đôi mày đậm xếch ngược của võ tướng thời xưa, chỉ càng làm gương mặt ông toát lên vẻ hiền từ, sáng láng. Bao giờ cũng thấy ông mặc bộ quân phục xanh bạc mầu, đầu đội mũ mềm, đeo cặp kính trắng có cái dây vòng sau gáy, những người quen biết ông đều bảo, ông giản dị đến xuềnh xoàng, đi đâu cũng chỉ vận mỗi bộ cánh như thế.

Đó là Tiến sĩ khoa học, nguyên Giáo sư của nhiều đại học ở Sài Gòn, Cần Thơ… trước và sau năm 1975. Là điệp báo viên ở Sài gòn từ 1966 đến năm 1975, sau 1975 là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông - Tin học, Bộ Công an, Phó ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin; Phó chủ tịch Hội Điện tử - Viễn thông; Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; thành viên sáng lập Đại học Thăng Long. Ông sinh ngày 13/8/1932, mất ngày 2/5/2006; chào đời và trút hơi thở cuối cùng đều tại Hà Nội.
Tôi nhiều lần chủ ý tiếp cận ông, nhưng vẫn chỉ là những cuộc trao đổi ngắn về nội dung của cuộc hội thảo cụ thể nào đó, ông luôn tỏ ra bận rộn, khiêm nhường. Thế rồi một hôm, có người bạn cho tôi xem công trình nghiên cứu mới của ông, đề tài nhánh của Chương trình cấp nhà nước mang mã số KX.06.
Cái tên của đề tài đã gây sự chú ý, bởi nó nửa khoa học tự nhiên, nửa khoa học xã hội: “Khoa học công nghệ với các giá trị văn hoá”. Tâm điểm hấp dẫn của công trình “hai nửa” này là ở chỗ, từ một công thức thuần tuý lý thuyết trong vật lý hiện đại - Thuyết Tương đối của A. Einstein, tác giả đã vận dụng vào hoàn cảnh nước ta để tìm lời giải chung nhất cho bài toán chính trị - xã hội phức tạp, là muốn thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, từ một nước chậm phát triển trở thành phát triển.

Xin trích một đoạn thú vị nhất của đề tài, mà tin chắc những ai ngoại đạo về toán - lý như tôi vẫn có thể hiểu.

Trong vật lý, biểu thức nổi tiếng của nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein, mô tả mối liên hệ giữa khối lượng m của một vật thể với năng lượng E mà vật thể này có thể giải phóng như sau:

E = m x c2 , với c là vận tốc ánh sáng.

Vận dụng vào lĩnh vực chính trị xã hội, nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc mô tả mối liên hệ giữa các “đại lượng” phi vật thể dưới dạng biểu thức tương tự như sau:

Kiến thức = Khối lượng dữ kiện x (Tốc độ xử lý)2

Tri thức = Khối lượng kiến thức x (Tốc độ mô phỏng)2

Quyết thức = Khối lượng kiến thức x (Tốc độ mô phỏng-Dự báo-Lựa chọn)2.

Các biểu thức trên đã cho thấy, kiến thức hay tri thức đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những quyết thức, hay nói cụ thể hơn là các quyết sách, các chủ trương đường lối… Nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc cho rằng: “Ông cha ta xưa kia đã nói biết thì sống, tức cũng là đề cao vai trò của Quyết thức trong những trường hợp sống còn của dân tộc”.

Có thể mở rộng ra tầm quan trọng của vấn đề dân trí đối với xã hội, với đất nước. Như ông Ngọc đã nhấn mạnh: “Dân trí phải được chú ý ngay từ bây giờ, từ những công dân tí hon bước vào lớp mẫu giáo…”

Sau khi đọc kỹ công trình, tôi viết một bài báo ngắn “Từ Kiến thức đến Quyết thức”. Rồi một hôm, tôi nhận được cú điện thoại ông mời đến gặp tại trụ sở Ban chỉ đạo về công nghệ thông tin. Trong cuộc nói chuyện khá cởi mở, thân tình hôm đó, tôi mới hiểu vì sao ông giác ngộ yêu nước và cách mạng từ rất sớm và trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông vẫn kiên trì, liên tục học tập nâng cao hiểu biết.

Ông sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, có bốn anh em, ông là con cả. Cha ông, bác sĩ Nguyễn Đình Diệp giàu lòng yêu nước, trước năm 1945 đã bị thực dân Pháp bắt tù đày ở nhà tù Sơn La. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, bác sĩ Diệp là Quân y xá trưởng tỉnh Phúc Yên.


TS.Trương Mỹ Dung vợ GS Nguyễn Đình Ngọc nhận Giải thưởng Sao Khuê cho SG Nguyễn Đình Ngọc.

Cuối năm 1947, trong một trận càn, bác sĩ Diệp cùng cậu bé Ngọc lúc đó mới 15 tuổi bị bắt. Giặc áp giải đến Đáp Cầu, Bắc Ninh thì tách cha con ra và từ đó ông không bao giờ còn được gặp lại cha mình nữa. Lúc chia tay người cha chỉ dặn con mỗi câu: “Con hãy cố học và giúp người khác học, dân mình khổ trước hết vì giặc dốt đấy”.

Nhiều năm sau đó Nguyễn Đình Ngọc luôn trăn trở về lời cha dặn. Đó là điều tâm huyết nhất của cha, một trí thức trải kiếp nô lệ, từng thấy dân mình chìm đắm trong ngu dốt, lạc hậu. Điều này cũng giải thích vì sao, trong công trình nghiên cứu của ông, quyết thức nâng cao dân trí trở thành điểm mấu chốt, được đề cao đến vậy!

Năm 1953, ông được tổ chức đưa ra nước ngoài học tập. Gần 10 năm sống, học tập tại Paris, Pháp, ông đã giành được các bằng cấp, đều thuộc loại xuất sắc, như: kỹ sư khí tượng; kỹ sư viễn thông; kỹ sư đóng tàu; tiến sĩ địa vật lý; tiến sĩ toán học. Về nước tháng 2 năm 1966, ông được chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm vào vị trí giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn.

Ít ai ngờ rằng, ông còn nằm trong tổ chức điệp báo ông với bí danh “Diệp Sơn” (ghép tên cha và em trai đã mất).

Mãi đến sau ngày nước nhà thống nhất, cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo mới được hé lộ, họ có những “vỏ bọc” thật khác nhau. Chẳng hạn: nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn là ký giả; nhà tình báo Vũ Bằng là nhà văn; nhà tình báo Đức Phương là nhà buôn…

Với Nguyễn Đình Ngọc, ông chọn nghề giáo sư đại học, song đó không hoàn toàn là “cái vỏ”, ông là nhà khoa học thứ thiệt, có kiến thức uyên thâm, đa dạng, càng có lợi hơn trong thực thi nhiệm vụ điệp viên.

Trong buổi trò chuyện giữa chúng tôi hôm đó, trả lời cho câu hỏi, sao phải học nhiều bằng đến vậy, ông kể một chuyện của năm 1970.

Thấy tướng tá Sài Gòn rộ lên việc tìm hiểu tình hình khí tượng thuỷ văn vùng tây bắc Sài Gòn, cho người đến tham khảo ông với tư cách chuyên gia khí tượng từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông đã suy ra, sẽ có một cuộc hành quân lớn với nhiều trực thăng vào khu vực ấy, chủ yếu nhắm tới Tây Ninh và vùng giáp biên giới Campuchia, có cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Nhận định, rồi tổng hợp các động thái khác của đối phương, ông chuyển tin đi ngay về căn cứ… Vào năm 1980 trong chuyến công tác với đoàn Quốc hội sang Campu chia, tôi nghe một vị lãnh đạo cao cấp trong đoàn kể lại, vào thời điểm ấy ông cùng nhiều vị Trung ương cục đã thoát hiểm do được điệp báo ta báo trước kịp thời.

Chắc hẳn còn có những tin tức tình báo hệ trọng mà ông không kể hết. Chẳng hạn, cuối tháng 4/1975, do phân tích tình hình thời cuộc kịp thời, chuẩn xác, ông là một trong những người đi đến kết luận: Mỹ sẽ buông tay không can thiệp trở lại. Những nguồn tình báo như vậy đã góp phần giúp lãnh đạo có căn cứ thúc đẩy cuộc tổng tiến công thần tốc vào hang ổ cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

Sau ngày giải phóng, ông ra công khai, làm việc trong Bộ Công an, có điều kiện sử dụng khả năng chuyên môn đa dạng của mình cho công tác quản lý và nghiên cứu khoa học… Ông được trở lại với niềm đam mê làm khoa học. Đúng như GS Hoàng Xuân Sính, người có nhiều năm quen biết GS Nguyễn Đình Ngọc từ hồi còn ở bên Pháp, khi ông qua đời đã viết: “Anh làm khoa học như để bõ cơn thèm, vì đã không được toàn tâm toàn ý cho nó do bận làm tình báo một thời gian dài. Anh sinh ra để làm khoa học, đó là ham thích duy nhất của đời anh…”.

Người ta nói, con người, từ cổ chí kim, có ba đam mê: quyền lực, tiền bạc và phụ nữ. Nguyễn Đình Ngọc thoát khỏi cái vòng kim cô đó, nhưng lại mắc phải cái đam mê của các nhà khoa học thực sự, đó là sự say mê khám phá. Chính nhờ niềm đam mê đó nhân loại đã từ bóng đen dốt nát đến với ánh sáng hiểu biết tuyệt vời.

Nhà khoa học yêu nước, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc may mắn theo đuổi niềm đam mê ấy đến tận những năm tháng cuối đời.

Theo Phạm Quang Đẩu - Vietnamnet





Nhà khoa học, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc.